Họa sĩ thổi hồn dân tộc vào tre Việt

Thảo Huyền

Từ khi về hưu, người họa sĩ già không chỉ làm bạn với cây bút vẽ, mà còn có thêm những người bạn mới là chiếc cưa tay, máy khoan, máy cắt... Những ống tre tưởng chừng đã trở nên vô dụng, qua bàn tay tài hoa của người họa sĩ, liền trở thành món đồ chơi mang hồn dân tộc.

Sở thích kỳ lạ

Trong xưởng sản xuất nhỏ của mình, họa sĩ Nguyễn Văn Thạch (61 tuổi, Quốc Oai, Hà Nội) vẫn từng ngày miệt mài đo đạc, đục đẽo những gốc tre mà ông gọi là “đầu thừa đuôi thẹo”. Chúng tôi bước vào xưởng, bắt gặp ông Thạch đang tỉ mỉ lựa chọn từng ống tre, gốc tre có hình dạng tương đồng, cẩn thận phác thảo ý tưởng ra giấy, sau đó, cắt tỉa và lắp ghép khoảng 5 - 10 phút, hình dạng một chú khỉ đã dần hiện lên trên ống tre khô cứng.

Họa sĩ thổi hồn dân tộc vào tre Việt

Đó là niềm vui mới của người họa sĩ đã về hưu sau mấy chục năm gắn bó với công việc họa sĩ thiết kế tại đài Truyền hình Việt Nam (VTV).

“Khi còn công tác tại VTV, tôi đã có ý tưởng làm những món đồ chơi bằng tre. Những lần đi du lịch ở các chùa chiền, tôi thấy người ta bán nhiều đồ chơi bằng nhựa, súng, kiếm,... phản cảm quá, lại độc hại cho trẻ con, ảnh hưởng đến môi trường. Tôi tự vấn, nước ta nhiều tre như thế mà sao lại hiếm đồ chơi bằng tre ở các khu du lịch đến vậy?” - họa sĩ Thạch mời chúng tôi ngồi xuống chiếc bàn gỗ và nhấp ngụm trà trong phút giải lao.

Họa sĩ thổi hồn dân tộc vào tre Việt

Bắt đầu từ lúc nghỉ hưu, suốt 3 năm nay, ông đã tạo ra hàng trăm món đồ chơi bằng tre. Từ những con vật xung quanh mình như chú chó, mèo, gà, khỉ con,…đến những chiếc ô tô, máy cày,... với chi tiết khó hơn rất nhiều, cũng được ông biến hóa một cách khéo léo. Đến nay, ông đã sáng tạo ra khoảng 50 mẫu đồ chơi khác nhau. Chất liệu và màu sắc của tre làm cho những món đồ ấy trở nên gần gũi, mang cái hồn của làng quê Việt Nam nhưng cũng không kém phần ngộ nghĩnh, phù hợp với trẻ thơ.

“Để làm ra những thứ này từ tre thì khá đơn giản. Dễ ở chỗ, nguyên liệu rất dễ tìm, tôi mua những đoạn tre đầu thừa đuôi thẹo ở làng, có khi người ta còn cho không. Để cho ra đời những đứa con tinh thần, đầu tiên, tôi phải lên ý tưởng, phác thảo lên giấy, rồi cắt tre thành phần chính, phần phụ và các chi tiết. Sau đó, tôi bắt đầu gọt giũa cho nhẵn nhụi và cho vào đun với oxy già trong vòng một tiếng để chống mối mọt. Đun xong, tôi tiếp tục cắt tỉa, lắp ghép các chi tiết thành thân hình các loài vật, phun một lớp sơn phủ chống ẩm rồi mang phơi khô”, ông Thạch tỉ mỉ chia sẻ từng công đoạn.

Họa sĩ thổi hồn dân tộc vào tre Việt

Trí tưởng tượng phong phú của một người họa sĩ đã giúp ông hiện thực hóa những ý tưởng nghệ thuật vào những món đồ chơi một cách dễ dàng. “Khi học vẽ, phải học từ những hình cơ bản như hình tròn, hình vuông, khi đó, lắp ráp vào nhau muốn đẹp thì cấu trúc phải có tỉ lệ phù hợp với nhau. Tre là một dạng hình như thế nên tôi dễ dàng xử lý. Với người họa sĩ thì không mấy khi bị bí ý tưởng, nhưng tôi lại luôn “thích bí” để khám phá và tự thử thách mình. Vẽ tranh cũng như làm đồ chơi bằng tre, cảm giác thích thú nhất là mình làm sai, sau đó mình tìm cách sửa lại. Khoái nhất là sửa những sản phẩm hỏng, chứ không phải cứ làm là sẽ được ngay” - ông Thạch đắm đuối nhìn những con vật trên tay mình.

Họa sĩ thổi hồn dân tộc vào tre Việt

Ngừng một lát, người họa sĩ già tiếp tục chia sẻ, trước kia, ông dùng keo 502 để gắn các chi tiết với nhau. Sau khi tặng đồ chơi cho các trường mẫu giáo thì được góp ý rằng, gắn bằng keo dễ bị rơi gãy và trẻ con không lắp ghép được. Chính điều đó đã mách bảo ông lắp ghép toàn bộ bằng các mộng, chốt hình đũa. Như vậy trẻ em dễ dàng tháo ra, lắp vào, kích thích khả năng sáng tạo của trẻ.

Mong muốn “níu kéo” một phần văn hóa dân gian

Đôi mắt như mơ màng về tuổi thơ của mình, họa sĩ Thạch cho biết, từ nhỏ đã gắn bó và có tình cảm với lũy tre xanh, đồ đạc trong nhà phần lớn cũng được làm từ tre. Cuộc sống ngày càng hiện đại, cây tre dần vắng bóng trong mỗi gia đình khiến ông không khỏi xót xa. “Trẻ con bây giờ rất thích đồ chơi điện tử, đồ chơi bằng nhựa. Đó là điều đương nhiên, nên mình làm việc này để “níu kéo” lại một phần văn hóa dân gian, song hành cùng với trò chơi hiện đại, chứ không thể chiếm lĩnh lại toàn phần. Hiện nay, khá ít người làm những sản phẩm bằng tre, vì vậy, tôi tự đặt nhiệm vụ đó cho mình” - gương mặt ông thoáng nét trầm tư.

Họa sĩ thổi hồn dân tộc vào tre Việt

Điều đầu tiên mà vị họa sĩ già hướng đến là truyền cảm hứng cho các ông bố, bà mẹ tự làm hoặc mua những con vật bằng tre cho các con chơi. Sau đó, ông muốn những khu du lịch xuất hiện nhiều hơn hình bóng của cây tre Việt Nam thay vì đồ chơi bằng nhựa như hiện nay. Những con thú bằng tre đầu tiên ra đời, ông đem tặng cho một số sạp hàng bày bán đồ lưu niệm để trưng bày, làm mẫu để cửa hàng tiếp tục nhân rộng ra. Hay có thú đi du lịch, đến nhà ai ông cũng đem tặng một sản phẩm bằng tre. “Họ rất thích thú và sẵn sàng tặng lại vật liệu tre để tôi mang về nhà, tiếp tục sáng tạo các sản phẩm bằng tre khác” - ông hồ hởi.

Họa sĩ thổi hồn dân tộc vào tre Việt

Người họa sĩ trở lại làm việc, tiếp tục mân mê những đứa con tinh thần trên tay và cho biết: “Qua mạng xã hội, nhiều người biết tôi làm đồ chơi bằng tre, cũng rất yêu thích và đặt tôi làm. Khách hàng của tôi phần lớn là người ở tận trong TP.Hồ Chí Minh, họ đặt mua từ 5 con trở lên, tôi sẽ miễn phí vận chuyển. Họ mua cho con cháu chơi và phản hồi rất tích cực. Quan trọng nhất là sự an toàn cho trẻ, chúng có lỡ ngậm vào miệng cũng không ảnh hưởng tới sức khỏe vì vốn dĩ tre đã sạch rồi, tôi lại xử lý kỹ bằng oxy già nên rất yên tâm”.

Người truyền cảm hứng

Một điều mà họa sĩ Thạch rất tâm đắc, là khi bắt gặp sản phẩm của ông qua mạng, nhiều người đã lặn lội các tỉnh thành khác, tìm về xưởng của ông để học nghề. Như một cái duyên, người họa sĩ tài hoa bỗng nhiên trở thành người truyền cảm hứng cho nhiều học trò. Mỗi kỳ nghỉ hè, xưởng sản xuất nhỏ lại trở thành điểm hẹn rời xa mạng xã hội của những đứa trẻ quanh làng. Đôi khi, những thắc mắc rất ngây thơ của chúng lại giúp ông nảy sinh thêm ý tưởng mới mẻ để tạo ra những chi tiết phù hợp với trẻ thơ.

Họa sĩ thổi hồn dân tộc vào tre Việt

Cậu bé Nguyễn Tuấn Anh (14 tuổi, Quốc Oai, Hà Nội) qua kỳ nghỉ hè đã quen với những ống tre, quen với chiếc cưa tay trong xưởng của người họa sĩ. “Trong kỳ nghỉ hè, em cùng với chị gái thường xuyên đến đây chơi, giúp ông Thạch khoan và mài tre. Khi chính mình tạo ra được một sản phẩm, em cảm thấy rất vui và háo hức muốn làm thêm những sản phẩm khác. Những món đồ chơi này rất thân thiện với môi trường mà lại bền nữa” - Tuấn Anh hào hứng chia sẻ.

Với mong muốn lan tỏa ý tưởng sáng tạo và truyền cảm hứng đến nhiều người hơn nữa, họa sĩ Nguyễn Văn Thạch còn chia sẻ video cách làm đồ chơi bằng tre trên mạng xã hội. Chỉ với một chiếc cưa, một chiếc máy mài cầm tay nhỏ, nhiều ông bố, bà mẹ tự tay làm đồ chơi cho con trẻ, hay thậm chí, những bạn nhỏ có thể học theo dưới sự giúp đỡ của bố mẹ.

Họa sĩ thổi hồn dân tộc vào tre Việt

Đó là điều mà suốt 3 năm qua, người họa sĩ già vẫn đau đáu, mong muốn làm “cầu nối” giúp bố mẹ gắn kết với con trẻ bằng những đồ chơi gần gũi với cuộc sống, thân thiện với môi trường, chứ không phải là chiếc smartphone hay trò chơi điện tử.