Trước đó, ngày 7/1/2019 người dân đã làm đơn khởi kiện UBND thị trấn Trại Cau ra TAND huyện Đồng Hỷ đối với hai quyết định số 60 và Quyết định số 303 vì có dấu hiệu vượt thẩm quyền, vi phạm Luật tín ngưỡng, tôn giáo do Quốc hội ban hành.
Với việc cung cấp chứng cứ, chỉ ra những dấu hiệu vi phạm tại Tòa án, ngày 24/6/2019, ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau đã buộc phải thu hồi hủy bỏ 02 Quyết định đã ban hành nói trên bằng Quyết định số 211 ngày 24/6/2019.
Quyết định 211 nội dung thu hồi, hủy bỏ quyết định số 60 và quyết định 303 (Bình An)
Người dân cho rằng cần xem xét làm rõ trách nhiệm của đơn vị ban hành, cá nhân đã “phê bút” ban hành ra hai quyết định bị thu hồi, hủy bỏ. Nếu không chấn chỉnh, xử lý nghiêm để tồn tại những kiểu ban hành Quyết định rồi “vội vã” thu hồi sẽ khiến uy tín của chính quyền địa phương bị giảm sút, niềm tin của nhân dân đối với cơ quan nhà nước bị xói mòn.
Có thiếu sót…
Để rộng đường dư luận, PV đã có buổi làm việc, trao đổi với ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau về nội dung nêu trên.
Liên quan đến nội dung trong hai quyết định số 60 và quyết định 303 về việc thành lập, kiện toàn Ban Quản lý Đền Đá Thiên, thị trấn Trại Cau, ông Khoa nhận định, thông tin người dân phản ánh UBND thị trấn Trại Cau có dấu hiệu vượt thẩm quyền, vi phạm Luật tín ngưỡng, tôn giáo chưa đúng.
Ông Khoa phân tích: Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018. Trước thời điểm năm 2018 địa phương căn cứ dựa trên nội dung của “Pháp lệnh tín ngưỡng năm 2004” để làm căn cứ ban hành quyết định số 60 là ngày 13/6/2017 và tại thời điểm này Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 chưa có hiệu lực thi hành.
Ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) thừa nhận sai sót trong câu từ và thành phần bầu được ghi trong nội dung hai quyết định số 60 và 303
Chính vì vậy ông Khoa cho rằng, việc người dân “cáo buộc” UBND thị trấn Trại Cau có dấu hiệu vượt thẩm quyền khi căn cứ, dựa trên nội dung Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 là thiếu cơ sở, thiếu chính xác.
Song cần lưu ý dù địa phương có căn cứ theo Pháp lệnh tín ngưỡng năm 2004 hay Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 thì cũng không có bất cứ nội dung, điều khoản nào quy định thẩm quyền cấp xã, thị trấn được phép “thành lập Ban Quản lý” như trong nội dung quyết định số 60 do UBND thị trấn Trại Cau ban hành, thay vào đó thẩm quyền của cấp xã, thị trấn chi được phép “công nhận” được nêu rõ tại Điều 11, Luật Tín ngưỡng tôn giáo sau này.
Mặt khác, lý giải thắc mắc tại thời điểm năm 2014, khi Đền Đá Thiên (tiền thân Đền là công trình do cụ Hoàng Thị Lý xây dựng và lập nên) được Ban Tôn giáo Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên có công văn xác định là cơ sở tín ngưỡng lại không tiến hành thành lập, kiện toàn Ban Quản lý mà phải đợi đến năm 2017!?
Ông Khoa cho biết: “Khi Đền được xác định là cơ sở tín ngưỡng năm 2014 có công ty Hoàng Gia Bảy vào đầu tư, dự án liên quan trực tiếp đến ngôi Đền. Ban Quản lý lúc đó huyện Đồng Hỷ phải thành lập nhưng nhùng nhằng mãi lại thôi…”
Dựa trên lời lý giải của ông Khoa thì tại thời điểm trước năm 2017 thì ông Khoa đã biết rõ và nhận định được thẩm quyền, trách nhiệm “thành lập Ban Quản lý” thuộc về cấp huyện!? Nên với bất cứ lý do, căn cứ gì thì việc ông Khoa ký quyết định “thành lập Ban Quản lý” năm 2017 là hành vi có dấu hiệu “vượt quyền”, “lạm quyền”.
Tiếp tục “nối gót” quyết định số 60 là quyết định 303 với nội dung “Kiện toàn Ban Quản lý Đền Đá Thiên” cũng đã bị người dân “vạch” ra nhiều điểm bất hợp lý từ quy trình bầu thành viên cho đến danh sách các thành viên trong Ban Quản lý.
Cụ thể, những thành phần bầu các thành viên Ban Quản lý không phải người của cộng đồng dân cư, bên cạnh đó trong danh sách xuất hiện tên một người lạ mặt không phải người thuộc cộng đồng dân cư tại khu vực – đó là ông Đỗ Khắc Thân, Giám đốc Công ty tư nhân tại Ninh Bình đang triển khai khu du lịch sinh thái văn hóa Đá Thiên trên địa bàn huyện Đồng Hỷ.
Thừa nhận nội dung người dân phản ánh, ông Khoa cho biết “Thành phần bầu các thành viên trong Ban quản lý là chưa chuẩn bởi họ không phải là người cộng đồng dân cư”.
Văn bản cho thấy thành phần bầu thành viên trong Ban Quản lý không phải người của cộng đồng dân cư (Bình An)
Bên cạnh đó, về trường hợp ông Đỗ Khắc Thân, Giám đốc một công ty có trụ sở tại Ninh Bình được “xướng tên” với chức danh “phó ban” trong danh sách Ban Quản lý dù không phải là người trong cộng đồng dân cư, ông Khoa cho biết là thực hiện theo văn bản yêu cầu của UBND huyện Đồng Hỷ!?
Trên thực tế, người dân cho hay, việc ông Thân có được “suất ghế” Phó ban trong danh sách thành viên Ban Quản lý không dựa trên sự “uy tín trong cộng đồng dân cư” mà dựa trên sự “đề bạt” của UBND huyện Đồng Hỷ khi huyện có văn bản số 353… yêu cầu UBND thị trấn Trại Cau đưa ông Đỗ Khắc Thân, Giám đốc công ty có trụ sở tại Ninh Bình vào danh sách Ban Quản lý để kiện toàn. Sự việc khiến người dân trong khu vực bức xúc lên tiếng phản đối cũng như cảm thấy khó hiểu về cách ra văn bản… “yêu cầu” của huyện Đồng Hỷ!?
Văn bản số 353 thông báo kết luận của Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ, trong đó có nội dung đưa đại diện chủ đầu tư tham gia Ban Quản lý Đền Đá Thiên.
Khoản 2, Điều 11, Luật Tín ngưỡng tôn giáo nêu rõ thành viên ban quản lý cơ sở tín ngưỡng phải là “người có uy tín trong cộng đồng dân cư”. Nhiều người dân trong khu vực không khỏi thắc mắc bởi họ không biết vị giám đốc tên Thân của công ty có trụ sở Ninh Bình đã có… “đóng góp” gì cho địa phương, cộng đồng dân cư cũng như căn cứ, tiêu chí nào để nhận định ông Đỗ Khắc Thân là người… “uy tín trong cộng đồng dân cư” để được đề bạt chức… phó ban Ban Quản lý!?
“Thành phần bầu các thành viên trong Ban quản lý không phải người cộng đồng, câu từ trong Quyết định số 60 nêu “thành lập” là chưa đúng vì theo thẩm quyền chúng tôi chỉ được phép công nhận. Chúng tôi dự định sẽ ra Quyết định sửa đổi thay thế nhưng tôi nghĩ không đảm bảo vì nó (người dân – PV) lại tiếp tục kiện mình về thành phần bầu (tại Quyết định 303 –PV) bởi thành phần bầu không phải người cộng đồng dân cư. Mình không thu hồi hai quyết định đó mà dân kiện thì mình cũng sai. Tôi thừa nhận là nội dung câu từ và thành phần bầu trong nội dung hai Quyết định 60 và 303 là chưa chuẩn” – ông Khoa nhận sai sót
Tuy nhiên ông Khoa bảy tỏ cảm nhận… “không thoải mái” với việc người dân đệ đơn kiện hai quyết định do chính tay ông… “phê bút” ký. Ông giãy bày “Nó (ý chỉ người dân – PV) đưa mình ra kiện cáo thế là không được!”
Chủ tịch xưng hô thiếu tôn trọng người dân
Ghi nhận tại buổi làm việc khi nhắc đến những người dân có ý kiến, đơn phản ánh ông Khoa đã sử dụng nhiều ngôn từ thiếu tôn trọng, thiếu chuẩn mực khi liên tục gọi những người dân bằng “thằng, nó, chúng nó…” xuyên suốt cuộc trao đổi.
Chưa cần nói đến năng lực, trình độ giải quyết công việc mà chỉ nói đến thái độ của vị Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau khi nhắc công dân có ý kiến đóng góp, bình xét đã thấy có vấn đề... Phải chăng, người “làm quan” tự cho mình cái quyền trịch thượng, coi thường, thiếu tôn trọng công dân, đi ngược lại với những quy tắc ứng xử của người cán bộ, Đảng viên!?
Theo Khoản 2, Điều 8, Quyết định 03/2007/QĐ – BNV ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương do Bộ Nội vụ ban hành, quy định: “Trong giao tiếp tại công sở và với công dân, cán bộ, công chức, viên chức phải có thái độ lịch sự, hoà nhã, văn minh. Khi giao dịch trực tiếp, hoặc bằng văn bản hành chính hoặc qua các phương tiện thông tin (điện thoại, thư tín, qua mạng...) phải bảo đảm thông tin trao đổi đúng nội dung công việc mà cơ quan, đơn vị, tổ chức và công dân cần hướng dẫn, trả lời”.
Điều 19 của Bộ quy tắc này quy định: Cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định tại Quy tắc này thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.