Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14/2. Thông tư có nhiều quy định mới liên quan đến dạy thêm, học thêm, trong đó giáo viên không được dạy thêm có thu tiền với học sinh mà mình đang dạy trên trường; giáo viên khi dạy thêm ngoài nhà trường mà có thu tiền của học sinh thì buộc phải đăng ký kinh doanh...
Đây là lí do nhiều giáo viên, trường học đồng loạt dừng dạy thêm, dừng dạy tăng cường từ ngày 14/2 tới đây.
Quản lý con ra sao?
Trước thông báo từ nhà trường, không ít phụ huynh bày tỏ lo lắng về việc quản lý con ra sao nếu tới đây sẽ thêm một buổi ở nhà, thay vì ở trường cả ngày như trước.
Chia sẻ với VietNamNet, chị Hoa, một phụ huynh tại thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) bày tỏ rất lúng túng trong việc quản lý con cũng như lo lắng kết quả học tập của con có thể giảm sút khi nay chỉ học một buổi sáng chính khóa trong khi bấy lâu con chị vốn theo guồng học ở trường cả ngày.
“Nhà trường thông báo chỉ còn dạy thêm trong nhà trường cho học sinh có kết quả học tập ở mức chưa đạt hoặc được lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi, tuy nhiên số này rất ít. Việc tổ chức các hoạt động như rèn luyện kỹ năng sống, bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao chỉ được mấy buổi chứ không thể vào tất cả các buổi chiều trong tuần. Giờ đây, con sẽ phải tự học, tự làm chủ thời gian. Tôi lo lực học của con sẽ giảm sút, đặc biệt là học sinh cuối khóa sắp thi vào lớp 10 cạnh tranh khốc liệt”, chị Hoa nói.
Trước thông báo từ trường học về việc ngừng tổ chức dạy thêm, không ít phụ huynh bày tỏ sự lo lắng về việc quản lý con ra sao nếu tới đây sẽ thêm một buổi ở nhà. Ảnh minh họa
Chị lo trong điều kiện xã hội ngày nay, việc để con ở nhà một mình rất dễ xảy đến tiêu cực, nhất là việc trẻ mải lướt điện thoại với vô vàn thông tin không lành mạnh cám dỗ.
“Con ở lứa tuổi này thường rất dễ mất tập trung, bị ảnh hưởng bởi những mối quan tâm xung quanh. Ở trường có thầy cô giám sát, nhưng ở nhà, bố mẹ đi vắng hết, không biết sẽ quản lý ra sao. Chưa kể các con còn rủ nhau đi chơi có thể dẫn đến tai nạn giao thông, đuối nước, thậm chí bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật”, chị Hoa nói.
Chị chia sẻ, có thể nhiều trường hợp học thêm ở trường không hiệu quả cao nhưng các gia đình vẫn muốn cho con tham gia bởi ít nhất là chắc chắn con được trú ngụ ở một môi trường an toàn.
Sấp ngửa tìm "cửa" mới cho con học thêm
Chị Lan Anh, ở quận Long Biên, Hà Nội, có con gái học lớp 9 Trường THCS Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội). Dù giáo viên chưa ra thông báo chính thức về việc dừng dạy thêm, chị vẫn lo. Người mẹ đánh giá học thêm ở trường có hai lợi ích lớn.
Cụ thể, báo VnExpress dẫn lời người mẹ cho hay, thứ nhất là giúp quản lý và đôn đốc con vì không phải em nào cũng biết tự học và quản lý thời gian. Nếu nghỉ tất cả buổi chiều, chị lo con mải chơi, lười học. Trong khi đó, kỳ thi vào lớp 10 rất căng thẳng.
Thứ hai là học phí rẻ. Chị Lan Anh chỉ phải trả hơn 30.000 đồng một buổi học thêm ở trường, trung bình một tháng 800.000-900.000 đồng. Còn ở trung tâm bên ngoài, chị từng tìm hiểu và biết học phí gấp 3-5 lần. Nếu ra học thêm bên ngoài, chị không chỉ thêm lo về tiền mà còn sợ con không quen với thầy cô mới, chưa biết có phù hợp hay không trong khi học kỳ II là giai đoạn nước rút ôn tập.
"Tôi lo lắm. Giờ nếu bảo tôi viết đơn, hay cùng các phụ huynh khác đi xin cơ quan chức năng để trường được dạy thêm thì tôi cũng làm", chị nói.
Tương tự, chị Phương Hoa, ở quận Hà Đông, Hà Nội, cho rằng 45 phút một tiết trong chương trình chính khóa là không đủ để học sinh hiểu sâu, nắm kỹ bài. Vì vậy, khi không còn được học thêm, chị "cũng lo".
Ở chiều hướng ngược lại, nhiều phụ huynh lại bày tỏ sự nhẹ nhõm khi thấy thời khóa biểu của con không còn dày đặc lịch học thêm.
Trả lời trên báo Lao động, chị Phạm Thị Thanh Huyền (47 tuổi), có con đang theo học một trường THPT trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cảm thấy nhẹ nhõm khi nhìn vào thời khoá biểu của con.
“Con tôi đang học lớp 12 nên lịch học vô cùng dày đặc, thường xuyên là kín các ngày trong tuần. Đặc biệt khi con đang trong giai đoạn ôn thi đánh giá năng lực. Việc dừng học thêm trong nhà trường sẽ giúp con có thời gian hơn vào các định hướng riêng", chị Thanh Huyền tâm sự.
Trên các diễn đàn về giáo dục, nhiều phụ huynh cũng có cảm xúc tương tự chị Huyền. Theo khảo sát của VnEpxress, tính đến tối 6/2, khoảng 62% trong hơn 4.100 độc giả ủng hộ quy định mới. Một số nhà giáo cũng nhìn nhận việc dừng dạy thêm có tác động tích cực.