Tôi hy vọng chuyến đi sẽ giúp tôi hiểu hơn về quá trình biến đổi từ "tay thợ săn khét tiếng Lê Văn Hiên" đến "anh hùng bảo tồn Lê Văn Hiên".
Nhà ông Hiên nằm trong ngõ nhỏ, cách những quả núi đá vôi ở bìa rừng Kim Bảng chừng 500m. Trong căn nhà nhỏ này, vẫn còn lưu một vài dấu tích của một thời "tàn sát rừng già", như đầu con sơn dương đen ngả màu trắng.
Tôi chỉ tay hỏi về đầu con thú treo trên tường, ông Hiên đáp lại bằng vẻ mặt lạnh như băng: "Tôi từng là thợ săn!".
Suốt cả chuyến đi, ông Hiên vẫn giữ vẻ mặt lạnh lùng như thế. Những câu chuyện ngắt quãng khi chúng tôi vừa đi vừa thở, rồi nối lại mỗi khi đến điểm dừng.
Cuộc trò chuyện dưới đây được chúng tôi cóp nhặt được sau 2 ngày, 1 đêm theo chân người anh hùng bảo tồn đi xuyên rừng Kim Bảng.
Lúc sáng, ông bảo mình từng là thợ săn. Sao ông lại lựa chọn công việc là nỗi khiếp sợ của thú rừng như vậy?
- Nhà tôi ngay cạnh rừng, phải sống bám vào rừng thôi. 13 tuổi tôi bắt đầu theo bố mẹ vào rừng Kim Bảng săn bắn, kiếm củi, lấy măng. Cứ như vậy, sau mỗi buổi lên lớp, tôi lại vào rừng học cách săn bắn, kiếm củi. Thời đó, thấy mọi người đi săn nên tôi chọn nghề đi săn.
Tôi quyết định đi vay nặng lãi gần 30 triệu đồng mua một khẩu súng kíp. Năm 20 tuổi tôi trở thành thợ săn thực thụ, một mình vào rừng đi săn.
Các thung ở rừng Kim Bảng như Cơm Tám, Đại Địa, Thần Chết, Dứa, Ba Bậc… bao năm qua tôi đều đã đi hết. Mỗi chuyến đi, ít là một ngày, nhiều vài ngày.
Các anh không biết đâu, rừng khi ấy trù phú lắm. Sơn dương, hoẵng, cày, nhím, don, tê tê, khỉ, voọc... rất nhiều. Thú rừng còn vào sát nhà dân tìm kiếm thức ăn.
Lúc đó, ông nghĩ đây là công việc tạm thời hay một nghề sẽ gắn bó với mình lâu dài?
- Nghề kiếm sống chứ, cái nghề này lúc đó cho thu nhập khá. Thời điểm năm 1985, bán một con sơn dương được năm tạ thóc, một con khỉ hay voọc bán nấu cao bằng chục tấn thóc, lái buôn đến tận nơi thu mua.
Ngày cao điểm tôi bắn và bẫy được 3 con sơn dương, nặng từ 50-70kg, rồi sau đó phải thuê người dân lên núi đưa sơn dương về nhà. Nếu so sánh các nghề lao động chân tay ở thời điểm đó, nghề săn bắn đứng đầu bảng.
Gần 20 năm làm nghề săn bắn, ông có ghi chép, thống kê được mình từng bẫy, bắn hạ được bao nhiêu động vật hoang dã?
- Ô, cái này thì tôi không nhớ. Là thợ săn nên khi vào rừng gặp con gì tôi bắn con đó, sơn dương, hoẵng, cày, nhím, don, tê tê, khỉ, voọc, sóc… đủ cả. Tôi nhớ mỗi lần trở về, vai ướt đẫm máu, thú rừng bày la liệt trong nhà. Lái buôn không vào thu mua thì vợ tôi lại mang ra chợ bán.
Nghề săn là nghề chính, đem về thu nhập cho gia đình nên gần như tôi vào rừng suốt, mưa nắng đều không quản ngại. Lúc tôi săn ở thung Ba Bậc, lúc tôi săn ở thung Dứa. Mưa tôi vào lán nghỉ, tạnh mưa lại tiếp tục đi săn.
Rừng là nơi trú ẩn của muông thú, tôi thấy như nhà của mình. Tôi đi nhiều thành quen nên chẳng sợ gì cả, kể cả không có đèn pin.
Mỗi chuyến đi săn tôi đều đặt mục tiêu phải có thú mang về nhà. Nếu không có, vợ con tôi đói.
Rồi sao ông lại "bẻ súng", bảo vệ rừng?
- Voọc mông trắng. Tôi thay đổi vì loài voọc mông trắng.
Nghề săn bắn đem lại thu nhập tốt cho gia đình, thậm chí, cuộc sống dư giả. Sao lại vì mấy con voọc mông trắng mà ông thay đổi, phải chăng ông biết đây là loài thú đặc biệt quý hiếm cần được bảo vệ?
- Cũng không hẳn, loài voọc mông trắng, lúc mới đi săn tôi đã phát hiện ra chúng ở các thung Ba Bậc, Cơm Tám… Buổi sáng chúng gọi nhau đi ăn, tiếng kêu vang khắp cả khu rừng. Tôi cũng từng bắn chúng rồi, bắn chắc phải vài chục con. Như tôi đã nói, nghề thợ săn, gặp con gì bắn con đó, không có ngoại lệ.
Năm 30 tuổi, tôi bắt đầu nhận lời dẫn đường cho các đoàn đi thực hiện khảo sát, ghi hình về các loài động vật hoang dã, trong đó có loài voọc mông trắng. Mỗi ngày tôi được trả công từ 200 - 300 nghìn đồng. Có chuyến đi hai, ba ngày, có chuyến đi cả nửa tháng. Chúng tôi mang theo thức ăn đi, buổi tối ngủ tại các lán ở trong thung sâu.
Một lần, tôi nhận lời dẫn đường cho chuyên gia Lê Văn Dũng đi điều tra về loài voọc mông trắng ở khu rừng huyện Kim Bảng. Chúng tôi đã bắt gặp bầy voọc con quấn quýt bên mẹ, voọc bố dạy con kiếm ăn.
Anh Dũng bảo với tôi: Voọc cũng như con người, đều có tình cảm, yêu thương lẫn nhau. Một con voọc chết cả đàn sẽ bỏ ăn, buồn rầu. Voọc mẹ chết, con cũng sẽ chết. Rồi ông Dũng khuyên tôi nên buông súng.
Ông nghe lời khuyên luôn?
- Không! Sau chuyến đi trở về nhà, tôi nhiều đêm mất ngủ. Mỗi đêm tôi đều nghĩ về đàn voọc, về những hình ảnh chúng quấn quýt bên nhau, về ký ức tôi từng sát hại voọc trước đây. Nó giống như một điềm báo trước vậy!
Tôi kể chuyện này với vợ mình, vợ tôi khuyên nên dừng lại không sát sinh nữa. "Cốc nước đục ông đã lọc cho nó trong rồi. Giờ ông làm thế nào để giữ cốc nước đó được trong suốt, đừng để vẩn đục trở lại", vợ tôi nói với tôi thế đấy. Tôi nhớ, lúc đấy vợ tôi cũng rơm rớm nước mắt.
Hai vợ chồng cũng biết, cuộc sống rồi đây sẽ khó khăn hơn, phải có những hướng đi mới. Tôi quyết định buông súng, không vấy máu thú rừng nữa.
Sau khi bỏ nghề thợ săn, cuộc sống gia đình ông chắc hẳn vất vả hơn?
- Sau khi tôi bỏ nghề cũ, hai vợ chồng thầu thêm ruộng, cùng nuôi dạy con. Quả thật cuộc sống rất vất vả, không đủ ăn, không đủ chi tiêu sinh hoạt gia đình.
Tôi đi làm thêm ở các mỏ đá, lương 4-5 triệu đồng/1 tháng. Công việc cực lắm, ngày đêm đứng khoan đá, mồ hôi ướt đẫm áo vẫn phải làm. Mưa lạnh cũng vẫn làm. Không làm gia đình không có cái ăn.
Lúc đó, tôi gầy đi nhiều, da đen sạm, người gầy gò. Trong lúc khoan đá, 3 lần tôi bị đá rơi đè vào người nhưng may mắn chỉ bị xước nhẹ, lần nặng nhất bị gãy tay. Cuộc sống vất vả, khó khăn nhưng tôi quyết không trở lại nghề cũ. Vợ tôi bên cạnh cũng luôn động viên tôi vượt qua khó khăn này.
Năm tôi 32 tuổi, ông Tilo Nadler - nay là Giám đốc Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp, vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) tìm đến đặt vấn đề với tôi về việc tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ các loài động vật hoang dã.
Tôi nhận lời ngay. Đây chính là cách để tôi trả nợ cho rừng, trước tôi là tay thợ săn, là lâm tặc giờ là người giữ rừng.
Tôi thành lập tổ bảo vệ rừng gồm 6 thành viên. Hàng tháng chúng tôi được trả hơn 3 triệu đồng/1 người.
Nghề cũ có giúp được ông nhiều trong công việc hiện tại?
- Công việc của chúng tôi là gỡ bẫy thú, theo dõi vị trí, môi trường sống của voọc mông trắng và các loài động vật trong khu rừng. Khi phát hiện hành vi phá hoại, săn bắt thú, tổ sẽ thông báo để kiểm lâm xử lý.
Tôi quen thuộc rừng Kim Bảng như ngôi nhà thứ hai của mình, vì thế rất thuận lợi trong việc phát hiện bẫy thú hay các hành vi phá hoại rừng khác. Giờ tôi dành thời gian trong rừng nhiều hơn ở nhà.
Kể từ khi thành lập tổ bảo vệ, số lượng thợ săn xuất hiện trong rừng Kim Bảng giảm dần, đến nay đã gần như không còn. Thỉnh thoảng chúng tôi phát hiện một vài bẫy sóc ở trong rừng. Bẫy voọc gần như không có.
Năm 2018, chúng tôi cũng phát hiện một nhóm thợ săn ở khu rừng Kim Bảng. Họ có súng, chúng tôi không có. Chúng tôi đã hô lớn là có lực lượng kiểm lâm. Họ bỏ chạy để lại khẩu súng kíp. Sau đó, chúng tôi đem khẩu súng này về bàn giao cho kiểm lâm.
Tham gia bảo vệ rừng, bảo tồn các loài động vật quý hiếm, ông có bị các "đồng nghiệp cũ" gây khó dễ?
- Có chứ. Tôi đi rừng, vợ con ở nhà đều lo. Lo đi đường trượt chân rơi xuống vực là toi. May là đến giờ tôi quen đường lắm rồi. Rồi gia đình lại lo hơn khi biết tôi bị nhiều người đe dọa.
Có thợ săn nhắn tin cho tôi: "Để xem có làm được cái nghề bảo tồn này mãi không? Mày cứ liệu liệu hồn đấy".
Mới đây nhất, năm 2020, sau khi dẫn các đoàn đi thực tế ghi nhận đàn voọc mông trắng ở khu rừng về tôi cũng nhận được một số điện thoại lạ đe doạ: "Chúng mày làm mất nồi cơm của bọn tao, giờ chúng mày tính sao?".
Nhưng sau đó tôi kệ, vì nghĩ mình làm đúng quy định. Có vụ việc tôi báo cáo công an, có vụ việc tôi không báo.
Với gia đình, tôi nói với mọi người, mình đã đam mê yêu công việc bảo tồn rồi phải chấp nhận thôi. Rồi vợ tôi cũng ủng hộ, bớt lo hơn.
Chúc mừng ông đã kiên trì với con đường mình lựa chọn và mới đây được vinh danh là "anh hùng bảo tồn"!
- Tôi rất vinh dự, tự hào khi là người thứ hai ở Việt Nam nhận danh hiệu này. Người ta nói với tôi, người đầu tiên nhận bằng khen này là ông Hoàng Văn Tuệ, cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang vào năm 2017.
Vào tháng 1/2021, Quỹ Bảo tồn Disney (Mỹ) tặng tôi danh hiệu "anh hùng bảo tồn" vì những đóng góp xuất sắc trong công tác bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn sinh cảnh và truyền cảm hứng cho cộng đồng. Khi ấy, gia đình, bà con lối xóm đều chúc mừng và động viên tôi cố gắng giữ niềm đam mê bảo tồn loài động vật hoang dã.
Không chỉ riêng ở Hà Nam, tôi mong rằng ở những cánh rừng khác, địa phương khác, người dân cùng chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ các loài động vật hoang dã, nhất là các loài nằm trong danh sách đỏ.
Trở thành anh hùng rồi, ông có thấy trách nhiệm bảo vệ rừng có nặng nề hơn không?
- Như tôi kể rồi đấy, giờ mỗi tháng tôi đi rừng gần như đủ 28 ngày. Tôi cùng mọi người sắp xếp, đổi nhau, nay người này đi thung này, mai người khác lại đi thung kia. Danh hiệu anh hùng là sự động viên, có hay không tôi vẫn đi gác rừng, tháo bẫy thú, kiểm đếm, quan sát voọc mông trắng.
Tôi coi rừng là ngôi nhà thứ 2, voọc mông trắng là những người bạn. Mỗi sáng thức dậy, không được nhìn thấy rừng xanh, tiếng voọc kêu tôi cảm thấy hụt hẫng, buồn.
Đến tuổi này rồi tôi chỉ muốn mỗi sáng mở mắt ra thấy rừng xanh, nghe tiếng vượn kêu, chim hót. Đó là giây phút tôi thấy hạnh phúc nhất!
Đến giờ, ông có nuối tiếc điều gì về con đường đã chọn?
- Trước kia, tôi bắn thú để kiếm sống, giờ tôi giữ rừng để có thêm thu nhập. Tôi nghĩ, thế là mình vẫn sống bám được vào rừng. Chỉ khác, ngày trước vấy máu thú rừng, nay gìn giữ màu xanh cho rừng và cũng có thể giúp đỡ gia đình.
Nếu có nuối tiếc, là tiếc mình không đi bảo vệ rừng sớm hơn. Ngày trước, phóng tầm mắt đều thấy một màu xanh bạt ngàn. Nhưng giờ, nhiều thung ở Kim Bảng đã bị xoá sổ bởi hoạt động khai thác đá, ví như thung Dứa, thung Núi Cái.
Tiếng máy nổ, tiếng khoan đá ình ình suốt ngày đêm. Hệ sinh thái khu rừng bị ảnh hưởng, khu vực sống của loài voọc mông trắng cũng bị thu hẹp dần. Môi trường sống xung quanh của người dân cũng bị ảnh hưởng bởi khói bụi, nguồn nước ô nhiễm.
Tôi mong tổ bảo vệ rừng cộng đồng được tăng cường thêm các thành viên, mức lương anh em được hỗ trợ cao hơn. Có như vậy, anh em mới đủ kinh tế nuôi gia đình, toàn tâm toàn ý cho công việc bảo tồn.
Với tôi, tim còn đập là chân còn đi rừng, bảo vệ rừng đến chết mới thôi!
Chân thành cảm ơn ông!