Cảnh giác với thảm hoạ môi trường từ phát triển thuỷ điện và chuyển đổi đất rừng ở Lào Cai

Thảo Huyền

Trong quá khứ, Lào Cai đã phải lãnh hậu quả từ việc phát triển thuỷ điện bên cạnh việc khai thác, sử dụng đất rừng. Hiện tại vẫn đang nhiều mối lo ngại, và không ai dám khẳng định chắc chắn rằng trong tương lai sẽ không xảy ra thảm hoạ về môi trường, khi hàng trăm ha đất rừng sẽ được chuyển đổi để phục vụ cho tham vọng phát triển kinh tế thuỷ điện ở địa phương.

Hệ luỵ

Theo ngành Công Thương tỉnh Lào Cai, hiện có gần trăm công trình thủy điện vừa và nhỏ đã được phê duyệt trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Lào Cai đã chấp thuận chủ trương cho 46 nhà đầu tư khảo sát, lập dự án đầu tư. Trong đó, có 51 dự án đã hoàn thành, các dự án khác đang khảo sát, thi công. Mỗi năm nhà máy thủy điện nộp ngân sách gần 800 tỷ đồng. Rõ ràng con số nộp ngân sách là rất lớn, nhưng lại chẳng là gì so với hậu quả mà việc phát triển thuỷ điện mang lại.
 

Đêm 23/6/2019, trên địa bàn huyện Sa Pa xảy ra mưa lớn tạo thành lũ, Thủy điện Sử Pán 1 đã tiến hành xả lũ gây thiệt hại lớn đến nhà cửa, hoa màu của các hộ dân vùng hạ du, làm đứt cầu treo Bản Dền, trên suối Mường Hoa.

Thủy điện Sử Pán 1 xả lũ gây thiệt hại lớn đến nhà cửa, hoa màu của các hộ dân vùng hạ du


Thuỷ điện này nằm vắt qua 3 xã là Hầu Thào, Tả Van và Bản Hồ của huyện Sa Pa. Đơn vị đầu tư là Công ty CP công nghiệp Việt Long, số 12 Đào Tấn, TP. Hà Nội.

Nhà máy Thủy điện Phúc Long được xây dựng trên sông Chảy, thuộc địa phận 2 xã: Long Phúc và Xuân Thượng (huyện Bảo Yên), quá trình xây dựng đã “khai tử” Trạm Thủy văn Bảo Yên do không có nước để hoạt động. Đồng thời, làm cạn kiệt dòng sông Chảy khiến cho những người dân sinh sống tại 2 bên dòng sông gặp khó khăn.


Thủ tướng chưa chấp thuận...

Ngày 15/7/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 83/2020/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật lâm nghiệp.

Nhằm thực hiện Nghị định 83 đúng quy định, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện đúng trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định tại nghị định này.

Chính phủ đã ban hành nghị định sửa đổi bổ sung, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật lâm nghiệp

Đáng chú ý, về xử lý đối với các dự án đã và đang trình quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định chủ trương.

Giải pháp

Hậu quả do thuỷ điện Sử Pán 1 gây ra là rất nặng nề. Thế nhưng, việc xử phạt hơn trăm triệu đối với Cty Việt Long cũng chỉ như “gãi ngứa”.
Ngay cả thuỷ điện Phúc Long dù “khai tử” cả trạm thuỷ văn, có ý nghĩa sống còn với công tác cảnh báo mưa lũ, cũng chỉ dừng ở việc doanh nghiệp chi tiền để di dời.

Hình ảnh phối cảnh nhà máy thủy điện Phúc Long

Điều đó thể hiện, công tác đánh giá tác động môi trường ở các dự án thuỷ điện này đã không được quan tâm đúng mức. Và nhiều dự án thuỷ điện khác cũng lợi dụng sự lơi lỏng từ các đơn vị quản lý của tỉnh Lào Cai để tranh thủ làm ẩu, nhằm tiết kiệm kinh phí đầu tư. Từ đó dẫn đến việc tự ý phá rừng, tự ý thu hồi đất của người dân, v.v…

Lào Cai vẫn chủ trương không đánh đổi kinh tế lấy môi trường. Thực tế thì hiệu quả kinh tế đã có, và hậu quả đối với môi trường cũng rất nặng nề.

Không đánh đổi mà đã thế, thì không hiểu nếu đánh đổi thật thì thế nào. Có lẽ chỉ thiên nhiên, môi trường mới có câu trả lời chính xác. Tất nhiên, chả ai mong câu trả lời là một thảm hoạ môi trường. Để điều đó không xảy ra, Lào Cai cần phải nghiêm túc, quyết liệt ngay từ bây giờ trong đánh giá và giám sát chặt chẽ tác động môi trường từ các dự án thuỷ điện và việc chuyển đổi đất rừng.