Theo tìm hiểu, hiện nay ở xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình có nhiều người mắc những căn bệnh lạ mà trước kia hiếm khi xuất hiện như các bệnh ngoài da, bệnh về hô hấp và đặc biệt là những trường hợp mắc ung thư, nên tâm lý của cộng đồng khá lo lắng bất an.
Nguyên nhân dẫn đến những căn bệnh này được người dân lý giải, do nhà máy MDF Hòa Bình nằm sát khu dân cư, xung quanh được bao bọc bởi núi đá, lại không có một hệ thống cống rãnh thoát nước đồng bộ như các khu công nghiệp, lượng nước của nhà máy rò rỉ, chảy ra ngoài sẽ ngấm trực tiếp xuống lòng đất. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất nông nghiệp và sức khỏe của người dân.
Bà Nguyễn Thị Thu, ở xóm 3, xã Lạc Thịnh, chia sẻ: "Cháu bé nhà tôi mới 3 tuổi, lúc sinh ra rất khỏe mạnh, nhưng một năm trở lại đây liên tục bị ho, uống nhiều loại thuốc cũng không khỏi, ngay bản thân tôi cũng thường xuyên bị ho và rát họng, nên mỗi khi nhà máy xả khói bụi ra môi trường thì nhà nào cũng phải đóng kín cửa suốt ngày đêm".
Bà Đỗ Thị Nga, người dân xã Lạc Thịnh, cho biết: "Xưa kia ở xã này rất hiếm người mắc bệnh ung thư, nhưng từ khoảng 10 năm trở lại đây, xuất hiện khá nhiều người mắc ung thư, chỉ 5 năm qua đã có hàng chục người chết vì ung thư, nên chúng tôi rất lo lắng".
Ghi nhận thực tế của PV tại xã Lạc Thịnh, đã có những trường hợp người dân qua đời do mắc bệnh ung thư, đa số đều liên quan đến đường hô hấp.
Anh Bùi Văn Hải, một cựu công nhân ở nhà máy MDF cho biết: "Bố tôi đang sống khỏe mạnh, vài năm nay thì phát hiện ra bệnh ung thư phổi, mới đây đã qua đời, giờ cả nhà đều mang tâm lý lo sợ. Trước kia tôi có vào làm việc ở nhà máy, họ sử dụng các can hóa chất để sản xuất, sau đó họ đợi đêm xuống thì xả ra ngoài cánh đồng, sau tôi không chịu được mùi hóa chất nên đã xin nghỉ".
“Các khu ruộng ở giáp nhà máy bây giờ đều bỏ hoang cho cỏ mọc, trồng mía thì mía không lớn được, cỏ mọc thì trâu bò không ăn, con nào ăn vào thì về bị bệnh tiêu hóa chết dần chết mòn không cứu được", bà Nguyễn Thị Vân nói.
Do quá bất lực trước tình trạng ô nhiễm báo động ở địa phương, người dân cho rằng, họ sẵn sàng đóng góp kinh phí cho nhà máy dời đi nơi khác, để đổi lại tính mạng của họ được an toàn.
Anh Phạm Thanh Hoàn, người dân xã Lạc Thịnh, bức xúc: “Giờ người dân đề nghị một là nhà máy đền bù cho chúng tôi để chúng tôi dời đi, hai là người dân chúng tôi sẽ tự nguyện đóng góp kinh phí cho nhà máy di dời đi nơi khác, trả lại môi trường sống cho nhân dân chúng tôi".
PV đã liên hệ với lãnh đạo nhà máy MDF Hòa Bình để làm rõ vụ việc, tuy nhiên lãnh đạo nhà máy viện lý do bận công tác nên đã từ chối làm việc.
Theo phản ánh của người dân, mặc dù nhà máy đã đi vào hoạt động gần cả thập kỷ, nhưng đến năm 2019 mới được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐMT), khiến người dân vô cùng bức xúc, và hoài nghi có sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, khiến cho nhà máy này coi thường các quy định của pháp luật, đầu độc môi trường sống, khiến cả vùng dân cư bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các hệ lụy nguy hiểm này.
Truyền hình Người đưa tin pháp luật sẽ tiếp tục thông tin ở bài sau.