Nghi Sơn – Thanh Hóa: Nhiều sai phạm không được khắc phục tại Dự án nạo vét hồ Khe Sanh

Ngọc Anh

Ngày 19/7, Tạp chí Đời sống và Pháp luật có đăng tải bài viết: “Nghi Sơn - Thanh Hóa: Cần khắc phục các tồn tại đối với dự án nạo vét hồ thủy lợi Khe Sanh”. Tìm hiểu thêm được biết, ngoài sự kéo dài thời gian thi công thì tại Dự án này còn nhiều sai phạm, đã được nhiều cơ quan nêu ra nhưng không được đơn vị thi công khắc phục. Hiện dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi về tính minh bạch, năng lực của nhà thầu cũng như trách nhiệm của các đơn vị quản lý, giám sát.

Hồ Khe Sanh có vai trò chủ động tưới tiêu cho hơn 80 ha đất sản xuất nông nghiệp của phường Trúc Lâm và khu vực lân cận thuộc địa bàn thị xã Nghi Sơn. Được biết, ngày 22/7/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành Quyết định số 2538/QĐ-UBND về việc phê duyệt Phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp hồ chứa nước Khe Sanh.

Trước đó, ngày 30/5/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa Chính thức chấp thuận phương án cải tạo nâng cấp đường và nạo vét hồ Khe Sanh nhằm tăng khả năng trữ nước của hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước cho khu kinh tế Nghi Sơn

Thế nhưng thực trạng ì ạch về tiến độ và các các vấn đề môi trường, việc kiểm soát khối lượng đất cát được tận thu trong quá trình thi công dự án nạo vét lòng hồ Khe Sanh đang là vấn đề dược dư luận quan tâm.

Trước thực trạng trên, chúng tôi đã đặt lịch làm việc với UBND xã Trúc lâm về công tác kiểm tra, giám sát của chính quyền sở tại nhưng đã bị ông Đỗ Văn Hưng - Chủ tịch phường gây khó dễ. Trước đó, trong quá trình tác nghiệp, phóng viên (PV) cũng liên tục bị các đối tượng trong khu vực Dự án Khe Sanh dọa nạt, ngăn cấm, cản trở việc tác nghiệp. Thậm chí liên quan đến việc tác nghiệp tại hồ khe sanh, PV còn bị các đối tượng lợi dụng mạng Facebook vu khống, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm. Hiện PV đã trình báo sự việc với cơ quan Công an thị xã Nghi sơn vào cuộc xác minh làm rõ.

picture1

Các đối tượng ngăn cản PV tác nghiệp và cắm biển cấm trái quy định

 

Tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND phường Trúc Lâm, trên cơ sở các tài liệu mà UB phường cung cấp cho thấy nhiều vi phạm còn tồn tại trong quá trình thực hiện dự án, nhất là tình trạng khai thác đấtt trái phép ngoài vị trí thực hiện dự án.

Tại công văn số 342/UBND - TNMT về việc kiểm tra chấn chính việc thực hiện phương án thi công nạo vét và tận thu khoáng sản tại hồ Khe Sanh của UBND thị xã Nghi Sơn đã chỉ rõ: Việc thực hiện thi công nạo vét hiện nay không còn là mục tiêu cho nhu cầu phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp tại địa phương mà còn có chiều hướng phát sinh nhiều vi phạm về đất đai, tài nguyên khoáng sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản trên địa bàn phường Trúc Lâm. Tại công văn này, UB thị xã cũng yêu cầu chủ đầu tư khắc phục, chấn chỉnh các vi phạm, nếu không sẽ đề nghị các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh chấm dứt việc chấp thuận phương án nạo vét lòng hồ và tận thu phế liệu đất, cát từ dự án.

picture2

Nhiều vi phạm tại dự án nao vét lòng hồ Khe Sanh được chỉ rõ và yêu cầu khắc phục nhưng chủ đầu tư dự án vẫn phớt lờ mọi chỉ đạo và tập trung vào việc đào đất và hút cát

 

Văn bản đề xuất là vậy tuy nhiên không hiểu sao hoạt động này vẫn ngang nhiên tồn tại. Cụ thể, tại biên bản kiểm tra ngày 21/6/2022 của UBND phường Trúc Lâm thể hiện: Hiện tại Công ty khai thác mỏ Tĩnh Gia đã hết thời hạn thi công nhưng vẫn vận chuyển đất cát ra ngoài và còn múc sâu hơn cốt tự nhiên.

Ngày 28/01/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có văn bản số 397/SNN&PTNT-TL về việc báo cáo tình hình thực hiện một số phương án nạo vét lòng hồ chứa trên địa bàn tỉnh (có Dự án nạo vét hồ Khe Sanh) với nội dung: Qua kiểm tra có 01 tàu đang hoạt động nạo vét; khối lượng thực hiện đến thời điểm báo cáo (ngày 05/12/2021) khoảng 1,052 triệu m; có 02 bãi không có trong phương án thiết kế.

Bên cạnh đó, các bể lắng, lọc tại các bãi thải hiện bị hư hỏng, không đảm bảo lắng, lọc nước trước khi về hồ; bờ hồ phía thượng lưu bên hữu, một số vị trí có mái dốc gần như thẳng đứng và có dấu hiệu sạt, trượt; kiểm tra các mốc, phao tiêu giới hạn phạm vi nạo vét lòng hồ và bảo vệ đập, hiện các mốc phao tiêu phạm vi bảo vệ đập cơ bản đầy đủ, mốc vùng lòng hồ có 05 mốc bị mất. Chưa kê khai, nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với khối lượng khoáng sản thu hồi theo quy định.

Đến ngày 21/7/2022 (6 tháng sau), sau nhiều vi phạm không được khắc phục, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục có Công văn số 2912/SNN&PTNT-TL báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện phương án nạo nạo vét lòng hồ Khe Sanh. Cụ thể: Đến thời điểm kiểm tra, khối lượng thực hiện phương án khoảng 1,053 triệu m³/1,4 triệu m³.

Một câu hỏi được đặt ra ở đây là: Trong vòng 6 tháng “chạy tiến độ”, khối lượng cát tận thu chỉ tăng thêm 1000m3. Tính theo tiến độ này thì cát đâu để công ty tập kết liên tục tại 4 bãi với khối lượng hàng nghìn m3 tại mỗi bãi trong cả một thời gian dài, chưa kể xe vận chuyển cát đi tiêu thụ chạy liên tục hàng chục chuyến mỗi ngày trong suốt 8 năm qua?

Một người dân phường Trúc Lâm cho biết: “Mỗi ngày có hàng mấy chục chuyến xe “hổ vồ” chạy rầm rầm suốt ngày đêm. Không rõ cát ở đâu mà họ chở lắm thế. Bảy tám năm nay cứ liên tục như vậy, còn người dân thì suốt ngày hứng chịu bụi bặm!”

picture3

Cách đây chỉ hơn 1 tháng, từng đoàn xe “hổ vồ” cơi nới thành thùng vào dự án “cõng” cát đi tiêu thụ mỗi ngày

 

Về kế hoạch thi công, theo phương án được phê duyệt, Công ty Bắc Nam sẽ phải thực hiện nạo vét gần 400.000m3 nữa trong vòng 5 tháng để hoàn thành dự án theo đúng thời gian gia hạn cùng với hàng loạt các hạng mục phải thực hiện như: Chưa hoàn thiện việc tạo mái xung quanh lòng hồ, san gạt, hoàn trả mặt bằng; biện pháp lắng lọc chưa đầy đủ, một số vị trí thiếu lưới lọc; thiếu hồ sơ quản lý chất lượng tại hiện trường. Với số lượng công việc trên thì liệu đến cuối tháng 12, nhà thầu có hoàn thiện dự án hay lại xin gia hạn để… tận thu cho hết khối lượng đất cát?

Trong khi đó, Cùng ngày 21/7/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục có Công văn số 2909/SNN&PTNT-TL yêu cầu chủ đầu tư không thi công nạo vét trong mùa mưa lũ năm 2022 (cụ thể từ ngày 01/7/2022 đến 30/11/2022).  Tập trung thực hiện các phần việc đã cam kết, gồm: Bạt mái taluy xung quanh lòng hồ (xong trước ngày 15/8/2022); khắc phục các tồn tại, hoàn trả mặt bằng, hoàn thiện hồ sơ quản lý chất lượng để bàn giao cho các đơn vị liên quan (xong trước ngày 31/12/2022).

Cũng tại công văn số 2912/SNN&PTNT-TL Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hiện chủ đầu tư dự án chưa kê khai nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với khối lượng khoáng sản thu hồi theo quy định. Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa có cơ sở để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.

Những vi phạm kéo dài cũng như việc chậm tiến độ tại Dự án nạo vét lòng hồ Khe Sanh cần được xem xét xử lý một cách dứt điểm nhằm đảm bảo sự minh bạch của dự án, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản và đảm bảo an toàn hồ đập phục vụ lợi ích cộng đồng.

Lâm Ngọc