Không lơ là, chủ quan
Đánh giá về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội thời gian gần đây, trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, hiện nay số ca bệnh tại Hà Nội đang tăng cao do thực hiện truy vết và xét nghiệm. Hà Nội vẫn đang đáp ứng được công tác điều trị. Tuy nhiên, nếu không có các biện pháp mạnh làm giảm nguy cơ lây nhiễm thì sẽ gây quá tải hệ thống y tế, kéo theo tỉ lệ tử vong tăng.
Ông Phu cũng cho rằng, các biện pháp kiểm soát dịch hiện nay cần quyết liệt hơn. Ông lấy ví dụ về việc người dân ra ngoài không đeo khẩu trang, tụ tập. “Nếu như trước đây là cơ quan chức năng sẽ xử phạt ngay, nhưng hiện nay thìkhông. Cơ quan chức năng ít nhắc nhở, thiếu quyết liệt”, ông Phu nói.
Từ đó, vị chuyên gia này cho rằng, Hà Nội nên quyết liệt hơn trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch.
Ông Phu đánh giá, từ nay đến Tết Hà Nội cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa, bởi Hà Nội đang có nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Ông Phu nhấn mạnh: “Sẽ rất nguy hiểm nếu như không làm quyết liệt thì số ca bệnh sẽ tăng quá cao, như vậy Hà Nội sẽ rơi vào tình thế “vỡ trận dự phòng, vỡ trận điều trị”, dẫn đến tỉ lệ tử vong tăng”.
Vị chuyên gia này cũng liên tục nhắc lại: “Tôi đã phát biểu rất nhiều lần là không nên nghĩ tiêm vắc-xin nhiều là an toàn, tiêm vắc-xin không có nghĩa là tránh được nhiễm bệnh và tử vong, có những trường hợp tiêm đủ 2 mũi nhưng vẫn có nguy cơ trở nặng. Vì thế, không được lơ là, chủ quan”.
Tránh tình trạng “quá tải ảo”
Về kiểm soát tình hình thời gian tới khi số ca mắc tại Hà Nội vẫn tăng, ông Phu cho rằng cần xây dựng kịch bản đánh giá nguy cơ của từng xã, phường, quận, huyện, thậm chí là của tổ dân phố, thôn, xóm với phương châm “Nguy cơ đến đâu thì đáp ứng tới đó”.
“Theo tôi, Hà Nội nên cân nhắc việc cấm, hạn chế hoạt động gì, điều kiện tổ chức sự kiện ra sao để có phương án an toàn, nhất là khi Tết đang đến gần”, ông Phu nói.
Bên cạnh đó, theo ông Phu cũng cần tăng cường tuyên truyền cho người dân thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Hà Nội cũng cần đẩy nhanh tiêm mũi 3, tiêm nhắc lại cho người thuộc nhóm nguy cơ, đặc biệt là người già, những người mắc bệnh lý nền và suy giảm miễn dịch.
Thành phố cũng cần nhanh chóng kiện toàn hệ thống y tế cơ sở bằng việc thiết lập thêm các trạm y tế lưu động, tăng cường vật tư thiết yếu, vận động thêm nhân lực sinh viên trường y hoặc cán bộ y tế đã về hưu tham gia chống dịch…
Ngoài ra, Hà Nội cũng nên cân nhắc thành lập mạng lưới thầy thuốc đồng hành, có thể huy động cán bộ y tế đang công tác trên địa bàn cùng tham gia tư vấn cho người dân, tiếp cận F0 sớm giúp họ ổn định tâm lý, an tâm điều trị.
“F0 không triệu chứng, thể nhẹ điều trị tại nhà cần có cán bộ y tế kịp thời hướng dẫn để F0 và người nhà F0 không hoang mang, lo lắng mà an tâm điều trị”, ông Phu cho hay.
Ông Phu cũng cho rằng việc phân tầng điều trị chính xác là yếu tố quan trọng giúp tránh tình trạng “quá tải ảo”. “Có nghĩa bệnh nhân không triệu chứng, chưa cần vào viện thì lại vào viện và ngược lại, những bệnh nhân nặng cần can thiệp y tế lại không có chỗ điều trị”, ông Phu nói.
Liên quan đến việc người dân sắp được nghỉ Tết Dương lịch, nhu cầu di chuyển, đi lại về các địa phương cũng sẽ tăng cao. Ông Phu cho biết, người dân cần thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tham khảo quy định phòng dịch tại các địa phương khi chuẩn bị di chuyển về.
“Tôi vẫn giữ nguyên khuyến cáo, hạn chế di chuyển, tập trung đông người khi không có việc thật sự cần thiết. Như vậy sẽ giúp bảo vệ an toàn cho bạn và gia đình bạn”, ông Phu nói thêm.
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc mới từ 18h ngày 26/12 đến 18h ngày 27/12 Hà Nội ghi nhận 1.948 ca bệnh trong đó tại cộng đồng ghi nhận 658 ca; tại khu cách ly ghi nhận 1.113 ca; tại khu phong tỏa ghi nhận 177 ca.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch lần thứ 4 (từ ngày 29/4/2021) là 41.357 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 14.991 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 26.366 ca.