Hà Nội thay đổi chiến lược xét nghiệm Covid-19 đảm bảo kiểm soát 100% các đối tượng có triệu chứng

Thảo Huyền

Đặc biệt, rà soát lấy mẫu 100% các đối tượng có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 như ho, sốt, rát họng, mệt mỏi, mất hoặc giảm khứu giác, vị giác… Thực hiện rà soát đúng khu vực, đúng tần suất theo chỉ đạo của Bộ Y tế và các chỉ đạo của thành phố.

Ông Trương Quang Việt, Phó giám đốc CDC Hà Nội cho biết: Thời gian tới, việc xét nghiệm tại Hà Nội không tổ chức trên diện rộng như trước, mà được thực hiện dựa trên tình hình dịch tễ, đối tượng, khu vực nguy cơ và quy mô. Cụ thể, việc thực hiện xét nghiệm sắp tới sẽ được thực hiện tại các khu phong toả, khu vực đang thực hiện giãn cách, các khu vực nguy cơ cao, rất cao, các đối tượng nguy cơ…

ha-noi-thay-doi-chien-luoc-xet-nghiem-covid-3-1631961313.jpg

Lý giải về sự thay đổi này, ông Việt cho biết phụ thuộc vào tình hình thực tế. "Khi tình hình dịch tại Hà Nội không ước đoán được thì phải xét nghiệm rộng, để tránh bỏ sót các ca dương tính ngoài cộng đồng thành các ổ dịch lây lan nguy hiểm. Có nhiều ca mắc không triệu chứng, hoặc người mắc Covid-19 đã di chuyển sang khu vực khác. Trong lần xét nghiệm diện rộng vừa rồi vẫn phát hiện các ca dương tính ngay rìa ngoài các khu phong toả", ông Việt thông tin.

Về việc 19 quận, huyện “vùng xanh” có phải xét nghiệm nữa không, ông Việt cho biết vì đây là khu vực xanh nên sẽ không phải xét nghiệm nữa. Tuy nhiên, vẫn sẽ phụ thuộc vào tình hình dịch, ví dụ nếu đe doạ mức độ nguy cơ tăng lên sẽ có các giải pháp tổng thể, trong đó có xét nghiệm.

Theo đó, Hà Nội vẫn đánh giá tình hình dịch hàng ngày, vẫn có nguy cơ dịch xâm nhập ví dụ nhóm các lái xe đường dài từ phía Nam về, dù kiểm soát rất nghiêm ngặt nhưng vẫn có lái xe dương tính (xét nghiệm nhanh 3 - 7 ngày âm tính, nhưng ngoài thời điểm đó có thể dương tính). Còn nguy cơ về dịch trong cộng đồng, đã cố gắng làm xét nghiệm nhiều nhưng ca cộng đồng vẫn còn lốm đốm trong khu vực nguy cơ cao (vùng đỏ).

Về vấn đề Hà Nội thay đổi "chiến lược" xét nghiệm trong thời gian tới, đại diện lãnh đạo CDC Hà Nội cho rằng: "Không có chiến lược xét nghiệm kéo dài chỉ thực hiện theo một hướng nhất định nào đó mà phải đi theo tình hình dịch tễ. Sắp tới sẽ tập trung xét nghiệm tại các khu vực nguy cơ cao, rất cao, đối tượng nguy cơ...".

Trước đó, TP Hà Nội đã hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng đợt 1 tại các khu vực có yếu tố nguy cơ ở 30 quận, huyện, thị xã.

Cụ thể, 13 nhóm người nguy cơ cao được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 là: Người giao hàng (shipper); người bán hàng tại các chợ truyền thống, chợ cóc; nhân viên bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại; người bán hàng tạp hóa tại nhà; nhân viên bán xăng; lái xe khu công nghiệp, đường dài;

Những người là bảo vệ tại chung cư, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, đoàn thể; công nhân xây dựng đang mắc kẹt tại Hà Nội; nhân viên bán thuốc tại các quầy thuốc; người làm tại các kho hàng bán lẻ; người trực chốt kiểm dịch; lực lượng hỗ trợ chống dịch; nhân viên công ty môi trường đô thị trực tiếp thu gom rác (lái xe, lao công).

Cụ thể, tính từ ngày 8/9 đến đến sáng 16/9, Hà Nội đã lấy được tổng 4.255.316 mẫu xét nghiệm Covid-19 (2.965.789 mẫu PCR, 1.289.527 test nhanh), phát hiện 21 ca dương tính.

Sở Y tế Hà Nội ban hành công văn về việc xét nghiệm và một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội.

Theo đó, để tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố, Sở Y tế Hà Nội đề nghị: Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã căn cứ trên chức năng, nhiệm vụ được giao, căn cứ trên các chỉ đạo của thành phố, Sở Y tế và dựa trên tình hình dịch bệnh diễn biến tại địa phương, đơn vị nghiên cứu thực hiện các nội dung tại Công điện số 1409/CĐ-BYT ngày 15/9/2021 của Bộ Y tế, đồng thời tham mưu cho UBND quận, huyện, thị xã các biện pháp phòng chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ.

Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác lấy mẫu xét nghiệm đúng đối tượng, đặc biệt rà soát lấy mẫu 100% các đối tượng có các triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 như ho, sốt, rát họng, mệt mỏi, mất hoặc giảm khứu giác, vị giác...
Về vấn đề này

Thảo Tiên