Kẻ Bưởi là vùng đất cổ, xưa có truyền thống nghề làm giấy sắc và vải lĩnh. Tên gọi Kẻ Bưởi đã gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của kinh thành Thăng Long xưa, trở thành một phần đặc trưng của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Ảnh: Sưu tầm.
Trong ảnh là Kẻ Bưởi ngày nay tại vị trí cuối phố Thụy Khuê, vẫn là nơi có cây bồ đề nhưng nay cao lớn, tán lá xòe rộng che mát cả vùng. Có giả thiết cho rằng sở dĩ gọi là vùng bưởi vì ở đây bán rất nhiều bưởi và bòng. Tuy nhiên tên gọi này dù là xuất xứ như thế nào thì nó vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay. Ảnh: Hữu Nghị.
Cổng làng Đông Xã thuộc vùng đất Kẻ Bưởi xưa có kiểu thiết kế vuông vức, ban đầu còn thấy rõ 5 bậc lên xuống. Cổng có 2 cánh gỗ đóng mở vào buổi tối và sáng sớm. Bức ảnh này được chụp cách nay khoảng 100 năm. Ảnh: Sưu tầm.
Cổng làng Đồng Xã ngày nay ở ngõ 444 Thụy Khuê, các 5 bậc lên xuống đã bị phá bỏ do nền đường đã được tôn lên khá cao. Ảnh: Hữu Nghị.
Tháp Hòa Phong nằm ở bờ Đông Nam hồ Hoàn Kiếm, là một hạng mục thuộc chùa Báo Ân được xây dựng năm 1842, và được coi là lớn bậc nhất Thăng Long xưa. Năm 1888, chùa Báo Ân bị đã phá hủy để lấy đất xây bưu điện Hà Nội, chỉ còn Tháp Hòa Phong phía sau chùa. Ảnh: Sưu tầm.
Tháp Hòa Phong vẫn còn khá nguyên vẹn cho đến ngày hôm nay. Tháp cao 3 tầng, tầng 1 có 4 cửa nên còn gọi là "tứ môn tháp", một kiến trúc thường thấy trong các công trình Phật giáo. Ảnh: Hữu Nghị.
Chùa Trấn Quốc nằm trên một hòn đảo phía Đông Hồ Tây, có lịch sử gần 1.500 năm, được coi là lâu đời nhất ở Thăng Long - Hà Nội. Kiến trúc chùa có sự kết hợp hài hòa giữa tính uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh nhã giữa nền tĩnh lặng của hồ nước rộng lớn. Bức ảnh được chụp cách nay khoảng một thế kỷ. Ảnh: Sưu tầm.
Chùa Trấn Quốc ngày nay có thể nhìn thấy rõ vị trí các tháp trong vườn tháp vẫn không thay đổi, trong đó có Bảo tháp lục độ đài sen được xây dựng năm 1998, gồm 11 tầng, cao 15 m. Năm 2016, báo Daily Mail (Anh) xếp chùa vào trong số 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới. Ảnh: Hữu Nghị.
Đền Quán Thánh, tên chữ là Trấn Vũ Quán, có từ đời Lý Thái Tổ (1010 - 1028), thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, là một trong bốn vị thần được lập đền thờ để trấn giữ bốn cửa ngõ thành Thăng Long khi xưa (Thăng Long Tứ Trấn). Ảnh chụp đền Quán Thánh xưa. Ảnh: Sưu tầm.
Các bộ phận kiến trúc bao gồm tam quan, sân, ba lớp nhà tiền tế, trung tế, hậu cung đã được trùng tu vào thời vua Minh Mạng. Các mảng chạm khắc trên gỗ có giá trị nghệ thuật cao. Bố cục không gian thoáng và hài hòa. Hồ Tây phía trước mặt tiền tạo nên bầu không khí mát mẻ quanh năm. Ảnh: Hữu Nghị.
Một góc nhìn khác đền Quán Thánh xưa cho thấy tứ trụ phía trước đền đã sát mép nước Hồ Tây. Ảnh: Sưu tầm.
Góc nhìn tương tự đền Quán Thánh ngày nay nhưng Hồ Tây đã lùi xa hơn bởi con đường Thanh Niên được xây dựng sau đó. Ảnh: Hữu Nghị.
Đền Thủy Trung Tiên xưa là miếu Cẩu Nhi, miếu nằm trên gò nhỏ phía Đông Hồ Tây thuộc địa phận làng Trúc Yên, nay là gò nhỏ ở hồ Trúc Bạch gần đường Thanh Niên, thờ Thần Chó. Ảnh: Sưu tầm.
Ngày nay đền được phục dựng lại theo nguyên mẫu đền Thủy Trung Tiên (thờ Mẫu Thoải) và được xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố. Sau khi được đầu tư phục dựng, đền Thủy Trung Tiên ngày nay đã trở thành một trong những điểm đến về văn hóa tín ngưỡng không thể bỏ qua với nhiều người, nhất là vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Ảnh: Hữu Nghị.
Cầu Long Biên xưa do Pháp xây dựng (1898-1902), đặt tên là cầu Doumer, theo tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Hiện trên đầu cầu vẫn còn tấm biển kim loại có khắc chữ ghi thời gian thi công và nhà thầu xây dựng: "1899 -1902 - Daydé & Pillé - Paris". Đây là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng. Đặc biệt luồng giao thông của cầu theo hướng đi xuôi ở phía trái cầu chứ không phải ở bên phải như các cầu thông thường khác. Ảnh: Sưu tầm.
Trong chiến tranh cầu Long Biên bị hỏng 7 nhịp và 4 trụ lớn, 1.500 m cầu và hai trụ lớn bị cắt đứt. Sau đó các nhịp của cầu bị bom đánh sập đã được thay bằng các dầm bán vĩnh cửu, có khẩu độ ngắn đặt trên các trụ mới. Ảnh: Hữu Nghị.
Ô Quan Chưởng có tên chữ là Đông Hà Môn, xưa còn gọi là ô Đông Hà, ô Thanh Hà, ô Cửa Đông là một cửa ô của Hà Nội xưa. Ô Quan Chưởng được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), nằm ở phía Đông của tòa thành đất bao quanh kinh thành Thăng Long. Đến năm Gia Long thứ ba (1817) xây dựng lại và giữ nguyên kiểu cách đến ngày nay. Ảnh: Sưu tầm.
Đây là một trong 21 cửa ô còn sót lại của thành Thăng Long cũ. Hiện cửa ô còn nguyên lối tam quan với cửa chính và hai cửa phụ hai bên, trên nóc cửa chính có vọng lâu, tường phía trái cửa chính có gắn một tấm bia đá do Tổng đốc Hoàng Diệu cho đặt năm 1881 ghi lệnh cấm người canh gác không được sách nhiễu nhân dân mỗi khi qua lại cửa ô. Bên trên cửa lớn có ba chữ Đông Hà Môn. Ảnh: Hữu Nghị.
Phố Trần Nhật Duật thời điểm Hà Nội diễn ra 60 ngày đêm khói lửa (19/12/1946-17/2/1947). Ảnh: Sưu tầm.
Vẫn góc phố Trần Nhật Duật thời điểm hiện tại. Ảnh: Hữu Nghị.
Phố Kim Mã trong ngày giới nghiêm 9/10/1954 chờ bộ đội vào tiếp quản Thủ đô. Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam.
Phố Kim Mã ngày nay. Ảnh: Hữu Nghị
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục xưa, Thời Pháp thuộc có tên là Place Négrier ("Quảng trường tướng Négrier"). Ảnh: Sưu tầm.
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục nay là điểm giao giữa các phố Lê Thái Tổ, Hàng Đào, Hàng Gai, Đinh Tiên Hoàng, Cầu Gỗ, Đinh Liệt. Trong ảnh là góc nhìn tương tự với ảnh phía trên. Ảnh: Hữu Nghị.