“Pháo đài bất khả xâm phạm” ở Điện Biên Phủ bị kéo sụp đã khiến ưu thế trên bàn đàm phán ngoại giao tại Geneva, Thụy Sỹ của Pháp bị tổn hại nghiêm trọng. Ngày 8/5/1954, Hiệp định Geneva được ký kết dẫn đến việc kết thúc sự hiện diện của quân đội Pháp trên bán đảo Đông Dương, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. Một trong những nội dung quan trọng của Hiệp định Geneva chính là sông Bến Hải, vĩ tuyến 17, được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập kết quân sự. Quân đội Nhân dân Việt Nam tập trung về phía Bắc; Quân đội Liên hiệp Pháp (bao gồm cả Quân đội Quốc gia Việt Nam) tập trung về phía Nam, tập kết chính trị tại chỗ, tập kết dân sự theo nguyên tắc tự nguyện. Trong khi đợi tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam, bên nào có quân đội của mình tập hợp ở vùng nào theo quy định của Hiệp định này thì bên ấy sẽ phụ trách quản lý hành chính ở vùng ấy. Hiệp định thừa nhận chủ quyền của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại cả hai miền Bắc và Nam vĩ tuyến 17. Dù Hiệp định Geneva không có điều khoản nào quy định chi tiết về thời điểm cũng như cách thức tổ chức Tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam-Bắc Việt Nam, nhưng Bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva lại nêu rõ cuộc Tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 7/1956. Trong thời gian đó, khoảng 14.000 - 45.000 dân thường và 100.000 binh sĩ chính quy của Việt Minh được tập kết ra miền Bắc, khoảng 700.000-1.000.000 người từ miền Bắc di cư vào Nam với niềm hy vọng rằng, chỉ 2 năm sau khi Tổng tuyển cử diễn ra, đất nước sẽ thống nhất và người dân sẽ được hưởng một nền hòa bình, độc lập lâu dài. Tiếc rằng, giấc mơ ấy phải gần 20 năm sau mới thành hiện thực. Một lần nữa, đế quốc Mỹ quyết định quay trở lại can thiệp vào Việt Nam mà lần này là ủng hộ Việt Nam Cộng hòa của Ngô Đình Diệm tuyên bố từ chối hiệp thương, tổng tuyển cử cũng như các điều khoản của Hiệp định Geneva với mưu đồ tiếp tục chia cắt đất nước và biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Dã tâm của Mỹ đã bị Chủ tịch Hồ Chí Minh “nhìn thấu”. Cụ thể, ngay sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đoán trước Mỹ sẽ tìm cách phá bỏ Hiệp định để chia cắt Việt Nam: “Theo đúng lập trường của ta từ trước đến nay, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ tiếp tục cố gắng đấu tranh cho hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ của Tổ quốc. Đồng thời, chúng ta phải có tinh thần cảnh giác rất cao đối với âm mưu của đế quốc Mỹ định cản trở hai bên đi đến hiệp định đình chiến và mưu mô lập khối liên minh quân sự có tính chất xâm lược, chia châu Á thành những tập đoàn đối lập để dễ xâm lược và khống chế Đông Dương cùng Đông Nam Á”. Quan điểm này được Chủ tịch Hồ Chí Minh lặp lại trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn AP của Mỹ ngày 13/7/1956, trong đó nêu rõ: “Nhân dân cả nước Việt Nam sẽ đấu tranh mạnh hơn để cho có tổng tuyển cử tự do trong khắp cả nước. Đó là nguyện vọng tha thiết của toàn dân Việt Nam đã được Hiệp định Geneva 1954 thừa nhận… Đất nước Việt Nam từ Bắc đến Nam là một khối, cần được thống nhất. Không thể chia cắt Việt Nam làm hai nước riêng biệt, cũng như không thể chia cắt Hoa Kỳ thành hai nước riêng biệt…”. Tầm nhìn và tư duy ngoại giao sắc bén của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở chỗ, ngay cả khi đất nước bước vào cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, Người vẫn tìm cách tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ tại Mỹ. Trả lời báo giới quốc tế vào tháng 8/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chúng tôi không có xích mích gì với nhân dân Mỹ. Chúng tôi muốn sống hòa bình và hữu nghị với nhân dân Mỹ. Trước đây, chúng tôi đã chú ý phân biệt thực dân Pháp và nhân dân Pháp yêu chuộng hoà bình, thì ngày nay chúng tôi cũng chú ý phân biệt nhân dân Mỹ vĩ đại có truyền thống tự do, với bọn can thiệp Mỹ và bọn quân phiệt ở Washington đang nâng đỡ chúng”. Tư duy chiến lược thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp quân và dân Việt Nam liên tục giành được nhiều thắng lợi trước đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai tại nhiều chiến dịch then chốt trong giai đoạn đầu khi Mỹ thực hiện Chiến tranh Đặc biệt như Bình Giã (2/12/1964-3/1/1965), Đồng Xoài (10/5-22/7/1965), Ba Gia (28/5-20/7/1965), Bầu Bàng-Dầu Tiếng (12-27/11/1965) … Việc Mỹ leo thang đánh phá Việt Nam trong giai đoạn Chiến tranh Cục bộ (1965-1972) không chỉ vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân dân Việt Nam mà còn cả sự phản đối sâu rộng của những người dân Mỹ yêu chuộng hòa bình với hình ảnh “Ngọn đuốc sống” Norman Morrison tự thiêu ngay trước Lầu Năm Góc ngày 2/11/1965. Sự việc gây rúng động chính giới Mỹ và cả thế giới khi đó đã thay đổi sâu sắc tầm nhìn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là Robert McNamara. Trong cuốn In Retrospect nhìn nhận lại cuộc chiến tranh Việt Nam của mình xuất bản năm 1995, McNamara thừa nhận: “Cái chết của Morrison là một bi kịch không chỉ cho gia đình anh, mà cả cho tôi và nước Mỹ... Phản ứng của tôi trước hành động khủng khiếp ấy là cố kìm nén tình cảm và tránh không đề cập đến với bất kỳ ai, ngay cả với gia đình. Marg và ba đứa con của chúng tôi chia sẻ nhiều tâm trạng của Morrison về cuộc chiến... tôi tin rằng tôi hiểu và chia sẻ một số suy nghĩ của anh”. Sự hoang mang, hoảng loạn trong chính giới Mỹ càng lên cao sau bê bối Watergate của chính quyền Nixon với cáo buộc lạm dụng quyền lực hòng tìm mọi cách ngăn cản phong trào phản chiến ngày càng dữ dội trong lòng nước Mỹ. Trước thất bại “được báo trước” ở Việt Nam, đến tháng 12/1972, chính quyền Nixon quyết chơi “canh bạc tất tay” bằng Chiến dịch Linebacker II với mục tiêu “phá hủy mọi mục tiêu trọng điểm” ở Hà Nội và Hải Phòng bằng “pháo đài bay B-52” và “kéo miền Bắc Việt Nam về thời kỳ đồ đá”. Thắng lợi vang dội trong trận “Điện Biên Phủ trên không” đã mở ra ưu thế rất lớn cho Việt Nam trên bàn đàm phán Hiệp định Paris với Mỹ, buộc Mỹ phải ký vào bản Hiệp định này vào tháng 1/1973 kéo theo sự rút lui của những binh sĩ Mỹ cuối cùng khỏi Việt Nam vào ngày 29/3/1973 cũng như sự chia rẽ, tranh giành quyền lực trong nội nộ Việt Nam Cộng hòa, báo hiệu sự cáo chung của chế độ ngụy quyền. Liên tiếp trong 2 năm sau đó, quân giải phóng miền Nam Việt Nam tiến hành hàng loạt các chiến dịch đánh vào các cứ điểm quan trọng nhằm tạo gọng kìm bao vây Sài Gòn. Đến ngày 9/4, Bộ Tư lệnh quân giải phóng miền Nam Việt Nam quyết định mở chiến dịch đánh vào phòng tuyến Xuân Lộc ở phía Đông Sài Gòn, mục tiêu là giải phóng thị xã Long Khánh, mở cửa để quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, thủ phủ của chính quyền miền Nam. Đúng 2 tuần sau, trong bài diễn văn đọc tại Trường đại học Tulane ở New Orleans, tiểu bang Louisiana, Tổng thống Mỹ Gerald Ford chính thức tuyên bố: “Cuộc chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt với Hoa Kỳ”. Đúng 17h ngày 26/4/1975, quân ta nổ súng, mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh. 5 cánh quân gồm 20 sư đoàn từ các hướng tấn công dồn dập tuyến phòng thủ vòng ngoài Sài Gòn. Rạng sáng 29/4, Quân giải phóng đồng loạt tổng công kích vào trung tâm thành phố, đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch. Đến 10h45 ngày 30/4, xe tăng ta húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập, bắt sống toàn bộ Ngụy quyền Sài Gòn. Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Vào lúc 11h30, lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Phủ Tổng thống Ngụy. Trong thời khắc lịch sử đó, các hãng tin, tờ báo lớn của Mỹ và thế giới đã có nhiều bài viết đánh giá cao chiến thắng vang dội của Việt Nam trước đế quốc hàng đầu thế giới chưa từng thất bại trong các cuộc chiến trước đó. Một ngày sau khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, ngày 1/5/1975, với tựa đề “Sài Gòn sụp đổ”, tờ New York Times chạy tít lớn suốt 8 cột trang nhất kèm theo hàng loạt tin, ảnh về sự sụp đổ của chính quyền ngụy và chiến thắng của các lực lượng cách mạng. Hãng tin AP cùng ngày đăng một bài viết có đoạn “Xe tăng, xe bọc thép và xe tải ngụy trang của quân Giải phóng tiến nhanh vào dinh Tổng thống. Cũng trong thời gian này, Tướng Dương Văn Minh đã lên đài phát thanh và truyền hình công bố lệnh đầu hàng”. Còn trên Los Angeles Times có đoạn: “Người Mỹ ra đi, Việt Nam Cộng hòa đầu hàng, nước Việt Nam đã trả lại cho người Việt…”. Ngày 7/5/1975, Báo tin tức Ai Cập viết: “Không một ai trên trái đất này, dù chính kiến hay màu da của họ như thế nào đi nữa, lại không kính trọng và tự hào về dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã giương cao ngọn cờ chiến thắng trên phần đất cuối cùng của Tổ quốc mình vào ngày 30/4/1975. Sau 30 năm trường chiến đấu liên tục, không một phút nghỉ ngơi, dân tộc ấy đã đánh bại 3 tên đế quốc lớn mạnh nhất thế giới là Nhật, Pháp và Mỹ, cuối cùng bằng máu và lửa, đã chứng minh cho cả loài người thấy rằng, những dân tộc đã chiến đấu thì không bao giờ chịu khuất phục và ý chí của họ là vô địch”. Đánh giá về chiến thắng lịch sử 30/4/1975, Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernandez cho rằng: “Nhân dân Việt Nam, tác giả của vô vàn chiến công phi thường, một dân tộc anh hùng, đã đánh bại kẻ xâm lược trên chiến trường có tiềm lực rất mạnh về kinh tế. Việt Nam đã cho thấy, không ai và không gì có thể chiến thắng được những người đấu tranh bằng niềm tin cho một sự nghiệp chính nghĩa, những người sẵn sàng hiến dâng cả cuộc đời và sẵn sàng có trong mình dòng máu anh hùng”. Ước mơ về một đất nước được hoàn toàn thống nhất, non sông quy về một dải đã chính thức thành sự thật. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước cũng đã gây ra những tổn thất hết sức to lớn cho người dân Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn bao cấp đã bộc lộ những vấn đề cấp thiết cần được giải quyết ngay lập tức. Nhận thức rõ tính nghiêm trọng của vấn đề, ngày 10/7/1986, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đã lên tiếng kêu gọi: “Trong lúc này chúng ta chỉ có hai khả năng lựa chọn: Đổi mới để tiến lên hay đi theo con đường cũ để chết?”. Đây cũng được coi là “phát pháo lệnh” quan trọng để Việt Nam “xé rào bao cấp” hướng đến Đổi mới và đạt được bước phát triển vững mạnh về kinh tế, xã hội cũng như đạt được các mục tiêu chiến lược trong tương lai./. |