Từ vụ nữ sinh bị bạn cùng lớp xâm hại đến mang thai tại Thanh Hóa vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng cần mở rộng phạm vi xử lý hình sự đối với những em từ dưới 14 tuổi hoặc có chế tài xử phạt nghiêm khắc. Xung quanh vấn đề này, PV Tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu phát triển Hỗ trợ cộng đồng (CECODES).
Đừng coi quấy rối tình dục là “chuyện trẻ con”
PV: Liên tiếp xảy ra nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em, thậm chí nạn nhân bị chính bạn học cùng lớp xâm hại gây hoang mang trong dư luận. Ông nhận định như thế nào về thực trạng này?
PGS.TS.Đặng Ngọc Dinh: Vụ việc nữ sinh ở Thanh Hóa bị bạn cùng lớp xâm hại đến mang thai là một vụ việc nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng, đời sống, tương lai của cháu gái. Vụ việc này sẽ là một bài học đau xót cho công tác quản lý, giáo dục cũng như trách nhiệm của nhà trường, của gia đình và xã hội đối với việc bảo vệ nhân phẩm của phụ nữ, bảo vệ trẻ em. Chúng ta đừng coi chuyện quấy rối tình dục là “chuyện trẻ con”.
Sự thiếu hụt trong nhận thức của các em bao gồm sự thiếu hiểu biết về giới tính, tình dục và những nguy cơ bị xâm hại tình dục đáng báo động. Hơn nữa, tính tò mò, dễ bảo, dễ tin cũng là đặc điểm dễ bị lợi dụng ở trẻ em. Sự tham gia của trẻ vào các mối quan hệ xã hội ở phạm vi rộng hơn, phức tạp hơn trong khi bản thân trẻ lại chưa có đủ các kiến thức và kỹ năng an toàn cần thiết để bảo vệ mình nên trẻ gặp nhiều nguy cơ bị xâm hại.
Trong khi đó, người thân trong gia đình trẻ thiếu hụt kiến thức về sự phát triển thể chất, tâm sinh lý ở từng lứa tuổi của trẻ em, không biết cách trò chuyện, hướng dẫn trẻ về cơ thể, các nguy cơ và kỹ năng tự bảo vệ mình. Cha mẹ không có sự giám sát, nghi ngờ, không có ý thức về bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại tình dục.
Bên cạnh đó, sự phát triển của internet và các kênh thông tin mạnh mẽ trong thời gian qua là một trong những nguyên nhân góp phần làm phát tán văn hóa bạo lực và tình dục. Chính điều này tạo nên sự tò mò, kích động và dễ có hành vi lệch chuẩn.
PV: Có ý kiến cho rằng nên mở rộng phạm vi xử lý hình sự đối với những em từ dưới 14 tuổi hoặc đưa vào trung tâm giáo dục nào đó để uốn nắn, tránh tình trạng gây hậu quả nghiêm trọng nhưng không phải chịu trách nhiệm. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
PGS.TS.Đặng Ngọc Dinh: Năm 2017, nghị trường Quốc hội từng tranh luận nảy lửa xung quanh vấn đề mở rộng phạm vi xử lý hình sự đối với các em cả ở tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng khi thuộc 3 tội danh là cố ý gây thương tích, hiếp dâm và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, cũng có nhiều luồng ý kiến trái chiều. Hiện nay, Bộ luật Hình sự cũng quy định rất rõ trách nhiệm pháp lý của người từ 14-16 tuổi.
Theo tôi, không nên bổ sung, sửa đổi luật chỉ vì một vài hiện tượng, làm như vậy sẽ méo mó xã hội. Xử lý đối với người chưa thành niên không nên bằng thái độ quá “cứng rắn”, điều này không có nghĩa là chúng ta cưng chiều, dung dưỡng cho những vi phạm của trẻ em mà quan trọng là khi bắt tay xử lý những trường hợp này cần đánh giá đúng mức để các em có thể quay trở lại cuộc đời còn rất dài ở phía trước.
Nhìn dưới góc độ tâm lý, xã hội học, chắc hẳn có nhiều ý kiến đồng tình nên đưa những trẻ từng sai lầm vào trại giáo dưỡng, trung tâm giáo dục để uốn nắn nhưng tôi đánh giá kiến nghị đó không phải là cách làm hay. Chúng ta phải thay đổi nhận thức trong giới trẻ và uốn nắn trẻ bằng con đường giáo dục.
Dạy trẻ bài học…tự chịu trách nhiệm
PV: Công an TP.HCM từng đưa ra con số thống kê 70% nạn nhân bị xâm hại dưới 13 tuổi tự nguyện quan hệ tình dục do có tình cảm với đối phương chứ không phải bị đe doạ bằng vũ lực. Nói như vậy, nhận thức về giới tính của trẻ “có vấn đề”, thưa ông?
PGS.TS.Đặng Ngọc Dinh: Lứa tuổi từ 13 đến dưới 16 thực chất chỉ là độ tuổi của những cháu học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Ở độ tuổi này, trẻ diễn ra nhiều nhất thay đổi về tâm sinh lý, tò mò, hiếu động, dễ bắt chước những điều mới lạ trong khi hiểu biết về pháp luật hạn chế.
Theo tôi, điều quan trọng, gia đình, nhà trường phải giáo dục giới tính cho trẻ, dạy trẻ biết cảnh giác và tự chịu trách nhiệm với việc làm của mình.
PV: Nói như vậy, vai trò của gia đình, nhà trường trong việc giáo dục giới tính là giải pháp căn cơ hạn chế những vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra, thưa ông?
PGS.TS.Đặng Ngọc Dinh: Cha mẹ hãy chủ động dạy con kỹ năng tự bảo vệ, hướng dẫn những kiến thức cần thiết để phòng tránh bị xâm hại tình dục cùng những kỹ năng sinh tồn khác. Kết bạn với con để con có thể nói với cha mẹ về bất cứ điều gì xảy ra với mình mà không sợ bị chê cười.
Tôi đồng tình với quan điểm của 1 chuyên gia tội phạm học, cha mẹ cần dạy con biết tôn trọng bản thân, chỉ rõ cho con thấy chỗ “nhạy cảm” là chỗ nào, cho con biết những bộ phận nhạy cảm không để người khác chạm vào; không được đi theo những người đàn ông lạ khi họ yêu cầu hay nhờ vả một việc gì đó. Không được cho họ vào nhà, phòng ở khi chỉ có một mình, cũng như không được vào nhà, phòng ở của nam giới (có độ tuổi bằng hoặc lớn hơn mình) khi trong nhà chỉ có người đó…Hãy dạy trẻ biết nói “không” với người nào muốn sờ vào cơ thể con. Hãy hét lên và chống cự cho đến khi họ dừng lại.
PV: Xin cảm ơn ông!