.
12h ngày 28/1, lệnh phong tỏa toàn thành phố Chí Linh có hiệu lực. Các chốt kiểm soát dịch được dựng lên. Người dân phải thực hiện khai báo y tế, Chí Linh trong cảnh "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Bên ngoài, hàng quán đã đóng cửa, người lao động về quê. Trên đường phố, xe cộ đi lại thưa thớt. Nhịp sống của người dân chậm lại bởi hiệu lực của lệnh giãn cách. Tuy nhiên, bên trong Bệnh viện dã chiến số 1, cường độ làm việc của các y bác sĩ vẫn chưa giảm nhiệt.
Bên trong Bệnh viện dã chiến số 1
Ngày 27/1, tất cả các y bác sĩ của Trung tâm Y tế TP Chí Linh vẫn đi làm bình thường. Khi có ca mắc đầu tiên, toàn bộ bệnh viện được lệnh phong tỏa. Sang ngày hôm sau, cường độ công việc của họ đã tăng lên đột biến. Các bác sĩ, nhân viên y tế tiến hành lấy mẫu, xét nghiệm cho hàng nghìn công nhân trong đêm. Mọi người thực hiện cách ly và làm việc tại chỗ. Cái tên "Trung tâm Y tế" được chuyển thành "Bệnh viện dã chiến số 1" khi tiếp nhận thêm 70 ca dương tính sau một ngày.
Viện dã chiến số 1 chia làm 4 khu điều trị với hơn 160 ca dương tính với SARS-CoV-2. Những khoảng sân vắng người được chia ra bởi các dây barie và biển báo "Lối đi cho bệnh nhân", "Lối đi cho bác sĩ".
- Các anh chị em bệnh nhân khu điều trị dãy nhà Hồi sức cấp cứu có tâm sự chia sẻ hay thắc mắc gì muốn anh em kíp điều trị giải đáp thắc mắc không ạ?
- Chỉ thắc mắc bao giờ có kết quả xét nghiệm thôi anh
- Câu hỏi nhiều nhất là bao giờ được về nhà anh ạ
…
Những dòng tin nhắn trả lời làm cho bác sĩ Vương Anh nghẹn lại. Tính đến nay, đội anh đã tiếp nhận 48 bệnh nhân để điều trị. Đây là khu vực dành cho các ca bệnh nặng với nhiều chuyển biến phức tạp. Công việc một ngày của các bác sĩ là: tiếp nhận bệnh nhân vào các phòng, hướng dẫn thủ tục hành chính, tư vấn giáo dục sức khỏe, thực hiện y lệnh thuốc và cận lâm sàng nếu có.
Tại mỗi khu điều trị, đội y tế chia làm 2 ca trực. Mỗi ca kéo dài một tuần, gồm đủ bác sĩ, y tá, hộ lý túc trực 24/24h. Kết thúc ca, họ trở về khu cách ly dành riêng cho bác sĩ. “Bố trí trực như vậy để trong trường hợp xấu nhóm nào có người bị lây nhiễm thì sẽ cách ly riêng, nếu làm việc chung tất cả thì khi bị lây sẽ phải cách ly toàn bộ, vừa tiêu hao nhân lực lại vừa nguy hiểm cho mọi người”, bác sĩ Vương Anh chia sẻ.
Trái với guồng quay công việc của những bác sĩ, cuộc sống của những bệnh nhân trong khu điều trị F0 chậm rãi hơn. "Chúng tôi chủ động kết nối với bệnh nhân của mình bằng điện thoại rồi nhắn tin để hỏi han, chia sẻ hàng ngày. Đôi lúc bệnh nhân thấy lo sợ, bác sĩ chính là những người vững vàng để trấn an họ", anh Vương Anh nói thêm.
Tối 5/2, đang trong ca trực, đội bác sĩ Vương Anh nhận được tin báo sẽ đón thêm hai ca điều trị, họ là hai mẹ con, đứa bé vừa tròn 41 ngày tuổi. Để tiện chăm sóc, người chồng đã có kết quả dương tính trước đó cũng xin được chuyển khu điều trị. Thu xếp chỗ ở cho gia đình họ xong, các bác sĩ tiến hành lấy máu xét nghiệm và chụp CT.
Căn phòng 17 m2 giờ là tổ ấm tạm thời của đôi vợ chồng trẻ. Làm việc trong Công ty Poyun, anh Nguyễn Văn Thạch cũng hoang mang, lo sợ như bao người khác khi nhận được kết quả dương tính. “Tôi không muốn mình mắc bệnh, không ai muốn mình mắc bệnh. Bởi chúng tôi đều có gia đình, bạn bè, người thân. Khi đã nhiễm bệnh thì lo lắng nhất chính là sức khỏe cho mọi người”, nam công nhân 30 tuổi chia sẻ.
Chiếc khẩu trang che gần hết khuôn mặt, chỉ để lộ ra đôi mắt trùng xuống bởi nhiều đêm thức trắng của ông Hoàng Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Chí Linh, nay là Bệnh viện dã chiến 1. Ông nói: “Có những thứ chúng tôi phải vay, có những thứ chúng tôi phải mượn. Ở đây vẫn còn rất nhiều lúng túng bởi chúng tôi mới chỉ tiếp cận cách điều trị ở trên sách vở và báo đài. Cụ thể, làm như thế nào, chúng tôi chưa hình dung ra”.
Chỉ đến nay, sau 10 ngày tiếp nhận bệnh nhân và đi vào hoạt động, ông Lân mới có thể thở phào vì mọi người đã vào guồng công việc.
Những đồng nghiệp không kịp biết tên
Hơn 15.000 ống bệnh phẩm là con số mà đội lấy mẫu đã đem về trong những ngày qua, với lịch làm việc dày đặc, chưa khi nào họ kịp giấc trước 2h.
7h30, 10 người đội lấy mẫu có mặt dưới sảnh với trang bị bảo hộ đầy đủ. Phía sau lưng có ghi vội dòng chữ ‘Thanh Hà’, ‘Bình Giang’… Nhưng đây không phải tên riêng của ai cả. Đó là các huyện thuộc Hải Dương, nơi có những cán bộ y tế được tăng cường lên tuyến trên để hỗ trợ làm việc. Họ không biết nhau, phần vì mặc bảo hộ, trông ai cũng giống ai. Phần vì quá bận rộn để có thể dừng lại hỏi han, ghi nhớ.
- Các đồng chí! Hơn 1.000 mẫu cho hôm nay, toàn bộ là F1, lấy mẫu lần 2.
Anh Hiếu phải lớn tiếng thông báo bởi qua lớp khẩu trang dày, mọi người không thể nghe rõ.
Những ngày gần đây, bầu trời Chí Linh hửng nắng. Nhưng trời nắng thì là nỗi ám ảnh với đội lấy mẫu. Bởi họ sẽ phải đứng làm việc cả ngày trong bộ đồ bảo hộ cấp 4. Chất vải chống thấm bao kín người, dưới thời tiết nhiệt cao, mồ hôi của họ túa ra ướt đẫm.
Nếu chỉ nhìn từ bên ngoài, chẳng ai nhận ra điều đó bởi tốc độ làm việc của cả đội vẫn không thể chậm lại. Khi đã mặc lên bộ bảo hộ, các y bác sĩ tuyệt đối không được cởi bỏ trong quá trình làm việc. Ngay cả uống nước, giải quyết chuyện vệ sinh cá nhân cũng trở thành vấn đề khó.
Chiếc xe cứu thương chở theo đội lấy mẫu tới Trường quân sự Quân khu 3. Sáng 30/1, toàn bộ chiến sĩ tại đây hành quân, dồn khu, nhường lại trường làm cơ sở cách ly cho hơn 200 F1.
Đội chia làm 3 nhóm nhỏ. Nhóm ghi chép với nhiệm vụ ghi tên, mã và phân chia các ống nghiệm theo đúng thứ tự. Nhóm điều phối đọc loa gọi danh sách và hướng dẫn người dân đứng dãn cách. Cuối cùng là nhóm bác sĩ lấy mẫu bệnh phẩm. Họ không trò chuyện qua lại, cứ theo phân công từ trước, mỗi người một việc.
- Chị cố gắng giữ lấy cháu để chúng tôi lấy mẫu nhé.
Anh Hiếu dừng lại động tác, dặn dò cẩn thận người phụ nữ đang bế trên tay đứa bé còn quấn tã. Bầu không khí trong khu cách ly nóng dần lên bởi tiếng gọi loa, tiếng hướng dẫn dãn cách và cả tiếng khóc hoảng hốt của những đứa trẻ thơ.
Giấc ngủ vội vàng
-13h rồi, anh em đã đói chưa, ta có thể về nghỉ để chiều đi tiếp.
- Lấy thêm 2 điểm nữa rồi ăn cũng được. Bây giờ về cởi đồ bảo hộ lại vứt đi, tiếc lắm!
Anh Duy dứt khoát trả lời. Vậy là cả đội lại lên xe, di chuyển tới 2 điểm lấy mẫu còn lại. 200 mẫu bệnh phẩm ngốn thêm của cả đội 2 giờ.
15h, họ về tới nơi nghỉ chân. Phần cơm hộp đợi từ trưa đến giờ đã nguội.
“Các anh vất vả quá, uống chút nước cho tỉnh người”, người hộ lý đặt chai nước lên từng bàn. Cô không quen họ, chỉ là thương và đồng cảm cho những người lính chống giặc Covid.
Để tránh tiếp xúc, đội lấy mẫu được dựng một khu ăn uống và nghỉ ngơi ngay giữa khoảng sân trống của viện dã chiến 1. Tựa lưng vào chiếc ghế nhựa, nằm tạm trên băng ghế ôtô, giấc ngủ đến với họ.
20 phút sau, anh Hiếu hô lớn:
- Đi thôi!
Cả đội bật dậy, tất tả quần áo tiếp tục lên đường. Phía sau xe, họ chỉ kịp để thêm một hộp trứng luộc, phòng khi đói bụng.
Gấp rút tiến hành xét nghiệm trong đêm
18h30, hơn 1.000 ống bệnh phẩm được lấy về. Toàn bộ mẫu sẽ được ký phê duyệt, anh Hiếu và mọi người đích thân chuyển thùng mẫu về CDC Hải Dương để chạy rRT-PCR. Cả đội hì hục lao vào gắn mã.
- 14126
- Có
- 14127
- Có
- 14128
- Có
…
Đó là tất cả âm thanh bên trong phòng làm việc của đội lấy mẫu.
Tránh trường hợp nhầm lẫn, các mẫu bệnh phẩm cần được xếp đúng theo thứ tự mã đã ghi sẵn. Thỉnh thoảng, họ dừng lại cười phá lên khi đếm nhầm rồi phải làm lại. Công việc tưởng chừng đơn giản lại chính là khâu mất nhiều thời gian nhất. Lúc này đã 0h, họ vẫn trong guồng quay công việc với nhiệm vụ xếp mẫu cho khớp.
2h, công việc ghép mã hoàn tất. 1.243 mẫu được chuyên viên chuyển lên phòng xét nghiệm. Căn phòng 20 m2 với đầy đủ thiết bị hiện đại sáng đèn cả đêm. Bên trong, đội ngũ chuyên gia tiếp nhận rồi thực hiện quy trình chạy mẫu.
Chiếc xe cấp cứu lại sáng đèn, chở 7 nhân viên y tế về lại Bệnh viện dã chiến 1.
“Thôi chết, nay em quên gọi cho hai đứa nhỏ rồi”, chị Mai Linh ngẩng lên, ngó nghiêng tìm xem có chiếc đồng hồ nào không. Đã 2h30, giờ này con chị đã ngủ. Mặc bảo hộ kín mít, điện thoại cất trong người cả ngày. Có khi chị cũng quên luôn thứ, ngày, tháng.
Ngày 27/2, nhận lệnh lấy mẫu, chị Linh qua Công ty Poyun để làm việc. Khi quay trở lại thì toàn viện Chí Linh đã phong tỏa, chẳng kịp chào tạm biệt con, chị ở lại viện cách ly và bước vào cuộc chiến.
Trở về căn phòng lưu trữ hồ sơ đã được dọn để làm chỗ ngủ, chị Linh mở tin nhắn chồng vừa gửi tối nay, thấy ảnh hai con ngủ ngon lành. Chạm nhẹ vào màn hình như thể vuốt ve hai đứa nhỏ, chị ngả lưng xuống thảm rồi ngủ thiếp. Trong khi ấy, đèn phòng vẫn được bật sáng để sẵn sàng cho những cuộc gọi gấp.
"Tôi mong được về với gia đình, các bệnh nhân cũng vậy. Không có ai bỏ rơi ai, không có ai là người đáng trách. Cùng cố gắng, tất cả sẽ mạnh khỏe và bình yên", chị Mai Linh nói.