Trong đêm 4/7, chúng tôi trở lại huyện Xăm Tảy để sáng sớm hôm sau thực địa tuyến đường tuần tra biên giới của nước bạn Lào. Những người bạn Lào ở Xăm Tảy thật nhiệt tình, mới hơn 6h sáng, họ, gồm Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện là ông May Lả và một cán bộ kiểm lâm còn khá trẻ tên là Mon đã có mặt để làm nhiệm vụ dẫn đường.
Để đến đường tuần tra biên giới Lào, đoàn ngược về hướng cửa khẩu Thông Thụ, đến bản Nậm Táy (cách cửa khẩu Thông Thụ chừng dăm cây số). Tại đây, có một lối rẽ phải nhập vào đường tuần tra. Theo ông May Lả, đường tuần tra biên giới được làm từ năm 2012, do một doanh nghiệp gọi là Công ty Xẻng Thoong thi công. Tuyến đường này nối bản Nậm Táy của huyện Xăm Tảy đến bản Đẹn Đín của huyện Mường Quắn (tương đương quãng đường từ xã Thông Thụ đến xã Tri Lễ của huyện Quế Phong). Dù vậy, đến nay đường mới chỉ được tạo nền bằng đất, đá; qua nhiều thời gian đã bị thiên tai làm sạt lở, hư hỏng ở nhiều đoạn.
Địa hình bên nước bạn Lào có độ cao vượt trội so với các huyện giáp biên của Nghệ An là Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn. Đi trên tuyến đường tuần tra của phía bạn, thấy lớp lớp núi đồi hút tầm mắt. Nhưng, rất ít cây rừng. Có không ít những quả núi chỉ lác đác vài đám xanh nương rẫy và các loài cây dại lúp xúp cùng tre, nứa; còn lại trơ trụi một màu nâu cháy. Hỏi May Lả, ông nói: “Trước năm 2012 ở nơi này đều là rừng nguyên sinh, có rất nhiều cây gỗ lớn, quý. Nhưng khi làm đường tuần tra biên giới, do không có kinh phí nên Chính phủ cho Công ty Xẻng Thoong được khai thác gỗ để bù vào. Bao nhiêu cây rừng bị công ty này cắt hết, thế nên núi trọc trơn, khe suối thì khô cạn…”.
Trong quá trình di chuyển, có nhiều đoạn, ông May Lả và kiểm lâm viên Mon cho xe dừng lại để chỉ cho chúng tôi thấy được nơi tiếp giáp giữa Lào với Việt Nam. Ở những nơi này, để đến được đất Việt Nam chỉ khoảng 1 km, qua một thung lũng và vượt một dốc núi. Với địa hình như vậy, việc các đối tượng xấu xâm nhập, khai thác trái phép gỗ rừng nguyên sinh biên giới thuộc Khu BTTN Pù Hoạt thật quá dễ dàng. Mon nói với chúng tôi, năm 2014, tại một thung lũng dưới tuyến đường này, lực lượng chức năng Lào từng bắt một vụ khai thác gỗ trái phép từ bên phía Việt Nam. Còn hiện tại, gỗ lậu khai thác trái phép từ Mường Quắn vẫn theo tuyến đường tuần tra biên giới này ra Xăm Tảy để đi theo các ngả về Việt Nam tiêu thụ.
Những điều ông Xăm Lả và Mon trao đổi nhanh chóng được chứng thực tại một trại chăn nuôi gia súc của người Mông Lào tại bản Nậm Táy. Trại chăn nuôi này nằm vắt ngang đường tuần tra, nhưng có bờ rào lưới sắt, cổng sắt đóng kín và có một người đàn ông trung tuổi dân tộc Mông trông coi. Tại đây, các cán bộ của đoàn công tác đã phát hiện cuối trại gia súc có cất giấu gỗ đã qua sơ chế thành những phiến rất lớn, dài khoảng 3m, rộng từ 1m đến 1,6m, dày từ 0,2 – 0,3m. Ước lượng khoảng trên 20m3. Và, tất cả các phiến gỗ này đều không có dấu hiệu hợp pháp. Ông May Lả và kiểm lâm Mon kiểm tra, rồi xác nhận: “Đây là gỗ lậu. Gồm hai loại sa mu dầu và pơ mu”. Sau ít phút, ông May Lả cũng cho hay, đã báo cáo Chủ tịch huyện Xăm Tảy để cử lực lượng đến thu giữ, và kiểm tra xác minh làm rõ nguồn gốc, đối tượng liên quan để xử lý…
Cũng trong buổi sáng ngày 5/7/2019, người phụ trách kiểm lâm huyện Xăm Tảy là Phó Trưởng phòng Nông nghiệp – ông Xăm Lả thông tin: Đoàn liên ngành do Chủ tịch tỉnh Hủa Phăn (Lào) chỉ đạo thành lập vừa mới làm rõ một vụ tàng trữ, buôn bán trái phép gỗ sa mu dầu tại huyện Xăm Tảy. Tổng số gỗ lậu lên tới 50m3. Qua xác minh, đối tượng đầu nậu là Trạm trưởng Trạm Biên phòng Nậm Táy, 1 trong 6 trạm biên phòng của huyện Xăm Tảy. |
Trên đường tuần tra biên giới, ông May Lả lại tiếp tục nhấn mạnh rằng: “Muốn yên rừng biên giới Việt Nam thì các anh phải ngăn đối tượng đầu nậu Việt. Chính đầu nậu Việt cấu kết với một số đối tượng Lào, dụ dỗ dân Lào ở vùng giáp biên khai thác trái phép gỗ cho họ…”. Bởi vậy, dù khi gặp đường đi hết sức khó khăn, anh bạn kiểm lâm viên Mon “chùn” nhiệm vụ dẫn đường đã “nhường” lại cho Quang Văn Tuấn, chúng tôi vẫn quyết tâm vào bằng được một bản giáp biên của nước bạn để có thể tìm hiểu sâu thêm thực trạng… Bản Mông chúng tôi đến được gọi là bản Pà Khốm của huyện Xăm Tảy, nằm sâu hút phía dưới đường tuần tra, để xuống được phải men theo một con dốc đứng loằn ngoằn, ghồ ghề đất đá, có chiều dài khoảng 3 km.
Chạm chân đến bản Pà Khốm, trước khi gặp những người dân nơi đây, đã thấy ngay cái sự nghèo khó, lạc hậu. Cũng là những căn nhà thưng ván gỗ thấp dựng trên nền đất, lợp mái bằng những tấm sa mu dầu chẻ tay, đen nhánh màu thời gian như của những gia đình người Mông ở bên Nghệ An. Nhưng những căn nhà của người Mông ở Pà Khốm xộc xệch, thiếu quy củ, om om tối. Còn người dân ở đây, từ những người cao tuổi xuống đến trẻ nhỏ, dường như vẫn đang sống trong tình trạng biệt lập với thế giới bên ngoài…
Những người Mông bản Pà Khốm này làm gì để sinh sống? Sau khi nói chuyện với các già làng của bản là các ông Cha Vừ Thò, Say Cha…, phiên dịch của đoàn, Thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo thông tin: Người dân ở đây vẫn duy trì tập quán cũ lên núi phát đốt nương, rẫy, chăn thả gia súc, gia cầm, và vào rừng kiếm măng, rau, xuống khe kiếm con cá, con ốc… để sinh sống thường nhật. Nhưng nay rừng đã cạn kiệt cây gỗ. Các con suối, con khe cũng cạn kiệt nước, nên cuộc sống của người dân bản Mông Pà Khốm này hiện rất khó khăn. Thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo nói thêm: “Tôi cũng đã hỏi lâu nay có người Việt Nam sang mua bán gỗ không? Nhưng các già làng bảo lâu rồi không thấy người Việt Nam đến thu mua gỗ. Chỉ thấy đến thu mua quặng đá (thạch anh – PV)…”.
Bản Mông Pà Khốm chỉ dăm bảy chục nóc nhà, hầu hết chỉ có người già, phụ nữ và trẻ nhỏ; cánh đàn ông lực lượng lao động chính hầu như vắng. Quan sát trong bản, tại thời điểm đoàn công tác đến thăm, quả không nhận thấy việc tích trữ các loại gỗ lớn. Nhưng dù vậy, không ít hộ gia đình có ván sa mu dầu xếp lớp quanh nhà. Rừng Lào thì đã cạn, loại cây gỗ quý như pơ mu, sa mu dầu không còn. Địa giới bản Pà Khốm nằm trong khoảng từ mốc biên giới 367 đến 370. Bên phía Việt Nam, là thuộc địa bàn xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, nơi có quần thể cây di sản sa mu dầu thuộc địa bàn Tiểu khu 59 và Tiểu 60, Khu BTTN Pù Hoạt.
Từ bản Pà Khốm của huyện Xăm Tảy nước bạn Lào đi qua đường tuần tra biên giới, cũng chỉ cần vượt thêm một con dốc là sang rừng nguyên sinh Khu BTTN Pù Hoạt của Nghệ An. Bởi vậy, nhìn những lớp ván sa mu dầu vây quanh nhà một số hộ dân bản Pà Khốm, liên hệ đến số gỗ lậu ở trại gia súc, không khỏi thấy lo ngại…
Tài nguyên rừng của Việt Nam dọc biên giới Việt – Lào, thuộc Khu BTTN Pù Hoạt đang gần như nguyên sinh và rất giàu về trữ lượng gỗ, tập trung chủ yếu ở các tiểu khu rừng thuộc 2 xã Nậm Giải, Hạnh Dịch, một phần rải rác dọc theo biên giới ở 2 xã Tri Lễ, Thông Thụ của huyện Quế Phong, Nghệ An. Đặc biệt, dọc theo khu vực biên giới Việt – Lào có 2 loài cây gỗ quý hiếm là pơ mu và sa mu dầu phân bố từ đai cao 1.000m trở lên, trong đó có quần thể 56 cây sa mu dầu được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận cây di sản Việt Nam cần được bảo vệ nghiêm ngặt…