Dùng 'kính nhái' và những nguy biến

Biên tập viên

Tâm lý có chiếc kính râm đeo tạm những khi di chuyển ngoài trời của không ít người dân đang khá phổ biến. Điểm đặc biệt là kính mát chất lượng và “kính nhái” khá giống nhau về hình thức.

Tuy nhiên, chưa nhiều người nhận ra hậu quả nghiêm trọng với mắt khi sử dụng những chiếc kính không nguồn gốc này...

Vẫn sống khỏe nhờ... nắng, bụi

Nhiều năm trở lại đây, trên nhiều tuyến phố của Hà Nội như đường Vành đai 3, đường Nguyễn Trãi, đường Láng, đường Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Giải Phóng... người ta dễ dàng bắt gặp các cửa hiệu, sạp kinh doanh kính thuốc, kính thời trang, thậm chí bày luôn sát miệng cống. Ở đây luôn sẵn các loại kính “hàng hiệu”: Prada, Tom Ford, Ray Ban, Oakley, Dolce & Gabbana cho đến Salvatore Ferragamo, Chanel, Celine, Chopard... giá siêu rẻ.

Sở dĩ, các sạp kính búa xua vẫn tồn tại được là bởi thay vì phải bỏ ra vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng cho một cặp kính chất lượng, rất nhiều người dân có thói quen mua kính gắn mác của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới từ Gucci, Chanel đến Dior, Rayban... từ vài chục ngàn đồng.

dung-kinh-nhai-va-nhung-nguy-bien-1

Sử dụng kính “vỉa hè” làm tăng nguy cơ các bệnh về mắt.

Họ quan niệm sử dụng kính như thế cho tiết kiệm và hỏng thì... vứt mua kính mới, mà không lường hết tác hại của các sản phẩm đang được bày bán tràn lan trên nhiều tuyến phố ở địa bàn Hà Nội.

Một loại hàng cao cấp hơn được dân buôn gọi là hàng giả (fake). Theo chị Minh Hạnh, chủ một cửa hàng kính xách tay phân tích: “Kính fake có nhiều loại, fake loại 1 bao gồm đầy đủ nhãn, hộp, nhìn rất tinh tế có thể giá lên tới hàng triệu. Còn đa số là fake... đủ các loại. Không hẳn là không tốt cho mắt nhưng thường kém chất lượng hơn cam kết”.

Đáng lo ngại là không chỉ có kính thời trang, kính mát, mà nhiều loại kính thuốc hiện cũng đang được bán tràn lan trên thị trường. Các cửa hàng thường giới thiệu rằng mắt kính, gọng nhập khẩu từ các nước như: Italia, Mỹ, Đức, Hàn Quốc... với giá từ 150.000 đồng đến vài triệu đồng, nhưng hầu hết đều không có tem nhập khẩu và phân phối sản phẩm.

Bên cạnh đó, nhiều bậc phụ huynh thường đeo kính râm cho con khi đi ra đường để tránh khói bụi và chói nắng, tuy nhiên đây cũng là hành động vô tình làm tổn thương đến mắt của con mình, bởi mắt trẻ chưa phát triển hoàn thiện, những loại kính như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp và hậu quả nặng nề hơn.

“Đeo” bệnh tật cho mắt

Chị H.H. (Ba Đình, Hà Nội) sau khi đeo kính râm cận được cho là vừa rẻ, vừa mát và thời trang được vài hôm thì cảm thấy mắt đỏ, nhức và khó chịu không thể tiếp tục đeo được nữa. Thấy không ổn chị đi khám và được biết kính chị đeo không phù hợp với độ cận của mắt mình do cửa hàng kính đo và làm cho chị không chính xác.

Một số trường hợp khác sau khi sử dụng kính kém chất lượng thường xuyên trong những ngày nắng gắt, đều thấy mắt có biểu hiện khác thường như nhức mỏi, ngứa và đỏ mắt, đồng thời thị lực cũng có vẻ kém đi.

dung-kinh-nhai-va-nhung-nguy-bien-2

Theo BS. Đỗ Ngọc Quang, BV Mắt TW, đó là do: Tia cực tím hoàn toàn vô hình trong mắt người thường. Những đôi kính râm kém chất lượng thực ra đang hại đôi mắt bởi khi môi trường xung quanh trở nên tối đi (như đi vào phòng tắt đèn, hoặc đeo kính râm), con ngươi trong mắt sẽ mở rộng ra để thu vào nhiều ánh sáng hơn. Các cặp kính râm đó không chặn được tia cực tím, vì vậy mà mắt phải thu vào nhiều tia cực tím hơn. Khi mua kính người tiêu dùng nên đến những nơi tin cậy để đo khám và lắp ráp kính. Đồng thời nên yêu cầu đo mức độ chống tia UV của kính bằng máy truyền quang phổ.

Ngoài ra, GS.TS. Nguyễn Văn Mùi - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 103, cho biết: Khi sử dụng những loại kính thời trang chỉ có cảm giác “râm giả tạo” gây nên tình trạng thoái hóa võng mạc có thể dẫn đến mù lòa. Những loại mắt kính kém chất lượng, có độ cong của mắt kính không đều, nên khi người dùng đeo loại kính này vào sẽ bị méo, ảnh hưởng võng mạc, nếu đeo một thời gian dài mắt sẽ tự điều chỉnh theo độ nghiêng méo của mắt kính, và cứ thế hình ảnh nhận biết sẽ bị biến dạng.

Vì kính liên quan trực tiếp tới đôi mắt, người dân cần cẩn trọng khi lựa chọn mặt hàng này. Đặc biệt cần loại bỏ tâm lý ham rẻ để mua kính “thương hiệu” vỉa hè, kính không rõ nguồn gốc. Những tổn hại cho mắt đắt giá hơn gấp nhiều lần giá trị của một cặp kính chất lượng.

Hải Đăng