TMV Mailisa: Nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật?

Biên tập viên

Dù đã hoạt động nhiều năm nhưng trang thương mại điện tử của hệ thống TMV Mailisa vẫn chưa đăng ký với Bộ Công thương và được Bộ này xác nhận theo quy định.

Trang thương mại điện tử chưa đăng ký theo quy định

Theo nội dung quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tất cả website bán hàng, website thương mại điện tử không đăng ký, thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng, phạt tiền từ 20-30 triệu đồng khi thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử mà chưa được xác nhận đăng ký theo quy định. Đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 1 năm nếu tái diễn hành vi vi phạm.

Chiếu theo nội dung trên, trang web “mailisa.com” của Thẩm mỹ viện Mailisa (trụ sở chính 127 Huỳnh Văn Bánh, P.17, Q. Phú Nhuận Tp.HCM do bà Phan Thị Mai làm Tổng giám đốc) có dấu hiệu vi phạm quy định.

Trang web mailisa.com có dấu hiệu vi phạm quy định.

Cụ thể, ghi nhận của phóng viên (PV), ngày 23/4/2019 trang thương mại điện tử “mailisa.com” vẫn chưa hoàn tất thủ tục đăng ký theo quy định được thể hiện bằng hiển thị nội dung: “Đã thông báo với Bộ Công thương”, “Đã đăng ký với Bộ Công thương” kèm theo xác nhận của Bộ này ở dưới chân trang web.

Điều đáng nói là trang web “mailisa.com” nơi đăng tải nhiều dịch vụ thương mại (nằm trong diện phải đăng ký) của hệ thống TMV Mailisa đã hoạt động suốt nhiều năm nhưng vẫn bỏ qua việc thực hiện quy định trên.

Để đảm bảo tính thượng tôn pháp luật, đề nghị Cục quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh - Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh sớm vào cuộc, kiểm tra xử lý việc hoạt động khi đăng ký theo quy định.

TMV Mailisa vi phạm luật quảng cáo?

Theo ghi nhận của PV (ngày 23/4/2019) trang web fanpage của Thẩm mỹ viện Mailisa tự nhận: “Tự hào có lượng khách đông nhất Việt Nam trong ngành thẩm mỹ”.

Hành vi quảng cáo tự nhận là “nhất Việt Nam” của TMV Mailisa có dấu hiệu vi phạm Luật quảng cáo năm 2012. Bởi các đơn vị chỉ được thừa nhận là “nhất”, “đầu tiên”, “duy nhất” hoặc tương đương khi có tài liệu chứng minh theo quy định của pháp luật.

Một chi nhánh của TMV Mailisa

Cụ thể Khoản 11, Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012 quy định các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo gồm: Việc quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một (1)” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Khoản 2, Điều 2 Nghị định 28/2017/NĐ-CP quy định hành vi quảng cáo sử dụng từ ngữ “nhất”, “số 1” nhưng không có tài liệu hợp pháp chứng minh có mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với các tổ chức vi phạm.

Việc các tổ chức, đơn vị tự thổi phồng chất lượng dịch vụ, tự nhận là “nhất” “số 1” dễ khiến khách hàng có sự hiểu nhầm, đồng thời tạo ra cạnh tranh không lành mạnh so với những đơn vị tuân thủ nghiêm quy định.

Dư luận đặt câu hỏi, dựa vào tiêu chí nào và được tổ chức nào công nhận là “Tự hào có lượng khách đông nhất Việt Nam trong ngành thẩm mỹ”?

Dấu hiệu vi phạm của TMV Mailisa trong việc thực hiện làm đẹp bằng tế bào gốc chưa được cấp phép sẽ được tòa soạn thông tin đến độc giả trong bài viết tiếp theo.

PV