Đưa con chữ đến với 'bản đa không' nơi biên giới Việt - Lào

Thảo Huyền

25 năm công tác trong ngành giáo dục thì có gần 20 năm cô giáo Lê Thị Loan (52 tuổi, trú tại xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) “cắm” ở xã biên giới Pa Thơm (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Cũng là chừng ấy năm cô lặng thầm “gieo chữ" nơi vùng biên nghèo khó này.

Vượt đèo gieo chữ

Chú thích ảnh

Điểm trường Mầm non Huổi Moi do cô giáo Lê Thị Loan phụ trách có 8 học sinh (độ tuổi từ 2 đến 5 tuổi), đều là con em đồng bào dân tộc Cống. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Pa Thơm có đặc thù là xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, giao thông chia cắt nên đời sống kinh tế của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Hiện nay, cô giáo Lê Thị Loan đang “cắm bản” ở điểm trường Huổi Moi - Trường Mầm non Pa Thơm, thuộc bản xa nhất, khó khăn nhất và nghèo nhất so với 5 bản còn lại của xã này.
 
Câu chuyện “gieo chữ” của cô Loan tại vùng đồng bào dân tộc Cống thật lắm gian nan nhưng từ trong khó khăn đó, vẻ đẹp tâm hồn, trách nhiệm nghề nghiệp, tinh thần cống hiến của người giáo viên của cô càng được khẳng định.
 
Từ trung tâm xã Pa Thơm để tới được Bản Huổi Moi chỉ có một con đường độc đạo vắt vẻo lưng chừng núi với vô số vực sâu, dốc cao, mặt đường lổn nhổn đá, đầy ổ gà, ổ voi.
 
Phải mất hơn 2 giờ đồng hồ, vượt qua tầm 30 km đường ấy, chúng tôi mới đặt chân đến vùng đất khó này.
 
Bản Huổi Moi là 1 trong 2 bản trên địa bàn xã Pa Thơm có người Cống sinh sống. Cả bản có 31 hộ, hơn 150 nhân khẩu, sinh sống biệt lập ở thành 2 điểm dân cư (Huổi Moi và Buôm En), cách nhau khoảng 4 km đường rừng. Riêng tại Huổi Moi, cộng đồng người Cống có 16 hộ, sống trong những ngôi nhà trên triền núi, xuôi xuống cạnh đường biên giới, cách nước bạn Lào 1 dòng suối cạn.

Chú thích ảnh

Điểm trường Huổi Moi (Trường Mầm non Pa Thơm, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) nằm ở vành đai biên giới Việt- Lào, cách trung tâm xã Pa Thơm hơn 30km. Đây là nơi sinh sống của 16 hộ dân thuộc cộng đồng dân tộc Cống. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Từ trên đỉnh con dốc cao đầu bản, dễ dàng nhận ra điểm trường Mầm non Huổi Moi, bởi điểm trường là công trình xây dựng kiên cố, khang trang nhất so với 16 ngôi nhà dựng bằng gỗ, lợp mái tôn trong bản.
 
Đang đầu giờ chiều, dù bản làng được bao bọc giữa đại ngàn nhưng trong bản không có cây xanh nên nắng nóng đổ xuống như muốn hong khô mọi thứ.
 
Theo lời cô giáo Loan: Hàng chục năm trước, điểm trường là công trình dựng bằng gỗ, nền đất, quanh năm nắng, gió thông thốc thổi qua các thưng ván cong vênh, thiếu hụt. Từ tháng 7/2020, điểm trường được xây mới với dãy nhà cấp 4, có 3 phòng, vừa đủ để phân ra các phòng chức năng. Điểm trường Huổi Moi, hiện có 8 học sinh từ 2 đến 5 tuổỉ theo học, trong đó có 7 em là người dân tộc Cống, 1 em là người dân tộc Khơ-mú.
 
Ngoài điểm trường Huổi Moi, còn có 5 điểm trường “vệ tinh” khác ở các bản Buôm En, Xa Cuông... thuộc cộng đồng dân tộc Cống, Lào, Khơ-mú đều “rơi” vào tình trạng “bản đa không”: không điện lưới quốc gia, không nguồn nước sạch…; giao thông bị chia cắt mạnh bởi rừng, đồi núi, sông suối nên người dân đi lại rất khó khăn, vất vả.
 
Cô Loan tâm sự: Năm 1988, khi tốt nghiệp Trường sơ cấp nuôi dạy trẻ Lai Châu, cô đi làm ở Nông trường Điện Biên. Đến năm 1995, cô vào nghề giáo, công tác tại các trường mầm non ở các xã Pa Thơm, Thanh Yên (huyện Điện Biên). Từ tháng 4/2003, cô trở lại xã Pa Thơm công tác. Quãng thời gian này, những khó khăn, vất vả ở địa bàn các bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, cô Loan đều được nếm trải.
 
Cô Lê Thị Loan cho biết, Huổi Moi có khí hậu rất khắc nghiệt, nền nhiệt luôn chênh lệch từ 2 đến 3 độ C so với khu vực trung tâm xã, nắng thì nóng bức, hanh khô như đổ lửa, mùa đông thì lạnh tê cóng chân tay. Việc dạy học ở đây cũng gặp vô vàn trở ngại bởi học sinh là người dân tộc, bất đồng ngôn ngữ.

Chú thích ảnh

Cô giáo Lê Thị Loan chăm sóc, chải tóc cho học sinh của mình.Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Đối với cô Loan, thời điểm buồn nhất trong ngày là lúc học sinh được bố mẹ đón về hết, điểm trường trở lại vắng vẻ, một mình cô lặng lẽ với việc bếp núc, chuẩn bị bữa cơm chiều. Nhiều lần cô đã khóc vì chạnh lòng, vì nhớ nhà khi chứng kiến những gia đình ở gần điểm trường sum vầy bên mâm cơm tối.
 
Ở Huổi Moi có những sự lạ lắm, cả bản không có sóng điện thoại nhưng trong điểm trường lại có duy nhất một vị trí sóng điện thoại “vươn” đến. Vị trí này nằm bên hiên lớp học nhưng điện thoại phải đặt ở độ cao nhất định, cách mặt đất nửa mét mới “hứng” được sóng. Vì vậy nên cả ngày cô Loan phải đặt chiếc điện thoại “cục gạch” ở vị trí đó để có thể nhận biết được cuộc gọi đến của người thân, đồng nghiệp. Vị trí bắt sóng điện thoại này được cô giáo tiền nhiệm “chỉ điểm” cho Loan trước khi chuyển địa bàn công tác.
 
Cái lạ nữa là ở bản Huổi Moi đêm xuống thật nhanh. Ban ngày, chỉ hơn 16 giờ là bản làng tắt nắng do núi, đại ngàn bao quanh che chắn ánh sáng và không lâu sau thì cả bản chìm vào tĩnh lặng. Chỉ còn đâu đó tiếng chim gọi bầy trên đường về tổ…   
 
Thương lắm học trò vùng cao   

Chú thích ảnh

Cô giáo Lê Thị Loan chăm sóc các cháu học sinh trong mỗi bữa ăn hằng ngày. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Công việc hàng ngày của cô Loan tại điểm trường Huổi Moi bắt đầu từ sáng sớm với việc quét dọn trường lớp, sắp xếp lại bàn ghế, chỉnh trang khuôn viên trường, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh rồi mở cửa đón học sinh. 

Ngoài giờ đứng lớp, khi học sinh ngủ trưa, cô tranh thủ giặt giũ quần áo cho cô, trò; chăm sóc vườn rau. Ít khi cô ngủ trưa, bởi sợ các em thức giấc sẽ đi chơi xa, vào rừng, ra sông suối tắm. 

Tại điểm trường, các bữa ăn chính của học sinh được phụ huynh giúp nấu. Nguồn lương thực, thực phẩm sử dụng hàng ngày trong cả tuần được cô Loan mua, chở từ ngoài thành phố vào bằng xe máy trên cung đường đèo dốc dài mấy chục km. Để có rau xanh, cô tự tay cải tạo một khoảnh đất trong khuôn viên trường để trồng. 

Nhà cô Loan cách bản Huổi Moi hơn 60 km, cứ vào chiều thứ 6, cô vượt hành trình ngược, xuôi những con dốc bằng xe máy để về nhà. Chiều Chủ nhật, cô vào lại điểm trường, chở theo nguồn lương thực, thực phẩm để phục vụ nhu cầu ăn, sinh hoạt của cô và trò trong một tuần.
 
Nhìn cô giáo Loan say sưa tập múa, tập hát, tắm rửa, chải tóc và giặt giũ quần áo cho học sinh, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ của học sinh, chúng tôi càng cảm nhận được sự tận tụy với nghề, tình yêu thương mà cô đã dành cho học trò nơi đây. “Các em cũng như con cháu của mình vậy. Nhìn các em, mình thấy thương lắm!”, cô Loan cho biết.
 
Theo cô Loan, niềm vui, động lực để cô yêu nghề, nỗ lực cống hiến là thấy được học sinh của mình khôn lớn. Mong muốn của cô là sau này các em được đi học cao hơn để có kiến thức, cơ hội thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ mà bố mẹ, ông bà các em đã phải chịu.
 
“Các em ngoan, biết vâng lời cô giáo, bố mẹ, ông bà, biết nói tiếng phổ thông, không còn sợ, rụt rè trước người lạ vào bản. Đó là một sự chuyển biến rất tích cực đối với những học sinh dân tộc Cống nơi đây”, cô Loan tâm sự.  

Mặc dù ở địa bàn khó khăn nhưng tại điểm trường Huổi Moi, các em học sinh luôn được theo dõi và đánh giá bằng các biểu đồ tăng trưởng; bữa ăn hằng ngày luôn được đảm bảo chất lượng, vệ sinh, cơ cấu chất dinh dưỡng hợp lý. Công tác giáo dưỡng hàng ngày đều được xây dựng phù hợp, sát với nhu cầu nhận thức thực tiễn của trẻ ở địa phương.

Chú thích ảnh

Ngoài thời gian đứng lớp, cô giáo Lê Thị Loan chăm sóc cây cảnh trong khuôn viên điểm trường để tạo cảnh quan cho điểm trường thêm xanh-sạch- đẹp. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Năm 2006, cô Loan bị trật đốt sống, phải phẫu thuật. Bởi vậy, cung đường dài gần 60 km từ nhà đến điểm trường mỗi tuần luôn là sự thử thách đối với cô, nhất là khi trời mưa, trên cung đường rất dễ xảy ra sạt lở, trơn trượt. Mặc dù vậy, cô Loan luôn biết tự chăm sóc mình, giải quyết hài hòa việc gia đình để hoàn thành tốt việc chuyên môn. Việc "cõng" lương thực, thực phẩm phục vụ bữa ăn hàng ngày của học trò vẫn được cô duy trì đều đặn.
 
Ông Lò Văn Sam, Trưởng bản Huổi Moi, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên vui mừng: Được cô giáo nuôi dạy từ nhỏ trong sự yêu thương, quan tâm nên trẻ em dân tộc Cống khôn lớn hơn, nhận biết được nhiều điều hay, lẽ phải, biết nói thành thạo tiếng Việt, biết vâng lời ông bà, cha mẹ, không còn rụt rè, sợ người lạ nữa. Người dân trong bản rất vui và an tâm về tương lai của con em mình.
 
Cô giáo Vũ Thị Nhớ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Pa Thơm (xã Pa thơm huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) cho biết: Trường Mầm non Pa Thơm có một khu trung tâm và 5 điểm trường lẻ với tổng số 103 học sinh. Đặc biệt, 100% học sinh đều là người dân tộc Cống, Khơ-mú, Lào.
 
Dù công tác tại những điểm trường nằm ở vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn nhưng không chỉ cô Loan, mỗi cán bộ, giáo viên đều luôn quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
 
“Chúng tôi đã cùng động viên nhau quyết tâm cố gắng, cố gắng thật nhiều để truyền dạy kiến thức, kỹ năng sống, định hình tâm hồn, tính cách cho học sinh. Đã có nhiều thế hệ giáo viên đến vùng khó này thực hiện nhiệm vụ. Là thế hệ đến sau nên chúng tôi sẽ có trách nhiệm tiếp bước, dựng xây để xứng đáng với những hy sinh, cống hiến của các thế hệ đi trước”, cô giáo Vũ Thị Nhớ khẳng định.
 
Ở Huổi Moi và những bản làng xa xôi khu vực biên giới Pa Thơm này còn rất nhiều khó khăn. Trong vô số sự “cần” ở miền đất khó này thì “con chữ” và những ước mơ về tương lai của các em học sinh là điều trăn trở nhất. Những ước mơ này đã và đang được những giáo viên “cắm bản” như cô Loan từng ngày bất chấp khó khăn, vất vả, vượt qua mọi gian nan và nỗi nhớ nhà, nhớ quê xa để quyết tâm, thắp sáng cho các em.