Hòn Đất - Kiên Giang: Cần làm rõ vụ việc lấy tài sản để trừ nợ của dân

Huy Hoàng

Vừa qua, Tòa soạn  Đời Sống và Pháp Luật nhận được đơn kêu cứu của gia đình ông Nguyễn Văn Na (sinh năm 1954, ngụ tại tổ 17, ấp Tân thạnh, Châu Thành, tỉnh An Giang) về việc gia đình bị chủ cho thuê đất tổ chức nhiều người đến chiếm giữ toàn bộ tài sản, phương tiện sản xuất. Việc này dẫn đến ảnh hưởng canh tác cho hơn 160.000m2 lúa 2 tháng tuổi, ước thiệt hại trên một tỷ đồng.

 Lấy tài sản để trừ nợ

Trao đổi với phóng viên, ông Na cho biết: Ngày 07/07/2012 vợ chồng tôi có ký một hợp đồng thuê 600.000m2 đất của bà Nguyễn Thị Nhị, sinh năm 1955, có địa chỉ tại 581, Trần khánh Dư, KP 7, phường An Hòa, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang để sản xuất nông nghiệp. Theo hợp đồng, hai bên thỏa thuận, hàng năm ông Nguyễn Văn Na phải trả số tiền là 600.000.000đ (sáu trăm triệu đồng), thời gian hợp đồng có hiệu lực từ ngày 07/07/2012 đến ngày 07/07/2015 (03 năm).

Cũng theo ông Na, vào khoảng tháng 03/2015 vợ chồng ông đã trả trước cho bà Nhị số tiền là 170.000.000đ (Một trăm bảy mươi triệu đồng), số còn lại 430 triệu thì định đến thu hoạch vụ đông xuân sẽ thanh toán dứt điểm. Thế nhưng không hiểu sao vào tháng 01/2015, bà Nhị đã ngang nhiên buộc vợ chồng ông Na phải thanh toán cho bà số tiền còn lại là 430.000.000đ (Bốn trăm ba mươi triệu đồng) bằng cách vận động chính quyền ấp, xã để giữ 77.044kg lúa ST5 mà ông Na đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư sản xuất lúa (Chi phí Phân bón, thuốc trừ sâu và tiền công sản xuất...) với bên thứ ba là ông Lương Hồng Phát, gây thiệt hại cho ông số tiền 400.628.800 ngàn đồng.

Không những cưỡng đoạt số lúa nói trên, theo ông Na, chỉ vài ngày sau, được sự tiếp tay của một số người công tác ở ấp Thuận Hòa gồm các cá nhân như Trần Nam Dũng, Trần Hoàng Anh, Trần Minh Hiếu, Châu văn Út và đội ngũ làm thuê đã thu giữ của bà Na 70 bao lúa giống, 1 chiếc trẹt gỗ, 2 máy dầu D15, 1 máy dầu D6, 1 máy dầu hiệu YAMAR gắn với máy nén hiệu HA 30, 2 giàn sắt si… Trị giá số tài sản bị thu giữ này tại thời điểm đó có tổng số tiền là 665.689.800đ cùng thiệt hại đi cùng cho diện tích lúa 160 công, với ước tính trên 300 triệu đồng.

Liên hệ với bà Nguyễn Thị Nhị, qua trao đổi, bà Nhị cho biết: Gia đình ông Na có thuê của bà 600.000m2 đất bà để sản xuất lúa và trong quá trình canh tác bà có cho vợ chồng ông Na vay thêm 03 cây vàng để cải tạo đất nhưng gia đình ông Na không trả tiền cho bà. Gia đình ông Na đã sản quá thời hạn hợp đồng một năm mà không thanh toán tiền thuê đất và khoản nợ vàng cho bà như ông Na đã hứa và có thông tin cho rằng gia đình ông Na đã bỏ trốn khỏi địa phương.

Đồng thời bà Nhị cũng thừa nhận việc bà có chở đi những tài sản của gia đình ông Na, tại thời điểm đó bà có báo cho trưởng ấp, công an ấp Thuận Tiến biết và chở số tài sản đó đến nhà ông Tư Vạng gửi.

Anh Nguyễn Văn Nguyên ngụ ấp Thuận Tiến, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang là người dân địa phương chứng kiến sự việc hôm đó cho biết: Hôm đó tôi đang đi hứng lúa thì có nghe chuyện thiếu nợ và lấy tài sản giữa ông Na và bà Nhị. Lúc đó ông Dũng phó ấp cũng có mặt và chứng kiến.

Về số tài sản được bà Nhị cho rằng lấy và gửi tại nhà, ông Huỳnh Văn Vạng (tư Vạng), ngụ ấp Thuận Hòa, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang cho biết: Bà Nhị bỏ đại lại chứ gửi gì đâu. Hôm đó, ghe chở đồ đậu dưới sông bị xà lan đánh chìm nên người ta đã vớt lên rồi bỏ ở đó. Một thời gian sau bà Nhị chở đi đâu thì tôi không biết nữa.

Vi phạm pháp luật nhưng không cấu thành tội phạm

Tại biên bản sự việc lúc 9h ngày 08/04/2015 do công an xã Bình Sơn lập có nội dung: Chúng tôi đến hiện trường phát hiện ruộng lúa của ông Nguyễn Văn Na đã bị thiệt hại 70% ở giai đoạn 25 ngày vì bà Nguyễn Thị Nhị lấy hết thiết bị máy bơm, phân, thuốc nên ông Na không có điều kiện chăm sóc lúa nên lúa của ông Na bị thiệt hại.

Biên bản sự việc do công an xã Bình Sơn lập

Cũng tại Quyết định số 248/QĐ-VKS của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang cho rằng: Đối với hành vi chiếm giữ tài sản của bà Nguyễn Thị Nhị là có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, căn cứ vào diễn biến của sự việc cho thấy, bà Nhị không có ý thức chiếm đoạt số tài sản trên. Việc chiếm giữ tài sản của bà Nhị chỉ mục đích đòi nợ ông Na. Do vậy, hành vi của bà Nhị không cấu thành tội phạm theo quy định tại Bộ Luật hình sự. Vụ việc chỉ mang tính chất dân sự, ông Na có thể khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án nhân dân để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông.

Quyết định của VKS nhân dân Tỉnh Kiên Giang

Theo luật sư  Lâm văn Tuyển, Giám đốc công ty Lâm Gia Luật có địa chỉ tại tỉnh Bình Dương thì hành vi nêu trên đã vi phạm vào Điều 141 và Điều 176 Bộ luật hình sự 2015 quy định: “Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng… theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.  Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Tại điểm a, c, e Khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013 NĐ-CP với hành vi chếm giữ tài sản của người khác chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

  1. a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;
  2. c) Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;
  3. e) Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.”

Căn cứ các quy định của pháp luật nêu trên, quyết định của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang là có dấu hiệu bao che, bỏ lọt tội phạm. Bởi theo Luật sư Đỗ Trọng Linh đoàn luật sư Hà Nội thì: Với hành vi trên, pháp luật đều không đòi hỏi tài sản bị chiếm đoạt phải có giá trị từ bao nhiêu trở lên thì mới phạm tội. Theo quy định của Luật Dân sự 2015 thì: Nếu con nợ vi phạm nghĩa vụ thanh toán, hai bên có thể thỏa thuận về hướng giải quyết như gia hạn, miễn, giảm lãi... Trường hợp không thương lượng được, chủ nợ có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền.

Tìm hiểu thêm được biết, việc bà Nhị nói thời điểm bà qua lấy tài sản của ông Na vì cho rằng gia đình ông Na đã bỏ trốn và không có người trông coi tài sản là không đúng với những gì thể hiện trong quyết định của Viện kiểm sát tỉnh Kiên Giang. Vì thời điểm ông Na và vợ đi vắng nhưng Nguyễn Hữu Phước SN 1988 là con trai ông bà vẫn đang ở nhà.

Ông Na hiện đang làm công việc phụ hồ ở huyện Đảo Phú Quốc-Kiên Giang

Chúng tôi tiếp tục thông tin.

Thanh Tú