Kỷ niệm đẹp trên chốt tiền tiêu của hai trung sĩ Biên phòng

Huy Hoàng

Trong số 10 học viên năm cuối Học viện Biên phòng lên Đồn Biên phòng Na Hình (Lạng Sơn) thực tập và thực hiện nhiệm vụ chống dịch COVID-19, trung sĩ Hoàng Văn Mạnh và trung sĩ Mai Hoàn Hảo đã có những kỷ niệm rất đẹp trong hành trình binh nghiệp.

Tay kéo, tay cấy

 “Cuối tháng 2, mọi công tác chuẩn bị cho diễn tập cuối khóa đã hoàn tất, chỉ chờ ngày diễn tập, thực tập, thi tốt nghiệp nữa là ra trường thì tôi cùng gần 260 học viên khác nhận quyết định của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tăng cường lên 4 tỉnh biên giới phía Bắc là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào Cai. Kế hoạch diễn tập được hoãn lại…”, Hoàng Văn Mạnh nhớ lại.

Kỷ niệm đẹp trên chốt tiền tiêu của hai trung sĩ Biên phòng - ảnh 1

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Hình và học viên Học viện Biên phòng củng cố nhà bạt chốt trực chống dich COVID-19

Cùng các bạn hành quân lên Đồn Na Hình, sau khi được chỉ huy đồn quán triệt nhiệm vụ, Mạnh được phân về tổ công tác Biên phòng Thanh Long thuộc xã Thanh Long, huyện Văn Lãng và đảm nhiệm trực ở các chốt. Theo Mạnh, tổ công tác quản lý địa bàn rất phức tạp, lập chốt chủ yếu ở khu vực mốc 1079 tại thôn Nà Vạc và khu vực mốc 1064. Nhiệm vụ chính của các chốt trực là chống COVID-19 và cấm xuất nhập cảnh trái phép.

“Học viên chúng tôi được luân chuyển thường xuyên giữa 2 chốt trực để biết thêm về địa bàn. Thời gian thực hiện nhiệm vụ chống dịch vô cùng vất vả, từ chỗ ăn, chỗ ở, sinh hoạt, đi lại đều khó khăn, có hôm mưa gió làm ướt hết lán, cả đêm mọi người không ngủ để khắc phục”, Mạnh nói.

Với tài lẻ cắt tóc và biết cả cấy lúa, Mạnh có hai kỷ niệm rất đẹp ngay trên chốt tiền tiêu. Cậu học viên chuyên ngành quản lý biên giới kể: Do biết cắt tóc trước khi vào bộ đội, nên Mạnh thường cắt tóc cho các bạn khi ở học viện. Lên đây thực tập, Mạnh mang bộ đồ cắt tóc theo luôn. Mùa dịch này cấm tụ tập đông người, thêm trời mưa gió đi lại khó khăn, người dân ở thôn Nà Vạc muốn cắt tóc phải ra thị trấn Na Sầm cách đó hơn chục cây số… Thế là Mạnh xung phong cắt tóc cho lực lượng công an, dân quân đang phối hợp canh chốt rồi nhờ họ thông báo cho bà con đến cắt miễn phí.

Kỷ niệm đẹp trên chốt tiền tiêu của hai trung sĩ Biên phòng - ảnh 2

Học viên Hoàng Văn Mạnh cắt tóc cho một thiếu niên địa phương tại chốt chống dịch

“Người dân thường đến cắt tóc vào buổi trưa vì còn phải đi làm đồng. Dù không được ngủ trưa nhưng nhìn đầu tóc mọi người gọn gàng, sáng sủa, tôi cảm thấy rất vui vì giúp được họ trong thời điểm dịch dã khó khăn này. Có người sau khi được cắt tóc, mỗi khi đi ngang chốt còn mang vào củ sắn, củ măng tặng chúng tôi”, Mạnh vui vẻ nói.

Lần khác, khi được phân công trực bên chốt tại khu vực mốc 1064, xung quanh là ruộng đang mùa cấy, thời tiết mưa gió thất thường, người dân tranh thủ cấy từ sớm trưa để chiều tránh mưa giông. Buổi chiều hôm ấy, thấy dưới ruộng có tiếng chào nhau “nhà cháu xong rồi, cháu về trước, bà cũng về đi trời sắp mưa to rồi để đấy mai cấy nốt”, Mạnh nhìn ra thấy một cụ bà đang cặm cụi cấy một mình, trong khi mây đen đã giăng kín trời...

“Tôi phụ với bà cấy nốt đám lúa để bà được về sớm kẻo mưa giông đang kéo đến. Nhìn bà cụ tóc đã bạc gần hết mái đầu, giống bà tôi ở nhà, tôi thấy thương lắm. Hai bà cháu cấy xong, tôi tiễn bà một đoạn, bà nói mời chú bộ đội về nhà bà ăn bữa cơm để cảm ơn khiến tôi càng xúc động, dù không thể nhận lời”, Mạnh tâm sự.

Kỷ niệm đẹp trên chốt tiền tiêu của hai trung sĩ Biên phòng - ảnh 3

Dừng phương tiện để kiểm tra y tế tại một chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 của Đồn Biên phòng Na Hình

Thầy giáo quân hàm xanh 9X

Về Đồn Na Hình nhận nhiệm vụ, Mai Hoàn Hảo (SN 1996) được bố trí tham gia tuần tra đường biên, mốc quốc giới và chốt chặn ngăn dịch bệnh, thậm chí đến nhà động viên người dân kịp thời phối hợp, khai báo các trường hợp vi phạm pháp luật, qua lại biên giới trái phép và các cá nhân có khả năng mắc COVID-19 để cách ly, chữa trị kịp thời.

Ham học hỏi và ưa tìm hiểu, qua câu chuyện của Chính trị viên Đồn Na Hình, Hảo day dứt mãi về số phận éo le của cậu bé dân tộc Nùng Luân Quang Vinh. Năm 2010, Vinh chào đời thì cũng năm ấy, bố em mất vì bệnh hiểm nghèo. Mẹ bỏ đi lấy chồng khác, Vinh ở với ông bà nội đã cao tuổi ở thôn Pò Pheo, xã Thụy Hùng, huyện Văn Lãng. Biết ông bà nội rất nghèo, không lo nổi cái ăn chứ chưa nói đến sự học của Vinh, cuối năm 2019, Đồn Biên phòng Na Hình làm thủ tục đón em về đồn nuôi dưỡng.

Kỷ niệm đẹp trên chốt tiền tiêu của hai trung sĩ Biên phòng - ảnh 4

Học viên Mai Hoàn Hảo đang kèm cặp em Luân Quang Vinh - con nuôi Đồn Biên phòng Na Hình học bài

“Tôi được ban chỉ huy đồn và chú Hiệu (thiếu tá Đỗ Đức Hiệu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Na Hình) tin tưởng giao nhiệm vụ kèm cặp em Vinh trong thời gian thực tập tại đây. Thời gian nghỉ từ tết đến nay khá dài nên Vinh đã quên nhiều kiến thức trên lớp học. Những buổi đầu, tôi giúp em hệ thống, ôn lại những kiến thức đã được học ở tất cả các môn học, sau đó dần nâng cao độ khó”, Hảo chia sẻ.

Không chỉ kiên trì dạy kiến thức, luyện chữ viết, “thày” Hảo còn tranh thủ thời gian sau mỗi ca gác hay tuần tra để ngồi trò chuyện, chia sẻ cùng “trò” Vinh, bởi cậu bé khá nghịch ngợm vì thiếu thốn sự chăm lo, tình cảm của cha mẹ từ nhỏ.

“Tôi quê tận Long An, ra ngoài này học tập nhiều lúc còn thấy nhớ nhà nôn nao, nên phần nào hiểu được tâm trạng của Vinh. Biết là cứng rắn với em sẽ không hiệu quả, nên tôi chỉ ân cần khuyên bảo, nhẹ nhàng chia sẻ cùng em, chỉ ra cái sai, cái đúng cho em. Mỗi khi đi trực về, tôi hay mua bánh kẹo, đồ chơi về cho Vinh, với mong muốn em sẽ vui hơn trong cuộc sống và cố gắng hơn trong học tập”, Hảo tâm sự.

Theo thiếu tá Đỗ Đức Hiệu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Na Hình, những học viên về đồn thực tập và tham gia chống dịch COVID-19 đợt này đều tuân thủ nghiêm các quy định và đóng góp tích cực vào nhiệm vụ chung của đơn vị. Đặc biệt, những hoạt động tình nguyện giúp dân, dạy học… của hai trung sĩ Hoàng Văn Mạnh và Mai Hoàn Hảo đã góp phần để lại ấn tượng tốt đẹp về người lính biên phòng trong lòng đồng bào các dân tộc trên biên giới xứ Lạng.