"Nghề" tắm rửa, trang điểm và chăm giữ tử thi

Thảo Huyền

Bên trong khu nhà đại thể u buồn này, các nhân viên vẫn luôn lẳng lặng dốc hết tâm sức với công việc "làm người sống an lòng, người mất thanh thản ra đi".

“Tất cả công việc, dù là trong lĩnh vực gì cũng đòi hỏi cái tâm ở người làm nghề, đặc biệt là ngành y. Mặc dù, chú không trực tiếp làm chuyên môn nhưng đã gắn bó mật thiết với bệnh viện, với ranh giới giữa sinh và tử thì lương tâm phải đặt lên hàng đầu. Đó là quan niệm của chú”, chú Nguyễn Văn Trung, bảo vệ khu Nhà vĩnh biệt, bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM cho hay.

Những con người thầm lặng ở nơi “không ai muốn vào”

Nhà vĩnh biệt, hay còn gọi là Nhà đại thể của bệnh viện Chợ Rẫy nằm im lìm trên con đường nhỏ ở quận 11, TP.HCM, tách biệt hẳn so với khuôn viên bệnh viện, cách cổng chính chừng vài trăm mét. Cũng như những nơi khác, khu nhà này bao giờ cũng toát lên vẻ lạnh lùng khó tả.

Trái ngược với nhịp sống hối hả vào một sáng đầu tuần, không khí bên trong Nhà đại thế thật khiến lòng người ta chùng xuống. Băng ghế ngoài hành lang dãy nhà có khoảng chục người ngồi, có người thậm chí đứng ngồi không yên.

Dân sinh - 'Nghề' tắm rửa, trang điểm và chăm giữ tử thi

Khung cảnh vắng lặng bên trong Nhà đại thể vào một sáng đầu tuần.

Nói về công việc của mình, chú Trung chia sẻ: “Nhà vĩnh biệt là nơi rất đau buồn, con người chẳng ai muốn vào đây, cũng không nghĩ rằng sẽ vào đây dù chỉ một lần. Nhưng, nếu chẳng may họ phải vào, nhiệm vụ của chú là tạo cảm giác yên tâm cho người nhà nạn nhân để họ nghĩ mình cũng giống như người trong nhà”.

Chú cho biết, hiện khu Nhà đại thể có 2 nhân viên bảo vệ và 5 nhân viên khoa Giải phẫu bệnh, nhưng 1 người chuẩn bị về hưu, còn lại 4 người. Mỗi ca trực kéo dài 24 tiếng, từ 7h hôm trước đến 7h hôm sau, bao gồm 1 bảo vệ và 2 nhân viên Giải phẫu bệnh, cứ thế luân phiên nhau.

Ở Nhà vĩnh biệt, bệnh viện Chợ Rẫy, bộ phận bảo vệ sẽ kiêm cả công việc giấy tờ, hướng dẫn thủ tục cho thân nhân.

Vì đa phần gia đình nạn nhân không ai muốn giám định, mổ xẻ người thân của họ nên thường dẫn đến những sự bức xúc, to tiếng. Khi ấy, các nhân viên bảo vệ phải thực sự bình tĩnh, giải thích cho thân nhân hiểu về các thủ tục và quyền lợi, khiến họ cảm thấy yên tâm.

“Tụi chú cùng chung một hướng giải quyết, đó là cố gắng làm sao để người ta cảm thấy thoải mái, tin tưởng mình.

Ví dụ, đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, chú hướng dẫn người ta cách chuẩn bị giấy tờ, làm đơn xin miễn giảm gửi đến phòng xã hội để bệnh viện hỗ trợ họ. Nói chung là, người ta càng nghèo, càng khổ, mình càng phải tận tình, kiên nhẫn, có tâm hơn”, chú Trung nói.

“Đây cũng là một công việc bình thường”

Bác sĩ Hoàng Văn Thịnh, Trưởng khoa Giải phẫu bệnh của bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Khoa Giải phẫu bệnh về cơ bản có 2 chức năng riêng biệt: Chẩn đoán bệnh cho người sống và quản lý thi hài, tìm hiểu, xác minh bệnh lý của người đã mất”.

Là nhân viên khoa Giải phẫu bệnh và làm việc ở Nhà đại thể, chú Trần Tánh, 45 tuổi, cho biết: “Bình thường công việc của nhân viên các chú là đi nhận xác từ bệnh viện, đem về bỏ vào thùng lạnh, sau đó chờ công an đến làm thủ tục pháp lý, xong xuôi thì tắm rửa sạch sẽ cho nạn nhân. Đối với những người mất không lành lặn, tụi chú kiêm luôn việc khâu hoặc bó lại giúp họ”.

Theo bác sĩ Thịnh, công việc tắm rửa cho người mất trải qua nhiều công đoạn: Từ nghiêng trái, nghiêng phải, đặt nằm ngửa, mặc đồ cho tử thi, đến chỉnh lại các bộ phận trên mặt người mất trở về trạng thái như đang ngủ.

Tiếp đến, các nhân viên sẽ chải tóc, trang điểm để những người này giữ được vẻ hồng hào trước khi giao trả cho thân nhân của họ.

Dân sinh - 'Nghề' tắm rửa, trang điểm và chăm giữ tử thi (Hình 2).

Bác sĩ Hoàng Văn Thịnh, Trưởng khoa Giải phẫu bệnh, bệnh viện Chợ Rẫy, tin tưởng nhân viên của mình đều là những người yêu nghề, đạo đức tốt và tinh thần trách nhiệm cao.

Nói về cơ duyên đến với công việc đặc biệt này, chú Tánh kể: “Trước đây, chú cũng là nhân viên bên bệnh viện. Rồi Nhà đại thể của bệnh viện thiếu người nên cử chú sang làm. Chú làm từ từ rồi quen. Thấy chú cũng hợp, người ta giữ chú ở lại làm luôn”.

Chú Tánh cho biết, khoảng thời gian đầu khi mới thử việc, chú vô cùng áp lực, về nhà không ăn nổi cơm suốt gần tháng. Ấy vậy mà, công việc này đã gắn với chú hơn 20 năm qua.

“Sau 20 năm đối mặt với sinh tử, chú làm gì cũng cẩn thận hơn. Nghĩ đến gia đình, vợ con đang đợi ở nhà, chú cũng chạy xe đàng hoàng, không dám lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu”, chú bộc bạch.

Chú Tánh cho biết, nhiều người nghe đến công việc này đều tò mò, pha lẫn chút hoài nghi, sợ sệt. Riêng bản thân chú, chú cho rằng đây cũng là một công việc bình thường và mong mọi người tôn trọng nó như bao công việc khác.

Nhắc đến nhân viên của mình, bác sĩ Thịnh cho biết: “Các nhân viên khoa Giải phẫu bệnh làm việc ở Nhà đại thể đều là những người yêu nghề, có đạo đức tốt, có trách nhiệm và tinh thần làm việc rất cao. Họ làm vì cái tâm và chấp nhận sống bằng đồng lương cơ bản. Tôi rất mừng vì chưa từng có trường hợp khiếu nại nào suốt mười mấy năm nay”.