Trang trại cá của lão nông Trần Ngọc Thắng nằm sâu trong một con ngõ tại phố Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội, được gia đình ông làm cách đây khoảng 20 năm.
NUÔI CÁ CHỌI BẰNG HÀNG NGHÌN VỎ CHAI, PHẾ LIỆU
Ban đầu, việc nuôi cá chỉ là niềm vui, sở thích của bản thân. Sau một thời gian tham gia vào các câu lạc bộ, hội nhóm sinh vật cảnh… lão nông Trần Ngọc Thắng đã nhân rộng mô hình nuôi cá cảnh nói chung và đặc biệt các giống cá chọi ngoại nhập để tăng nguồn thu nhập cho gia đình.
Vì giống cá chọi có đặc điểm là phải nuôi, nhốt riêng nếu không chúng sẽ đánh nhau tới chết nên ông Thắng đã tận dụng những chai, lọ phế liệu bỏ đi để làm chuồng, việc làm đó không chỉ tiết kiệm được chi phí nuôi mà còn rất tiện trong quá trình chăm sóc.
Hiện toàn bộ trại cá của ông có khoảng hơn 2.000 chuồng nuôi cá chọi được làm từ chai, nhựa bỏ đi.
Ông Trần Ngọc Thắng cho biết: "Chai thủy tinh sẽ ít hấp thụ nhiệt, còn chai nhựa lại thuận tiện cho việc thay nước và cho cá ăn, nên giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí nuôi. Tuy nhiên, để làm ra những chuồng nuôi nhốt kiểu này khá tốn công sức, mà cả trại cá chỉ có hai vợ chồng làm nên khá vất vả".
Việc tận dụng này đã được ông đúc kết và rút kinh nghiệm từ các đồng nghiệp, cũng như trong quá trình nuôi cá hơn 20 năm của ông.
Các giống cá chọi được nuôi tại đây chủ yếu là Fancy, Koi, Halfmoon, Samurai… với đủ màu sắc, kích thước và giá cả.
Theo tìm hiểu, các giống cá chọi tại đây chủ yếu được nhập khẩu từ Thái Lan. Khi thành phẩm sẽ có giá từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng/con tùy theo màu sắc, kích thước, độ đẹp và hiếm.
THÀNH TRIỆU PHÚ NHỜ HIỆU QUẢ MÔ HÌNH NUÔI CÁ KẾT HỢP
Song song với việc nuôi cá chọi, ông Thắng còn kết hợp nuôi thêm cá bảy màu, một giống cá được chia ra làm nhiều loại khác nhau. Hiện nay, giống cá bảy màu là một trong những giống cá được ưa chuộng nhất tại Việt Nam.
Từ khi nhân rộng mô hình cho tới nay, trại cá của ông Thắng là điểm đến không còn xa lạ với những người yêu thích cá cảnh. Để thuận tiện cho việc theo dõi, ông Thắng đặt các bể cá thành nhiều tầng khác nhau. Những bể cá giống được ông cho lên cao, còn bên dưới là những bể cá con được ông cẩn thận chăm sóc bởi cá con rất dễ bị bệnh.
Cũng theo tìm hiểu, một vụ cá đạt chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu khách hàng cần thời gian từ 2-3 tháng ép cá và chăm sóc một cách cẩn thận.
"Yếu tố thời tiết tác động mạnh đến quá trình sinh trưởng của cá, mùa hè trời nóng phải thường xuyên thay nước, còn mùa đông phải che chăn cẩn thận để giữ nhiệt cho cá. Nhiều hôm trái gió trở trời, tôi phải túc trực cả đêm bơm nước và bổ sung oxy, nếu không cá sẽ chết sạch", ông Thắng cho biết.
Thực tế, loài cá chọi hay bảy màu đều dễ chăm sóc và nhân giống bởi nguồn thức ăn phong phú trong môi trường như trùng chỉ, lăng quăng, trứng nước... Tuy nhiên, người nuôi phải am hiểu và có kiến thức về cá nhất định để phòng ngừa, chữa trị khi cá mắc bệnh.
Cách sục ôxy bế cá và các dòng thức ăn cho cá là hai yếu tố cơ bản phải am hiểu khi nuôi cá cảnh.
Theo kinh nghiệm của ông Thắng, cá cảnh vốn rất nhạy cảm với thời tiết, chỉ một chuyển biến nhỏ cũng có thể bị bệnh. Nếu người nuôi không tinh ý điều chỉnh nhiệt độ, oxy sao cho hợp lý, cá có thể mắc bệnh và chết hàng loạt.
Ông Thắng thường xuyên kiểm tra nước, oxy ở bể cá và phổ biến kiến thức trực tiếp với khách hàng mới nuôi lần đầu.
"Nuôi cá cảnh không phải là nghề cứ đầu tư nhiều tiền là làm được, để có được một vụ cá thành công, ngoài nguồn vốn và am hiểu kỹ thuật thì kinh nghiệm đóng góp một phần quan trọng không kém. Cách đây vài năm, việc nuôi cá cảnh mang lại nhiều lợi nhuận, người dân đổ xô vào nghề này nhưng chỉ được một thời gian ngắn là phải bỏ cuộc vì yếu tố này", ông Thắng khẳng định.
Mỗi lần bán cá cho khách, ông Thắng đều phải đóng gói cẩn thận và sục thêm oxy vào túi bóng để đảm bảo an toàn cho cá trong quá trình vận chuyển.
Bền bỉ, kiên trì suốt 20 năm, nghề nuôi cá chọi mang lại thu nhập ổn định cho gia đình ông Thắng, trung bình mỗi năm, gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng nhờ nghề nuôi cá cảnh.