Gây khó dễ vì chưa hiểu đúng
Ông Trần Minh Chiêu – Giám đốc sở TTTT (người chỉ tay, ngoài cùng bên phải) cùng Thanh tra Sở trong buổi làm việc với PV |
Trước những phản ánh, để thông tin được khách quan, ngày 20/10 PV đã liên hệ với Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, khi PV đến liên hệ công tác (có giấy giới thiệu của Tòa soạn, ghi đầy đủ nội dung cần trao đổi), thay vì được làm việc thì PV nhận được những lời lẽ hết sức coi thường cũng như thể hiện sự “thị uy” của ông Trần Minh Chiêu – Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông. Ông Chiêu đã rút thẻ nhà báo ra và nói: “Tao không phải nói với chú! Đây biên bản ghi rõ phải hướng dẫn tôi là sao. Cái việc biên bản đấy cái việc thống nhất cả hai bên. Lập thế nào do thanh tra người ta lập…” hay như “Tôi làm nhà báo lâu này, tôi 26 năm”. Không dừng lại ở đó, vị Giám đốc này còn quy chụp và cho rằng: “Em đến gây cản trở cơ quan Nhà nước!”.
Nghiêm trọng hơn ông Chiêu còn thể hiện sự thiếu hiểu biết của mình về Luật Báo chí bằng những câu nói như: “giấy giới thiệu không phải chức năng làm việc… Em không thể đến làm việc như thế này được” và “Không có thẻ nhà báo anh không làm việc”… Sau đó ông Trần Minh Chiêu chỉ đạo ông Lê Hồng Việt – Chánh Thanh tra Sở và ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chánh Thanh tra Sở lập biên bản, trong đó ghi rõ: “Sau khi xem xét, nội dung làm việc của ông Hà Giang Nam không phù hợp, Thanh tra Sở từ chối làm việc”.
Trước những gì mà ông Trần Minh Chiêu phát ngôn và gây khó dễ với PV cho thấy, tuy là người đứng đầu một Sở hết sức quan trọng của tỉnh, lại có thẻ nhà báo và đã công tác 26 năm nhưng ông lại có vẻ rất mơ hồ với những quy định về quyền hạn tác nghiệp báo chí theo như quy định.
Theo Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật thì: Phóng viên là những người chưa đủ điều kiện để cấp thẻ nhà báo. Họ là người đến cơ sở, sử dụng nghiệp vụ báo chí của mình khai thác, xử lý thông tin viết bài đăng báo. Thông thường phóng viên chưa có thẻ nhà báo khi đến cơ quan, tổ chức tác nghiệp thì chỉ cần dùng giấy giới thiệu của cơ quan báo chí cử đi và giấy chứng minh nhân thân là đủ. Việc phân biệt nhà báo với PV dẫn đến có thái độ coi thường và không hợp tác để PV tác nghiệp đã cho thấy dấu hiệu hách dịch, quan liêu của Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông.
Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 đã quy định bảo vệ quyền tác nghiệp của phóng viên chưa có thẻ nhà báo, phóng viên tác nghiệp bằng giấy giới thiệu của cơ quan báo chí. Cụ thể, tại Khoản 12, Điều 9, Luật Báo chí sửa đổi năm 2016, quy định: Nghiêm cấm các hành vi “Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.
Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật |
Bên cạnh đó, Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2014) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản cũng đã ghi nhận và bảo hộ quyền tác nghiệp của phóng viên chưa có thẻ nhà báo. Trong Nghị định 159, danh xưng ''phóng viên'' được đặt bên cạnh danh xưng ''nhà báo'' và được bảo vệ như nhau trước những hành vi cản trở trái pháp luật, uy hiếp tính mạng, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu.
Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên sẽ bị phạt từ 05 - 10 triệu đồng; mức phạt sẽ tăng lên gấp đôi nếu có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp.
Như vậy, nhà báo và phóng viên đều có trách nhiệm và quyền bình đẳng ngang nhau, đều được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tác nghiệp. Nếu họ bị cản trở, hành hung khi đang hoạt động nghề nghiệp thì cũng được bảo vệ như nhau và không phân biệt họ là nhà báo hay phóng viên, có thẻ nhà báo hay chưa có thẻ.
Bí thư tỉnh chỉ đạo và văn bản báo cáo thiếu trung thực của Giám đốc Sở
Trước những vướng mắc gặp phải, PV đã có đơn kiến nghị gửi ông Dương Văn Thái, Bí thư – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang. Ông Dương Văn Thái cũng đã có phản hồi lại cho PV rằng: “Tôi sẽ chỉ đạo”. Đến ngày 28/10 ông Nguyễn Chí Hiếu – Thư ký của Bí thư cũng có phản hồi lại rằng: “Bí thư tỉnh ủy đã xem và đã giao trực tiếp cho đồng chí Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông nắm bắt thông tin và xử lý theo quy định của pháp luật. Và ông Trần Minh Chiêu phải có trách nhiệm trả lời”.
Việc Bí thư nói sẽ chỉ đạo là điều rất mừng, thế nhưng có một điều khiến PV rất bất ngờ với nội dung ở văn bản mang số 1423 /STTTT-VP, về việc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang báo cáo nội dung làm việc với Bí thư - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.
Tiếp nội dung có trong báo cáo: “Sau khi xem xét, PV của Tạp chí Đời sống và Pháp luật không có thẻ Nhà báo và đối chiếu với quy định về tôn chỉ, mục đích của Tạp chí. Do đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã từ chối làm việc…”Trong văn bản báo cáo này thể hiện việc thiếu trung thực, báo cáo sai sự thật của ông Trần Minh Chiêu – Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Bắc Giang ở chỗ: Trong báo cáo ghi rất rõ rằng ngày 12/10/2020, Sở Thông tin và Truyền thông nhận được đơn tố cáo của ông Nguyễn Du Thiên về việc tố cáo: Phương, Điệp, Doanh, Ba (địa bàn huyện Việt Yên) vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm ông Nguyễn Du Thiên trên mạng xã hội Youtube. Giám đốc sở đã giao Thanh tra Sở thụ lý giải quyết đơn theo quy định. Thế nhưng ngày 20/10, khi PV đặt lịch làm việc thì ông Trần Minh Chiêu lại nói với PV tại trụ sở rằng “Anh chưa nhận được đơn”. Việc này hoàn toàn mâu thuẫn trong báo cáo gửi Bí thư - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.
Biên bản làm việc của Thanh tra Sở Thông tin & Truyền thông Tỉnh Bắc Giang
Việc từ chối làm việc vì PV chưa có thẻ Nhà báo là hoàn toàn trái với quy định, tôn chỉ mục đích của Tạp chí Đời sống và Pháp được đăng rõ trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông là: “Cập nhật tin tức, hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam. Định kỳ theo kỳ xuất bản (đối với loại hình tạp chí in), định kỳ cập nhật thông tin theo quy định pháp luật (đối với loại hình tạp chí điện tử) để thông tin chuyên sâu, chuyên ngành; Giới thiệu, đăng tải kết quả nghiên cứu khoa học; Phân tích, đánh giá; Tham gia tư vấn, phản biện trong việc xây dựng và thi hành pháp luật, góp phần xây dựng nền khoa học pháp lý, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.
Ngoài việc đi sâu vào đăng tải nghiên cứu khoa học, một nhiệm vụ quan trọng hơn hết của Tạp chí Đời sống và Pháp luật là: Tham gia tư vấn, phản biện trong việc xây dựng và thi hành pháp luật, góp phần xây dựng nền khoa học pháp lý, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Từ khi quy hoạch báo chí đến nay, Tạp chí Đời sống và Pháp luật vẫn luôn thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình.
Tôn chỉ mục đích được nêu rõ ràng là vậy, phải chăng ông Trần Minh Chiêu – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang chưa kịp tìm hiểu đã vội quy kết và cho rằng PV đưa thông tin một chiều, cắt gọt thông tin không đúng với nội dung trao đổi là hoàn toàn không đúng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc.