Đối tác công-tư nông nghiệp xu thế nổi bật ở một số nước trên thế giới

Biên tập viên

Tiếp theo bài "Hợp tác công tư trong đổi mới sáng tạo nông nghiệp' của TS. Lê Thành Ý và ThS. Vương Xuân Nguyên, BBT giới thiệu phần II: "Đối tác công-tư nông nghiệp xu thế nổi bật ở một số nước trên thế giới"

Bộ NN&PTNT đã có đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong các giải pháp để đạt mục tiêu, mô hình hợp tác công-tư được lựa chọn là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, việc thực hiện mô hình này có nhiều nút thắt cần  được tháo gỡ. Từ bản chất hợp tác công-tư đối với đổi mới sáng tạo, trong  xu thế phát triển toàn cầu và từ thực tiễn Việt Nam; bài viết đề cập đến một số khía cạnh nổi bật để cùng trao đổi.

TS. Lê Thành Ý tại Hội thảo khoa học Việt Nam - Nhật Bản

Đặt vấn đề

Phân tích các mô hình hợp tác công-tư phục vụ đổi mới sáng tạo nông nghiệp ở nhiều quốc gia cho thấy: Đổi mới sáng tạo gồm nhiều hoạt động, từ nghiên cứu cơ bản đến phát triển và chuyển giao công nghệ, dọc theo chuỗi cung ứng và giải quyết vấn đề phức tạp của nhiều lĩnh vực trong phạm vi đòi hỏi rộng của các đối tác cả về quy mô, khả năng tài chính và hành vi văn hóa đối với nông dân, từ cơ quan chính phủ đến các tổ chức phi chính phủ ở mọi quốc gia và trên thế giới.

Nông dân trong hệ thống đổi mới sáng tạo nông nghiệp có vị trí rất đặc biệt. Họ là đối tượng liên quan chính với tư cách là người sử dụng, tài trợ thông qua các khoản thuế và là người đổi mới sáng tạo. Nông dân cần được đáp ứng những mục tiêu cải thiện mang tính thách thức cả về năng suất và sự phát triển bền vững bằng giải pháp đổi mới sáng tạo. Khả năng tham gia của nông dân trong quan hệ đối tác có thể giải thích cho sự đa dạng của đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp cả về loại hình, số lượng đối tác, phạm vi và mức độ bao phủ địa lý .

Ngoài việc chuyển giao tiến bộ tri thức và công nghệ, hầu hết các dự án PPP đều nhằm vào tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư đổi mới theo chuỗi thực phẩm. Ngoài chương trình KHCN&ĐMST thực hiện chủ yếu tại các trung tâm nghiên cứu liên quan đến nông nghiệp; phần lớn các cơ chế nông nghiệp đã trở thành thực tế sinh động để minh họa cách thiết lập chiến lược, cơ chế tài trợ R&D, hỗ trợ đổi mới, khuyến khích và thúc đẩy PPP (NASATI 2018 Tr24).

Là một phần của chiến lược đổi mới sáng tạo, Hợp tác Đổi mới châu Âu vì năng suất và bền vững nông nghiệp (EIP-AGRI) đã được Ủy ban châu Âu khởi xướng từ năm 2012. EIP-AGRI nhằm vào thúc đẩy ngành nông-lâm nghiệp phát triển cạnh tranh và bền vững, đạt được “nhiều hơn từ ít hơn” bằng liên kết các tác nhân đổi mới (nông dân, các nhà tư vấn, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp, các tổ chức NGO,...) và kết nối các nhóm hoạt động EIP và các dự án nhiều bên tham gia, nhằm thúc đẩy trao đổi kiến thức chuyên môn, thực tiễn tốt và thiết lập đối thoại giữa ngành nông nghiệp với cộng đồng nghiên cứu. EIP-AGRI tài trợ cho hình thành dự án nhóm hoạt động (hợp tác đầu tư, chuyển giao tri thức, dịch vụ tư vấn) và thiết lập “các dịch vụ hỗ trợ đổi mới”, tạo điều kiện cho sự hình thành các nhóm hoạt động.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, hợp tác đổi mới công-tư trong nông nghiệp đã được hình thành theo những xu hướng dưới đây:

TS. Đào Thế Anh, Phó giám đốc VAAS, Phó chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam ký biên bản ghi nhớ hợp tác khoa học nông nghiệp với các đối tác Nhật Bản

Chính sách ngành hàng đầu phục vụ đổi mới sáng tạo nông nghiệp tại Hà Lan

Nếu PPP phục vụ đổi mới sáng tạo được sử dụng phổ biến ở Hà Lan gần đây, thì chiến lược R&D với tên gọi chính sách ngành hàng đầu (Top sector) được áp dụng vào những năm 2010  đã coi hợp tác công-tư là trung tâm của đổi mới sáng tạo. Chiến lược này cấp kinh phí công cho dự án PPP trong các lĩnh vực hàng đầu có vai trò dẫn dắt trong việc thiết lập các chương trình nghị sự đổi mới sáng tạo. Nguồn kinh phí công phải tương xứng với sự đóng góp của khu vực tư nhân (50/50).Trong 9 ngành trọng điểm được xác định với vị thế thị trường mạnh mẽ, 02 ngành dẫn đầu là ngành nông nghiệp - thực phẩm định hướng xuất khẩu và ngành làm vườn cùng vật liệu nhân giống. Đây là các ngành thâm dụng vốn và tri thức, chiếm hơn 80% kinh phí R&D doanh nghiệp trong năm 2011.

Động cơ của chính sách Top sector là tập trung nguồn vốn khan hiếm của nhà nước vào các ngành định hướng xuất khẩu phải đối mặt với cạnh tranh ngày càng tăng từ các nền kinh tế mới nổi, với kỳ vọng đổi mới sáng tạo sẽ giúp duy trì năng lực cạnh tranh quốc tế. Theo chính sách Top sector, cộng đồng doanh nghiệp phải thiết lập chương trình nghị sự cho các khoản đầu tư R&D trong hoạt động của mình. Chính phủ không đưa ra đề xuất riêng cho từng lĩnh vực, nhưng mời gọi, khuyến khích doanh nghiệp và nhà khoa học soạn thảo các kế hoạch hành động, được coi là cơ sở để phát triển các phương châm hành động. Việc có nhiều dự án PPP tốt sẽ làm tăng thêm sức mạnh đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp, từ đó tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới để đối mặt với những thách thức lớn trong tương lai.

Để thực hiện chính sách Top sector, từng ngành hàng đầu đều phải thành lập congxoocxium (TKI) tri thức và đổi mới sáng tạo, đó là nơi các nhà doanh nghiệp và nghiên cứu cùng làm việc về khái niệm và sản phẩm đổi mới sáng tạo với 3 mục tiêu chiến lược liên quan đến cơ sở hạ tầng tri thức, bao gồm: Tăng cường hợp tác giữa các viện nghiên cứu, doanh nghiệp và chính phủ để nâng cao sức mạnh quốc tế của ngành có liên quan; tạo điều kiện PPP cho NC&PT; và tạo nền tảng cấu trúc tài chính cho PPP trong hệ thống tri thức.

 Cơ sở thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo là Hợp đồng đổi mới. Mỗi ngành hàng đầu đều phải soạn thảo một Hợp đồng đổi mới, theo đó, các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và đại diện chính phủ phải thống nhất về biện pháp (kết hợp nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, bình ổn giá), kế hoạch phát triển sản phẩm, đổi mới dịch vụ và những đóng góp tài chính.

Từ mục tiêu thúc đẩy NC&PT khu vực doanh nghiệp và tăng khả năng ứng dụng của nghiên cứu công. Nguồn tài trợ công hướng vào nghiên cứu tiền cạnh tranh sẽ tăng cường hơn nữa khả năng đóng góp trong lĩnh vực này. Các kết quả ban đầu cho thấy, các công ty bao gồm cả công ty đa quốc gia, đã tăng cường đầu tư vào nghiên cứu tiền cạnh tranh. Do hợp tác gia tăng giữa các thành phần trong chuỗi chế biến của ngành thực phẩm, khả năng hợp tác toàn ngành đã được tăng cường giữa các cấp chế biến và bán lẻ.

Cùng với hợp đồng đổi mới, chương trình nghị sự về nguồn nhân lực nhằm đẩy mạnh liên kết giữa các cơ sở giáo dục để đáp ứng nhu cầu của ngành đã tạo cách tiếp cận mới cho PPP. Tiếp cận này tạo thuận lợi cho việc tiếp thị, áp dụng đổi mới sáng tạo và làm giảm khoảng cách công nghệ giữa các công ty qua chuyển giao kiến thức, khi các hệ thống chất lượng trở nên phức tạp hơn nhiều.

Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam thành lập các Trung tâm nghiên cứu khoa học Nông nghiệp thuộc Hội

Hệ thống đổi mới sáng tạo nét riêng ở Cộng hòa Pháp

Hệ thống đổi mới của Pháp huy động các chủ thể ở các bộ, viện nghiên cứu, trường đại học, ngành nông nghiệp và các tổ chức kỹ thuật để hợp tác giải quyết những vấn đề liên ngành. Cơ quan Nghiên cứu quốc gia (ANR) tài trợ cho dự án theo chủ đề và không theo chủ đề thuộc tất cả các lĩnh vực khoa học trên cơ sở cạnh tranh. Trong các loại dự án hợp tác nghiên cứu quốc gia và quốc tế, PPP là những dự án tài trợ cho doanh nghiệp hợp tác nghiên cứu (PRCE) nhằm đạt được kết quả nghiên cứu có lợi ích chung. Cơ quan Nghiên cứu quốc gia (ANR) cung cấp kinh phí hàng năm cho các viện viện nghiên cứu công (Carnot) hướng vào phát triển hợp tác nghiên cứu phục vụ đổi mới sáng tạo của các công ty với mục đích thúc đẩy hợp tác nghiên cứu giữa các phòng thí nghiệm công và các công ty tư nhân. Điều kiện được nhận tài trợ và kinh phí liên quan là phải tiến hành hợp tác nghiên cứu vì các lợi ích kinh tế xã hội

Quỹ Phân bổ đặc biệt cho Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (CASDAR) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Pháp, là công cụ tài trợ chính cho nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp và nghiên cứu mở rộng được đồng quản lý bởi Bộ Nông nghiệp và các tổ chức nhà sản xuất. Phân bổ quỹ phù hợp với mục tiêu của Chương trình Quốc gia về nông nghiệp và phát triển nông thôn được thành lập bởi Hội đồng tối cao về Nông nghiệp (Conseil Supérieur d'hướng de l'agriculture). Quỹ CASDAR cung cấp tài chính cho mạng Công nghệ chung (JTN), liên kết các đối tác nghiên cứu công và tư cũng như các tổ chức giáo dục đại học. Các đề xuất nghiên cứu được phát triển bởi JTN, sau đó được đệ trình lên CASDAR để yêu cầu tài trợ.

 Là một phần của chiến lược kết nối khoa học và tác động, Viện Nghiên cứu nông nghiệp Pháp (INRA) sử dụng các nhóm khoa học, đơn vị công nghệ liên kết, mạng lưới, dự án và phòng thí nghiệm chung... để thúc đẩy việc hợp tác.  Mỗi công cụ được sử dụng với các đối tác khác nhau và ở các giai đoạn khác nhau trong quá trình nghiên cứu.

Ở cấp quốc gia, các chương trình INRA bao gồm hợp tác dọc kết nối sản xuất và chuyển hóa theo các chuỗi khác nhau với sự tham gia của các viện nghiên cứu kỹ thuật và các công ty; hợp tác theo chiều ngang về công nghệ chuyển ngang (công nghệ sinh học xanh, bộ gen học động vật, lập mô hình..); và các đối tác địa phương dựa trên cụm cạnh tranh và hệ thống chuyển giao khu vực khác.

INRA hợp tác với các tác nhân công nghiệp và kinh tế để nâng cao mức độ sẵn sàng công nghệ của nghiên cứu thông qua: tiếp cận của khu vực công đối với nghiên cứu hợp tác ở cấp ngành về tái tạo cacbon, sức khỏe động vật, sản phẩm thực phẩm; và tình báo khoa học về các vấn đề đang nổi; công nghệ mở công cộng dựa trên nền tảng mở INRA và hai nơi trình diễn tiền công nghiệp (siêu bộ gen; công nghệ sinh học trắng-white biotechnologies-); và các chương trình hợp tác công-tư thuộc 2 viện nghiên cứu về chuyển đổi năng lượng (vật liệu sinh học; nông hóa) và chương trình thí điểm sản xuất lignocellulosic bioethanol.

Nhiều mô hình Nông nghiệp sinh thái kết hợp với du lịch thành công

Kế hoạch hợp tác công-tư trong nông nghiệp tại Hoa Kỳ

Phản ánh kỳ vọng lợi nhuận cao từ đầu tư theo quan điểm của các công ty riêng lẻ, từ năm 2006, chi tiêu tư nhân cho NC&PT nông nghiệp Hoa Kỳ gia tăng mạnh, đặc biệt là trong lĩnh vực giống cây trồng và công nghệ sinh học. Qua đó, khu vực công đã đầu tư mạnh vào nghiên cứu dinh dưỡng và biến đổi khí hậu là lĩnh vực có nhiều kiến thức xã hội mang tính lan tỏa. Diễn biến theo hướng này đã tạo cơ hội cho PPP đóng góp thêm kỹ năng và tri thức bổ sung cho hợp tác. Cùng với xu hướng này, những thay đổi về kinh tế, chính trị, pháp lý cũng tạo cơ hội mới để hình thành nhiều dự án trong các kế hoạch hợp tác nghiên cứu công-tư.

Hoa Kỳ rất coi trọng quan hệ hợp tác NC&PT nhằm giải quyết những thách thức lớn về biến đổi khí hậu, năng lượng sinh học, an ninh lương thực, sâu hại và sử dụng nước. Sở Nghiên cứu nông nghiệp (ARS), cơ quan nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã tham gia vào 257 Hợp đồng hợp tác NC&PT (CRADA) thu được 384 bằng sáng chế cấp phép cho các công ty tư nhân (tr 28 NASATI 3.2016).

Điểm nổi bật trong hợp tác công-tư của Hoa Kỳ là Hợp đồng Hợp tác nghiên cứu và phát triển (CRADA). CRADA là một thỏa thuận bằng văn bản giữa công ty tư nhân và cơ quan chính phủ để cùng làm việc trong dự án NC&PT. CRADA cho phép cả hai bên nắm bắt kết quả nghiên cứu được giữ kín trong 5 năm theo Luật Tự do thông tin; giúp chính phủ và đối tác chia sẻ bằng sáng chế, giấy phép sáng chế; cho phép đối tác có thể giữ độc quyền đối với bằng sáng chế hoặc giấy phép sáng chế. Văn phòng Thông tin khoa học và kỹ thuật (OSTI) chịu trách nhiệm bảo quản thông tin khoa học và kỹ thuật tạo ra thông qua CRADA và cung cấp thông tin này cho cộng đồng khoa học cũng như công chúng. Xu hướng hợp tác với ngành công nghiệp tư nhân của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho thấy, chi tiêu công cho NC&PT nông nghiệp giữ ở mức ổn định, nhưng thỏa thuận hợp tác của khu vực công ngày một gia tăng, điều này thể hiện thấy sự quan tâm nhiều hơn vào hợp tác với đồng tài trợ tư nhân (Fuglie, K.O and A.A. Toole 2014),

Cơ quan quản lý doanh nghiệp nhỏ của Hoa Kỳ đã xúc tiến 2 chương trình thúc đẩy PPP, đó là chương trình Nghiên cứu đổi mới doanh nghiệp nhỏ (SBIR) dành cho doanh nghiệp nhỏ tham gia vào NC&PT liên bang có tiềm năng thương mại hóa và chương trình Chuyển giao Công nghệ doanh nghiệp nhỏ (STTR), nhằm tạo điều kiện hợp tác NC&PT giữa các doanh nghiệp nhỏ và các tổ chức nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa. Trong năm tài chính 2015, chương trình SBIR đã chi gần 2,0 tỷ USD chiếm 2,9% ngân sách nghiên cứu, tỷ lệ này đã tăng lên 3,2% vào năm 2017. Tương tự, chương trình STTR chiếm 0,35% ngân sách nghiên cứu và tăng lên 0,4% trong cùng thời gian

Tài trợ của SBIR giúp các công ty nhỏ thu hẹp khoảng cách tài chính và thu hút các nguồn tài chính tư nhân khác. Dự án Ngô tăng cường gen (Genetic Enhancement of Maize - GEM) được hình thành năm 1994, đến năm 2010 đã có 60 thành viên tham gia. Các tổ chức công phát triển chất mầm ngoại lai chia sẻ với các đối tác tư nhân, những đối tác này lại chia sẻ với nhau sau khi lai chéo cùng dòng. giúp khắc phục những hạn chế nghiên cứu dài hạn mang tính không chắc chắn cao. Trong số các yếu tố chính trị và luật pháp, Luật Nông nghiệp Hoa Kỳ năm 2014 đã thành lập Quỹ Nghiên cứu nông nghiệp và thực phẩm (FFAR). FFAR là một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận, được thành lập để thúc đẩy sự hợp tác giữa chính phủ, các trường đại học, ngành công nghiệp và các nhà nghiên cứu phi lợi nhuận.

 Ở Hoa Kỳ, thực hiện PPP là vấn đề then chốt để thúc đẩy quan hệ quốc tế và viện trợ phát triển. Trong năm 2010, Feed the Future được khởi xướng với nhiệm vụ hợp tác với ngành công nghiệp tư nhân và xã hội dân sự, dựa trên sự phối hợp của ba cơ quan của Hoa Kỳ (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ và Bộ Ngoại giao). Tại Cục Nghiên cứu nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, hai chương trình trọng điểm - Mạng Hợp tác nghiên cứu nông nghiệp (ARP) và các hiệp định hợp tác được điều chỉnh phù hợp, đã thiết kế mô hình mẫu về các hợp đồng chuyển giao công nghệ và các thỏa thuận khác trong đó có thể bao gồm nhiều bên tham gia và nhiều mối liên kết.

Trong cung cấp các hướng dẫn cho PPP, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ đã thay đổi cách thức làm việc trong Liên minh phát triển toàn cầu bằng cách đơn giản hóa các yêu cầu của mình. Hiện nay, chỉ có năm yêu cầu cơ bản hướng vào tác động  phát triển; dựa trên lợi ích và mục tiêu bổ sung; cách tiếp cận và giải pháp dựa trên thị trường; đồng sáng tạo và chia sẻ trách nhiệm; và đóng góp quan trọng của khu vực tư nhân để gia tăng tác động.

Vẫn còn một khoảng cách khá xa về trình độ Nông nghiệp trong nước so với các nước tiên tiến trên thế giới

Chương trình đổi mới nông nghiệp-vấn đề nổi bật ở Canada

Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia (NRC) và các chương trình hỗ trợ thúc đẩy hợp tác giữa các bên tham gia đổi mới và thương mại hóa sản phẩm đổi mới thực phẩm và nông nghiệp với mạng lưới các Trung tâm Xuất sắc (NCE) được điều hành bởi các cơ quan tài trợ như Hội đồng Nghiên cứu Kỹ thuật và Khoa học Tự nhiên (NSERC) và Hội đồng Nghiên cứu Khoa học xã hội và nhân văn (SSHRC), đã huy động được năng lực nghiên cứu đa ngành, tạo ra mạng lưới nghiên cứu quy mô lớn,thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức hàn lâm, ngành công nghiệp, chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận cùng với người dùng cuối cùng, tạo thuận lợi cho việc áp dụng kiến thức và phát triển các phương thức hợp tác khác nhau.

Hệ thống nông nghiệp ở Canada đã quy định thể chế và tài chính để thúc đẩy liên kết và hợp tác nhằm gia tăng luồng tri thức và việc phổ biến giữa các bên tham gia. Nét nổi bật của khung chính sách trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp là Chương trình Đổi mới sáng tạo nông nghiệp Growing Forward 2 

Growing Forward 2 được triển khai ở cấp liên bang nhằm giải quyết các vấn đề thuộc trong các giai đoạn của chuỗi đổi mới liên tục từ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ đến thương mại hóa và tiếp thu đổi mới sáng tạo, bao gồm các nhánh sáng kiến tăng tốc đổi mới nghiên cứu, Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ Cụm khoa học nông nghiệp.

Tăng tốc đổi mới nghiên cứu do cơ quan Nông nghiệp và Thực phẩm nông nghiệp Canada (AAFC) chỉ đạo giải quyết các yêu cầu khoa học mới nổi của ngành thông qua các hoạt động nghiên cứu phát triển và chuyển giao tri thức để nhận dạng và giảm thiểu rủi ro cho sản xuất, giữ vững tốc độ với những cân nhắc về tính bền vững, nâng cao năng suất và nắm bắt các cơ hội thị trường. Nhánh này hướng vào các nghiên cứu mang tính xuyên suốt và ứng dụng lâu dài.

Nghiên cứu và phát triển hỗ trợ cho nghiên cứu tiền thương mại, phát triển và chuyển giao tri thức đổi mới nông nghiệp, sản phẩm và quy trình nông nghiệp thực phẩm. Nhánh này cung cấp tài chính hỗ trợ cho những đề xuất được phê duyệt hoặc hỗ trợ dưới hình thức giúp đỡ hợp tác thông qua các nhà khoa học nghiên cứu của AAFC và các chuyên gia về chuyển giao kiến thức. Hỗ trợ Cụm khoa học nông nghiệp nhằm huy động và phối hợp số lượng tới hạn các chuyên gia khoa học trong ngành công nghiệp, khối viện trường và chính phủ. Nguồn tài trợ được dành cho những đề xuất không vì lợi nhuận hoặc vì lợi nhuận có điều kiện trong phạm vi quốc gia,

Việc Ứng dụng và Thương mại hóa nhằm tạo hỗ trợ cho trình diễn, thương mại hóa và ứng dụng các sản phẩm, công nghệ, các quy trình hay dịch vụ nông nghiệp đổi mới. Nhánh này cung cấp hỗ trợ cho dự án trình diễn tiền thương mại, thương mại hoặcdự án ứng dụng đã được phê duyệt.

Các xúc tiến liên bang thường được bổ sung bằng các chương trình chia sẻ chi phí với các tỉnh và vùng lãnh thổ, được thiết kế để phản ánh các yêu cầu đổi mới riêng của các tỉnh và vùng lãnh thổ nhằm giải quyết mục tiêu đổi mới rộng lớn hơn của đất nước.

Lao động trong Nông nghiệp Việt Nam vẫn còn dựa vào sức người là chính

Nghiên cứu và Phát triển Nông thôn cơ chế thúc đẩy hợp tác công-tư của Úc

Hợp tác Nghiên cứu và Phát triển nông thôn (Research and Development Corporations - RDC) được cho là cơ chế quan trọng để thúc đẩy hợp tác công-tư nhằm vào đầu tư có hiệu quả cho NC&PT nông thôn. Các RDC sử dụng kinh phí thu được từ các nhà sản xuất sơ cấp thông qua các khoản thu thuế theo quy định hoặc tự nguyện và các khoản tài trợ tương ứng của chính phủ để mua kết quả NC&PT nông thôn. Tại Úc có 15 RDC bao trùm hầu hết các doanh nghiệp nông nghiệp, thủy sản và lâm nghiệp. Nhiều RDC đã tiến hành nghiên cứu theo toàn bộ chuỗi giá trị.

Cùng với RDC, Chương trình của các Trung tâm hợp tác nghiên cứu (Cooperative Research Centres - CRC) là cơ chế hỗ trợ cho các dự án hợp tác nghiên cứu trung và dài hạn giữa khu vực công và tư hướng vào người tiêu dùng cuối. CRC là dự án hợp tác giữa các nhà tài trợ nghiên cứu, nhà cung cấp và người dùng cuối, được thành lập để tiến hành NC&PT trong các lĩnh vực cụ thể, với trọng tâm nhằm vào ứng dụng. Các CRC thường bao gồm trường đại học và người dùng cuối. Các đối tác tiềm năng có thể bao gồm công ty RDC, tổ chức Nghiên cứu công nghiệp và khoa học, đại diện ngành công nghiệp hoặc tổ chức chính phủ.

CRC nhận tài trợ công thông qua danh mục đầu tư công nghiệp, đổi mới sáng tạo và nghiên cứu tương hợp với những đóng góp bằng tiền hoặc hiện vật của đơn vị tham gia thông qua quy trình lựa chọn cạnh tranh dựa theo giá trị. Các Dự án CRC là sáng kiến mới nhằm vào các mục tiêu cụ thể để khuyến khích hợp tác nghiên cứu giữa các DNVVN và chính phủ về nghiên cứu ngắn hạn.

Ủy ban Năng suất nước Úc đã đề xuất sự cần thiết của các phương án bổ sung cho hình thức hợp tác giữa doanh nghiệp với các cơ quan nghiên cứu công và các trường đại học để có thể mang lại những hợp đồng mau lẹ hơn, không đòi hỏi quản lý chuyên sâu và qua đó cho phép hợp tác trên quy mô nhỏ hơn và ngắn hạn hơn giữa các nhóm doanh nghiệp hoặc theo cách độc lập hoặc với các trường đại học và các cơ quan nghiên cứu công.

 Chính quyền các tiểu bang và lãnh thổ Bắc Úc, các công ty NC&PT nông thôn, và các trường đại học đang cùng phát triển Khuôn khổ Nghiên cứu, phát triển và khuyến khích cho các ngành chủ chốt của quốc gia nhằm khuyến khích hợp tác và phối hợp lớn hơn giữa các đối tác tham gia, bao gồm chính quyền các tiểu bang, chính phủ và các công ty NC&PT nông thôn.

Vấn đề có thể rút ra

Phân tích xu thế phát triển hợp tác công tư ở một số quốc gia cho thấy: Không có mô hình hợp tác công-tư duy nhất phục vụ đổi mới sáng tạo nông nghiệp phù hợp cho tất cả các quốc gia. Do vậy, Chính phủ không nên đề ra các quy tắc cho PPP, mà chỉ nên đưa ra các ưu đãi chính sách nếu đó là cách làm hiệu quả về chi phí để giải quyết những mục tiêu chung,

Chính phủ có vai trò quan trọng trong tạo điều kiện cho PPP phục vụ đổi mới sáng tạo nông nghiệp bằng cách tạo môi trường kinh doanh ổn định, phát triển khuôn khổ pháp lý phù hợp như các quy tắc về tài sản trí tuệ,chế tài hợp đồng và tạo điều kiện chia sẻ kinh nghiệm và tri thức.

Các cơ chế, chính sách của nhà nước và thỏa thuận cần được sử dụng linh hoạt nhằm đáp ứng được tính đa dạng về đối tác mà bước đầu tiên cần là để phát triển mục tiêu chung, với sự tham gia từ đầu của tất cả các bên liên quan, bao gồm cả các tổ chức sản xuất.

Về quản trị cần được chia sẻ, đảm bảo sử dụng tốt các nguồn kinh phí trong lĩnh vực công. Các nhóm tư vấn bao gồm tất cả các bên liên quan có thể đưa ra những phản hồi hữu ích ở các giai đoạn thực hiện khác nhau.

Theo hướng đóng góp của quản lý phải phù hợp với lợi ích của công chúng, chính phủ cần khuyến khích, thúc đẩy đầu tư vào NC&PT cho lợi nhuận xã hội và các mục tiêu dài hạn; giám sát nhiều hơn để theo dõi tiến độ cũng như những thất bại và xác định các biện pháp can thiệp khi cần thiết. Các quy trình đánh giá cần được liên kết với các thoả thuận tài trợ, thích ứng với cơ cấu quản trị và những thay đổi khi cần thiết và điều quan trọng là việc xây dựng năng lực thông qua việc đào tạo các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực công, nghiên cứu khoa học, các tổ chức sản xuất các kỹ năng mềm trong giao tiếp, đàm phán và quản lý doanh nghiệp. Đào tạo  xây dựng nguồn nhân lực là chìa khoá đảm bảo thành công. Đối đối với dự án công nghệ nông nghiệp, các kỹ năng kinh doanh liên quan đến SHTT, tiếp thị và thương mại hoá là những nội dung cần thiết.

Còn tiếp...

TS. Lê Thành Ý - ThS. Vương Xuân Nguyên

(Trung ương Hội Khoa học Pháp triển Nông thôn Việt Nam)