Bảo vật quốc gia mới tại chùa Hương Lãng (Văn Lâm, Hưng Yên) là hệ thống bao gồm 10 con sấu đá được chạm khắc ở mức tinh xảo nằm trên bậc thềm lên xuống ở tòa tiền đường. Trong đó có 6 thành bậc chạm khắc hình sấu đá quay đầu ra phía trước phân tách thành 5 lối.
Hướng chính của chùa nhìn ra sông Lạng, các sấu đá vì thế cùng nhìn ra hướng này. Tòa tiền đường bố trí trên bậc thềm cao với thành bậc chạm hình sấu đá.
Tuy những con sấu đá này không còn nguyên vẹn, song những nét chạm khắc còn lại đã thể hiện trí tuệ và khả năng tuyệt vời của các nghệ nhân điêu khắc đá thời Lý. Trong ảnh là nguyên bản một bức chạm khắc trên một thành bậc.
Nét chạm phượng và chồn, hoa cúc dây mềm mại sắc sảo trên những tay vịn bằng đá trên thềm bậc.
Rồng với đuôi dài cuộn sóng, chân co trong tư thế đang chồm tới được bày trên các thành bậc, cửa ra vào của kiến trúc tạo nên một không khí sinh động.
Chùa Hương Lãng hiện còn lưu giữ nhiều di vật thời Lý, rất đặc sắc và độc đáo. Ngoài hệ thống thềm bậc đá trên lối vào tòa đại bái, tượng sư tử đá, bệ đá còn bảo lưu nguyên vẹn đều là những đặc trưng điển hình của mỹ thuật tạo hình thời Lý.
Tất cả những con sấu đá thật đáng tiếc đều bị cụt đầu, song phần thềm bậc vẫn còn giữ khá nguyên vẹn bức tranh điêu khắc phía dưới.
6 thành bậc đá chia tách thành 5 lối ở phía trước phong cách thời Lý.
Đây là ngôi chùa còn giữ được nhiều thành bậc thời Lý dạng này nhất tính đến thời điểm hiện tại.
Nhiều ý kiến cho rằng, nhiều di vật vẫn còn nằm dưới lòng đất khu vực chùa Hương Lãng.
Bên cạnh đó, còn nhiều tảng đá chân cột chạm khắc cánh hoa sen và hoa cúc rất tỉ mỉ và tinh vi. Đây là những tác phẩm vô giá của thời Lý còn được lưu giữ.
Một chân cột đá chạm khắc hoa cúc đặt trong vườn chùa.
4 cột đá vuông góc đỡ các xà đá của công trình cũng là một trong những hiện vật quí còn lại của chùa Hương Lãng.
Tại đình xóm Chùa nằm ngay kề bên chùa Hương Lãng cũng còn lại một số hạng mục điêu khắc đá không nguyên vẹn.