Sáng 9-10, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM đã tổ chức hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri ngành y tế TP. Tham dự tại đầu cầu Hà Nội có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; tại TP HCM có Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi và bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP .
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ngành y tế TP HCM với các chiến sĩ áo trắng là lực lượng tuyến đầu, là những anh hùng thầm lặng, dũng cảm hy sinh, cống hiến quên mình để cùng với TP bảo vệ tính mạng, sức khỏe và bình yên của người dân. Chủ tịch nước cũng bày tỏ cảm thông sâu sắc với những vất vả khó khăn của đội ngũ y - bác sĩ, cán bộ ngành y tế ngày đêm hỗ trợ chăm sóc người bệnh.
"Đỉnh dịch tại TP HCM đến thời điểm này đã đi qua nhưng những khó khăn hiện nay vẫn còn rất lớn và nhiều thách thức, TP HCM không được chủ quan, vẫn còn nhiều ca bệnh đang điều trị. Ngành y tế TP HCM phải tiếp tục làm nhiều việc để đảm bảo cuộc sống người dân được bình yên" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Tại hội nghị, PGS-TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), cho biết trong đợt dịch thứ 4 có hơn 20.000 trẻ em mắc Covid-19, đa số bị nhẹ nhưng vẫn có vài trường hợp bệnh diễn tiến nặng do có bệnh nền. Mặc dù mức độ bệnh nặng ở trẻ em so với người lớn thấp hơn rất nhiều nhưng nếu trẻ có bệnh nền mắc Covid-19 vẫn có nguy cơ tử vong.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 25 triệu trẻ em, trong đó TP HCM có khoảng 1,8 triệu trẻ từ 5-18 tuổi. Người dân rất lo lắng khi TP HCM dự kiến mở lại trường học vào tháng 1-2022.
"Khi người lớn đã chích ngừa thì làn sóng nguy hiểm sẽ dồn cho trẻ em, phụ huynh rất lo lắng về vấn đề này. Dù tỉ lệ trẻ em tử vong do Covid-19 thấp hơn so với người lớn nhưng ảnh hưởng về lâu dài của dịch với thể chất và tinh thần của trẻ thì chưa có nghiên cứu nào. Vì vậy, tôi tha thiết đề nghị Chủ tịch nước, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM kiến nghị Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ nhanh chóng tiêm vắc-xin cho trẻ em" - bác sĩ Hùng bày tỏ.
Đồng quan điểm, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, kiến nghị nhanh chóng đưa tiêm chủng cho trẻ em vào chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 quốc gia.
Trước ngày 10-8, Bộ Y tế chưa cho tiêm vắc-xin Covid-19 với thai phụ, sau 10-8 thì có quyết định mới, đưa thai phụ vào nhóm cẩn thận tiêm ngừa, cho phép thai phụ 13 tuần trở lên được tiêm. Việc tiêm ngừa trong 1-2 tháng đã thấy rõ hiệu quả, Trong tháng 8, tỷ lệ thai phụ nhiễm bệnh cao, có 40-50 người nhập viện 1 ngày và 10 trong đó phải thở máy. Từ đầu tháng 9 đến nay, số lượng này đã giảm đáng kể, còn 8-10 thai phụ nhập viện 1 ngày, không ai còn phải thở máy.
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, nêu ý kiến tại hội nghị
Dựa trên thực tế đó, các bác sĩ cho rằng cần áp dụng việc tiêm chủng sớm cho trẻ em. Hiện trẻ dưới 18 tuổi ở Việt Nam chưa tiêm ngừa vắc-xin Covid-19 nhưng nhiều nước trên thế giới đã tiêm cho nhóm 12-18 tuổi, thậm chí có nước đã cho tiêm trẻ từ 2 tuổi trở lên. Những minh chứng về khoa học hiện nay cho thấy là tiêm ngừa cho trẻ em là an toàn, hiệu quả.
Cũng tại hội nghị, Sở Y tế TP HCM đề xuất cho phép cơ sở y tế tư nhân được thu của người bệnh Covid-19 các dịch vụ tiện ích theo sự lựa chọn của họ và khoản chênh lệch giữa giá dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế của cơ sở y tế tư nhân với phần ngân sách nhà nước chi trả.
Cho y tế tư nhân tham gia nhiều mô hình điều trị F0 như: khám chữa bệnh tại bệnh viện, khu cách ly của bệnh viện; khám chữa bệnh tại nhà; khám chữa bệnh tại khu cách ly tập trung do doanh nghiệp tổ chức với quy mô nhỏ và vừa và có cơ chế cho các trạm y tế thực hiện xã hội hoá.
Bác sĩ Nguyễn Phan Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM báo cáo tại hội nghị
Teo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, khả năng trong năm 2021 chúng ta sẽ bao phủ vắc-xin trên 75% dân số từ 18 tuổi trở lên và đạt miễn dịch cộng đồng. Đối với vắc-xin cho trẻ em, Bộ Y tế dự kiến từ tháng 10 sẽ triển khai tiêm cho trẻ từ 12-18 tuổi, sau đó dần mở rộng ra các đối tượng khác ở lứa tuổi thấp hơn.