Hà Nội: Bên trong biệt thự 600m2 của ''đại gia'' buôn vàng nức tiếng một thời

Thảo Huyền

Sau 3/4 thế kỷ, tư gia của ông chủ chuyên nghề lọc vàng, nhãn hàng Sư tử vang danh một thời ở Hà Nội vẫn khiến khách thập phương trầm trồ vì kiến trúc độc đáo, tinh tế.

Hà Nội không có phố “Hàng Vàng” nên người ta vẫn đùa nhau, con phố "sang" nhất là Hàng Bạc, rồi đến Hàng Đồng, Hàng Thiếc.

Hàng Bạc bây giờ không chỉ nổi tiếng với hàng loạt cửa hàng, cửa hiệu buôn vàng, bạc mà còn là nơi lưu giữ nhiều điểm đặc trưng của phố xá Hà Nội xưa, nhất là những ngôi nhà xây theo lối cũ với mái ngói cổ điển, kiểu nhà "chồng diêm". 

Ở khu phố đắt đỏ bậc nhất phố cổ, quanh năm sầm uất, nhộn nhịp, nơi tấc đất tấc... kim cương, ít ai biết rằng vẫn còn lưu giữ một căn biệt thự hơn 70 năm tuổi - cơ ngơi của gia đình buôn vàng nức tiếng một thời.

Căn biệt thự phủ đầy cây xanh, nằm yên bình, tĩnh lặng, giữ riêng mình nét hoài cổ, khác hẳn với phố phường bên ngoài.

Ông Phạm Ngọc Giao (sinh năm 1941) - con trai trưởng của ông chủ hiệu vàng Sư Tử vang danh Hà Nội những năm 40 - chủ nhân đời thứ ba của căn biệt thự cổ, cho biết, trước kia, gia đình ông từ làng Châu Khê (Bình Giang, Hải Dương) lên Hà Nội an cư lập nghiệp và mang theo nghề lọc vàng lá hiệu Sư tử gia truyền.

Theo lời ông Phạm Ngọc Giao, nhiều đoàn du khách đã tới đây tham quan như đoàn Đại sứ quán Canada, Liên đoàn Di sản quốc gia Pháp… Và biệt thự này được đưa cả vào sách hướng dẫn du lịch phố cổ như cuốn The 36 Guild streets area Hanoi’s Ancient Quarter của Nhật.

Năm 1945, nhờ kinh doanh buôn bán vàng, ông Phạm Văn Thanh (bố ông Giao) và cụ bà Phạm Thị Tề (mẹ ông Giao) tích góp được số tiền lớn để mua mảnh đất rộng 560m2 xuyên hai mặt phố Đinh Liệt - Hàng Bạc (Hà Nội) và bắt đầu xây dựng ngôi nhà vườn này.

Là những thợ kim hoàn nức tiếng ở Hà Nội đầu thế kỷ XX sở hữu cửa hàng danh tiếng, ông bà Thanh không ngại chi tiền để xây dựng căn biệt thự.

Dưới bàn tay tài hoa của kiến trúc sư Phạm Hoàng, ngôi nhà 2 tầng mang phong cách kiến trúc Pháp pha trộn với kiến trúc đình làng Việt cổ ra đời. Ngôi nhà rộng 336m2, còn mảnh vườn rộng 180m2. Phần còn lại là lối ngõ, đường đi.

Bố mẹ ông Giao sinh được 8 người con. Ông Giao là con trai trưởng nhưng là con thứ tư trong gia đình. Sau năm 1954, gia đình ông Giao không còn theo nghề lọc vàng, 8 thành viên trong gia đình đều chuyển sang làm các công việc khác. Bản thân ông Giao theo nghề đông y.

Chị gái ông là bà Nguyệt Nga làm họa sĩ, bà Kim Loan làm sợi thủ công, bà Lan Hương theo nghề thêu...

Sau nhiều năm thăng trầm, hiện nay ngoài người em trai út sống ở thành phố Hồ Chí Minh, 7 cặp dâu rể vẫn đang sinh sống ở đây.

Nét đặc sắc nhất thể hiện phong cách Việt trong ngôi nhà là mái ngói uốn cong vút. Ở mỗi góc đầu đao là hình mây được cách điệu uyển chuyển như đang bay lượn.

Cầu thang lên các phòng của ngôi nhà được chế tác bằng bàn tay tài hoa của các nghệ nhân chuyên xây dựng các biệt thự cổ.

Ở bất cứ đâu trong ngôi nhà, người ta cũng bắt gặp sự kết hợp tinh tế các chi tiết kiến trúc Đông-Tây. Phía sau những cột gỗ lim nâu ấm áp chia cách từng không gian là những căn phòng nhỏ của từng thành viên.

Điều ngạc nhiên là ở bất kỳ đâu dù là trên cánh cửa phòng, cửa sổ hay trên tường ngôi nhà luôn xuất hiện đan xen hình ảnh con dơi và chữ thọ.

Thọ biểu tượng cho sức khỏe. Dơi có cách đọc đồng âm với chữ phúc. Sự kết hợp hai chi tiết như lời cầu mong hạnh phúc và trường thọ của chủ nhân ngôi nhà cho con cháu.

Trong ảnh trên là phòng đọc sách. Trong không gian phòng đọc sách này, ông Giao giới thiệu về bộ bàn ghế cổ có họa tiết phong cách Louis XIV. Bộ bàn ghế có từ những năm 1935. Giá trị bộ bàn ghế tương đương với 10 cây vàng thời đó. 

Trong gian phòng thờ trang trọng, gia đình ông đặt đôi câu đối quý. Ông Giao cho biết, nếu tính thời gian thì câu đối này không có niên đại. Ông chỉ nghe kể lại, ông nội ông mang đôi câu đối ra Hà Nội từ những năm 1890.

Nội dung câu đối viết: Vũ quá cầm thư nhuận/ Phong lai lúp mặc hương. Tức: Bão táp qua đi thì tiếng đàn sẽ dịu êm, gió lành đến cuộc đời sẽ lên hương. 

Bức tường hình chữ "Phúc" nằm trên tầng 3, khu điện thờ của gia đình.

Dưới đôi bàn tay tài hoa của người thợ Bát Tràng, những vật liệu châu Âu kết hợp với thiết kế mộc toát lên sự hài hòa, thanh thoát cho toàn bộ căn nhà. Chất liệu nặng nề là sắt bỗng chốc trở nên thanh thoát dáng hoa mềm mại bên những khung cửa sổ mà gia chủ đã cố công giữ gìn.

Ngày trước, toàn bộ lớp mái sử dụng ngói Marseille của Pháp. Sau do không có điều kiện mua, chủ nhân ngôi nhà đã sử dụng ngói Hưng Ký đầu thế kỷ XX, đặc biệt không bám rêu và lên màu theo thời gian. Bởi vậy, dù trải qua ngót ngét gần 100 năm mà sắc đỏ vẫn nồng ấm như ngày nào!

Từ khi xây dựng căn nhà, gia đình ông đã rất coi trọng phong thủy. Vì vậy bên cạnh điện thờ, gia đình ông còn thiết kế khoang âm dương có 9 giếng trời. Ông Giao cho biết, 9 giếng này thể hiện âm dương hòa hợp. Giếng trời tạo không gian để khi đứng đó, gia chủ sẽ thấy tâm hồn thanh thản, rửa hết ưu phiền...

Trên không gian tầng hai, ẩn giấu trong lớp mụi mờ mờ, những ô cửa quét sơn xanh được làm cùng thời với cung đình Huế vẫn bền bỉ theo thời gian. Bên ngoài ban công là giàn hoa sân thượng theo đúng phong cách kiến trúc Pháp tạo nên nét lạ lẫm cho một ngôi nhà vốn dĩ đã rất đặc biệt.

Tính đến nay, ngôi nhà gần 600m2 này đã chứng kiến biết bao thăng trầm, biến đổi. 5 thế hệ con cháu của gia đình ông Giao đã và đang quây quần sinh sống trong ngôi nhà này.

Ông Giao cũng cho biết, hằng năm, có nhiều đoàn khách trong nước và nước ngoài đến tham quan và ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của ngôi nhà này.