Trong thời gian qua, Tạp chí Đời Sống & Pháp Luật, cơ quan ngôn luận của Hội Luật gia Việt Nam nhận được phản ánh về một số dự án xây dựng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có dấu hiệu vi phạm pháp luật, điển hình như: Dự án OSIMI tại thành phố Phú Mỹ chưa đầy đủ thủ tục pháp lý đã huy động vốn; Dự án Khu du lịch Vũng Tàu Regen xây dựng trái phép khi chưa có ĐTM; Dự án Marina Bay Vũng Tàu vi phạm TTXD, công trình lấn biển, thiếu ĐTM, Chuyên trang Diễn Đàn Pháp Luật - Tạp chí Đời Sống & Pháp Luật đã giới thiệu phóng viên liên hệ làm việc với các cơ quan chức năng tại địa phương, nhằm làm rõ các vấn đề liên quan.
Tuy nhiên, thay vì phối hợp, làm tốt công tác cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí theo quy định, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã né tránh, thậm chí có dấu hiệu bưng bít thông tin bằng một văn bản hoàn toàn không có căn cứ về pháp lý. Trước đó, cũng chính người ký công văn này nhiều lần trì hoãn, đưa ra những lý do rất phi lý để từ chối cung cấp thông tin. Việc cố tình né tránh cung cấp thông tin cho báo chí của thanh tra Sở Xây dựng tỉnh BR-VT, cụ thể là bà Phó Chánh Thanh tra Nguyễn Thị Thu Thảo phải chăng nhằm “bảo kê" cho hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về xây dựng của một số dự án trên địa bàn?
Cụ thể, ngày 24/8/2020, Thanh tra Sở Xây dựng ra Văn bản số 110/CV-TTrSXD (do bà Nguyễn Thị Thu Thảo - Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ký) từ chối việc cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định của pháp luật. Viện dẫn một cách sai lệch văn bản số 1173/STTTT-TTBCXB ngày 10/8/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, bà Thảo đã từ chối cung cấp thông tin cho phóng viên với lý do được đưa ra là không đúng “tôn chỉ, mục đích”.
Đáng nói là ngay trong văn bản, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng nêu rõ tôn chỉ, mục đích của Tạp chí Đời Sống & Pháp Luật: “Cập nhật tin tức, hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam. Định kỳ theo kỳ xuất bản (đối với loại hình tạp chí in), định kỳ cập nhật thông tin theo quy định pháp luật (đối với loại hình tạp chí điện tử) để thông tin chuyên sâu, chuyên ngành; Giới thiệu, đăng tải kết quả nghiên cứu khoa học; Phân tích, đánh giá; Tham gia tư vấn, phản biện trong việc xây dựng và thi hành pháp luật, góp phần xây dựng nền khoa học pháp lý, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.
Như vậy, trong nội dung tôn chỉ, mục đích Tạp chí Đời Sống & Pháp Luật đã nêu rõ việc tham gia “Phản biện trong việc xây dựng và thi hành pháp luật”. Việc liên hệ với Thanh tra Sở để tìm hiểu tình hình thi hành, áp dụng và chấp hành các quy định pháp luật về xây dựng trong thực tiễn là hoàn toàn phù hợp với tôn chỉ mục đích của Tạp chí Đời sống & Pháp luật.
Theo Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, ngày 23/7/2012, của Chính phủ về việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật có quy định 03 nội dung gồm: Tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết văn bản quy phạm pháp luật; Tình hình đảm bảo các điều kiện cho thi hành pháp luật; Tình hình tuân thủ pháp luật.
Trong đó “Tình hình tuân thủ pháp luật” dựa trên 03 tiêu chí: “3a. Tính kịp thời, đầy đủ trong việc thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền;
3b. Tính chính xác, thống nhất trong hướng dẫn áp dụng pháp luật và việc áp dụng của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền;
3c. Mức độ tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức và cá nhân; các loại vi phạm pháp luật phổ biến, mức độ của các vi phạm, nguyên nhân chủ yếu của tình hình vi phạm”.
Như vậy, phóng viên Tạp chí Đời sống và Pháp luật tìm hiểu, phản ánh, thu thập các tài liệu để tác nghiệp, tìm hiểu tính đúng, sai liên quan đến hoạt động chấp hành, thực thi pháp luật của các tổ chức, cá nhân để phản biện trong việc xây dựng và thi hành pháp luật, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn phù hợp với tôn chỉ mục đích của Tạp chí.
Tại Mục 2, Điều 25 của Luật Báo chí quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà báo
2. Nhà báo có các quyền sau đây:
a) Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp;
b) Được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật;
c) Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật;
d) Được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật;
Căn cứ vào các nội dung nêu trên, việc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu từ chối trả lời nội dung làm việc của Phóng viên Tạp chí Đời Sống & Pháp Luật là sai quy định. Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu có dấu hiệu bao che, không cung cấp thông tin cho báo chí, vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí. Điều này không khỏi tạo ra sự bức xúc trong dư luận khi chính các cơ quan chính quyền quản lý trực tiếp các doanh nghiệp lại không công khai, minh bạch các thông tin trên báo chí.
Trước đó, Tạp chí Đời sống & Pháp Luật cũng đã liên hệ làm việc với bà Nguyễn Thị Thu Thảo, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũng là người ký văn bản trên) về thông tin dự án trên địa bàn tỉnh.
Ngày 29/7/2020, cung cấp thông tin cho báo chí về dự án The Long Hải Moutain Hight Villas phân khu số 2, tọa lạc tại mặt tiền đường TL 44A, xã Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trả lời bằng văn bản số 95/TTr cũng do bà Thảo ký có nêu: “Sau khi rà soát hồ sơ lưu trữ tại Sở Xây dựng không có dự án The Long Hải do Công ty cổ phần thương mại du lịch Tân Thành làm chủ đầu tư. Do đó, Sở Xây dựng không thể cung cấp thông tin và hồ sơ tài liệu như đề nghị”, trong khi cũng dự án đó thì UBND huyện lại nắm rõ, cung cấp thông tin một cách đầy đủ, chuẩn xác. Vậy lý do gì khiến Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu một mực khẳng định không có thông tin về dự án trên nhưng UBND huyện thì lại xác nhận thông tin về dự án.
Điều này thể hiện, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có dấu hiệu buông lỏng quản lý trên địa bàn phụ trách.
Ở một diễn biến khác, liên quan đến dự án Khu du lịch Madison Hồ Tràm xây dựng khi chưa có giấy phép xây dựng, ngày 4/8/2020, qua công tác kiểm tra, Thanh tra Sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư ngừng việc thi công xây dựng tại dự án cho đến khi dự án được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng, chủ đầu tư cam kết sẽ ngừng thi công và khẩn trương tiến hành các thủ tục để được cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, ngày 18/8, theo ghi nhận của PV, tại dự án chủ đầu tư vẫn đang tiến hành thi công một cách bình thường như chưa từng có cam kết với Sở Xây dựng khi làm việc trước đó. Trước diễn biến của sự việc, ngày 27/8, PV đã liên hệ trực tiếp qua điện thoại đến bà Nguyễn Thị Thu Thảo, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng. Khi trao đổi với PV, bà Thảo cho biết chưa thể kiểm tra để xử lý với lý do rất khó hiểu: “Đợt này bên chị cũng nhiều việc quá, mấy đứa cũng bận chưa có thời gian kiểm tra lại được. Nếu kiểm tra lại chị phải kiểm tra một dọc luôn, chứ bây giờ chị đang phải làm cái báo cáo để cho sếp họp”.
Có thể thấy, việc từ chối cung cấp thông tin cho báo chí của Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cụ thể hơn là bà Nguyễn Thị Thu Thảo, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được lặp đi lặp lại nhiều lần bằng nhiều cách né tránh khác nhau. Đây là cách trả lời thiếu tính khách quan, minh bạch cần xử lý nếu không sẽ hình thành lối làm việc quan liêu, trái pháp luật một cách có hệ thống, nếu không nói là có dấu hiệu bưng bít thông tin, bảo kê cho các dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật về xây dựng.
Tạp chí Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.