Thông tin không cần thiết
Dù là kiếm việc ở Hà Nội, Hải Phòng hay TPHCM, thì bạn chỉ nên đưa vào những thông tin quan trọng. Đừng đưa vào hồ sơ tất cả những thông tin liên quan đến bản thân. Chẳng hạn, bạn không cần đưa vào hồ sơ thông tin về trường học cấp 1, cấp 2, cấp 3 khi bạn đã tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học. Bạn cũng không cần nói về tình trạng quan hệ, tôn giáo, sở thích, châm ngôn sống… trừ khi nhà tuyển dụng có yêu cầu đặc biệt.
Địa chỉ email thiếu chuyên nghiệp
Hiện nay, địa chỉ email là phương thức liên lạc rất phổ biến. Không ai quy định về cách đặt tên cho địa chỉ email. Tuy nhiên, những cái tên “sến sẩm” như thocon123@gmail.com, cobemuadong@yahoo.com.vn… hay email viết theo “teen code” c0_b3_ngOk_ngh3k@yahoo.com.vn sẽ ít nhiều khiến nhà tuyển dụng mất thiện cảm. Chúng bộc lộ ứng viên vẫn còn có chút gì “trẻ con” và thiếu tính chuyên nghiệp.
Lời khuyên đưa ra là bạn nên sử dụng tên của chính mình để đặt cho các địa chỉ email. Cách thức này vừa chuyên nghiệp lại vừa dễ nhớ.
Vấn đề lương thưởng
Lương thưởng là vấn đề mà bất cứ ứng viên nào cũng quan tâm. Tuy nhiên, hồ sơ xin việc làm không phải là nơi đề cập đến vấn đề này. Nếu muốn tìm hiểu về lương thưởng, hãy trao đổi chúng với nhà tuyển dụng khi bạn được mời tham gia phỏng vấn.
Kinh nghiệm không liên quan
Có thể trước đây bạn đã từng đi làm nhiều nơi và bạn muốn liệt kê tất cả những điều đó vào hồ sơ xin việc. Mục đích của quá trình liệt kê này chính là để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, nếu bạn ứng tuyển vào vị trí nhân viên văn phòng, nhưng trước đây bạn chỉ có kinh nghiệm thu ngân, pha chế, phục vụ… thì những điều này hoàn toàn không giúp ích gì cho công việc hiện tại. Nó chỉ khiến hồ sơ xin việc làm của bạn trở nên “rườm rà” mà thôi.
Thành tựu chung chung, không đi kèm số liệu hoặc kết quả cụ thể
Những thành tựu mà bạn đạt được chỉ trở nên ấn tượng và đáng tin cậy nếu chúng được cung cấp kèm những thông tin, số liệu cụ thể. Những kết quả xác thực này sẽ giúp hồ sơ của bạn dễ dàng và nhanh chóng “chinh phục” nhà tuyển dụng. Vì thế, thay vì ghi một cách sơ sài hay khoác lác về thành tựu của mình, hãy dùng các con số, sự kiện cụ thể để chứng minh cho thực lực của bạn.
Lỗi ngữ pháp hoặc chính tả
Chẳng nhà tuyển dụng nào lại có thiện cảm với những hồ sơ viết sai chính tả, diễn đạt câu “thiếu trước hụt sau”. Điều đó cho thấy, ứng viên không chỉ yếu về mặt ngôn ngữ mà còn cẩu thả trong quá trình chuẩn bị hồ sơ. Hãy rà soát thật kỹ nội dung CV sau khi soạn thảo xong để tránh những lỗi sai đáng tiếc xảy ra.
Cách trình bày thiếu nhất quán
Sẽ thật khó chịu nếu hồ sơ xin việc làm của bạn sử dụng cùng lúc nhiều phông chữ, giãn dòng chỗ nhỏ chỗ to… Chính điều này là một trong những nguyên nhân khiến hồ sơ của bạn bị nhà tuyển dụng thẳng tay loại bỏ.
Lý do bạn từ bỏ công việc hiện tại
Hồ sơ xin việc chỉ nên ngắn gọn. Vấn đề vì sao bạn từ bỏ công việc hiện tại có thể đề cập trực tiếp trong buổi phỏng vấn nếu cần. Nhắc đến nội dung này trong hồ sơ, đôi khi, bạn còn có thể gây ra sự “ác cảm” đối với nhà tuyển dụng.
Kỹ năng chắc chắn ai cũng có
Một số ứng viên nghĩ rằng, trong hồ sơ xin việc làm, càng liệt kê nhiều kỹ năng càng tốt. Tuy nhiên, bạn không nên nhắc về những kỹ năng ai cũng có. Chẳng hạn, không cần đề cập đến các kỹ năng như sử dụng Word, Excel, Powerpoint… Nó sẽ khiến cho hồ sơ của bạn dài dòng, khiến nhà tuyển dụng cảm thấy bị mất nhiều thời gian nhưng không thu lại được những thông tin hữu ích.
Một hồ sơ xin việc làm hoàn hảo sẽ giúp ứng viên dễ dàng chiếm được thiện cảm của nhà tuyển dụng. Để dễ dàng “ghi điểm”, các ứng viên nên ghi nhớ 9 điều quan trọng cần phải loại bỏ ra khỏi hồ sơ của mình. Với những lưu ý nhỏ này, hy vọng sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc xây dựng một hồ sơ xin việc chuyên nghiệp.