Cách trả lời về khuyết điểm của bản thân khi phỏng vấn

Thảo Huyền

Trả lời câu hỏi về khuyết điểm của bản thân là điều mà hầu hết ứng viên đều phải e dè khi phỏng vấn tìm việc. Ngày nay, nhiều chuyên gia nhân sự coi điều này là lỗi thời vì chẳng ai sẽ thừa nhận điểm yếu thực sự của bản thân cả. Tuy vậy, nó vẫn là một phép kiểm tra không thể thiếu để đánh giá sự quan tâm và chuẩn bị của ứng viên. Bài viết này sẽ cho bạn chiến lược tốt nhất để xử lý câu hỏi về điểm yếu và chinh phục nhà tuyển dụng.

Những sai lầm kinh điển khi trả lời về khuyết điểm của bản thân

“Tôi không có điểm yếu nào cả!”

Đây chắc chắn là một trong những cách dễ nhất để phá hủy cơ hội được tuyển dụng vào các vị trí việc làm mới nhất tại Hải Phòng, Hà Nội hay TPHCM của bạn. Ai cũng có điểm yếu, kể cả người hoàn hảo nhất cũng có nhiều điểm để cải thiện. Nếu nói thẳng rằng bạn không có bất kỳ điểm yếu nào, bạn sẽ khiến nhà tuyển dụng phải chau mày và đánh giá bạn tự phụ, không đáng tin cậy. Họ sẽ chớp lấy ngay câu trả lời đó để hỏi xoáy bạn, và sẽ thật tệ nếu bạn bị lộ yếu điểm ngay sau khi dõng dạc tuyên bố mình toàn điểm mạnh đúng không nào?

Liệt kê điểm yếu không được phép có đối với công việc ứng tuyển

Bạn nên đưa ra một câu trả lời trung thực, nhưng đừng kể ra một điểm yếu “trúng tim đen” khiến nhà tuyển dụng thẳng tay loại bạn. Ví dụ, nếu bạn đang phỏng vấn cho vị trí viết nội dung, bạn chắc chắn không nên nói rằng bạn chưa có kỹ năng ngữ pháp vững vàng. Hãy cẩn thận lựa chọn một điểm yếu không ảnh hưởng quá lớn đến vị trí bạn đang ứng tuyển.

                                                    

Biến điểm yếu thành điểm mạnh một cách quá lộ liễu

“Vấn đề của tôi là tôi thực sự thích làm việc quá nhiều. Nếu tôi có thể làm việc cả ngày mà không cần nghỉ ngơi, tôi sẽ làm vậy”. Nghe có phần lố phải không? Hãy “nói giảm” chứ đừng “nói tránh”. Việc bóp méo hay né tránh câu hỏi sẽ khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn đang cố gắng tỏ ra mình khiêm tốn để giấu điểm yếu thực sự. Nhưng thực tế tất cả những gì nó đang làm là khiến bạn trông khó hiểu và thiếu chân thực. Những câu trả lời như “cầu toàn”, “không chăm sóc bản thân vì công việc”, “tham công tiếc việc” giờ đã rất phổ thông rồi và khó để thuyết phục người phỏng vấn.

Cố gắng tỏ ra hài hước

Mặc dù việc cố gắng giữ cho cuộc phỏng vấn mang tính đối thoại là rất thông minh, nhưng đừng để bản thân quá thoải mái. Trả lời theo cái cách mà bạn cho là vui vẻ, thân thiện (ví dụ, điểm yếu của tôi là không ăn được rau) sẽ khiến bạn trông thiếu chuyên nghiệp. Nhà tuyển dụng sẽ dễ dàng nghĩ rằng bạn có phần thiếu tôn trọng buổi phỏng vấn này và sẽ nghi ngờ về khả năng của bạn.

Vậy nên trả lời về khuyết điểm của bản thân thế nào?

Lựa chọn điểm yếu thật cẩn thận

Để nghĩ ra được một điểm yếu nhưng không “yếu”, đầu tiên hãy nghĩ về những lần bạn đã gặp khó khăn trong quá khứ:

  • Bạn đã bao giờ được người khác nhận xét về một khuyết điểm trong tính cách của bạn?
  • Bạn có sợ/ ngại thay đổi điểm yếu này?
  • Bạn có gặp khó khăn khi tiếp nhận những lời chỉ trích?
  • Bạn có đang cố gắng sửa chữa điểm yếu này không?
  • Bạn đã học được gì và bạn có tiếp tục áp dụng điều đó vào những tình huống tương tự không? 
  • Bạn đã giải quyết khuyết điểm của mình như thế nào?

Tiếp theo, nhìn vào vị trí đang ứng tuyển và lựa chọn một khuyết điểm của bản thân nghe thật chân thực nhưng cũng đủ nhỏ để đảm bảo đó là sự cố có thể khắc phục được và không cản trở khả năng làm việc của bạn.

Nên chọn điểm yếu kỹ năng cứng hơn kỹ năng mềm

Thông thường, điểm yếu thuộc một trong hai loại - kỹ năng cứng hoặc kỹ năng mềm - và kỹ năng cứng thường được cho là một lựa chọn tốt hơn vì chúng dễ khắc phục hơn tính cách.

  • Kỹ năng cứng: Đây là những kỹ năng có được qua các lớp học hoặc môi trường học tập khác. Chúng bao gồm mọi thứ liên quan đến chuyên môn như cách sử dụng phần mềm hoặc thiết bị. Nếu bạn chọn sử dụng một điểm yếu của kỹ năng cứng, đừng chọn một điểm cần thiết cho công việc bạn đang phỏng vấn trừ khi bạn có thể chứng minh rằng bạn đã vượt qua nó.
  • Kỹ năng mềm: Những kỹ năng này khó thay đổi hơn nhiều. Chúng ta thường được sinh ra với những kỹ năng này và chúng có thể thay đổi khi chúng ta trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm. Chúng bao gồm các đặc điểm tiêu cực ví dụ như thiếu kiên nhẫn hoặc đòi hỏi.

Sử dụng cấu trúc câu trả lời gồm 2 phần              

Để giúp câu trả lời về điểm yếu chân thành và thuyết phục hết sức có thể, bạn có thể áp dụng cấu trúc trả lời sau:

  • Vế đầu tiên: Nêu lên điểm yếu của bản thân.
  • Vế thứ 2: Kế hoạch cải thiện của bạn - cách bạn quản lý bản thân để giảm thiểu tác động của điểm yếu đó tới công việc cũng như đời sống xã hội.

Chuẩn bị sẵn một số điểm yếu dự phòng

Có người phỏng vấn hỏi bạn về điểm yếu lớn nhất, nhưng cũng có người yêu cầu bạn liệt kê đến 3 điểm yếu. Vì vậy, hãy chuẩn bị một danh sách những khuyết điểm của bản thân để chia sẻ trong cuộc phỏng vấn.

Hà Phương