Theo đó, hàng trăm nghìn lít xăng có chất lượng không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật cũng được phát hiện.
Hàng loạt doanh nghiệp bị phạt vì kinh doanh xăng không đúng quy chuẩn
Tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay cơ quan chức năng tỉnh này đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với loạt doanh nghiệp vi phạm về chất lượng trong kinh doanh xăng dầu. Theo đó, kết quả kiểm tra đột xuất tám cơ sở bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn tỉnh, phát hiện có đến sáu cơ sở bán xăng kém chất lượng, thu giữ gần 10.000 lít xăng.
Tại cơ sở kinh doanh xăng, dầu của DN tư nhân xăng dầu Hoa Nam tại thôn 13, xã Pơng Drang, huyện Krông Búc, phát hiện trong bồn chứa cây xăng bán lẻ có 4.178 lít xăng ghi là Ron 95-III, tương ứng số tiền hơn 75 triệu đồng, nhưng chủ cơ sở không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của số xăng này.
Lực lượng chức năng đã lấy mẫu gửi đi giám định, kết quả cho thấy chất lượng xăng Ron 95-III của DN này không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Đoàn đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 302 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng, dầu thời hạn hai tháng đối với DN này.
Vào giữa tháng 2/2019, Đội Cảnh sát Kinh tế tổng hợp, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắc phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra cơ sở kinh doanh xăng, dầu của DN tư nhân Bình Yên tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana do ông Trần Văn Yên làm chủ. Cơ quan chức năng phát hiện trong bồn chứa của cơ sở kinh doanh này còn 1.488 lít xăng Ron A95-III nhưng chủ cơ sở không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của số xăng. Lực lượng chức năng đã niêm phong số hàng và lấy mẫu để giám định. Kết quả cho thấy, chất lượng xăng Ron A95-III mà DN đang chứa trong bồn để bán ra thị trường không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Tiếp đến, cơ quan chức năng tỉnh này cũng ra quyết định xử phạt hành chính 152.884.000 đồng; tước quyền sử dụng 2 tháng đối với Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu; buộc thu hồi, tái chế sản phẩm, hàng hóa là 1.198 lít xăng của Công ty TNHH Thương mại Tín Đạt ở địa chỉ thôn Kim Châu, xã Dray Bhăng, huyện Cư vì bán xăng RON A95-III có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn.
Tại Bình Dương, Nghệ An… cơ quan kiểm tra cũng phát hiện cơ sở kinh doanh xăng dầu kém chất lượng, kết quả kiểm nghiệm mẫu xăng có trị số octan là 91.0 và 82.6 và mẫu xăng có hàm lượng Etanol (hay còn gọi là cồn sinh học chỉ đạt 1,88% so với quy định từ 4 đến 5% thể tích) không phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Số lượng hàng hóa vi phạm: 10.327 lít xăng Ron 95 - III, tổng trị giá hàng hóa vi phạm là: 191.462.580 đồng.
Trong thời gian vừa qua, đặc biệt là thời điểm cuối năm 2018, đầu năm 2019, Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ KH&CN) cũng đã kiểm tra và phát hiện mốt số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không đúng chất lượng công bố.
Cụ thể: Qua kiểm tra tại tỉnh Bình Phước, phát hiện Trạm xăng dầu Minh Thành kinh doanh xăng không đạt chất lượng, mẫu xăng E5 RON 92-II không có etanol sau khi thử nghiệm. Tại Hà Nội, qua kiểm tra, phát hiện Cửa hàng xăng dầu Cầu Bươu - Công ty TNHH Đầu tư phát triển thương mại xăng dầu Hà Nội có 01 mẫu xăng RON 95-IV có trị số Octan sau khi thử nghiệm là 92,8 thấp hơn mức tối thiểu trị số octan quy định theo quy chuẩn.
Trà trộn xăng kém chất lượng để trục lợi
Theo ông Trần Quốc Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa, thời gian vừa qua, cơ quan chức năng các tỉnh, thành phố đã tiến hành thanh kiểm tra xăng dầu trong lưu thông. Qua đó phát hiện nhiều vụ vi phạm trong vận chuyển, kinh doanh xăng, dầu kém chất lượng. Theo ông Tuấn, các hành vi vi phạm của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh xăng, dầu chủ yếu là điều kiện kinh doanh, nhân viên bán hàng không có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ, sử dụng trụ bơm không có tem kiểm định, không xuất hóa đơn bán lẻ, nhiều cửa hàng đăng ký làm đại lý bán lẻ cho nhà phân phối chính thống nhưng lại nhập xăng trôi nổi trên thị trường, trà trộn hàng kém chất lượng để bán nhằm trục lợi bất chính.
Lý giải về tình trạng xăng không đảm bảo quy chuẩn, ông Nguyễn Đào Chí, cán bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk – địa phương đã làm rất mạnh công tác thanh kiểm tra mặt hàng xăng dầu phân tích: Hiện nay, việc ràng buộc về cơ sở pháp lý giữa phân phối xăng, dầu với các đại lý bán lẻ chủ yếu thông qua hợp đồng kinh tế, khi đại lý vi phạm thì doanh nghiệp phân phối xử lý nặng nhất cũng chỉ là cắt hợp đồng cung cấp xăng. Tuy nhiên, đối với các đại lý, khi bị cắt hợp đồng với nhà cung cấp xăng này thì họ sẵn sàng ký kết với một nhà phân phối khác.
“Mặc dù Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu quy định, mỗi đại lý, tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng với một thương nhân đầu mối cung cấp xăng, thế nhưng trên thực tế, các đơn vị này vẫn tìm cách lách luật hoặc trà trộn hàng kém chất lượng để trục lợi”, ông Chí cho biết.
Nhận định về tình trạng gian lận chất lượng xăng dầu, ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa cho biết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng kém chất lượng ngày càng phức tạp, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa sẽ tiếp tục tăng cường công tác đấu tranh chống gian lận thương mại về đo lường và chất lượng trong đó có xăng dầu - một trong những mặt hàng được tiêu thụ liên tục, thường xuyên.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu, trong thời gian tới, Cục sẽ phối hợp với các ngành chức năng địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ các sở Công thương, Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị trường tăng cường phối hợp với lực lượng công an kiểm soát chặt việc vận chuyển xăng, dầu lưu thông trên các tuyến đường; kiểm tra đột xuất các cở sở kinh doanh xăng, dầu… để kịp thời phát hiện, thu giữ xăng kém chất lượng, đồng thời xử lý nghiêm chủ cơ sở kinh doanh xăng gian lận, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo VietQ