Chế độ ăn cho người bệnh giác mạc chóp

Kiều Trinh

Bệnh lý giác mạc chóp có thể gặp ở nhiều độ tuổi. Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ điều trị và cải thiện tình trạng bệnh giác mạc chóp.

Giác mạc chóp là một bệnh về mắt khiến giác mạc (phần trong suốt ở phía trước mắt) dần trở nên mỏng và phồng ra ngoài thành hình nón. Tuy bệnh giác mạc chóp không phải bệnh lý thường xuyên gặp trên thực tế lâm sàng nhưng đây là bệnh lý nguy hiểm và dễ bị bỏ sót ở giai đoạn sớm.

Theo TS.BS Lý Minh Đức, Khoa Mắt, Bệnh viện 19-8, bệnh giác mạc chóp là tình trạng lồi ra của giác mạc, tạo thành giác mạc hình chóp hay giác mạc hình nón. Người bệnh giác mạc chóp thường có các biểu hiện như nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng...

Bệnh giác mạc chóp xuất hiện khi liên kết giữa các sợi collagen trong nhu mô giác mạc không bền vững, không còn khả năng giữ cho giác mạc đúng hình dạng bình thường mà ngày càng biến dạng thành hình nón, hình chóp, làm thay đổi bán kính cong của giác mạc một cách bất thường, từ đó làm chệch hướng ánh sáng đi vào võng mạc, khiến tầm nhìn bị thay đổi. Đa số bệnh nhân được chẩn đoán mắc phải bệnh lý này khi đã giảm nhiều hoặc mất thị lực.

steptodowncom360478-768x512-1724937929387275786046-1-1725590814.jpg

Giác mạc chóp làm biến dạng giác mạc, ảnh hưởng đến khả năng khúc xạ ánh sáng của mắt, từ đó gây ra các vấn đề về thị lực.

Theo các chuyên gia nhãn khoa thuộc Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, khi bị bệnh giác mạc chóp, bệnh có thể gây ra thị lực mờ và khiến bệnh nhân nhạy cảm với ánh sáng. Giác mạc chóp thường ảnh hưởng đến cả hai mắt và thường bắt đầu xuất hiện từ độ tuổi 10-25. Bệnh ít phát triển sau 40 tuổi và cũng thường xuất hiện ở phụ nữ mang thai. Tình trạng bệnh có thể tiến triển chậm trong 10 năm hoặc lâu hơn.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn đối với bệnh giác mạc chóp

Căn bệnh này được các bác sĩ nhãn khoa giải thích là do liên kết giữa các sợi collagen trong nhu mô giác mạc không bền vững. Bên cạnh đó, khi cơ thể không còn đủ chất chống oxy hóa để bảo vệ giác mạc cũng khiến collagen yếu đi, giác mạc bị giãn và biến dạng phồng lên.

Mắt thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng và oxy, tạo nền tảng cho stress oxy hóa. Các bác sĩ nhãn khoa tin rằng tổn thương oxy hóa ở giác mạc có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra bệnh giác mạc chóp.

Tỷ lệ mắc giác mạc hình chóp là khoảng 1/2.000. Bệnh có khuynh hướng di truyền và có liên quan chặt chẽ đến việc dụi mắt, dù cố ý hay vô thức. Môi trường sống cũng là những yếu tố ảnh hưởng ít nhiều đến căn nguyên của bệnh. Ánh sáng cực tím cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy quá trình oxy hóa. Đây là lý do tại sao kính râm là bắt buộc để bảo vệ mắt khi bị bệnh giác mạc chóp.

Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra mối liên hệ tiềm ẩn giữa tình trạng thiếu hụt vitamin D, chủ yếu thu được khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và bệnh giác mạc chóp. Có vẻ như lượng vitamin D đầy đủ đóng vai trò bảo vệ chống lại chứng rối loạn mắt này.

Hiểu được những lý do tiềm ẩn đằng sau sự khởi phát của bệnh là bước đệm trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa và tìm kiếm sự can thiệp sớm, từ đó quản lý tình trạng này hiệu quả hơn. Khi tìm kiếm sâu hơn vào lĩnh vực các biện pháp khắc phục tại nhà để kiểm soát bệnh giác mạc chóp, chúng ta cần thấy rõ vai trò quan trọng của dinh dưỡng trong việc bảo vệ sức khỏe của mắt.

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ điều trị và cải thiện tình trạng bệnh giác mạc chóp. Mặc dù không phải là yếu tố quyết định nhưng một chế độ ăn lành mạnh có thể giúp:

  • Cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho mắt: Các vitamin và khoáng chất như vitamin A, C, E, kẽm, omega-3... đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ mắt, giảm viêm và cải thiện thị lực.
  • Hỗ trợ quá trình phục hồi: Một chế độ ăn cân bằng cung cấp đủ năng lượng giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng sau các ca phẫu thuật hoặc điều trị.
  • Giảm nguy cơ mắc các bệnh lý khác: Nhiều nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn lành mạnh giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp là những yếu tố có thể làm trầm trọng thêm tình trạng giác mạc chóp.

2. Các dưỡng chất thiết yếu cho bệnh nhân giác mạc chóp

Chế độ ăn uống lành mạnh sẽ ngăn ngừa tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Chất chống oxy hóa được bổ sung trong chế độ ăn uống để bảo vệ các tế bào khỏi tác hại của các gốc tự do trong cơ thể.

2.1. Chất chống oxy hóa giúp bảo vệ mắt

Chất chống oxy hóa như vitamin A, C, E, selen, lycopene, lutein, beta-carotene,... Khi có căng thẳng oxy hóa, các tế bào có trong cơ thể sẽ bị tổn thương và vì vậy chất chống oxy hóa cần thiết trong chế độ ăn uống để giảm tỷ lệ tổn thương tế bào.

Việc bổ sung đủ vitamin A hàng ngày đặc biệt quan trọng vì vitamin này hỗ trợ hoạt động của màng kết mạc và giác mạc. Vitamin A giúp duy trì giác mạc khỏe mạnh, cải thiện thị lực trong bóng tối.

a1-1725120917998771505178-1725590931.png

Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp bảo vệ mắt khỏi các gốc tự do.

Ngoài vitamin A, còn có nhiều chất chống oxy hóa góp phần tăng cường sức khỏe của mắt, ví dụ:

  • Vitamin E: Cũng là một chất chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ mắt khỏi các gốc tự do. Nguồn cung cấp: dầu mầm lúa mì, các loại hạt, ngũ cốc tăng cường, rau bina.
  • Vitamin C: Có tính chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương. Nguồn cung cấp vitamin C là trái cây họ cam quýt, ớt đỏ và xanh, cà chua.
  • Lutein và zeaxanthin: Là một phần của họ carotenoid, một nhóm các hợp chất có lợi được tổng hợp bởi thực vật. Zeaxanthin và lutein là hai loại chất chống oxy hóa có thể hỗ trợ sức khỏe chung của mắt.
  • Kẽm: Có vai trò đưa vitamin A từ gan đến võng mạc. Kẽm cần thiết cho quá trình chuyển hóa vitamin A và bảo vệ mắt khỏi thoái hóa.

2.2. Riboflavin - vitamin B2 hạn chế tình trạng giác mạc chóp

Riboflavin còn được gọi là vitamin B2 mang lại lợi ích cho thị lực nhưng cũng cải thiện việc sản xuất các vitamin khác có lợi cho phần còn lại của cơ thể (vitamin B3-niacin, vitamin B6-pyridoxine). Riboflavin giúp các tế bào của cơ thể tạo ra năng lượng từ việc hấp thụ protein, chất béo và carbohydrate, hỗ trợ thị lực tốt hơn và giảm các triệu chứng của giác mạc chóp.

2.3. EFA - Acid béo thiết yếu

Acid béo thiết yếu không chỉ quan trọng đối với sức khỏe của mắt mà còn quan trọng đối với sức khỏe tổng thể vì cơ thể không sản xuất ra chúng một cách tự nhiên. Đảm bảo rằng chúng là một phần trong chế độ ăn uống thường xuyên là điều quan trọng đối với cơ thể và thị lực.

Có 2 loại acid béo thiết yếu:

Omega-3

Omega-3 duy trì tính toàn vẹn của hệ thần kinh và quan trọng cho sự phát triển thị giác thích hợp. Omega-3 cũng giúp bảo vệ thị lực khỏi các tình trạng như thoái hóa điểm vàng. Omega-3 là loại acid béo thiết yếu được chứng minh là giúp dẫn lưu dịch nội nhãn, có thể làm giảm nguy cơ huyết áp cao và nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp.

Omega-6

Mặc dù cơ thể không tự sản xuất ra omega-6 nhưng nó có trong rất nhiều loại thực phẩm chúng ta ăn thường xuyên. Trên thực tế, hầu hết chúng ta đều nhận được quá nhiều omega-6 do vậy thường không nên ăn thêm lượng này trong chế độ ăn hàng ngày. Trong số các EFA, nên tập trung vào omega-3.

3. Một số thực phẩm cần thiết đối với bệnh giác mạc chóp

Bệnh nhân giác mạc chóp có thể cải thiện sức khỏe thị lực bằng cách ăn uống tốt hơn và bổ sung đủ lượng vitamin hàng ngày giúp cải thiện sức khỏe tổng thể của mắt.

3.1. Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa

  • Trứng
  • Cá ngừ
  • Cải xoăn
  • Cà rốt
  • Rau bina
  • Quả hạch Brazil
  • Đu đủ
  • Ngô vàng
  • Hạt hướng dương
  • Chuối
  • Táo
  • Cam
  • Hạnh nhân,...

3.2. Thực phẩm có riboflavin

  • Rau chân vịt
  • Nấm
  • Mì ống (mì trứng)
  • Sữa
  • Phô mai tươi
  • Thịt lợn
  • Mực nang (chứa lượng Riboflavin cao nhất:1,3mg mỗi khẩu phần)

3.3. Thực phẩm có omega-3

goi-y-10-thuc-pham-giau-omega-3-tot-cho-suc-khoe-202112252307567449-1725121005104877046103-1725591014.png

Nguồn thực phẩm giàu omega-3 rất tốt cho bệnh nhân giác mạc chóp.

 

  • Cá ngừ
  • Cá trích
  • Cá mòi
  • Cá hồi
  • Dầu ô liu
  • Quả bơ
  • Hạt chia
  • Hạt lanh
  • Quả óc chó
  • Trứng
  • Đậu nành và đậu phụ

Việc kết hợp cá ít nhất 2 khẩu phần ăn mỗi tuần có thể là một cách tốt để hấp thụ những chất béo có lợi này.

Chế độ ăn uống cân bằng với đầy đủ các vitamin và khoáng chất kể trên có lợi trong hành trình điều trị bệnh giác mạc chóp. Tăng cường nhiều loại trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc đầy màu sắc cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết để đôi mắt hoạt động tối ưu và làm chậm sự phát triển của bệnh giác mạc chóp. Không nên bắt đầu bất kỳ quá trình ăn kiêng nào mà không hỏi ý kiến bác sĩ vì có thể sẽ bỏ lỡ các chất dinh dưỡng quan trọng cần thiết cho cơ thể.

Tuy nhiên cần lưu ý, chế độ ăn chỉ là một phần trong quá trình điều trị giác mạc chóp. Ngoài chế độ ăn uống, bệnh nhân cần tham vấn ý kiến bác sĩ để có được phương pháp điều trị tốt nhất. Bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ.