Nghi Sơn - Thanh Hóa: Cần khắc phục các tồn tại đối với dự án nạo vét hồ thủy lợi Khe Sanh

Ngọc Anh

Dự án nạo vét lòng hồ thủy lợi Khe Sanh được chấp thuận thi công trong 5 năm nhưng thời gian gia hạn đã được đẩy lên tới hơn 8 năm. Thời gian kéo dài là vậy, tuy nhiên đến nay, người ta chưa thấy có một hiệu quả nào ngoài những bãi tập kết cát khổng lồ cùng các chuyến xe ngày đêm “cõng” cát đi tiêu thụ, gây bức xúc trong dư luận.

Có mặt tại Khe Sanh (phường Trúc Lâm, thị xã Nghi Sơn), nơi đang diễn ra hoạt động nạo vét lòng hồ và tận thu đất, cát chúng tôi có những ghi nhận về thực trạng của một dự án thi công chỉ là một công trường… khai thác cát khổng lồ với những bãi tập kết cát có khối lượng rất lớn.

Dưới lòng hồ, nước đục ngầu, chưa hề có dấu hiệu của các hạng mục nạo vét. Các biện pháp bảo vệ môi trường, thực hiện các biện pháp lắng lọc phù hợp để hạn chế bùn, sét trở về hồ gây đục nước thì gần như chưa có dấu hiệu được thi công. Đã bước vào đỉnh điểm của mùa mưa bão nhưng nhà thầu vẫn chỉ tập trung vào việc..  hút cát để đem đi tiêu thụ.

khesanh

Những bãi cát khổng lồ và thực trạng lòng hồ nhếch nhác, nước đục ngầu sau 8 năm thực hiện dự án.

Chị N.T. H. - một người dân phường Trúc Lâm cho biết: Năm 2021 thấy dự án hết hạn, chúng tôi rất mừng, tưởng được sống yên ổn vì không còn tình cảnh xe tải vận chuyển cát đi qua làng gây bụi bặm, ôn nhiễm môi trường. Nhưng không hiểu sao họ lại xin gia hạn được, và lại tiếp tục hút cát đi bán…”.

Khi PV đến tác nghiệp tại hiện trường, có một đối tượng là nam thanh niên chạy xe máy đến yêu cầu PV không được quay phim chụp ảnh và dọa đập máy điện thoại của PV. Khoảng 30 phút sau, một đối tượng khác đã đem tấm biển báo yêu cầu cấm quay phim chụp ảnh cắm vào đầu bờ đập hồ Khe Sanh (!?).

khesanh2

Biển cấm có nội dung cấm quay phim chụp ảnh được tùy tiện cắm ở bờ đập hồ Khe Sanh.

Tìm hiểu được biết, ngày 30/05/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 4389/UBND-NN về việc chấp thuận phương án cải tạo nâng cấp đường và nạo vét hồ Khe Sanh tại xã Trúc Lâm, huyện Tĩnh Gia (nay là phường Trúc Lâm, thị xã Nghi Sơn). Chủ đầu tư là Công ty TNHH xây dựng Hùng Sơn, sau đổi tên thành Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ thương mại Miền Tây Xanh (Công ty Miền Tây Xanh).

Mục tiêu của dự án là nạo vét hồ Khe Sanh để tăng khả năng trữ nước của hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước cho Khu Kinh tế Nghi Sơn; cải tạo, nâng cấp đường từ Quốc lộ 1A vào hồ, tạo điều kiện đi lại, sinh hoạt cho khu dân cư và được tận thu phế liệu đất, cát từ nạo vét lòng hồ để làm vật liệu san lấp.

Ngoài ra, trong văn bản chấp thuận dự án cũng nêu rõ: Nạo vét lòng hồ trong phạm vi từ cao trình mực nước dâng bình thường 9.5m trở xuống với diện tích 17ha, khối lượng nạo vét khoảng 1,4 triệu m3 đất, cát. Cải tạo, nâng cấp đường bê tông từ Quốc lộ 1A vào hồ dài 1,355km; dự án được thực hiện trong 5 năm từ 2014 – 2019.

Định kỳ 6 tháng và hằng năm, chủ đầu tư phải báo cáo kết quả thực hiện phương án cải tạo, nâng cấp đường vào hồ và nạo vét lòng hồ Khe Sanh với UBND tỉnh thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tuy nhiên, sau 5 năm, nhiều hạng mục gồm khối lượng công việc lớn của dự án vẫn chưa hoàn thành. Vì thế, ngày 15/01/2019, Công ty Miền Tây Xanh đã có công văn số 28/BC-CT gửi UBND tỉnh Thanh Hóa xin gia hạn lần 1 để hoàn thành mục tiêu dự án.

Ngày 25/4/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 5024/UBND-NN chấp thuận gia hạn thời gian thực hiện dự án cho Công ty Miền Tây Xanh thêm 2 năm. Cụ thể thời gian thực hiện dự án nạo vét cải tạo lòng hồ khe Sanh được kéo giãn đến ngày 30/5/2021.

khesanh3

Công văn chấp thuận và công văn gia hạn lần 1 đối với dự án nạo vét và cải tạo lòng hồ Khe Sanh.

Đồng thời, trong lần gia hạn này, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng  yêu cầu Công ty Miền Tây Xanh phối hợp với công ty TNHH MTV Sông Chu và UBND huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) thực hiện tiến độ thi công cho phần việc còn lại, đảm bảo an toàn hồ chứa, chất lượng nước phục vụ sản xuất; tổ chức thi công, khắc phục các tồn tại trong quá trình thực hiện phương án.

Cụ thể phải: Tổ chức nạo vét phần lòng hồ phía hữu, tạo mái xung quanh lòng hồ và tạo mặt bằng khu vực nạo vét; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt và có biện pháp lắng lọc phù hợp để hạn chế bùn, sét trở về hồ gây đục nước và ảnh hưởng chất lượng nước. Hoàn thiện hồ sơ pháp lý quản lý chất lượng, báo cáo giám môi trường trong quá trình thi công theo quy định; yêu cầu công ty TNHH MTV Sông Chu và UBND huyện Tĩnh Gia phối hợp hướng dẫn đơn vị thi công thực hiện phương án đảm bảo an toàn công trình, phục vụ sản xuất.

Thế nhưng sau 2 năm gia hạn, nhiều khối lượng công việc của dự án vẫn chưa thực hiện xong mà chỉ thấy những bãi cát khổng lồ mọc lên bên cạnh lòng hồ.

Ngày 27/4/2021 Công ty Miền Tây Xanh tiếp tục có Tờ trình 06/BC-CT và Văn bản số 18/VB-CT ngày 21/5/2021 gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, đề nghị tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện nạo vét lòng hồ Khe Sanh.

Ngày 05/7/2021, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản số 9636/UBND-NN về việc gia hạn thời gian thực hiện dự án cho Công ty Miền Tây Xanh đến ngày 31/12/2022.

Sau khi tiếp tục được gia hạn, ngày 9/7/2021, Công ty Miền Tây Xanh đã ký hợp đồng ủy quyền thi công cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Tư vấn Bắc Nam tiếp tục thực hiện thi công dự án.

Như vậy qua 2 lần gia hạn, dự án nạo vét và cải tạo lòng hồ thủy lợi khe Sanh từ thời hạn ban đầu là 5 năm đã được kéo giãn tới 8 năm rưỡi nhưng hiệu quả mà dự án đem lại chưa được đánh giá cụ thể.

Trao đổi qua điện thoại với ông Hoàng Bá Trung - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Nghi Sơn về những vấn đề trên thì ông cho biết: Dự án này chủ yếu chỉ là nạo vét tận thu làm sâu lòng hồ để tích trữ nước. Hiện tại dự án đang còn thời gian cho phép khai thác tận thu. Theo đề án thỉnh thoảng anh em vẫn tới kiểm tra.Về khối lượng múc càng sâu thì tích trữ càng nhiều nước…”.

Trên thực tế, các hồ thủy lợi đều có một sức chứa nước nhất định, căn cứ theo sức chứa của hồ để thiết kế và xây dựng đập ngăn nước có sức tải phù hợp. Dự án nạo vét hồ khe Sanh đã quy định rõ: Nạo vét lòng hồ trong phạm vi từ cao trình mực nước dâng bình thường 9.5m trở xuống. Nếu theo cách trả lời của ông Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thì an toàn hồ đập dựa vào đâu, khối lượng đất cát tận thu sẽ kiểm soát như thế nào?

Thực trạng của Dự án nạo vét hồ Khe Xanh đang được dư luận đặt ra câu hỏi về sự minh bạch cũng như năng lực của nhà thầu. Bên cạnh đó, trách nhiệm của các đơn vị quản lý, giám sát như thế nào cũng là những câu hỏi cần được các cơ quan chức năng làm rõ!

Chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc.