Phòng chống dịch Covid-19 phải “chuyển từ phòng ngừa sang chủ động tấn công” là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021 diễn ra ngày 5/5. Để “chủ động tấn công”, ngoài sự đồng lòng, kỷ luật sắt, chúng ta còn cần vũ khí sắc, bén, hữu hiệu để trấn áp mạnh mẽ kẻ thù.
Việt Nam đã có 3 đợt chống dịch thành công và trong đợt thứ 4 này, với những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng sự đồng lòng của nhân dân, chúng ta có quyền tin vào chiến thắng. Đó là những chiến thắng khiến triệu người Việt Nam tự hào vì nhiều quốc gia khác đã thua, thua đau. Thế nhưng, chiến thắng ở mỗi trận chiến không đồng nghĩa với việc sẽ thắng ở cả cuộc chiến. Để thắng cả cuộc chiến, chúng ta phải có trong tay thứ vũ khí giúp tạo lợi thế và đó chính là vaccine phòng ngừa. Bởi, khi không có vaccine chúng ta vẫn sẽ thụ động, vẫn chỉ thắng ở từng trận chiến. Có vaccine trong tay, chúng ta sẽ không dừng lại ở việc chống trả hiệu quả mà chuyển sang thế “chủ động tấn công”, từng bước khắc chế kẻ thù và rồi giành thắng lợi ở cả cuộc chiến.
Theo tính toán của bộ Y tế, Việt Nam cần 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19, tiêm cho khoảng 75 triệu người để đạt mức miễn dịch cộng đồng. Tổng kinh phí của 150 triệu liều là 25.200 tỷ đồng, thế nhưng ngân sách trung ương chỉ bố trí được 16.000 tỷ đồng… Như vậy, con số đang thiếu là 9.200 tỷ.
9.200 tỷ đồng không phải ít, đặc biệt trong giai đoạn hiện này con số ấy hẳn sẽ khiến không ít người e ngại. Nhưng, chẳng điều gì là không thể làm, đặc biệt với Việt Nam. Trong chiều dài lịch sử của đất nước, hai tiếng Việt Nam đã nhiều lần vang lên đầy tự hào. Ngay cả trong cuộc chiến với kẻ thù vô hình Covid-19, Việt Nam cũng đã khiến thế giới phải nể phục. Từ tháng 12/2019 đến nay, Việt Nam đã làm được những điều kỳ diệu, giành được những chiến thắng oanh liệt. Vậy cớ gì chúng ta không có niềm tin vào việc sẽ tiếp tục giành thắng lợi trong tương lai. Thế nên, con số 9.200 tỷ âu cũng chẳng đáng lo, vì với tinh thần Việt chúng ta rồi sẽ có được số tiền ấy.
Bằng chứng là sau khi câu chuyện cần huy động đóng góp từ doanh nghiệp, từ xã hội hoá được công khai, tin vui đã liên tục đến. Ngày 25/5, Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã cùng đại diện các ban ngành tiếp nhận hỗ trợ 148 tỷ đồng và 1 triệu liều vaccine từ các tập đoàn, doanh nghiệp. Cũng trong ngày 25/5, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam quyết định hỗ trợ Quỹ vaccine phòng Covid-19 số tiền 30 tỷ đồng. Trước đó, ngày 21/5/2021, Lễ tiếp nhận hỗ trợ 160 tỷ đồng và 4 triệu liều vaccine phòng Covid-19 từ ngành ngân hàng, tập đoàn Vingroup, tập đoàn Sovico Group cũng đã diễn ra tại bộ Y tế. Đây là những tín hiệu vui tiếp thêm sức mạnh để chúng ta vững vàng hơn nữa trong cuộc chiến khốc liệt với Covid-19. Vẫn biết, để chạm đến mốc 9.200 tỷ đồng, con đường phía trước sẽ dài nhưng khi đi cùng nhau, bước chân sẽ vững vàng hơn. Đường dù xa thế nào cứ đi rồi chúng ta sẽ đến.
“Nước sôi lửa bỏng” là cụm từ Thủ tướng Phạm Minh Chính nói về cuộc chiến với Covid-19 mà chúng ta đang phải đối mặt. Nhưng, cuộc chiến dù khốc liệt đến đâu, chúng ta vẫn sẽ giành chiến thắng. Tại sao lại tin vào chiến thắng ấy? Có hàng ngàn lý do để chúng ta tin! Khi những người đứng đầu Chính phủ đến tận tiền tuyến để động viên, để khích lệ, để chấn chỉnh kịp thời, thì sao chúng ta lại không thể giành ưu thế trước kẻ thù. Khi người dân đồng lòng thiết lập kỷ luật sắt với việc tuân thủ tuyệt đối các yêu cầu phòng chống dịch, thì sao chúng ta không thể giành ưu thế trước kẻ thù. Khi chúng ta đồng tâm hiệp lực mài sắc vũ khí để “chủ động tấn công”, thì sao chúng ta lại không thể dành lợi thế trước kẻ thù… Điều kiện cần đã có, điều kiện đủ sắp có vậy lý do gì chúng ta không tin vào ngày chiến thắng.
Trong cuộc chiến với Covid-19, chúng ta sẽ giành chiến thắng.