Asanzo lập lờ xuất xứ hàng hoá: Lỗi tại người tiêu dùng!

Biên tập viên

Asanzo đạt danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn” năm 2017, nhưng CEO của Tập đoàn Asanzo nói: “sản phẩm Asanzo không phải Made in Việt Nam mà xuất xứ tại Việt Nam”!

Với khát vọng "làm chủ cuộc chơi", rất nhiều start up đã dùng tâm huyết của mình, quyết tâm xây dựng một thương hiệu sản phẩm made in Việt Nam. Shark Tam cũng vậy.

Nếu mỗi start up đều xuất sắc “vươn mình”, chẳng phải Việt Nam rồi sẽ trở thành một quốc gia đầy tự chủ trong tương lai, ví dụ như Israel châu Á, giống Shark Tam từng nói.

Niềm tin ấy tăng bội phần, khi năm 2017, Asanzo nhận danh hiệu "Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn”. 

Niềm tin ấy càng vững chãi hơn, khi mới đây Shark Tam công bố quỹ đầu tư 200 tỷ đồng Asanzo Startup Fund, đồng hành cùng chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 3 với tư cách đối tác chiến lược, mong muốn hỗ trợ, góp phần thực hiện hóa những dự án tiềm năng, đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng, xã hội.

Nhưng khi niềm tin với Asanzo đang ngút trời, thì thông tin Asanzo là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt khiến cả xã hội choáng váng.

Một cú lừa ngoạn mục!

Shark Tam từng phát ngôn: “Asanzo hiểu người dân Việt Nam… Từ đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau, tôi đều hiểu hết khách hàng”. Phải chăng, ý rằng Asanzo hiểu về nhu cầu sản phẩm của người tiêu dùng và biết cách “qua mặt” người tiêu dùng của mình?

Và nếu như không có sự xuất hiện của những chiếc tem “made in China”, thì cũng giống như Khải Silk, nồi cơm điện, tivi và gần 70 sản phẩm điện tử Asanzo vẫn là hàng “made in Việt Nam” chứ không phải 70% linh kiện ở dòng sản phẩm tivi của Asanzo được nhập từ Trung Quốc, 30% còn lại được nhập tại các công ty ở Việt Nam như lời thừa nhận của Chủ tịch Tập đoàn Điện tử Asanzo.

Người ta vẫn nói, một nửa sự thật không còn là sự thật, hà cớ gì, CEO của Asanzo vẫn khẳng định “không lừa người tiêu dùng”?

Thậm chí vị CEO này còn “cãi”: “Sản phẩm Asanzo không phải Made in Việt Nam mà xuất xứ tại Việt Nam”! Vậy, danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn” phải chăng chỉ là bùa giả “hộ thân” nhằm che mắt khách hàng 

Ở động thái mới nhất, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đã tước danh hiệu của Tập đoàn Asanzo, nhận lỗi với người tiêu dùng và cho rằng, hành vi nhập hàng Trung Quốc ghi xuất xứ Việt Nam của Asanzo đã gây tổn thương nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng trong nước.

Dù tỏ ra hối lỗi, nhưng nực cười ở chỗ, đại diện Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao lại đóng vai “nạn nhân”. Trong khi nếu xét kĩ, đơn vị đó thậm chí còn “tiếp tay” cho Asanzo lừa gạt người tiêu dùng Việt.

Trả lời trên báo điện tử Người Đưa Tin, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng: Hội có cơ sở để khẳng định, doanh nghiệp Asanzo đã cố tình khai báo sai về xuất xứ hàng hóa, cũng vi phạm điều lệ sử dụng danh hiệu mà doanh nghiệp đã cam kết khi nhận được.

Theo chia sẻ của bà Hạnh, quy trình duyệt, thẩm định hồ sơ để doanh nghiệp được nhận danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” trải qua rất nhiều bước. Vậy, sự việc xảy ra ở Asanzo thực tế là do Asanzo khai báo sai hay do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao duyệt, thẩm định hồ sơ dễ dãi, chỉ mang tính hình thức? 

Và buồn nhất có lẽ là lời khẳng định của bà Hạnh: “Danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” không phải danh hiệu Nhà nước cấp mà do một hội tư nhân hoàn toàn không nhận kinh phí Nhà nước hoạt động trong suốt 23 năm qua”.

Hóa ra bao lâu nay, người Việt cứ tin vào những danh hiệu, bị danh hiệu làm mờ mắt mà không biết rằng, đôi khi chúng chỉ là vật ngoài thân, dùng để “đánh bóng” tên tuổi, lừa đảo ánh nhìn… Thực sự, “chiếc áo không làm nên thầy tu”.

Con lợn đóng dấu kiểm dịch, chưa chắc đã được kiểm dịch. Gói muối quảng cáo lượng iot cao, chưa chắc thành phần đã có iot… Và tương tự vậy, danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao, chưa chắc đã là hàng Việt Nam, nói gì đến... chất lượng cao.

Asanzo nói không lừa đảo người Việt, hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao lại nói có cơ sở để khẳng định Asanzo cố tình khai báo sai về xuất xứ hàng hóa. Với cách đùn đẩy trách nhiệm đó, sai ở đây hình như lại là… người tiêu dùng.

Họ sai vì lóa mắt bởi danh hiệu, sai vì đặt niềm tin nhầm chỗ.

Theo Người đưa tin