Tương truyền, nghề làm bánh đa ở xứ Lường, Đô Lương, tỉnh Nghệ An đã được truyền đời tiếp nối qua nhiều thế hệ trong làng. Cho đến nay, tuổi đời làng nghề cũng đã hơn 300 năm. Trước đây, làng nghề Vĩnh Đức nằm ở xã Liên Sơn đến năm 1989, xã Liên Sơn sáp nhập thị trấn Đô Lương. Năm 2005, UBND tỉnh Nghệ An công nhận nơi đây là Làng nghề sản xuất bánh đa Vĩnh Đức. Người làm bánh đa lâu năm nhất ở đây cũng không biết được nguồn gốc của làng nghề này có từ khi nào. Họ chỉ nhớ rằng mình được ông bà, cha mẹ truyền lại cách thức làm bánh đa ngon nhất.
Để làm nên một chiếc bánh đa thơm ngon phải trải qua rất nhiều công đoạn. Kỳ công từ khâu chọn nguyên liệu rồi đến chế biến, sản xuất. Nguyên liệu thường sử dụng gạo có độ dẻo ít, gạo thường được dùng là loại Khang Dân 18, gạo tẻ để tráng bánh. Gạo sau khi ngâm một đêm, nhặt sạch lúa, sạn sau đó mới nghiền nhỏ thành bột nước, trộn với vừng đen. Để tăng thêm vị thơm ngon, người ta cho thêm hạt tiêu, tỏi giã nhỏ, trộn vào bột gạo. Đây cũng chính là bí quyết làm nên mùi vị riêng biệt của bánh đa Đô Lương.
Hỗn hợp bột sau khi đã trộn đều, sẽ được tráng một lớp mỏng lên chiếc vỉ làm từ vải, trên nồi nước sôi. Bánh đa khi đã tráng chín được trải nhẹ tay trên vỉ nứa để nguội rồi mới đem phơi. Lúc phơi bánh, cứ tầm 2 tiếng sẽ lật mặt bánh một lần để bánh được khô đều. Nếu trời nắng to phải canh bánh, lật bánh thường xuyên bởi quá nắng chiếc bánh sẽ cứng và cong, nhìn không đẹp mắt và khó nướng.
Những chiếc bánh đa sau khi phơi khô sẽ được nướng trên bếp than rực hồng hoặc chiên qua dầu. Nướng sao cho bánh nở đều, làm dậy mùi thơm nồng của tiêu, tỏi, vị bùi của bột gạo, vừng đen.
Năm 2017, Bánh đa Đô Lương đã được cấp giấy chứng nhận sở hữu trí tuệ. Hiện nay, làng nghề Vĩnh Đức đã có hơn 100 hộ sản xuất bánh đa quanh năm. Nhà nào cũng tất bật, đỏ lửa tráng bánh. mùi khói thơm từ việc nướng bánh lan tỏa khắp vùng rộng lớn. Những chiếc bánh đa tuy bé nhỏ nhưng đã trở thành hương vị quê nhà khó quên với bao người con xứ Nghệ.