Bàn ủi hơi nước giờ đây đã trở thành đồ gia dụng quá quen thuộc của các gia đình. Thiết bị này được ưa chuộng hơn hẳn những loại bàn là truyền thống nhờ những tính năng ưu việt như: Tiết kiệm điện năng đáng kể, thời gian ủi nhanh gấp 2 - 3 lần so với bàn ủi khô. Sử dụng áp lực hơi nước để làm thẳng quần áo nên không lo cháy. Dùng được trên mọi chất liệu vải, dù là lụa, voan, len, hay vải thêu hoa, kết cườm,...
Dù dễ dùng, tiện lợi nhưng khá nhiều người vẫn gặp sai lầm khi sử dụng bàn ủi hơi nước khiến cho quần áo nhanh tã, bàn là nhanh hỏng.
Rỉ nước vì điều chỉnh bàn ủi hơi nước sai
Tin tức trên báo Phụ nữ TP HCM, nhiều người thường có thói quen vừa cắm điện đã vặn ngay núm hơi mà không biết rằng điều này rất có hại cho bàn ủi hơi nước. Bởi nước trong bàn ủi chưa đủ nóng để tạo ra lượng hơi nước cần thiết sẽ làm cho nước bị nhỏ giọt ra ngoài, bàn ủi vì thế cũng phải tiêu thụ lượng lớn điện năng để tự làm khô.
Để nước bàn ủi hơi nước đóng cặn bẩn không thay
Việc không đổ nước cũ thay nước mới cho bàn ủi hơi nước khiến cho cặn đóng lại. Điều này không chỉ làm bẩn quần áo mỗi lần ủi mà còn làm tắc nghẽn lỗ phun. Do đó, người dùng chỉ nên sử dụng nước tinh khiết hoặc nước đun sôi để nguội và lưu ý vệ sinh bầu chứa nước khô ráo, sạch sẽ sau khi dùng.
Quấn dây điện ngay khi vừa dùng bàn ủi hơi nước xong
Sẽ không tốt nếu có thói quen quấn dây điện ngay khi vừa ủi quần áo vì có thể tiềm ẩn nguy cơ chập điện, cháy nổ rất cao. Vì thế, tốt nhất nên cất bàn ủi ở một nơi cách xa tầm tay trẻ em và đợi cho nguội hẳn. Các chuyên gia cũng khuyến cáo thêm, sau mỗi lần sử dụng nên tắt chế độ phun nước và điều chỉnh công suất về mức 0.
Không vệ sinh bàn ủi hơi nước theo định kỳ
Nhiều người cho rằng bàn ủi vốn chỉ tiếp xúc với quần áo sạch nên không để ý việc vệ sinh sau khi sử dụng. Tuy nhiên, để thiết bị được bền hơn, người dùng nên vệ sinh bàn ủi ít nhất 6 tháng 1 lần với giấm và nước. Nếu để lâu ngày bụi bẩn sẽ két lại trên bề mặt bàn là hơi nước đồng nghĩa với việc khi là quần áo sẽ bị ố vàng, cháy khét.
Sử dụng bàn ủi hơi nước đúng cách như thế nào?
Theo tư vấn của Điện Máy Xanh, trước hết khi mới mua bàn là hơi nước về cần bóc hết keo của nhãn dán sản phẩm còn dính lại trên mặt đế và chà nhẹ nhàng mặt đế ủi bằng khăn ẩm.
Sau khi cắm dây điện bàn ủi vào ổ cắm, đèn báo nguồn sẽ sáng lên, đặt lại nhiệt độ bằng cách xoay núm chọn nhiệt độ đến lựa chọn thích hợp với chất liệu vải cần ủi. Khi đèn tắt, bàn ủi đã sẵn sàng mới sử dụng.
Khi cho nước vào bàn ủi nên làm cẩn thận từ từ, không đổ quá vạch max tránh hiện tượng nước tràn ra ngoài gây chập, cháy. Nước cho vào bàn ủi tốt nhất là nước lọc tinh khiết, nhằm tránh hiện tượng bị đóng cặn hay tắc lỗ thông hơi gây ảnh hưởng đến độ bền và chất lượng quần áo được ủi. Không cho bất kỳ hóa chất làm thơm hay cái gì đó tương tự vào bàn ủi.
Bàn ủi có công suất rất cao nên tốt nhất là bạn không nên cắm nó chung với các thiết bị khác như: tivi, tủ lạnh, nồi áp suất điện,... hay một thiết bị có công suất cao. Tránh bị cháy dây chuyền.
Sau khi cắm điện để bàn ủi ở mức nhiệt 0 khoảng 3 - 5 phút rồi mới vặn núm điều chỉnh nhiệt cho đế bàn ủi đủ nóng. Không nên sử dụng ngay tránh nước bị nhỏ giọt làm quần áo bị ướt lấm tấm. Chọn mức nhiệt phù hợp với loại vải.
Trong quá trình sử dụng hãy ấn với lực vừa phải. Nên ủi theo một chiều nhất định. Luôn giữ cho bàn ủi di chuyển. Vừa đẩy, vừa ấn bàn ủi đồng thời bạn có thể ấn nút phun hơi giúp quần áo thấm đều hơi nước. Nếu có chỗ nào chưa vừa ý, bạn có thể làm lại một vài lần, mỗi lần cách nhau 5 - 8 giây để không gây hại đến mặt vải.
Hải Hòa (t/h)