Bài 1: Việt Nam quyết tâm giành độc lập: Biến điều không thể thành có thể
Đó là những lời đánh giá xác đáng của cố Chủ tịch Danh dự Hội đồng Hòa bình Thế giới Romesh Chandra dành cho Việt Nam, quốc gia mà chỉ trong vòng 75 năm kể từ khi giành độc lập đã tạo nên rất nhiều kỳ tích “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu và các sử gia uy tín trong nước và quốc tế vẫn đánh giá rất cao việc Mặt trận Việt Minh do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo có thể chớp thời cơ giành độc lập từ tay phát xít Nhật và chế độ phong kiến Việt Nam nhanh đến vậy.
Điều này đặc biệt đáng ghi nhận, trong bối cảnh Việt Nam khi đó đang phải đối mặt với muôn vàn gian khó mà cả Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương đều nhận định “như chỉ mành treo chuông” khi cùng lúc phải đối đầu với nhiều thế lực đang muốn xâu xé đất nước như Pháp, Nhật Bản, Tưởng Giới Thạch cùng các tổ chức phản động trong nước như Việt Quốc, Việt Cách.
Hơn thế nữa, người dân Việt Nam vừa trải qua nạn đói lịch sử năm Ất Dậu (1945), mà theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là “còn nguy hiểm hơn chiến tranh”: “Thí dụ trong 6 năm chiến tranh, nước Pháp chết một triệu người, nước Đức chết chừng 3 triệu. Thế mà nạn đói nửa năm ở Bắc Bộ, ta đã chết hơn 2 triệu người".
Trong khi đó, lực lượng chủ lực cho đấu tranh cách mạng khi đó là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) khi mới được thành lập cũng chỉ có quân số rất ít ỏi là 34 chiến sĩ, chia thành 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng được trang bị cực kỳ thô sơ gồm 2 súng thất cửu, 17 súng trường, 14 súng kíp, 1 súng tiểu liên, 150 viên đạn, 6 quả bom lửa, 1 hộp nổ. Đội có 500 đồng chi phí quân nhu.
Với thế và lực rất hạn chế như vậy, nhưng nhờ đường lối ngoại giao khôn khéo, linh hoạt “găng nhưng không được bể. Chúng ta sẵn sàng nhân nhượng để có một giải pháp chung. Song, độc lập quốc gia và tự do dân tộc thì không được vi phạm”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã tận dụng tối đa mâu thuẫn giữa Pháp và Nhật để kịp thời đề ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ngày 12/3/1945.
Chỉ thị nêu rõ: Cuộc đảo chính đã tạo ra ở Đông Dương "một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc", làm cho những điều kiện của cuộc khởi nghĩa Đông Dương chưa chín muồi đang đi tới chín muồi nhanh chóng. Chỉ thị cũng yêu cầu các cấp bộ Đảng phải "thay đổi mọi hình thức tuyên truyền, cổ động tổ chức và tranh đấu cho hợp với thời kỳ tiền khởi nghĩa”, phải cổ động quần chúng mạnh dạn ra đường đấu tranh, phá kho thóc của bọn đế quốc để giải quyết nạn đói, nhằm "phát động một cao trào Kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa.
Đường lối đúng đắn của Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” đã giúp Mặt trận Việt Minh tổ chức thành công tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên khắp cả nước (Cách mạng tháng 8) và chỉ 2 tuần sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 khai sinh nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nhìn lại sự kiện mang tính bước ngoặt không chỉ với Việt Nam mà còn cả các quốc gia thuộc địa mong muốn đấu tranh giành độc lập khác trên toàn thế giới, Giáo sư Mark Bradley tại Đại học Havard, nhận định: “Thắng lợi của Việt Minh trong Cách mạng tháng 8/1945 là rất đáng ghi nhận. Chỉ 5 năm trước đó, cả Đảng Cộng sản Đông Dương và những tổ chức chính trị chống thực dân khác dường như đều không tìm ra được cơ hội lật đổ sự thống trị của thực dân Pháp.
Nỗ lực của Đảng Cộng sản Đông Dương trong việc tận dụng thời cơ của việc Nhật chiếm đóng để xây dựng Mặt trận Việt Minh – một lực lượng quân sự độc lập nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người Việt Nam từ Bắc, Trung, Nam là phi thường”.
Trong khi đó, trong bài viết có tựa đề “Cách mạng tháng 8/1945 và sự thành lập Chính phủ lâm thời Việt Nam”, tờ La Tribune Diplomatique International của Algeria nhận định: “Việc Việt Nam giành được độc lập có ý nghĩa quan trọng, chiến lược đối với nhân dân các nước thuộc địa trên thế giới.
Người dân Algeria đã học hỏi được nhiều từ Việt Nam. Vào tháng 11/1945, Algeria đã tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và giành được độc lập 7 năm sau đó. Nhiều dân tộc thuộc địa khác cũng đã được giải phóng trong giai đoạn này.
Cuộc đấu tranh dành độc lập của Việt Nam đã trở thành nguồn cảm hứng ngay cả ở các quốc gia thực dân và đế quốc, trong cả tầng lớp tinh hoa và bình dân tại những nước này, những người hiểu rõ nguyên tắc tự do, bình đẳng và đoàn kết và đặc biệt là quyền tự quyết của mỗi dân tộc”.
Giành được chính quyền đã khó, giữ được chính quyền còn khó hơn gấp bội. Hiểu rõ thế và lực còn hạn chế của chính quyền lâm thời mới được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhân nhượng chấp nhận ký kết với Pháp để Pháp công nhận Việt Nam là quốc gia tự do nằm trong khối Liên hiệp Pháp. Điều này đã buộc Chính phủ Pháp phải gián tiếp công nhận nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi mời Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm chính thức Pháp với tư cách thượng khách và đón tiếp với nghi lễ nhà nước cao nhất sau Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946.
Đại diện Chính phủ Pháp tại Đông Dương khi đó Jean Sainteny, sau này nhớ lại: “Công thức Việt Nam là quốc gia tự do trong Liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp do ông Hồ Chí Minh chọn chỉ chốc lát trước khi ký”. Cũng chính Saiteny đã bày tỏ sự khâm phục và kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuốn hồi ký “Câu chuyện về nền hòa bình bị bỏ lỡ” khi chia sẻ: “Hồ Chí Minh chỉ có một mục đích thật sự, một mục đích cuối cùng, đó là Độc lập cho Việt Nam”.
Sự nhượng bộ Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được đánh giá có ý nghĩa then chốt nhằm giúp Chính phủ lâm thời Việt Nam có thêm thời gian chuẩn bị cho việc Pháp quay trở lại một lần nữa. Đáng chú ý, không chỉ tích cực chuẩn bị thế và lực trong nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tranh thủ vận động sự ủng hộ của chính nhân dân Pháp yêu chuộng hòa bình. Trong Lời kêu gọi Chính phủ Pháp và nhân dân Pháp ngày 10/1/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chúng tôi muốn hòa bình ngay để máu người Pháp và Việt ngừng chảy. Những dòng máu đó chúng tôi đều quý như nhau”.
Sự chủ động, tích cực trong việc chuẩn bị đối phó với sự quay trở lại của thực dân Pháp đã được đền đáp. Việt Minh liên tiếp giành được những thắng lợi quan trọng trong các chiến dịch mang tính chiến lược như Việt Bắc năm 1947, Biên giới 1950, Tây Bắc 1952… bất chấp việc Pháp nhận được sự ủng hộ lớn từ Mỹ cả về tài chính và quân sự.
Dù vậy, thách thức lớn nhất với Việt Minh chính là tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nơi Tướng Henri Navarre, Tổng chỉ huy quân Pháp trong thời gian diễn ra trận Điện Biên Phủ, đã dày công xây dựng và biến nó thành một “pháo đài bất khả xâm phạm”. Tướng Henri Navarre thậm chí còn tự tin cho rằng, nắm được Điện Biên Phủ là nắm được 50% chiến thắng, 50% cũng khó có thể lọt khỏi tay Pháp.
Tuy nhiên, chỉ trong 56 ngày bị Việt Minh vây hãm, “pháo đài bất khả xâm phạm” này đã bị đập tan, toàn bộ 16.200 quân Pháp bị tiêu diệt hoặc bị bắt làm tù binh. Trận thua lớn ở Điện Biên Phủ đã gây chấn động dư luận Pháp, đánh bại ý chí duy trì chế độ thực dân tại Đông Dương của Pháp và buộc nước này phải rút khỏi Đông Dương.
Chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu ấy” đã gây một cú sốc lớn tới chính các tướng lĩnh Pháp. Tướng De Castries sau khi bị đánh bại tại Điện Biên Phủ năm 1954 thắc mắc: “Điều làm tôi hết sức ngạc nhiên là không biết Tướng Võ Nguyên Giáp đã tốt nghiệp từ những học viện võ bị cao cấp nào? Ông Giáp đã được bí mật đưa sang Liên Xô nghiên cứu chăng? Đôi khi tôi nghĩ Tướng Giáp là một trong số ít người trước đây được đào tạo ở Trường Võ bị Saint Cyr của chúng tôi trước khi theo Việt Minh. Hay Tướng Giáp đã tốt nghiệp học viện quân sự Mỹ?”.
Tuy nhiên, sử gia hàng đầu người Pháp Alain Ruscio lại thẳng thắn nhìn nhận, thất bại tại Điện Biên Phủ là “ngọn gió tất yếu của lịch” trong đó, sự “tất yếu” được cấu thành từ các yếu tố “nỗ lực không mệt mỏi của cả một dân tộc để đạt được một kết quả tưởng chừng giản đơn mà vô cùng gian nan là hòa bình, độc lập; tất yếu vì chủ nghĩa thực dân muốn đè nén một dân tộc khác thì phải bị tiêu diệt”.
Có thể nói, trong muôn vàn gian khó, bản lĩnh Việt Nam đã được thử thách thực sự và những thắng lợi ban đầu đã trở thành nền tảng cơ bản để Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tiếp tục bước những bước vững chắc tới những mục tiêu lớn hơn là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong mỏi./.
Còn tiếp...