Đưa ra một chiến lược tài chính chủ động nghe có vẻ quá sức ngay bây giờ, nhưng chia thành các bước nhỏ là điều có thể thực hiện được, giúp bạn bắt đầu hành trình đảm bảo an toàn tài chính cho mình.
Những điều chỉnh nhỏ nhất đối với thói quen hàng ngày có thể thay đổi đáng kể cuộc sống của bạn. Bây giờ là lúc để tập trung vào việc xây dựng thói quen tài chính tốt hơn để chuẩn bị cho bất kỳ điều gì khác có thể xảy ra, bằng cách theo những lời khuyên dưới đây.
Theo dõi mọi chi tiêu
Theo dõi từng đồng chi tiêu thật khó, nhưng bạn cần phải làm điều đó nếu muốn tối đa hóa việc quản lý tài chính.
Ngày nay, công nghệ có thể giúp bạn theo dõi chi tiêu dễ dàng hơn bao giờ hết với các ứng dụng trực quan kết nối trực tiếp với tài khoản ngân hàng. Chúng thậm chí có thể tự động sắp xếp từng khoản chi phí vào một danh mục nhất định.
Cho dù bạn kiểm tra tài chính hàng tuần, hai tuần hoặc hàng tháng, tính nhất quán là điều rất quan trọng. Hãy đặt lịch nhắc nhở bản thân để xây dựng thói quen này. Cần đối chiếu tài chính của bạn với năm ngoái, đồng thời đặt ra các mục tiêu và kế hoạch cho năm tới. Trong cuộc khủng hoảng này, những mục tiêu đó có thể khác một chút.
Khi đã biết rõ về cách chi tiêu của mình, bạn có thể đặt ngân sách và điều chỉnh ngay, nhất là trong trường hợp bạn bị nghỉ việc hoặc phải chăm sóc sức khỏe kéo dài.
Thắt lưng buộc bụng
Hiện tại, nhiều người trong chúng ta đang sống với ngân sách bị cắt giảm. Điều quan trọng là bạn phải tìm cách tăng khoảng cách giữa chi phí và thu nhập của mình. Bạn có thể làm điều này bằng cách tập thói quen xem xét các chi phí cố định hoặc chi phí định kỳ mỗi tháng.
Khi làm điều đó, bạn có thể tự hỏi mình những câu như: Lãi suất bạn đang trả cho các khoản vay là bao nhiêu? Bạn có thực sự sử dụng Netflix hay các kênh giải trí khác thường xuyên không, hay bạn có thể cắt giảm bất kỳ gói cước nào đã đăng ký?
Nếu một khoản chi phí không liên quan đến nhu cầu thiết yếu, hãy nghiêm túc hỏi bản thân xem bạn có thể sống thiếu nó không. Cắt giảm những chi phí đó sẽ đưa bạn đến gần hơn với sự an toàn tài chính.
Đa dạng hóa các khoản đầu tư
Đầu tư là một cách tuyệt vời để có cơ hội làm giàu. Chúng ta cần biết rằng nền kinh tế sẽ tiếp tục có những sụt giảm bất ngờ. Nếu bạn cho toàn bộ “các quả trứng đầu tư” của mình vào “cùng một giỏ”, bây giờ là lúc để giải quyết vấn đề đó.
Hãy đa dạng hóa các khoản đầu tư của bạn trên nhiều loại cổ phiếu, trái phiếu, quỹ tương hỗ, bất động sản và các khoản tương đương tiền. Cả hai khoản đầu tư ngắn hạn và dài hạn phải được hiển thị trong danh mục đầu tư của bạn.
Khi bạn làm điều này, hãy nghĩ về các mục tiêu tài chính cá nhân, thời gian bạn sẵn sàng cam kết và khả năng chấp nhận rủi ro. Đồng thời, hãy đầu tư vào các ngành và lĩnh vực khác nhau, để bạn không quá phụ thuộc vào chỉ một phần của thị trường.
Tránh bán theo tâm lý hoảng loạn
Thị trường đang giảm giá nhanh nhất từ trước đến nay. Sự suy giảm nhanh chóng đã khiến hàng triệu nhà đầu tư hoảng sợ, nhưng việc rút lui khỏi thị trường có thể là một sai lầm.
Phần lớn hoạt động bán ra là vì bị ép buộc phải bán do các cuộc gọi ký quỹ, đặc biệt phổ biến trong số các quỹ đầu cơ có đòn bẩy tài chính cao. Giờ đây, giai đoạn bán hàng ép buộc và bừa bãi đã qua, thị trường có khả năng phục hồi trở lại. Việc khống chế dịch Covid-19 có thể khiến nền kinh tế mở cửa trở lại.
Trên thực tế, thị trường đã bớt phần lớn thiệt hại khi các nhà đầu tư tin tưởng rằng đại dịch đang gần đến đỉnh điểm. Theo thời gian, cổ phiếu mang lại nhiều lợi nhuận hơn so với các lựa chọn như trái phiếu, tiền mặt và bất động sản. Tuy nhiên, sự sụt giảm nghiêm trọng có một hệ quả tâm lý khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn.
Con người có tâm lý sợ rủi ro tự nhiên khiến họ phản ứng mạnh mẽ với việc đầu tư thua lỗ hơn là có lãi. Điều này tạo ra một xu hướng tiêu cực, thường dẫn đến việc các nhà đầu tư mua cao và bán thấp.
Việc tiếp tục đầu tư đầy đủ vào thị trường thông qua danh mục đầu tư đa dạng cho phép cơ hội thu được lợi nhuận lớn trong dài hạn. Bằng cách phân bổ danh mục đầu tư của bạn, bạn vẫn có thể hưởng lợi từ đợt tăng giá tiếp theo.
Luôn dành dụm
Bạn nên có thói quen xây dựng một tài khoản tiết kiệm vững chắc bất kể nền kinh tế như thế nào. Để xây dựng thói quen này, hãy trích một tỷ lệ phần trăm khỏi lương của bạn ngay sau khi lãnh được, hoặc thậm chí trước khi lương được chuyển đến tài khoản ngân hàng, nếu có thể.
Lập một tài khoản tiết kiệm và tránh rút tiền ra trừ khi có trường hợp khẩn cấp thực sự. Mỗi tháng, hãy tăng số tiền bạn bỏ vào tài khoản tiết kiệm của mình. Đi từng bước một sẽ giúp thói quen này trở nên dễ dàng hơn.
Giải quyết nợ
Trả nợ khi bạn đang eo hẹp tài chính nghe có vẻ phi lý, nhưng hãy xem bạn có những lựa chọn nào trong cuộc khủng hoảng này. Thay vì bỏ qua khoản nợ của bạn và để nó tăng lãi, hãy nghiên cứu cách tái cấp vốn hoặc loại bỏ hoàn toàn lãi suất để bạn có thể thoát khỏi vòng xoáy vô tận của nợ nần.
Một yếu tố lớn khác cần xem xét là tư duy của bạn. Ví dụ, thay vì lo lắng về những cách bạn có thể trả nợ, hãy tập trung nỗ lực vào việc tìm cách tăng thu nhập. Hãy xem xét các yếu tố bạn có thể kiểm soát ngay bây giờ để tạo ra tác động lâu dài.
Sử dụng thẻ tín dụng 0%
Với việc thu nhập bị gián đoạn, một số người buộc phải sử dụng số dư thẻ tín dụng. Nếu có thể, hãy nhận thẻ ban đầu 0%. Bằng cách giảm thiểu số tiền bị tính phí, bạn có cơ hội tốt hơn để thanh toán hoàn toàn số dư khi vẫn trong thời gian 0%.
Làm quen với do-it-yourself (tự làm)
Nhiều người thuê người khác làm mọi thứ, từ dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc sân vườn đến dịch vụ giao hàng. Tuy nhiên, học kỹ năng tự làm là cách tiết kiệm hàng đầu.
Trước COVID-19, mọi người tập trung cho công việc. Nhưng với thời gian ở nhà mùa dịch, bạn có cơ hội để học nấu ăn, dọn dẹp, bảo quản, sửa chữa nhà cửa. Thật vậy, sống đơn giản là một cách tiết kiệm lâu dài.
Mặc dù đang ở trong thời kỳ khó khăn về tài chính, chúng ta rồi sẽ phục hồi, dẫn đến một nền kinh tế vững mạnh hơn. Bằng cách tránh hoảng sợ, đầu tư dài hạn và chi tiêu cẩn thận, chúng ta có thể chuẩn bị cho sự thành công của mình trong khi chờ đợi cuộc khủng hoảng này chấm dứt.