Nạn nhân Phạm Văn Hiển với những thương thương tích vào đêm ngày 01/10/2019
Ra thông báo gây bức xúc
Như chúng tôi đã đưa tin, vào đêm ngày 01/10/2019 tại ngõ Cầu Đơ 1, phường Hà Cầu, quận Hà Đông, TP Hà Nội xảy ra một vụ xô xát nghiêm trọng. Nạn nhân Phạm Văn Hiển (SN 1966, trú tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông) bị thương tích nặng đã làm đơn tố giác tội phạm gửi công an quận Hà Đông.
Tại thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm số 724 ngày 2/12/2019 của Cơ quan CSĐT- Công an quận Hà Đông thể hiện nội dung: Cơ quan CSĐT đã trưng cầu giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể của anh Phạm Văn Hiển, Đỗ Tiến Lợi và Nguyễn Anh Quang. Đến nay mới chỉ có kết luận giám định xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể của anh Hiển là 16% còn Đỗ Tiến Lợi, Nguyễn Anh Quang chưa có kết luận giám định xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể nên chưa đủ căn cứ để ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hay quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc trên.
Thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm số 724 ngày 2/12/2019 của Cơ quan CSĐT- Công an quận Hà Đông được cho là gây bức xúc dư luận và nạn nhân
Căn cứ theo Điều 147 và Điểm a, Khoản 1, Điều 148 Bộ luật Tố tụng hình sự, Cơ quan CSĐT- Công an quận Hà Đông là Thượng tá Nguyễn Duy Hùng, Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an quận đã ra thông báo với nội dung: Tạm đình chỉ việc giải quyết đối với vụ việc trên. “Khi nào có kết luận giám định, xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể anh Lợi, Quang, Cơ quan CSĐT sẽ phục hồi để giải quyết theo quy định của pháp luật”, thông báo ghi rõ.
Sau khi ban hành, thông báo này đã đem lại nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Luật sư Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng Văn phòng luật sư Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Cơ quan điều tra đã xác định được đối tượng đánh nhau gây ra thương tích 16% cho anh Hiển. Những đối tượng này đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, đã đủ căn cứ để ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017”.
Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau: “1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm…”.
Trong đơn khiếu nại gửi ông Viện trưởng VKSND quận Hà Đông, anh Phạm Văn Hiển viết: “Trường hợp chưa xác định được thương tích của Đỗ Tiến Lợi và Nguyễn Anh Quang, thì Cơ quan CSĐT- Công an quận Hà Đông chỉ ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của riêng hai đối tượng này (áp dụng Điểm a, Khoản 1, Điều 148 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015). Căn cứ vào khoản 2 điều 148 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, đề nghị ông Viện trưởng VKSND quận Hà Đông ra quyết định hủy bỏ thông báo tạm đình việc giải quyết đối với vụ việc trên của Công an quận Hà Đông, để tiếp tục giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên được biết đến nay VKSND quận Hà Đông vẫn, chưa có văn bản trả lời công dân Phạm Văn Hiển.
Ban Dân nguyện yêu cầu báo cáo
Trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ án cố ý gây thương tích có lỗi hỗn hợp (cả hai bên đều phải chịu trách nhiệm hình sự vì gây thương tích cho đối phương). Và việc xác định tỷ lệ thương tích là điều vô cùng quan trọng trong vụ án.
Trong sự vụ này, việc xác định thương tích của anh Lợi và Quang có khó khăn đến mức khiến Cơ quan CSĐT phải ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết đối với vụ việc trên hay không? Hay đây chỉ là “kế hoãn binh” như dư luận đang đồn thổi?
Được biết, Ban Dân nguyện (Thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đã có văn bản gửi Trưởng Công an quận Hà Đông và Viện trưởng VKSND quận Hà Đông.
Công văn của Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu trả lời vụ việc
Theo đó, Ban Dân nguyện yêu cầu hai lãnh đạo cơ quan nói trên xem xét, giải quyết sự việc nói trên theo thẩm quyền và thông báo đến Ban Dân nguyện để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Một diễn biến mới, sau khi Cơ quan điều tra nhận được đơn của anh Phạm Văn Hiển đề nghị phục hồi giải quyết đối với vụ việc anh bị đánh gây thương tích, ngày 10/3/2020, thượng tá Nguyễn Duy Hùng- Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT- Công an quận Hà Đông có văn bản gửi anh Phạm Văn Hiển theo hướng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Cụ thể văn bản này đã yêu cầu Phạm Văn Hiển đi giám định lại lần thứ hai tại Viện pháp y Quốc gia mà lại lờ đi việc giám định thương tích của 2 anh Lợi và Quang.
Trao đối với PV, anh Phạm Văn Hiển bức xúc: “Tôi đã giám định thương tích 2 lần, lần đầu là 16% (Viện Khoa học Hình sự- Bộ Công an), lần giám định lại lần thứ nhất là 15% (Viện pháp y Quân đội- Bộ Quốc phòng). Việc hai tổ chức giám định cùng một thương tật ở những thời điểm khác nhau, đưa ra kết luận khác nhau (không có độ cách biệt lớn) là khách quan và chấp nhận được. Do vậy, tôi thấy không cần thiết phải đi giám định lại một lần nữa. Việc đánh giá tính đúng đắn, xác thực của hai kết luận giám định nói trên thuộc quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng”.
Căn cứ Điều 10 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền bất khả xâm phạm về thân thể, Khoản 3 Điều 214 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định quyền của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác đối với kết luận giám định, anh Hiển kiến nghị Cơ quan CSĐT dừng ngay việc tiến hành giám định lại lần thứ 2 đối với anh.
Dư luận đang theo dõi theo Cơ quan CSĐT sẽ kéo dài giải quyết vụ việc này đến bao giờ? Trong khi đó, PV đã nhiều lần đến đặt lịch làm việc tại Công an quận Hà Đông nhưng không có kết quả.