Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Khí hậu (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia) cho biết, do chịu ảnh hưởng của một đợt gió mùa đông bắc mạnh, bắt đầu từ ngày 15/12 tới hôm nay (17/12) ở Bắc Bộ cũng như các tỉnh miền Trung nhiệt độ đã giảm mạnh, trong đó ở khu vực các tỉnh Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An đã xảy ra tình trạng rét đậm, rét hại trên diện rộng.
Miền Bắc chìm trong rét đậm, rét hại, vùng núi cao khả năng có băng giá. Ảnh minh họa.
Trong các ngày rét đậm, rét hại vừa qua, nền nhiệt thấp nhất ở khu vực đồng bằng trong đó có Thủ đô Hà Nội chỉ khoảng từ 11-13 độ C. Trong sáng nay (17/12), nhiệt độ ở Hà Nội thấp dưới 12 độ C, tại Ba Vì nhiệt độ là 10,4 độ C; trong khi đó ở các tỉnh vùng núi phía Bắc nhiệt độ nhiều nơi thấp dưới 10 độ C, đặc biệt tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn), nhiệt độ thấp nhất trong sáng nay là 0,8 độ C.
Theo dự báo, ngày mai (18/12) một đợt không khí lạnh sẽ được tăng cường thêm, vì thế, từ gần sáng và ngày mai ở phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa, mưa nhỏ rải rác; các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hòa tiếp tục có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to.
Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời tiếp tục rét đậm, có nơi rét hại. Dự báo, đợt rét đậm, rét hại diện rộng này ở Bắc Bộ cũng như khu vực Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh sẽ kéo dài liên tục đến khoảng ngày 20/12 với nhiệt độ thấp nhất 10-13 độ C, vùng núi 7-10 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 5 độ C và có khả năng xảy ra băng giá.
“Khu vực rét nhất chúng tôi vẫn nhận định đó là các tỉnh vùng núi và trung du phía Bắc. Trọng tâm rét hại tập trung ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai. Nguyên nhân là ở khu vực này vừa có tác động mạnh của không khí lạnh, lại vừa có sự giảm nhiệt do địa hình vùng núi cao”, ông Hưởng chia sẻ.
Khu vực Hà Nội trong khoảng thời gian từ nay đến ngày 20/12 xảy ra tình trạng rét đậm với nhiệt độ thấp nhất về đêm và sáng từ 11-13 độ C.
Ngoài ra do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, ở vịnh Bắc Bộ gió đông bắc mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động; vùng biển ngoài khơi Trung Bộ, vùng biển phía Bắc của khu vực Giữa Biển Đông và vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) tiếp tục có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7; biển động; sóng biển cao từ 2,0-4,0m.
Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3,0-5,0m.