Không chia sẻ khó khăn còn nhanh tay đòi tiền
Giữa lúc khó khăn chung của xã hội trong mùa dịch, nhiều phụ huynh có con học tại các trường quốc tế thấy ấm ức vì dù học sinh đang ở nhà nhưng học phí vẫn tính đủ bình thường.
Chị Vũ Thị Hồng (nhân viên ngân hàng, ngụ quận 2) có hai con đang học tại trường quốc tế Mỹ chia sẻ: “Trường ngưng hoạt động, tránh dịch từ đầu tháng Hai. Sau đó, trường có tổ chức dạy học online. Nhưng tôi thất vọng khi nhận được thông báo đóng học phí quý IV cho hai con là hơn 248 triệu đồng, cộng thêm phí nộp chậm 44 ngày (từ ngày 1/3-14/4) gần 5,5 triệu đồng”.
Cũng như chị Hồng, không ít phụ huynh trường này choáng, không hiểu nổi vì sao trường tính nguyên học phí trong thời gian học sinh phải học ở nhà, còn cả phí chậm trả.
Tương tự, nhiều phụ huynh trường THCS và THPT Sao Việt (VSTAR School) tại quận 7, TP.HCM cũng bất ngờ khi nhận được thư ngỏ đóng học phí năm học 2020-2021. Theo biểu phí đính kèm thư ngỏ, học phí (đóng trọn năm) thấp nhất là hơn 96 triệu đồng với lớp 1 và cao nhất gần 300 triệu đồng với lớp 12. Tất nhiên, muốn hưởng mức học phí thấp nhất thì phụ huynh phải đóng tiền sớm. Trường đưa ra 4 mốc thời gian đóng học phí: trước ngày 30/4, trước ngày 31/5, trước và sau ngày 30/6. Mỗi mốc thời gian như vậy số tiền chênh lệch từ vài triệu đến mười mấy triệu đồng.
Phụ huynh Đỗ Minh Hồ Hải (nhân viên kinh doanh ô tô, ngụ quận 7, TP.HCM) bức xúc: “Tình hình dịch bệnh không ai muốn, trường lại ra yêu cầu đóng học phí sớm lúc này được hiểu như tận thu chứ không phải chia sẻ khó khăn với nhau. Trường lấy lý do vẫn trả lương giáo viên để thu học phí đầy đủ, không giảm trừ là không hợp lý. Bởi học phí đã đóng là cho tất cả các môn học, giờ rất nhiều môn không thể học qua online mà vẫn thu phí, tiền cơ sở vật chất đã đóng cũng không sử dụng gần nửa năm học. Năm cũ chưa biết thế nào đã nhận thêm thông báo đóng học phí, cơ sở vật chất, đồng phục cho năm sau...là gánh nặng không nhỏ”.
VSTAR School bị phụ huynh phản ứng vi không đưa đón học sinh vẫn thu phí.
Trả lời bằng văn bản, về học phí học kỳ II, trường này cho biết sẽ chờ công văn chính thức từ UBND TP về ngày học sinh quay trở lại trường và ngày kết thúc năm học. Ngay sau đó, VStarSchool sẽ có câu trả lời thỏa đáng cho phụ huynh. Trường cam kết tôn trọng chính sách học phí (bao gồm chính sách hoàn phí) đã công bố.
Các phí dịch vụ như ăn sáng, xe buýt, nội trú, nếu phụ huynh có nhu cầu hoàn phí không tiếp tục sử dụng trong các tháng còn lại liên hệ phòng tuyển sinh sẽ được hoàn phí theo chính sách đã ban hành. Phụ huynh tiếp tục sử dụng, phí sẽ được tính trên thời gian sử dụng thực tế.
Mâu thuẫn tăng theo học phí
Căng thẳng hơn những lời phàn nàn, một số phụ huynh các trường quốc tế khác đã có động thái quyết liệt. Trong đơn kêu cứu gửi đến Bộ trưởng bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ, nhóm phụ huynh trường quốc tế Úc (AIS Saigon) còn mong muốn lãnh đạo UBND TP, sở GD&ĐT TP có tiếng nói. Theo phụ huynh, dù có nhiều bất cập và hiệu quả kém của phương pháp học online nhưng nhà trường vẫn thu đủ học phí.
Cụ thể, ngày 6/4 nhà trường đã ra thông báo về việc đóng học phí năm học 2020-2021 nhưng không hề đề cập đến việc hoàn trả học phí trong thời gian học sinh học online. Sau nhiều ý kiến của phụ huynh, ngày 17/4, trường AIS Saigon ra thông báo về các mức hoàn trả học phí theo bậc học. Theo đó, mức hoàn trả học phí cho các lớp mầm non là 20%, các lớp tiểu học là 12%, các lớp còn lại là 5% trên tổng số học phí tính theo số ngày học online. Tuy nhiên, trường kèm theo điều kiện phụ huynh phải tiếp tục cho con em theo học tại trường.
Không đồng ý với cách tính này, phụ huynh kiến nghị trong đơn cầu cứu, trường phải hoàn trả học phí cho khoảng thời gian trường tạm nghỉ do dịch bệnh từ 50% đến 70%. Ngoài ra, phụ huynh yêu cầu trường phải hoàn trả 100% các khoản thu ngoài học phí như: xe đưa đón, các lớp học ngoại khóa.
Nhiều nhóm phụ huynh trường quốc tế dân lập Việt Úc đã làm đơn kiến nghị.
Còn phụ huynh Nguyễn Thạch Thảo (luật sư, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) đã soạn đơn kiến nghị những bất cập trong việc thu học phí của trường quốc tế dân lập Việt Úc (VAS) và được rất nhiều người khác ủng hộ. Theo ông Thảo, tính đến ngày 18/4, đã có hàng trăm phụ huynh từ 7 cơ sở của hệ thống trường Việt Úc cùng ký tên vào đơn nhằm gửi đến cơ quan chức năng như sở Giáo dục & Đào tạo, UBND TP.HCM. Ngoài nhóm của ông Thảo, nhiều nhóm phụ huynh khác của trường này cũng làm đơn kiến nghị, ước tính gần 2.000 chữ ký.
Đồng thời, ông Thảo cũng khẳng định, các phụ huynh hoàn toàn chia sẻ với những khó khăn của nhà trường. Nhưng không thể quá bất công, áp đặt bất hợp lý như hiện nay.
“Chúng tôi và nhà trường đang thực hiện một giao dịch dân sự. Phía nhà trường đang là bên cung cấp dịch vụ và chúng tôi là bên sử dụng dịch vụ của nhà trường. Hơn nữa, đây là dịch vụ rất đặc biệt, vì nó là môi trường giáo dục nên giá trị cốt lõi của môi trường giáo dục là tính nhân văn, đạo đức và tình người. Nếu nhà trường không có giải pháp cụ thể, rõ ràng và hợp lý, chắc chắn sẽ đối diện hàng loạt các vụ kiện tụng nổ ra. Và tôi sẽ là người chính thức thuê luật sư phát đơn khởi kiện về điều đó khi quyền lợi của con tôi và của gia đình tôi bị xâm phạm một cách đáng kể”, vị phụ huynh này nói.
Chưa có tiền lệ, khó tránh lúng túng
Đối diện những vụ việc này, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc sở GD&ĐT TP.HCM cho biết: “Khi có đề nghị, chúng tôi sẽ kiểm tra, tìm hiểu, xem xét nhà trường có làm đúng thỏa thuận với phụ huynh hay không. Với những trường ngoài công lập, Sở không can thiệp về học phí, đó là sự thỏa thuận giữa nhà trường và người học. Tuy nhiên, học phí phải được công khai và được tất cả phụ huynh đồng ý”.
Trước đó, Sở cũng đã có văn bản hướng dẫn các trường ngoài công lập, trong đó có các trường có yếu tố nước ngoài thu học phí phải có sự thỏa thuận với phụ huynh và có sự thống nhất, đồng thuận giữa hai bên.
Thực tế, nhiều phụ huynh sẵn sàng chia sẻ một phần, hỗ trợ nhà trường trong thời điểm dịch bệnh tác động xấu đến xã hội. Tuy nhiên, nếu không đạt được thỏa thuận với nhà trường, phụ huynh phải làm gì?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam phân tích, phụ huynh hoàn toàn có thể kiện nhà trường ra tòa, nếu không thỏa thuận được mức thu học phí trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng đến điều kiện dạy học.
Tuy nhiên, ông Hậu khuyên phụ huynh nên khiếu nại vấn đề này đến thanh tra ngành giáo dục, trước khi tiến hành khởi kiện. Trường hợp hai bên phải đưa ra tòa để giải quyết, tòa sẽ yêu cầu nhà trường giải trình tổng chi phí trả cho giáo viên, phần mềm, tài liệu, cơ sở vật chất, đường truyền... chia trên số học sinh để có mức phí đúng.
Cũng theo vị luật sư, giáo dục là dịch vụ đặc biệt nên trong cách cư xử phải thận trọng và nhân văn. Bộ GD&ĐT nên có chế tài hoặc hướng dẫn cụ thể cho các trường. Những tranh chấp vì yếu tố bất khả kháng như dịch bệnh là chưa có tiền lệ nên chắc chắn cả phụ huynh và nhà trường đều lúng túng.
Đành rằng rất khó can thiệp vào chuyện học phí của các trường tư, nhất là trường quốc tế vì họ hoạt động như doanh nghiệp. Cơ quan quản lý giáo dục chủ yếu giám sát chuyên môn, còn học phí là thỏa thuận và tự nguyện thể hiện qua những “hợp đồng” giữa nhà trường và phụ huynh trước khi nhập học.
Góp ý kiến, ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận nhận xét, nhà trường nên thu phí ở mức vừa phải, đủ cầm cự qua mùa dịch. Việc này vừa tạo sự đồng thuận, đồng thời cũng giữ được niềm tin của phụ huynh với trường.
“Mức thu vừa phải, chấp nhận được trong bối cảnh hiện nay là bằng 50% học phí chính thức trở xuống. Những trường thu học phí online bằng 70-80%, thậm chí ngang bằng học phí bình thường là quá cao, không hợp lý. Các trường ngoài công lập nên cùng chia sẻ, giữ niềm tin của phụ huynh để sau dịch có thể hoạt động bình thường trở lại hơn là thu phí cao. Nếu thu không hợp lý, phụ huynh hoàn toàn có thể chuyển trường cho con. Khi đó, chẳng những các trường không được mà còn mất nhiều hơn”, ông Thái chỉ ra.