Những năm 80 của thế kỷ trước, Việt Nam đứng trước những khó khăn rất hiểm nghèo. Ở trong nước, chúng ta phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, kéo dài. Về đối ngoại, chúng ta phải đương đầu với tình trạng bị cô lập về chính trị, bị bao vây cấm vận về kinh tế. Trong bối cảnh đó, Đại hội lần thứ VI của Đảng, xuất phát từ tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đã phân tích và đánh giá đúng những thuận lợi và khó khăn của đất nước thông qua đường lối đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới về kinh tế.
Về đối ngoại, Đại hội VI khẳng định: "Trong những năm tới, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước ta trên lĩnh vực đối ngoại là ra sức kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại". Đổi mới về kinh tế nhanh chóng mở rộng sang các lĩnh vực khác, trong đó có đối ngoại. Tháng 5/1988, Bộ Chính trị khóa VI đã ra Nghị quyết số 13 về "nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới" với chủ đề "giữ vững hòa bình, phát triển kinh tế".
Bước vào thập kỷ 90, sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu đã đặt Việt Nam trước những thách thức mới rất cam go. Tuy nhiên, những kết quả bước đầu trong việc triển khai chính sách đối ngoại mới đã tạo tiền đề để Đảng ta đưa ra đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế với tinh thần "Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển".
Tháng 11 năm 1991, Tổng Bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân. Kết thúc chuyên thăm, hai bên đã ký thông cáo chung, tuyên bố bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc đã tạo nền tảng cơ bản để ổn định tình hình trong khu vực và tạo điều kiện giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Ngày 12/7/1995 (tức ngày 11/7 theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và Thủ tướng Võ Văn Kiệt tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ.
Cũng trong năm 1995, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN. Ngày 28/7/1995, Lễ kết nạp Việt Nam vào ASEAN đã được tổ chức trang trọng tại Quảng trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia Brunei. Kể từ đây, Việt Nam đã thể hiện được vai trò chủ động, dẫn dắt của mình khi 3 lần đứng ra đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào các năm 1998, 2010 và 2020. Trong cả 3 lần đó, Việt Nam đều nỗ lực rất lớn để giúp ASEAN vượt qua những thách thức lớn lao, trong đó có những vấn đề then chốt đối với khối như tình hình Biển Đông và gần đây nhất là đại dịch Covid-19.
Tiến thêm một bước, Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hai nhiệm kỳ, 2008-2009 và 2020-2021. Trong 2 nhiệm kỳ này, Việt Nam đã và đang giúp Hội đồng Bảo an phản ứng rất kịp thời trước những vấn đề nảy sinh, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, trong đó có những vấn đề nổi lên như Covid-19, Syria, Libya, tiến trình hòa bình Trung Đông…
Năm 2020 đánh dấu 25 năm Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ và gia nhập Tổ chức khu vực rộng lớn là ASEAN. Từ một nước có nền kinh tế bao cấp và lạc hậu, Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình với nền kinh tế thị trường năng động và đang tích cực hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới. Từ những bước ban đầu còn chập chững, Việt Nam đã là một thành viên chủ động, tích cực và trách nhiệm, chung tay cùng các nước ứng phó với các thách thức đang nổi lên, cũng như đóng góp xử lý những vấn đề chiến lược liên quan đến hòa bình, phát triển, thịnh vượng trong khu vực và thế giới, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.
Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc; thiết lập được khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược, toàn diện, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam cùng các nước nâng tầm hợp tác vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Tổng kết về những bước phát triển của Việt Nam trong 75 năm qua, trong bài viết nhằm chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Tôi đã nhiều lần nói rằng, với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Từ một nước nhỏ bé, nghèo nàn, lạc hậu, trình độ rất thấp, hầu như không có tên trên bản đồ thế giới, ngày nay Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước có quy mô dân số gần 100 triệu người, đang phát triển, có thu nhập trung bình, có quan hệ với hầu hết các nước trên thế giới, tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế và là thành viên, đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.
Cũng nhân dịp Quốc khánh lần thứ 75 của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã dành riêng một bài phát biểu chúc mừng Việt Nam trong đó đánh giá: “Việt Nam là thành viên tích cực của Liên Hợp Quốc kể từ khi gia nhập tổ chức này vào năm 1977. Các nam và nữ quân nhân của các bạn đang góp phần vào sứ mệnh gìn giữ hoà bình của LHQ. Các bạn cũng đang đi đầu trong việc đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, đây sẽ là nền tảng vững chắc cho Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững 2030”.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: “Quốc khánh lần thứ 75 của Việt Nam trùng với Năm Chủ tịch ASEAN và nhiệm kỳ tại Hội đồng Bảo an, điều này cho thấy sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của Việt Nam trên trường quốc tế. Xin hãy đón nhận lời chúc mừng tốt đẹp nhất của tôi dành cho năm ý nghĩa này”.