Ông lão nhặt rác gác đường tàu
Tôi đang loay hoay tìm đường đi trong con hẻm nhỏ bên đường Nguyễn Khuyến thì bất ngờ nghe tiếng hét lớn: “Không thấy tàu đến à? Muốn chết à? Lui vô ngay”, rồi sau đó có cánh tay kéo tôi lại.
Giật mình quay lại, đập vào mắt tôi là một người đàn ông dáng người gầy guộc, khuôn mặt hốc hác, nhăn nheo. Người đó là ông Đặng Văn Lợi, được bà con tại hẻm nhỏ này thường gọi với cái tên thân thương Lợi “barie”. Ông đã tình nguyện làm gác chắn tàu không lương, cảnh bảo mọi người mỗi khi có tàu chạy qua bao nhiêu năm nay.
Gần 20 năm nay, ông Đặng Văn Lợi tình nguyện làm gác chắn đường tàu bảo vệ tình mạng cho người dân
Cha mẹ mất sớm khi ông còn nhỏ, năm 1978, như bao chàng trai khác khi đến tuổi trưởng thành, ông Lợi hăng hái lên đường nhập ngũ. Năm 1979, ông Lợi trở về Đà Nẵng từ chiến trường Campuchia và mang nhiều bệnh tật do di chứng từ hóa chất độc hại của cuộc chiến tranh.
Không những thế, tất cả giấy tờ tùy thân của ông đều bị cháy trong một vụ hỏa hoạn lớn. Không vợ, không con, ông Lợi ở nhờ nhà chị gái và mưu sinh bằng nghề nhặt rác để kiếm sống.
Cảnh đời khắc khổ, bi thương cứ đeo bám cuộc sống của ông. Người đàn ông ốm yếu, gầy gò này cứ sống côi cút một mình bằng nghề nhặt ve chai, phế liệu thế nhưng tấm lòng lương thiện luôn tỏa sáng trong ông.
Thầm lặng và cống hiến, gần 20 năm nay ông lão "tình nguyện đứng gác đường tàu", nhờ việc làm nghĩa hiệp của ông mà nhiều người đã được cứu khỏi "lưỡi hái tử thần".
Nơi ông Lợi “làm việc” là điểm đen của tai nạn đường sắt
Hằng ngày, khi trời vừa tờ mờ sáng ông Lợi lại mang bên mình một chiếc bao tời, lang thang trên đường phố Đà Nẵng để thực hiện công việc của mình là thu gom ve chai và nhặt rác mưu sinh.
Nhưng cứ như được lập trình sẵn, đến giờ tàu chạy là ông lại vội quay về “cơ quan” để làm một ông Lợi “barie” với công việc nghĩa hiệp không lương của mình.
Hằng ngày, ông Lợi sinh sống bằng nghề nhặt ve chai
Em Phạm Duyên (sinh viên trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) cho biết: “Chú Lợi tội lắm, có hôm em đi học muộn vội quá em không để ý tàu đến, em đang định băng qua đường thì chú Lợi hét lớn “Tàu…tàu…”.
Phạm Duyên giật mình lùi lại thì thấy tàu chạy đang lao tới… "Em thấy việc làm của chú Lợi tuy nhỏ bé, thầm lặng nhưng mà lại góp phần bảo vệ sự an toàn cho những sinh viên như tụi em” - cô bé sinh viên trường sư phạm bày tỏ.
Gần 20 năm lặng lẽ... canh tàu
Nơi mà ông Lợi “làm việc” là con hẻm nhỏ giáp ranh giữa tổ 18 và 19 khối Chơn Tâm, phường Hòa Khánh Nam. Đoạn đường này có tuyến đường sắt Bắc - Nam cắt ngang, lại nằm đối diện trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Do đó hằng ngày có hàng trăm lượt người dân và sinh viên qua lại.
Vì đoạn đường qua lại nhỏ, thiếu tầm nhìn, không có bất cứ một thứ tín hiệu nào thông báo tàu chuẩn bị tới và do sự chủ quan, thiếu quan sát của người đi đường nên trước đây đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng.
Nỗi ám ảnh về những vụ tai nạn đường sắt thương tâm đã thôi thúc ông trở thành người gác tàu không lương
Mặc dù ngành đường sắt kết hợp với chính quyền Đà Nẵng đã cho xây dựng một đường gom chạy dọc theo đường sắt thông ra đường Nguyễn Khuyến, để cấm người và phương tiện không được lưu thông qua điểm đen này.
Nhưng để ra đường Tôn Đức Thắng một cách nhanh và thuận tiện, nhiều người dân cũng như các sinh viên thuê trọ ở đây vẫn vác cả xe đạp băng qua đường tàu mặc cho những nguy hiểm có thể gặp phải.
Gác chắn không lương, làm “barie sống” gần 20 năm, ông Lợi nhớ nhất lần cứu được một người phụ khỏi “lưỡi hái tử thần” khi đang cố đi băng qua đường ngang nhưng đi đến giữa đường ray thì bỗng dưng người đó đứng sững lại.
Đúng lúc đó ông Lợi nghe tiếng còi tàu từ xa đến nên ông cố la lên “Tàu tới…tàu tới kìa…”. Do bị khuất tầm nhìn và không để ý nên người phụ nữ vẫn đứng sững lại ngay giữa đường ray, tiếng còi tàu cứ thế một ngày một gần hơn.
Nhận thấy được sự nguy hiểm nhanh như cắt, ông lao ra kéo ngay người phụ nữ đó vào lề đường.
Nhiều dân được ông Lợi nhắc nhở, cứu sống khi băng qua đoạn đường tàu dân sinh
“Khi tàu đi, bà ấy cảm ơn tôi rối rít... Cứu được một mạng người là tôi cũng vui lắm chớ...". Ông Lợi cười tươi nhớ lại.
Phải chứng kiến nhiều vụ tai nạn hết sức thương tâm ở con kiệt “tử thần” này, chính nỗi ám ảnh về những vụ tai nạn đường sắt thương tâm ấy, cùng những sự nguy hiểm mà các sinh viên cũng như người dân ở đây đang gặp phải đã thôi thúc ông phải làm một điều gì đó.
Và cũng từ đó, ông tự nguyện trở thành barie sống đứng ra quan sát, nhắc nhở những người dân lưu thông qua điểm đen tai nạn này. Gần 20 năm qua, hình ảnh người đàn ông nhỏ thó có mặt ở con hẻm nhắc nhở mọi người lúc tham gia giao thông đã trở nên vô cùng quen thuộc đối với người dân cũng như rất nhiều thế hệ sinh viên từng học trò ở đây.
Lịch trình các chuyến tàu qua đây đã được ông thuộc nằm lòng. Khoảng thời gian ông đi nhặt ve chai thường trùng vào những thời điểm không có tàu đi qua đoạn đường.
Được hỏi làm sao biết được có tàu đến, ông Lợi nở một nụ cười tươi, ông nói: “Tôi sống đây lâu rồi, lịch tàu chạy tôi nắm rõ luôn chứ, tàu gì qua là tôi đã nghe tiếng còi từ xa rồi, nghe tàu đến là tôi về đây coi ai đi qua thì nhắc họ, hết tàu tôi lại đi nhặt ve chai tiếp.”
Dẫu có vất vả thậm chí hiểm nguy, nhưng mang đến sự an toàn cho mọi người chính là niềm hạnh phúc của ông. Và người dân khu vực luôn dành sự kính trọng cho người gác chắn không lương tận tụy với “nghề” ở nơi đây…
Với những cống hiến của mình, ông Đặng Văn Lợi được trao danh hiệu "Hiệp sĩ giao thông" vì những nỗ lực đóng góp tích cực của ông trong vấn đề an toàn giao thông trong nước thông qua chương trình Total Hiệp sĩ giao thông phát động từ năm 2011 đến năm 2012. Ông Đặng Văn Lợi còn được nhận giấy khen của Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu vì đã có thành tích trong việc tự nguyện canh gác, nhắc nhở người dân tham gia giao thông tại điểm giao nhau với đường sắt 10 năm không để xảy ra tai nạn. |