Bài 1: Tầm nhìn chiến lược của Bác Hồ trong tổng tuyển cử đầu tiên của Quốc hội

Thảo Huyền

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, trong cuộc bầu cử đầu tiên, Bác Hồ đã có tầm nhìn chiến lược về xây dựng Nhà nước, trong việc phải bầu cử, phải tổng tuyển cử càng sớm càng tốt và phải soạn thảo hiến pháp.

Nhân dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2021), hướng tới ngày hội lớn của toàn dân - ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã chia sẻ với PV Báo Dân Việt về những tư tưởng của Bác Hồ trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, sự thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước, đồng thời nói lên những giá trị còn vẹn nguyên của Người trong việc lựa chọn người tài thành Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) – đại biểu nhân dân.

Bài 1: Tầm nhìn chiến lược của Bác Hồ trong tổng tuyển cử đầu tiên của Quốc hội

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, trong cuộc bầu cử đầu tiên, Bác Hồ đã có tầm nhìn chiến lược về xây dựng Nhà nước, vì nước ta từ nhà nước thuộc địa, phong kiến quân chủ, dân mình không được hưởng quyền tự do. Cho nên, ngay phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945 Bác đã đặt vấn đề là phải bầu cử, phải tổng tuyển cử càng sớm càng tốt và phải soạn thảo hiến pháp.

Bác Hồ bỏ phiếu bầu cử các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội.

Bác Hồ bỏ phiếu bầu cử các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội. (Ảnh: Tư liệu)

Một mốc son lịch sử về thể chế dân chủ

Thưa ông, Cách mạng tháng Tám thành công và chúng ta vừa mới tuyên bố độc lập ngày 2/9/1945, thì ngày hôm sau 3/9, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời Bác Hồ đã nêu ra yêu cầu phải tổng tuyển cử, phải soạn thảo Hiến pháp. Việc này nói lên điều gì?

­- Theo tôi, điều này nói lên những việc sau. Trước hết, nền độc lập của chúng ta mới được thành lập, muốn đảm bảo vững chắc thì phải xây dựng một Nhà nước hợp hiến, hợp pháp.

Tức là phải thông qua bầu cử để bầu ra Quốc hội, Nghị viện và từ đây cử ra Chính phủ chính thức, bởi vì trước Cách mạng tháng Tám chúng ta mới chỉ thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời.

Cho nên việc này phải khẳng định trên văn bản pháp lý rằng đây là Nhà nước hợp hiến, hợp pháp và cũng khẳng định ý chí bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc của dân tộc ta.

Trong Hội nghị, Bác Hồ đã từng nói, chúng ta phải chạy đua với thời gian để bầu cử Quốc hội và soạn thảo Hiến pháp để khẳng định cơ sở pháp lý tính hợp hiến của nhà nước.

Tư tưởng nhà nước pháp quyền của Bác Hồ là rất là rõ, cho nên khi Cách mạng tháng Tám thành công thì Người chủ trương phải bầu Quốc hội và soạn thảo Hiến pháp để xây dựng nhà nước pháp quyền và sau này chúng ta biết bản Hiến pháp năm 1946 thể hiện nhà nước pháp quyền rất rõ mà các bản Hiến pháp sau đều phải kế thừa.

 PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng

Thứ hai, thông qua bầu cử để lập Chính phủ chính thức thực hiện đúng quyền dân chủ của nhân dân, theo đúng chính thể của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước lập ra là Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – từ đây chính thể Cộng hòa dân chủ lần đầu tiên được thiết lập ở nước ta mang lại quyền tự do dân chủ rộng rãi cho nhân dân.

Đây cũng là mục tiêu của Bác Hồ cũng như Đảng ta là mong muốn xóa bỏ chế độ quân chủ phong kiến, chế độ áp bức bóc lột nhân dân và thành lập một nhà nước dân chủ, thực sự tiêu biểu cho quyền dân chủ, làm chủ của nhân dân.

Qua đó, nâng cao được bản lĩnh chính trị, giác ngộ cho toàn dân trên phạm vi cả nước và nêu cao ý thức bảo vệ nền độc lập do chính nhân dân xây dựng lên. Tức là tự bản thân người dân đi bỏ phiếu thì sẽ tự ý thức được trách nhiệm xây dựng và bảo vệ nhà nước.

 

Lời kêu gọi đồng bào đi bỏ phiếu bầu Quốc hội đầu tiên nước ta của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ảnh: tư liệu

Lời kêu gọi đồng bào đi bỏ phiếu bầu Quốc hội đầu tiên nước ta của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tư liệu).

Thứ ba, trong phiên họp đó, Bác Hồ có nói ý rằng, nước ta là nước quân chủ chuyên chế từ thời phong kiến, đất nước chưa có một bản Hiến pháp dân chủ, nên lần này thông qua bầu cử và soạn thảo Hiến pháp là bước phát triển mạnh mẽ trong bước nhận thức về vai trò của Nhà nước và chứa đựng nhà nước pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có thể nói, trong trong quá trình đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã tiếp cận được những tiến bộ của Nhà nước pháp quyền, cho nên từ năm 1919 Bác đã gửi yêu sách 8 điểm đến Hội nghị Versailles, trong đó đã chứa đựng tư tưởng về pháp lý ở Đông Dương và yêu cầu nước Pháp phải cải cách nền pháp lý này và giao cho nhân dân các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam quyền tự do dân chủ nhất định.

Có thể khẳng định, ý thức của Bác Hồ là giành độc lập luôn luôn gắn với xây dựng một nhà nước tích hợp, nhà nước đủ mạnh để bảo vệ nền độc lập.

Sau này, trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Bác có nói rằng, cách mạng thắng lợi rồi thì "quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người" thì dân chúng mới được hạnh phúc….

Tư tưởng nhà nước pháp quyền của Bác Hồ là rất là rõ, cho nên khi Cách mạng tháng Tám thành công thì Người chủ trương phải bầu Quốc hội và soạn thảo Hiến pháp để xây dựng nhà nước pháp quyền và sau này chúng ta biết bản Hiến pháp năm 1946 thể hiện nhà nước pháp quyền rất rõ mà các bản Hiến pháp sau đều phải kế thừa.

Sau tổng tuyển cử, nhân dân bầu ra 333 đại biểu Quốc hội trong số hàng nghìn người ứng cử và đề cử. Trong đó, Bắc Bộ có 152 người, Trung Bộ 108 và Nam Bộ 73. Có 10 đại biểu nữ. (Ảnh: Tư liệu).

Sau tổng tuyển cử, nhân dân bầu ra 333 đại biểu Quốc hội trong số hàng nghìn người ứng cử và đề cử. Trong đó, Bắc Bộ có 152 người, Trung Bộ 108 và Nam Bộ 73. Có 10 đại biểu nữ. (Ảnh: Tư liệu).

Vẹn nguyên âm vang Lời kêu gọi bầu cử Quốc hội của Bác Hồ

Thưa ông, hơn 75 năm trước, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên. Những lời kêu gọi thiết tha của Người có ý nghĩa như thế nào trong cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 này?

- Theo tôi, lời kêu gọi của Bác về cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên, trước hết Bác khẳng định vị thế của nhà nước ta sau Cách mạng tháng Tám. 

Đó là một Nhà nước do chính nhân dân trong cuộc cách mạng xây dựng nên và bây giờ cuộc bầu cử thì càng khẳng định được vị trí, vai trò của nhà nước trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cũng như sự nghiệp kháng chiến kiến quốc của toàn dân. 

Đồng thời, qua lời kêu gọi đó, Bác khẳng định trách nhiệm của công dân khi mà mỗi cử tri, mỗi người dân đi bầu cử theo quyền của mình (từ 18 tuổi trở lên được đi bầu và từ 21 tuổi trở lên được quyền ứng cử).

Qua bầu cử, Bác khẳng định, mỗi lá phiếu của mỗi cử tri như là một viên gạch góp phần xây dựng nền móng phát triển quốc gia. 

Và lúc đó, Việt Nam đang tiến hành kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ, Bác cũng khẳng định, mỗi lá phiếu để bầu ra ĐBQH của mình để xây dựng nhà nước vững mạnh thì cũng có ý nghĩa như một viên đạn trong sự nghiệp đấu tranh để bảo vệ nền độc lập của tổ quốc. Đây là ý rất quan trọng trong lời kêu gọi đó!

Và một điểm rất quan trọng trong lời kêu gọi đó là Bác kêu gọi toàn dân, ngày mai, ngày 6 tháng Giêng sẽ là ngày bầu cử, là ngày "đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình...", cho nên dù ở vùng miền nào, dù có khó khăn hay ở bất cứ hoàn cảnh nào thì cũng thi đua, cố gắng đi đến thùng phiếu để làm tròn trách nhiệm của cử tri, của công dân, và trách nhiệm ấy chính là góp phần thúc đẩy phát triển đất nước ta ngày càng vững mạnh trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, trong sự nghiệp mưu cầu hạnh phúc trong đời sống của nhân dân.

Trong lời kêu gọi, một lần nữa Bác khẳng định lại trách nhiệm công dân, đồng thời cũng khẳng định trách nhiệm của các đại biểu sau khi đã trúng cử vào Quốc hội thì phải có trách nhiệm rất lớn đối với đất nước, đối với dân tộc và hãy mang hết tất cả sự nhiệt huyết, tài năng, đức độ để đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước.

Tôi biết sau này, các dịp bầu cử ĐBQH từ khi vắng Bác, chúng ta vẫn quán triệt tinh thần đó. Còn hiện nay, chúng ta tiến hành bầu cử ĐBQH khoá XV, tuy rằng không có văn bản chính thức kêu gọi của các đồng chí lãnh đạo nhưng chúng ta vẫn nên cố gắng thực hiện điều mong muốn của Bác cách đây hơn 75 năm… để cống hiến cho đất nước trong thời kỳ phát triển mới.

Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đại hội XIII của Đảng để đưa đất nước Việt Nam phát triển nhanh, bền vững. Và có thể nói, Quốc hội khoá XV này là sự khởi đầu của cả một quá trình phát triển đất nước để đến năm 2025 chúng ta có được bước phát triển cơ bản, đến năm 2030 chúng ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao, và đến năm 2045 - Quốc khánh 100 năm, nước ta trở thành nước phồn vinh, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Như vậy, có thể nói Quốc hội khoá XV mở đầu thời kỳ phát triển mới mạnh mẽ, không chỉ trước mắt một nhiệm kỳ mà có thể còn dài hơn theo đúng tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu ra.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thành An).

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thành An).

Bác Hồ có tầm nhìn chiến lược, tầm nhìn về xây dựng Nhà nước

Nhìn lại những câu chuyện về Bác với cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, chúng ta càng thấy rõ hơn tư tưởng vĩ đại, tính thực tiễn sâu sắc và sự lãnh đạo tài tình của Bác. Có thể nói, Người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho một Nhà nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc, xây dựng một Nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân, thưa ông?

- Theo tôi trong cuộc bầu cử đầu tiên này, chúng ta phải thấy rằng Bác Hồ có tầm nhìn chiến lược, tầm nhìn về xây dựng Nhà nước.

Bởi lẽ, nước ta từ nhà nước thuộc địa, phong kiến quân chủ, nhân dân không được hưởng quyền tự do. Cho nên, ngay phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945 Bác đã đặt vấn đề là phải bầu cử, phải tổng tuyển cử càng sớm càng tốt và phải soạn thảo Hiến pháp. Chúng ta phải có một bản Hiến pháp dân chủ, đây là yêu cầu bức thiết của xây dựng nhà nước cũng là xây dựng chế độ mới của chúng ta.

Chúng ta cũng phải hiểu sự sâu xa của Bác đó là phát huy cho được dân chủ mà đây là quyền thiêng liêng của người dân Việt Nam. Đó là "Độc lập – Tự do  - Hạnh phúc".

Đi vào cụ thể, mặc dù ngày 3/9 mới họp, song đến ngày 20/9/1945, Người đã ký Sắc lệnh số 34 về việc thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của Chính phủ lâm thời. Đến ngày 17/10, Bác tiếp tục ký sắc lệnh số 51 về tổ chức cuộc tổng tuyển cử và quy định những thể lệ bầu cử rất rõ.

Sau này bác lại có Sắc lệnh 76 ngày 18/12 là hoãn ngày bầu cử mà lẽ ra là bầu cử ngày 23/12 nhưng vì để phát huy dân chủ tốt hơn, để chuẩn bị chu đáo hơn, để cho mọi người ứng cử có điều kiện thời gian để nộp đơn xin ứng cử. Vì thế mà Bác mới quyết định để ngày 6/1/1946 mới bầu cử.

(Còn nữa)