Dù căn bệnh này vô cùng nguy hiểm, nhưng các tin đồn thất thiệt hiện đã xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội về các nguồn lây nhiễm và phương pháp điều trị…
Cơ thể con người thường không phải là nơi trú ngụ của các loài nấm thuộc bộ Mucorales. Chúng thường được tìm thấy trong đất, bụi, rau củ đang phân rã, và phân động vật. Hệ miễn dịch thường có thể kháng lại các loài nấm này dễ dàng. Tuy nhiên, sự kết hợp của bệnh tiểu đường, COVID-19, và liệu trình điều trị bằng steroid có thể làm suy yếu hệ miễn dịch tới mức các vi sinh vật có thể trụ lại và sinh trưởng.
Nhiều trường hợp nhiễm nấm đen trong và sau mắc COVID-19.
Tiểu đường không chỉ làm gia tăng nguy cơ bệnh nhân gặp phải các triệu chứng COVID-19 nặng mà còn tạo ra môi trường thuận lợi cho bệnh nhiễm nấm. Nguy hiểm hơn cả COVID-19 và thuốc steroid (như dexamethasone), thường được sử dụng trong phòng chăm sóc đặc biệt, làm suy yếu khả năng miễn dịch.
Bệnh nhiễm nấm xảy ra sau đó, thường được gọi là Mucormycosis hoặc Zygomycosis, lan nhanh từ mũi, xoang tới mặt, cằm, mắt, và não. Ngày 26/5/2021, có 11.717 ca nhiễm Mucormycosis ở Ấn Độ, nơi có số người mắc tiểu đường đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Kể cả trước đại dịch, tỷ lệ nhiễm Mucormycosis ở Ấn Độ có thể đã cao hơn 70 lần so với những nơi khác trên thế giới.
Loại nấm này xâm nhập vào các mạch máu, làm ảnh hưởng tuần hoàn đến cơ quan ngoại biên, tạo ra các mô chết hay hoại tử, sau đó chuyển thành màu đen (da người bệnh biến thành màu đen, chứ không phải nấm). Mặc dù vậy, cái tên “nấm đen” vẫn được dùng phổ biến.
Giáo sư Malcolm Richardson, nhà vi khuẩn học tại Đại học Manchester, Anh cho biết, cái tên này không phản ánh đúng bản chất của bệnh. Các tác nhân gây bệnh Mucormycosis – ví dụ như Rhizopus oryzae – thực chất là trong suốt. Dưới góc nhìn vi khuẩn học, khái niệm “nấm đen” chỉ được dùng cho một loại nấm gọi là Dematiaceous vì nó có melanin ở thành tế bào. Ông cũng cho biết báo chí Ấn Độ hiện nay cũng đang dùng sai từ “nấm trắng” và “nấm vàng” để miêu tả các chủng khác nhau của bệnh Mucormycosis.
Nấm đen- Căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao
Nếu không được điều trị kịp thời bằng thuốc chống nấm và phẫu thuật cắt bỏ mô hoại tử, Mucormycosis thường gây tử vong. Trước đại dịch, CDC thông báo tỷ lệ tử vong nói chung là 54%.
Một cuộc đánh giá có hệ thống vào năm 2021 đối với tất cả các ca bệnh liên quan đến COVID-19 đã phát hiện ra 101 trường hợp: 82 ca ở Ấn Độ và 19 ca từ các nước còn lại trên thế giới. Trong số những ca này, 31% đã tử vong.
Một số thuốc điều trị COVID-19 gây giảm miễn dịch là cơ hội cho nấm đen phát triển.
Tiến sĩ Awadhesh Kumar Singh và đồng tác giả của ông báo cáo rằng khoảng 60% tổng số ca nhiễm nấm xảy ra khi bệnh nhân đang nhiễm SARS-CoV-2 và 40% xảy ra sau khi bệnh nhân hồi phục. Tổng cộng, 80% bệnh nhân bị tiểu đường và 76% đã được điều trị bằng corticosteroid.
Các hiểu lầm về sự truyền bệnh nấm đen
Hiện có một vài giả thuyết về nguồn gốc của bệnh nấm mucormycosis trên các trang mạng xã hội. Rất nhiều trong số này không có căn cứ như:
Cho rằng “nấm đen” truyền bệnh từ người sang người
Bệnh nấm Mucormycosis không thể lây từ người sang người, nên người bệnh không cần phải cách ly – trừ khi họ cũng đang mắc COVID-19. Nguồn gây bệnh là từ môi trường, cụ thể là từ các bào tử nấm trong không khí.
Cho rằng nấm mọc trong nước, bình oxy, và máy tạo ẩm không khí
Một số trang mạng xã hội cho rằng nấm mọc trong nước bẩn trong bình oxy hoặc máy tạo ẩm không khí. Tuy nhiên, không có bằng chứng xác thực điều này, và các nhà vi trùng học đã chỉ ra nấm không thể sinh bào tử trong chất lỏng. Hơn nữa, oxy tinh khiết trong bình oxy thường gây hại đến sự phát triển của tất cả các loại vi sinh vật.
Cho rằng khẩu trang là chỗ trú cho “nấm đen”
Đây là một lầm tưởng. Không có bằng chứng nào cho thấy khẩu trang có thể chứa nấm.
Hành tây là thủ phạm
Một giả thuyết phổ biến khác cho rằng nấm mốc đen đôi khi xuất hiện trên hành tây trong tủ lạnh là nấm Mucorales và do đó là một nguồn lây nhiễm tiềm ẩn.
Như chúng ta đã thấy, loại nấm được đề cập không có màu đen. Trên thực tế, nấm mốc đen có trên hành, tỏi thường là nấm Aspergillus niger.
Trong một bài báo năm 2019, Giáo sư Richardson và đồng sự giải thích rằng nấm Mucorales phát triển trên bánh mì mốc, trái cây và rau quả thối rữa, mảnh vụn thừa từ cây trồng, đất, phân bón và phân động vật. Ông chỉ ra rằng chúng cần độ ẩm cao và không có khả năng tồn tại trên các vật liệu xây dựng thông thường, chẳng hạn như gỗ, bề mặt sơn và gạch men. Ông cho biết, tất cả những quan sát này cho thấy rằng người dân sống trong nhà nói chung không tiếp xúc với các loại vi khuẩn Zygomycetes trong môi trường sống của họ, ngoại trừ các thực phẩm bị nhiễm nấm mốc, chẳng hạn như bánh mì và trái cây. |
Các đường lây truyền
Các bằng chứng đã được công bố chỉ ra một số nguồn lây nhiễm tiềm ẩn trong bệnh viện, nhưng nó không đề cập đến bình dưỡng khí, máy làm ẩm hay khẩu trang.
Hai nghiên cứu - được công bố lần lượt vào năm 2014 và năm 2016 – đề cập đến đến việc sử dụng khăn trải giường bệnh viện từ các tiệm giặt không hợp vệ sinh.
Một đánh giá năm 2009 đã xác định hệ thống thông khí, dụng cụ đè lưỡi bằng gỗ, băng dính và túi hậu môn là những nguồn lây nhiễm khác có thể được đề cập tới. Các nhà nghiên cứu bệnh học tại Đại học Kentucky ở Lexington báo cáo rằng một con đường lây truyền khác có thể là hít phải các bào tử trong bụi từ các công trình xây dựng gần đó hoặc các bộ lọc điều hòa không khí bị ô nhiễm.
Họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự lây nhiễm qua da, ví dụ như qua vết bỏng, vị trí đặt ống thông, vết thương do kim tiêm, vết côn trùng cắn và vết đốt…
Điều trị bệnh nấm đen thế nào?
Một video nổi bật trên mạng xã hội đề xuất rằng hỗn hợp dầu mù tạt, phèn chua, muối mỏ và nghệ có thể chữa bệnh Mucormycosis. Trên thực tế, phương pháp điều trị duy nhất đã được chứng minh là phẫu thuật cắt bỏ mô hoại tử và dùng thuốc kháng nấm amphotericin B. Tuy nhiên, Ấn Độ hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thuốc này trầm trọng.
Một điều quan trọng nữa là các bác sĩ nên giải quyết các nguyên nhân cơ bản của việc suy giảm khả năng miễn dịch, đặc biệt là bệnh tiểu đường không được quản lý tốt và việc sử dụng quá nhiều corticosteroid.
Trong một đánh giá gần đây, Tiến sĩ Singh và các đồng sự kết luận: Sự kết hợp của bệnh tiểu đường và việc sử dụng tràn lan corticosteroid trên nền bệnh COVID-19 dường như làm tăng số ca mắc Mucormycosis. Chúng ta cần làm tất cả những gì có thể để duy trì mức glucose tối ưu và chỉ sử dụng corticosteroid một cách thận trọng ở những bệnh nhân bị COVID-19.