Thu Hiền, một đồng đội trong nhóm cứu hộ rùa biển thường đùa với tôi rằng rùa là loài động vật rất thủy chung. “Khi đến tuổi sinh sản, rùa biển sẽ quay lại chính nơi mình được sinh ra để giao phối và đẻ trứng”, Hiền bật mí với tôi trong lúc mân mê trong tay một chú rùa tý hon.
Nhìn Hiền say đắm với lũ rùa nhỏ, tôi như thấy chính mình trong đó. Có lẽ, tôi cũng đã lỡ “phải lòng” loài động vật này từ khi nào không hay.
Để thụ thai, rùa đực và rùa cái phải giao phối đến 72 giờ. Đến mùa sinh sản, mỗi rùa mẹ có thể sinh từ 8 đến 11 tổ, mỗi tổ 70 đến 200 quả trứng. Dù có vòng đời lên đến hơn 30 năm tuổi nhưng tỷ lệ sống sót và trưởng thành của loài vật này khá thấp, chỉ xấp xỉ 1/1.000. Đây là một trong những nguyên nhân khiến rùa biển được liệt kê vào danh sách các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng.
Vì sự quý hiếm và dễ tổn thương này, năm 2007, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã thành lập Chương trình Bảo tồn Rùa biển nhằm mục tiêu bảo vệ loài động vật đã tồn tại trên Trái Đất hơn 220 triệu năm. Chương trình tình nguyện viên bảo vệ rùa biển tại Vườn Quốc gia Côn Đảo là một trong những hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về loài động vật quý hiếm này.
“Dùi mài kinh sử” để được đi cứu hộ rùa
Để đáp ứng tiêu chí của một tình nguyện viên (TNV) bảo vệ rùa biển, không quá khi nói tôi đã phải ôn thi mất gần 2 năm. Năm 2018 là lần đầu tiên tôi nộp hồ sơ tham gia tình đội cứu hộ rùa biển và “trượt thẳng cẳng”. Quyết phục thù vào đợt tuyển TNV năm 2019, tôi dành nhiều thời gian, tâm sức để tìm hiểu kiến thức về rùa biển và môi trường sống của chúng. Đồng thời, tôi tha thiết trình bày rõ nguyện vọng được trải nghiệm cuộc sống trên đảo và ngắm nhìn bầy rùa vũng vẫy giữa biển khơi.
Một tháng sau ngày nộp đơn, tôi nhận được email phản hồi từ IUCN, ban tổ chức chương trình. Vừa nhìn chữ “Chúc mừng” ở tiêu đề thư, tôi biết mình đã có tên trong danh sách TNV tham gia bảo vệ rùa biển tại Côn Đảo. Cảm giác phấn khích như ngày nhận giấy báo trúng tuyển đại học hơn 20 năm trước.
Không ngần ngại, tôi lập tức hủy chuyến du lịch Pakistan cùng bạn bè và “xin phép” vợ con được đi ẩn cư 10 ngày. Được gia đình “phê duyệt”, tôi háo hức sắp xếp đồ đạc, chuẩn bị hành trang cho một chuyến khám phá cuộc sống của một trong những loài động vật tồn tại lâu đời nhất thế giới ở Côn Đảo - “vương quốc rùa” tại Việt Nam.
Từ Hà Nội, tôi bay vào TP.HCM và tiếp tục di chuyển đến Côn Đảo để nhập hội cùng 17 TNV đến từ nhiều nơi trên dải đất hình chữ S. Đặc biệt, có một du học sinh bay từ Singapore về Việt Nam vì không nỡ bỏ lỡ cơ hội gặp loài động vật quý hiếm này. Đủ thấy rùa biển có sức quyến rũ cỡ nào.
18 người chúng tôi cùng bắt đầu hành trình 10 ngày khám phá Côn Đảo với một vai trò mới toanh: những người “đỡ đẻ” cho rùa biển.
Ngày thứ 2 ở Côn Đảo. 4h30 sáng, bốn thành viên trong đoàn dậy sớm để đi chợ mua thức ăn chuẩn bị cho 10 ngày ở đây. “Các bạn nhớ là không mang các sản phẩm nhựa dùng một lần lên đảo nhé”, anh Lê Xuân Đà, đại diện Vườn Quốc gia Côn Đảo cẩn thận dặn dò.
Rác thải nhựa là mối đe dọa lớn nhất cho sinh cảnh sống của rùa biển. Loài rùa có thể sống đến 80 năm ở đại dương nhưng chỉ sống được 2 giờ khi mắc lưới. Nhận thức được mối nguy đó, cả đoàn chúng tôi thống nhất quy tắc hạn chế sử dụng đồ nhựa và đặt nhiệm vụ thu gom, tiêu hủy rác thải nhựa trôi dạt vào các đảo.
Đúng 6h, rau, gạo, thịt, lạc, gia vị… được xếp vào từng bao tải nhỏ, vận chuyển lên chiếc tàu gỗ cũ của Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo tại cảng. Chiếc tàu rẽ sóng đưa chúng tôi ra khơi.
Mặt trời dần nhú lên sau những dãy núi xanh ngát. Ánh bình minh trải dài trên mặt biển tạo thành những dải lụa vàng rực, lấp lánh trên mặt nước. Cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ khiến ai cũng phải trầm trồ. Cả đoàn, không ai bảo ai, tới tấp chụp ảnh như sợ bỏ lỡ khoảnh khắc này.
Vùng biển Côn Đảo là sinh cảnh đẻ trứng của Rùa Xanh (hay còn gọi là Vích) và Đồi mồi. Tại Vườn quốc gia Côn Đảo có 14 bãi biển có rùa lên đẻ trứng với tổng diện tích các bãi đẻ trên hàng chục nghìn m2. Một số bãi đẻ của rùa có diện tích lớn và số lượng rùa mẹ lên đẻ nhiều như bãi cát lớn hòn Bảy Cạnh, bãi Dương, hòn Cau, hòn Tre Lớn, hòn Tài. 5 bãi này được bố trí 5 trạm kiểm lâm để làm nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn rùa biển, mỗi trạm có từ 3 – 5 kiểm lâm viên.
|
18 người chúng tôi được chia ra làm 3 đoàn. Tôi và 11 TNV khác được phân công tới hòn Bảy Cạnh vì đây là đảo lớn nhất; hòn Cau và Bãi Dương mỗi đảo 3 người. Các nhóm chủ động phân công việc trực rùa đẻ, san lấp hố rùa, nấu ăn, dọn vệ sinh… Chúng tôi tạm chia tay nhau, chiếc xuồng nhỏ đưa 3 nhóm đi thực hiện nhiệm vụ của mình.
Đón chúng tôi tại cửa rừng ngập mặn hòn Bảy Cạnh là một nhóm cán bộ thuộc Trạm kiểm lâm. Những chàng trai trẻ với làn da ngăm đen và thân hình vạm vỡ, khuôn mặt toát lên vẻ chất phác, mộc mạc, thân thiện. Len lỏi qua rặng cây lớn trên đảo, trạm trưởng Nguyễn Đình Lý đưa cả đoàn về trạm và nghiêm chỉnh nhắc nhở: “Công việc cứu hộ rùa rất vất vả, chủ yếu làm vào ban đêm, ngày được ngủ 3-4 tiếng thôi. Tôi mong các bạn sớm thích nghi và làm việc nghiêm túc như ở trên đất liền”.
Tháng 7 và tháng 8 hàng năm là mùa cao điểm của rùa biển đẻ trứng. Do số lượng trứng rất lớn nên Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo thiếu nguồn lực để thực hiện công tác bảo tồn rùa biển và cần người hỗ trợ. Đó là lý do 18 người chúng tôi có mặt ở đây để góp phần bảo tồn “vương quốc rùa” này.
Trắng đêm đỡ đẻ cho rùa
Đặc tính sinh học của loài rùa rất nhạy cảm với tiếng động, ánh sáng nên tất cả hoạt động phải diễn ra trong im lặng. Không ai được sử dụng đèn chiếu và bật flash chụp ảnh khi rùa đã lên bờ. “Trong lúc rùa đẻ các bạn có thể soi đèn với cường độ ánh sáng yếu từ phía sau nhưng hạn chế nói chuyện riêng nhé”, kiểm lâm viên Hoàn nhắc nhở chúng tôi.
Tất cả chúng tôi cùng gật đầu, lắng nghe răm rắp. Trong ánh trăng rằm tháng 6, 12 người cùng im lặng đổ dồn cặp mặt xuống bãi cát, chờ đợi một cử động nhỏ. Âm thanh duy nhất là tiếng sóng biển rì rào, xô vào bờ từng đợt.
“Rùa lên kìa”, Thanh khẽ thốt lên, phá tan bầu không khí im lặng. 11 người háo hức, chong mắt nhìn theo hướng Thanh chỉ, không ai dám chớp mắt. Sóng biển rút xuống để lộ một chú rùa đang từ từ bò lên bãi cát. Chúng tôi phấn khích ngắm nhìn mẹ rùa nhích từng centimet tìm chỗ đẻ trứng. Ai cũng phải cố nhịn để không bật ra những tiếng kêu thích thú. Cả bãi biển vẫn chỉ có tiếng sóng biển cùng tiếng mẹ rùa bò “xạp xạp” trên bãi cát.
Khi tìm được điểm ưng ý, rùa mẹ dùng hai chi sau để đào hố. Cũng có những con “khó đẻ”, sau khi đào hố xong lại bò lổm ngổm xung quanh, thậm chí quay lại biển mà không “sản xuất” được quả trứng nào. Trong khoảng 2 giờ, trung bình mỗi rùa mẹ có thể đào hố sâu 40-60 cm, rộng chừng 20 cm và đẻ 70-120 quả trứng, mỗi mùa sinh sản chúng đẻ 3-5 lần.
Lần đầu tiên chứng kiến rùa đẻ trứng, tôi không dám chớp mắt, sợ bỏ lỡ bất kỳ khoảnh khắc nào. Tôi tập trung theo dõi nhất cử nhất động của một mẹ rùa. Trong bóng tối, một điểm sáng le lói dần lộ ra từ sau đuôi rùa mẹ. Từng quả trứng trắng tinh, tròn như quả bóng bàn từ từ lăn xuống hố cát. Cứ thế trong 20 phút, rùa mẹ này đã cho ra hơn trăm quả trứng. Khoảnh khắc vi diệu của tự nhiên khiến chúng tôi sững sờ, muốn thốt lên câu gì đó nhưng phải kìm nén vì sợ rùa mẹ nghe được sẽ bỏ đi.
Để tránh con vật khác ăn trứng hay làm vỡ tổ, sau khi kết thúc cuộc sinh đẻ, rùa mẹ sẽ xóa dấu vết bằng cách lấp các ổ trứng lại. Do vậy, khi phát hiện rùa đang đẻ, người trực phải lấy que cắm mốc để nhận biết. Que trơn thể hiện rùa đang đẻ, còn que có lá tức rùa đã đẻ.
Rùa mẹ đẻ xong sẽ về biển, lúc này, nhiệm vụ của TNV là móc trứng và cho vào hố ấp theo sự hướng dẫn của cán bộ kiểm lâm. Mọi thao tác phải hết sức nhẹ nhàng và cẩn thận. Hồ ấp tại trạm Bảy Cạnh rộng cỡ 600 m2 và được bảo vệ bởi hàng rào thép. Nhiệt độ hố ấp cũng là một trong những yếu tố quan trọng bởi nó sẽ quyết định giới tính của rùa. Dưới 28 độ C, trứng sẽ nở thành con đực, trên 32 độ C thì nở ra con cái. Trứng rùa được ấp trong các hố cát (như lúc rùa mẹ đẻ ra). Sau 45-60 ngày sẽ nở ra rùa con và được thả về biển khi mặt trời chưa ló rạng.
Thủy triều xuống cũng là lúc báo hiệu nhiệm vụ đỡ đẻ cho rùa ngày hôm đó đã xong. Nhóm trực quay về trạm rửa sạch cát rồi lên võng ngủ. Ngoài sân, nhóm thả rùa con mới nở và san lấp hố cát lục đục chuẩn bị dụng cụ ra biển. Công việc của chúng tôi cứ lặp lại 10 ngày như vậy. Mọi câu nói, hành động, suy nghĩ đều liên quan đến rùa.
Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công chương trình bảo tồn rùa biển. Số lượng rùa biển lên bãi đẻ trứng ở Côn Đảo chiếm trên 85% số rùa về đẻ ở vùng biển Việt Nam, được sách kỷ lục quốc gia ghi nhận là nơi thả rùa con về biển nhiều nhất cả nước. Quần thể rùa xanh về đẻ trứng tại đây cũng là một trong những quần thể lớn nhất Đông Nam Á.
Ngày ngủ, đêm "làm mồi" cho bù mắt
Cặp mắt thâm quầng là tình trạng chung của hầu hết TNV chỉ sau vài ngày trên đảo. Mỗi lần vác cuốc, xẻng ra bãi biển là tôi lại nghe thấy những tiếng ngáp dài của đồng đội. “Phải ngủ để dành sức chăm sóc rùa những ngày tiếp theo đi các em, nếu không chỉ sau 3 ngày là kiệt sức”, trạm trưởng Lý hay dặn chúng tôi như vậy.
Thế nhưng, sự tò mò, háo hức với cuộc sống hoang dã nơi đây khiến chúng tôi trở thành “những đứa trẻ” không nghe lời. Cả bọn thường rủ nhau lén lút trốn ngủ đi khám phá hòn đảo hoặc tìm một góc thơ mộng hàn huyên, tâm sự.
Hậu quả là đến tối, khi làm nhiệm vụ trực rùa lên đẻ trứng bên bãi biển trăng thanh, gió mát, cơn buồn ngủ nhanh chóng ập đến với hầu hết TNV. Có người vừa vào ca đã nằm ngon giấc trên bãi biển, ngủ say đến mức rùa lên bò xung quanh cũng chẳng hay biết. Cả đoàn nhờ đó được trận cười ngặt nghẽo.
Lần đầu bước chân lên hòn Bảy Cạnh tôi cứ ngỡ đây là một khu nghỉ dưỡng biển sang trọng. Nằm trong khu bảo tồn của vườn Quốc gia Côn Đảo, hòn Bảy Cạnh có diện tích khá lớn, gọi là Bảy Cạnh vì đảo này có 7 cạnh, 3/7 cạnh có rùa lên đẻ trứng. Mặt trước bãi cát trắng mịn hình vòng cung khá đẹp, nước trong xanh với nhiều bãi san hô ngầm thu hút các đoàn khách tới lặn ngắm hàng ngày. Tuy nhiên, sau mỗi ca trực mệt mỏi, thay vì ngâm mình xuống dòng nước mát, thưởng thức bầu không khí ở “khu nghỉ dưỡng” này, tôi chọn lên võng và chìm vào giấc mơ.
Trên đảo không có nguồn nước ngọt nên mọi sinh hoạt, giặt giũ đều trông vào nước mưa. Đó là lý do các mái nhà ở đây đều được lát phẳng lì, khi mưa xuống nước tự chảy vào ống nhựa và xuống bể. Đặc biệt, trên đảo nếu muốn gọi điện thoại, mỗi người phải chui đầu vào một hộp gỗ nhỏ treo trên thân cây dừa để bắt sóng. Còn nếu muốn truy cập Internet phải đi bộ mất 1 cây số.
Mặt sau của hòn Bảy Cạnh là rừng ngập mặn nên loài bù mắt là nỗi ‘kinh hoàng’ của nhiều tình nguyện viên. Loại côn trùng này nhỏ đến nỗi mắt thường không nhìn thấy, đốt ngứa rất lâu và dễ mưng mủ thành sẹo đen. Dù đã xịt rất nhiều thuốc chống côn trùng lên cơ thể nhưng bạn Nguyễn Hoàng Hà My vẫn trở thành nạn nhân của loài sinh vật “lợi hại” này.
“Trên đời này em chưa từng bị con nào cắn mà ngứa như vậy. Toàn thân đã phủ khăn nhưng còn đôi tay, đôi chân giờ có hàng chục vết cắn thâm đỏ. Về Hà Nội phải trùng tu nhan sắc rồi”, cô gái than thở rồi tiếp tục xoa xoa vào đôi chân chi chít vết đỏ do bù mắt để lại. Các cán bộ kiểm lâm sống lâu năm trên đảo cho biết hiện chưa có loại thuốc côn trùng nào khắc chế được bù mắt, do đó, cách duy nhất là chấp nhận “sống chung với lũ”.
Rùa biển - Sứ giả đại dương cần được bảo vệ
"Cầm rùa đi khắp thế gian" là câu mà tôi hay dùng để trêu anh Nguyễn Thái, một TNV có niềm ham thích đặc biệt với rùa và thiên nhiên. Trong túi quần chàng trai này lúc nào cũng có một chú rùa bông trông rất ngộ nghĩnh. Khi làm bất cứ hoạt động gì, anh đều đưa chú rùa ra để chụp ảnh chung. “Tôi rất mừng vì mình được chọn làm tình nguyện viên lần này, tôi cũng hiểu được loài rùa biển đang đứng trước mối đe dọa lớn. Không thể hiểu nổi tại sao người ta có thể ăn thịt rùa và trứng rùa, đó là hành động dã man”, Thái nói với tôi.
Giống như Thái, Minh Tâm cũng có những tâm sự tương tự. “Được thả những chú rùa bé nhỏ là một đặc ân của thiên nhiên. Nhưng cũng khá buồn vì tỷ lệ sống sót của rùa chỉ chiếm 1/1.000. Đến tuổi sinh sản, chúng sẽ quay lại nơi mình được sinh ra để giao phối và đẻ trứng. Rùa có khả năng ghi nhớ tuyệt vời”, Tâm chia sẻ với tôi về tình yêu dành cho loài vật này.
Trong văn hóa người Việt, rùa là một trong 4 linh vật của tứ linh (Long - Ly -Quy - Phượng). Người dân sống tại khu vực ven biển và những người đi biển thường xem rùa biển là con vật linh thiêng, là sứ giả của đại dương. Theo các nghiên cứu, các loài rùa biển đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của hệ sinh thái, đem lại nguồn lợi cho cộng đồng từ các hoạt động du lịch.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Vườn Quốc gia Côn Đảo đón gần 20.000 lượt khách du lịch tham gia các tour du lịch sinh thái, lặn biển và xem rùa đẻ trứng. Nếu như trước đây rùa biển và trứng rùa là đặc sản ở Côn Đảo thì ngày nay người dân địa phương nhận thức được rùa là báu vật của đại dương cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Thế giới có 7 loài rùa biển thì 5 loài đã xuất hiện ở Việt Nam nhưng hiện nay chỉ còn Rùa xanh (Vích) lên đẻ trứng. Tất cả các loài rùa biển đều được đưa vào Sách Đỏ và có nguy cơ tuyệt chủng.
10 ngày xa rời phố thị, dành trọn tâm trí vào những mẹ rùa bé nhỏ, tôi đã học được ở những kiểm lâm nơi đây bài học rất lớn về cách thức bảo tồn thiên nhiên và sinh vật biển. Chúng ta không thể chỉ đơn giản làm mọi thứ để giúp quá trình sinh nở của rùa được dễ dàng, thuận lợi, mà phải thực sự bảo vệ dựa trên sự hiểu về đặc tính của chính loài vật đó.
Tôi vẫn nhớ mãi lời dặn dò của một kiểm lâm viên rằng rùa biển là loài vật rất nhạy để nhận biết hình ảnh nơi chúng sinh ra. Bởi khi trưởng thành, chúng sẽ quay lại chính nơi mình đã chào đời để đẻ trứng. Theo kết quả của các dự án gắn thẻ theo dõi rùa biển tại vùng Caribê, không có một con rùa đã được gắn thẻ tại một nơi lại được tìm thấy lên đẻ trứng ở nơi khác trong suốt 22 năm theo dõi. Đây là bằng chứng cho thấy rằng những con rùa đó chỉ làm tổ ở một nơi trong suốt cuộc đời.
Đó là lý do khi thả rùa về biển, phải thả từ trên bãi cát để chúng tự bò xuống biển. Đường bò xuống biển chỉ cỡ vài chục mét bờ cát, nhưng vài chục mét ấy sẽ khắc ghi trong trí chúng hàng thế hệ để rùa biển có thể tìm về nơi mình đã sinh ra, tiếp tục hành trình duy trì nòi giống.
Thế nên, khi bảo vệ thiên nhiên nói chung và sinh vật biển nói riêng, ta không thể chỉ làm những điều ta muốn, mà phải làm những thứ chúng thực sự cần.