Cuối tháng 3, thông tin về những ca dương tính Covid-19 liên quan đến BV Bạch Mai khiến không ít người lo lắng.
Trong nỗ lực chống dịch của Hà Nội, sáng 28/3, toàn bộ BV bị cách ly y tế. Gần 3.500 nhân viên y tế, bệnh nhân và người thân vào chăm nom “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Lịch sử hơn 100 năm của BV chưa từng chứng kiến điều tương tự.
Bất ngờ, sốc, hoang mang là tâm trạng của số đông người thuộc diện phải cách ly. Những ca trực kéo dài “chưa từng có” của các y bác sỹ diễn ra trong không khí trầm lặng, ai nấy đều chung một mong muốn sẽ không có thêm bất cứ ca bệnh nào dương tính liên quan đến Bạch Mai.
Đón nhận việc cách ly trong tâm thế chủ động, lãnh đạo BV nhanh chóng phối hợp với Ban chỉ đạo chống dịch của TP khử khuẩn toàn bộ BV, phong tỏa, cách ly nhà ăn của công ty Trường Sinh. Những trường hợp tiếp xúc gần với ca dương tính được cách ly tại tòa nhà riêng biệt. Các khoa có bệnh nhân dương tính đến điều trị được cách ly ngay trong đêm.
Hàng loạt biện pháp chống dịch từ đo thân nhiệt, trang bị thiết bị y tế bảo hộ, việc giữ khoảng cách theo quy định đến những chi tiết nhỏ cũng được chú trọng như tay nắm cửa các phòng được tẩm cồn…
“Bạch Mai là một pháo đài, là chiến trường giữa mình và dịch bệnh thì đương nhiên sẽ có mất mát, thương vong. Từ những lời động viên nhận được, chúng tôi muốn nhắn nhủ rằng, các y bác sỹ, cán bộ y tế vững vàng trong trận chiến, hết lòng vì người bệnh”, Trưởng khoa Cấp cứu Nguyễn Văn Chi khẳng định.
Với việc “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nhiều ca bệnh buộc phải đến địa chỉ khác để cấp cứu thay vì Bạch Mai. Sau 3 ngày “đóng băng” BV tuyến cuối, Bộ Y tế quyết định cho phép Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch qua đầu mối là khoa Cấp cứu. Nhiều ca bệnh được cứu sống trong gang tấc sau quyết định này.
Nửa đêm 1/4, chuông điện thoại của PGS.TS. Nguyễn Văn Chi reo, báo có 1 ca đột quỵ nguy kịch đang nằm tại bệnh viện E Hà Nội. Trong thời khắc sinh tử, 2 BV hội chẩn và quyết định chuyển bệnh nhân đến Bạch Mai để cấp cứu.
Một êkíp gồm các bác sỹ giàu kinh nghiệm trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu từ vùng đệm của BV Bạch Mai.
Nam bệnh nhân được cứu sống trong gang tấc. Ảnh: Đoàn Bổng |
Nam bệnh nhân 65 tuổi trong tình trạng tỉnh chậm, vùng tổn thương nhu mô có xu hướng tiến triển rộng, tiên lượng xấu và có thể tử vong bất cứ lúc nào. Đội Đột quỵ hội chẩn, can thiệp lấy huyết khối cơ học giải nguy cho bệnh nhân lúc 0h10 rạng sáng 2/4.
Bác sĩ Chi thở phào khi bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Việc cứu sống bệnh nhân này như phá tan 'tảng băng nghi ngại' khi chuyển tới Bạch Mai.
Và khi “tảng băng” được phá tan là lúc Bạch Mai làm nên kỳ tích khi giành giật sự sống từ tay “tử thần” cho sản phụ 30 tuổi được chuyển đến từ BV đa khoa Hà Đông vào trưa 3/4.
Tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng ngừng tuần hoàn, kíp cấp cứu nhanh chóng đứng trên thành xe liên tục ép tim ngoài lồng ngực, khẩn cấp đưa bệnh nhân vào khu can thiệp cao trong khoa Cấp cứu.
PGS.TS. Nguyễn Văn Chi (ngoài cùng bên phải) trực tiếp cấp cứu nữ sản phụ. Ảnh: Đoàn Bổng |
Tình trạng nặng, các chỉ số sống đều ở mức nguy hiểm, nguy cơ cao chảy máu sau phẫu thuật nên bệnh nhân không thể sử dụng phương pháp tim phổi nhân tạo. Hy vọng sống sót của sản phụ mong manh, người nhà ở bên ngoài đã được thông báo, chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất.
Một cuộc hội chẩn do Phó giám đốc BV, TS. Dương Đức Hùng cùng các chuyên gia đầu ngành diễn ra tại khoa Cấp cứu để vạch ra phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Sản phụ được theo dõi sát sao với các phác đồ điều trị linh hoạt, bám sát thực tiễn diễn biến của bệnh.
Ca phẫu thuật bán cấp cứu do Trưởng khoa Phụ sản Phạm Bá Nha thực hiện sáng 8/4. Ảnh: Đoàn Bổng |
Tình trạng bệnh nhân tiếp tục diễn biến nặng. Kíp cấp cứu thực hiện ép tim trong 120 phút liên tục, bệnh nhân tái lập tuần hoàn. Sau vài ngày, bệnh nhân cai được máy thở, dừng thuốc vận mạch.
Đến ngày 7/4, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, tiếp xúc tốt và được rút ống nội khí quản. Người mẹ của 3 đứa con nhỏ được cứu sống.
14 ngày cách ly cũng là quãng thời gian cán bộ y tế, bệnh nhân sống chậm lại, có thêm thời gian để thấu hiểu, yêu thương và đùm bọc vượt qua đại dịch.
Câu chuyện tình người giữa tâm dịch được thắp lên từ chiếc bánh sinh nhật tuổi 18 của cô gái Huyền My tại khoa Hồi sức tích cực.
Chiếc xe ngày thường dùng để đẩy thuốc nay trở thành cầu nối của buổi lễ sinh nhật xúc động. Các bác sỹ dành tặng điều bất ngờ cho cô gái với mong muốn em lạc quan hơn trong những ngày cách ly, xa người thân. Gượng dậy từ giường bệnh, đôi mắt đỏ hoe, em bật khóc nói lời cảm ơn. Điều ước tuổi 18 không dành cho riêng mình, em cầu mong tất cả mọi người đều khỏe mạnh.
Khoảng cách giữa bác sỹ và bệnh nhân được xóa nhòa khi những buổi chiều tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu rộn ràng cảnh các điều dưỡng gội đầu, cắt móng tay cho bệnh nhân. Việc làm dù nhỏ nhưng người bệnh ấm áp như có người thân bên cạnh, cùng đồng hành trên hành trình chiến đấu với bệnh tật.
Ngót 2 thập kỷ gắn bó với BV Bạch Mai, điều dưỡng trưởng Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Phan Thị Thu Huệ trải lòng, những ngày cách ly vừa qua mang đến nhiều cảm xúc đặc biệt, những trải nghiệm quý giá về con đường chị đã chọn.
“Chưa bao giờ chúng tôi ở gần người bệnh trong không gian chung như thế. Tôi nhớ tên, biết tâm tư, thói quen, sở thích của từng người. Giữa chúng tôi dường như không còn khoảng cách nào. Tôi hạnh phúc vì nghề của mình có thể mang lại niềm vui, sự lạc quan cho người bệnh”, chị Huệ chia sẻ.
Những ngày cách ly Bạch Mai, cảm động trước sự ân cần của đội ngũ y tế, có bệnh nhân vui mừng “khoe” rằng, họ có thêm “con nuôi” là các nữ điều dưỡng.
“Thấy sức khỏe tôi yếu, 2 nữ điều dưỡng nhẹ nhàng tiến đến hỏi han rồi gội đầu, chải tóc. Tôi nói với các cô gái rằng, vào viện, không những bệnh tình thuyên giảm mà cuộc đời còn cho thêm 2 cô con nuôi”, bà Nguyễn Thị Thơm (56 tuổi, điều trị tại khoa Cấp cứu A9) tâm sự.
Câu chuyện tình người trong tâm dịch thêm khăng khít khi ở khoa Nhi, các nữ điều dưỡng trong vai trò “mẹ nuôi” hàng ngày, hàng giờ chăm sóc toàn diện cho các bé sơ sinh. Nữ điều dưỡng Lê Diệu Linh ôm cháu bé 27 tuần tuổi vào lòng suốt nhiều giờ đồng hồ bằng phương pháp Kangaroo với mong muốn cháu bé sẽ khỏe mạnh khi rời BV về với tổ ấm.
Ở lại BV trong những ngày cuối của thai kỳ, với nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hương (27 tuổi, khoa C4, Viện Tim mạch) là những ngày đầy ắp cảm xúc khi chị cùng đồng nghiệp cùng nhau chăm sóc bệnh nhân trong không gian cách ly của BV.
Buổi chiều 19/3 là kỷ niệm in đậm trong tâm trí khi chân tay chị như rụng rời nhận tin 1 ca dương tính với Covid-19 từng nằm điều trị tại khoa. Lập tức, toàn khoa được cách ly trong đêm.
Nữ điều dưỡng Thanh Hương chăm sóc người bệnh ở khu cách ly C4, Viện Tim mạch. Ảnh: Đoàn Bổng |
Nữ điều dưỡng trẻ tâm sự, con đầu lòng 38 tuần tuổi trong bụng đang cùng mẹ trải qua những giây phút đặc biệt, chị không ở cạnh chồng và gia đình, các dự định về việc sinh nở đều thay đổi. Không có chồng ở bên, mọi thứ tạm gác lại khi chị chuẩn bị tâm lý đón thiên thần trong vòng tay đồng nghiệp.
Nói về dự định đặt tên cháu bé sắp chào đời, Hương cho biết, ban đầu vợ chồng chị dự định đặt tên con là Vũ Nhật Hạ nhưng vì có dịch Covid-19 nên đổi tên con thành Vũ Nhật Hạ Vy - có nghĩa là "hạ gục con virus Cô - vy”.
Ở C4 Viện Tim mạch, câu chuyện cậu con trai 2 tuổi của nữ điều dưỡng Phạm Hồng Hạnh (29 tuổi) ôm áo mẹ vì nhớ được nhiều người chia sẻ.
“Tôi vừa đặt chân vào cổng nhà thì có tin nhắn của trưởng phòng. Nhiều năm làm nghề nhưng tin nhắn ấy khiến tôi thật sự lo sợ. Tôi bật khóc. Đêm ấy, chồng đưa tôi quay lại Viện”, chị Hạnh kể.
Vì chưa xa mẹ lâu ngày như thế bao giờ nên con trai nhớ mẹ, lấy chiếc áo quen thuộc của chị rồi ôm vào lòng nằm ngủ.
“Nhìn con như vậy có lúc tôi không thể kìm lòng, muốn chạy thật nhanh về ôm con nhưng không thể. Chỉ biết cố gắng làm việc thật tốt để qua những ngày tháng cách ly”, Hạnh nói.
Còn với nữ điều dưỡng Nguyễn Xuân Quỳnh (khoa Phụ sản), ngày chị nhận lệnh cách ly BV cũng là lúc vừa tan ca trực. Dự định về ôm đứa con mới 13 tháng, cho con bú bị dừng lại.
Chị Xuân Quỳnh (trái) chăm sóc trẻ tại khoa Phụ sản. Ảnh: Đoàn Bổng |
“Vì cháu còn chưa kịp cai sữa mẹ nên mỗi lần có ai nhắc đến con là tôi lại bật khóc. Thương cháu còn quá nhỏ lại xa mẹ. Nhìn con qua điện thoại, chỉ biết gọi con ơi rồi nước mắt tự chảy vì rất, rất nhớ”, Quỳnh nghẹn ngào.
Dù trải qua những “ngày tháng không dễ dàng” nhưng những người mẹ giữa tâm dịch Bạch Mai luôn động viên nhau mạnh mẽ, vượt lên tất cả để phục vụ người bệnh.
“Dù nhớ nhà nhưng nghĩ đến người bệnh đang cần mình, chúng tôi không cho phép bản thân rơi vào trạng thái bi quan. Chúng tôi sẽ trở về nhà, ôm các con trong tâm thế của một người vợ, người mẹ hoàn thành nhiệm vụ. Tôi tin các con khi lớn lên cũng sẽ tự hào vì điều đó”, Xuân Quỳnh chia sẻ.
Khác với suy nghĩ về 1 khu cách ly "ảm đạm”, những khoảng sân, lối đi của BV khi chiều về được lấp đầy bóng áo trắng chơi cầu lông, bóng đá, chạy thể dục. Mọi người ở đây quên rằng "BV đang bị cách ly chống dịch".
Tâm lý lạc quan của đội ngũ y tế tại BV lan tỏa đến trong các khu cách ly C4, Viện Tim mạch. Trong khoảng không gian 2 tầng, các bác sỹ, điều dưỡng tận dụng các khoảng không để chạy bộ, tập aerobic.
"Cứ khoảng 5h chiều, cán bộ, nhân viên trong khoa chia thành các tốp nhỏ để tập thể dục. Vì trong khu cách ly nên một số dụng cụ còn thiếu, chúng tôi trưng dụng các vật dụng để tập luyện, kể cả bình cứu hỏa cũng được dùng để tập tạ", bác sỹ Nguyễn Quốc Thái, Trưởng khoa C4 vui vẻ kể.
Tự nguyện viết đơn xin vào khu cách ly, anh Lương Mạnh Tường (SN 1983, phòng C8, đơn vị phẫu thuật tim mạch, BV Bạch Mai) cho biết, 11 năm làm việc ở Bạch Mai nhưng những ngày vừa qua anh mới thật sự cảm nhận sâu sắc hơn về nhịp sống ở BV.
“Sáng tôi dậy sớm để chạy bộ, đánh cầu lông, chiều tối nếu rảnh thì đá cầu, tập tạ cùng mọi người. Chúng tôi có thời gian hỏi han, động viên nhau đoàn kết, có cơ hội xích lại gần nhau hơn”, anh Tường kể.
Còn với điều dưỡng Thu Huệ (Trung tâm Ung bướu), khoảng thời gian cách ly này là liều thuốc thử với bản thân mình. Dù nhớ gia đình, song đây cũng là dịp để chị sống chậm lại và hiểu sâu sắc hơn về nghề nghiệp mình đã chọn.
Giám đốc BV Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn chia sẻ, sau khi BV bị cách ly, có rất nhiều xáo trộn buộc mọi người phải đồng lòng, đoàn kết lại để vững vàng vượt qua khó khăn.
“Từ những người bảo vệ, cô lao công đến đội ngũ các y bác sỹ xích gần lại nhau hơn, đồng cảm hơn trong bối cảnh BV bị cô lập. Chúng tôi đồng lòng vì bệnh nhân cần chúng tôi mỗi ngày”, ông tâm sự.