Vượt lên khó khăn, vẹn nguyên tâm đức người thầy
CĐN Công nghệ cao Hà Nội (HHT) được “khai sinh” vào năm 2010, với ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Thầy Phạm Xuân Khánh khi ấy đang là Trưởng khoa Điện tử của Đại học Công nghiệp Hà Nội, đã được UBND TP Hà Nội bổ nhiệm giữ chức Hiệu trưởng HHT từ đó đến nay.
Dẫn dắt một ngôi trường đạo tạo nghề giữa lúc lĩnh vực đào tạo đại học chính quy trong nước và du học nước ngoài đang phát triển mạnh mẽ. Biến những khó khăn thành động lực để phát triển, đòi hỏi sự tâm huyết, ngọn lửa đam mê với nghề của những người thầy, người cô, đặc biệt là của thầy hiệu trưởng - người dẫn dắt, chèo lái cả một con thuyền lênh đên giữa biển khơi.
NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng HHT vinh dự được đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ.
Được theo dõi và chứng kiến những ngày đầu gian nan vất vả của đội ngũ thầy cô giáo Trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội mới thực sự nể phục nghị lực và ý chí của “người cầm lái con tàu HHT” Phạm Xuân Khánh. Đất đai sẵn có nhưng lại nằm ở vị trí hẻo lánh, giao thông không thuận lợi, cơ sở trường lớp đang xây dựng ngổn ngang, học sinh rất ít, nguồn tuyển khó khăn bởi cơ chế chính sách ở nhiều địa phương khi đó còn coi trọng bằng cấp đại học, không tuyển dụng nhân lực hệ cao đẳng giáo dục nghề nghiệp.
Trong khi đó, hệ thống giáo dục đại học lại “mở rộng cửa” đón nhận học sinh sau tốt nghiệp THPT. Chính điều này đã tác động tới tư duy của các bậc phụ huynh, họ mong muốn con em họ được học đại học để có tương lai và sang chảnh hơn lựa chọn học giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên vừa thiếu, vừa khó thu hút do thu nhập thấp nên tâm lý các thầy cô chán nản. Khó khăn chồng chất khó khăn.
Làm thế nào để con tàu chất lượng cao ra khơi? Đó là câu hỏi “thuyền trưởng” Phạm Xuân Khánh trăn trở đặt ra cho chính mình. Muốn có trò giỏi, phải có thầy cô giỏi, muốn “con tàu” vươn xa phải có những máy cái tốt. Và ông đã chọn hướng đi bắt đầu từ đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ giáo viên, những người sẽ cùng ông vận hành “con tàu chất lượng”.
NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh chụp ảnh lưu niệm cùng một số cán bộ, giảng viên
Cũng vì thế những ngày đầu, dù trong điều kiện thiếu thốn trăm bề nhưng ban lãnh đạo nhà trường vẫn tập trung cho công tác tuyển dụng, đào tạo xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên trẻ năng động, sáng tạo, cùng tâm huyết đi tới mục tiêu xây dựng nhà trường theo mô hình đào tạo chất lượng cao. Bài toán chất lượng cao bắt đầu được giải từ đây.
Hoa trong nghịch cảnh là bông hoa đẹp nhất
Bên cạnh những khó khăn, HHT cũng may mắn có được sự quan tâm của Tổng cục GDNN và đặc biệt là của UBND TP Hà Nội. Những năm gần đây các trường thuộc hệ thống GDNN đã được nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở trường lớp, mua sắm trang thiết bị, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, chuyển giao công nghệ chương trình giáo trình quốc tế một số nghề trọng điểm.
Sinh viên HHT được học tập trên nền tảng cơ sở vật chất hiện đại.
Nắm bắt cơ hội, chủ động, linh hoạt với những hướng đi “bứt phá”, TS. Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng nhà trường cùng tập thể đội ngũ, cán bộ, giáo viên đã đẩy “con thuyền HHT” từng bước vươn xa với số lượng học sinh, sinh viên theo học ngày càng đông, tỷ lệ vào trường năm sau cao hơn năm trước. Hiện nay, nhà trường đang đào tạo trên 5.000 học sinh, sinh viên ở các hệ Cao đẳng, Trung cấp và hệ 9+ với trên 30 nghề đào tạo.
Phát biểu trong buổi lễ khai giảng năm học 2020-2021, thầy Xuân Khánh khẳng định: "Năm 2020, là năm vô cùng khó khăn, thách thức! Thế giới đã và đang trải qua những biến đổi to lớn, trong đó có chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0, các vấn đề an ninh phi truyền thống, dịch bệnh. Nhiều ngành sản xuất, nhiều phương thức sản xuất bị được thay thế, lao động bị đào thải và những ngành nghề mới, phương thức mới, việc làm mới ra đời.
Những tác động từ đại dịch khiến tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam cao nhất trong 10 năm, trong đó tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất ở nhóm lao động trình độ chuyên môn thấp, có 30,8 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh, trong đó 1,2 triệu lao động mất việc, tỉ lệ thất nghiệp trên cả nước vẫn tiếp tục gia tăng. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm giảm sâu kỷ lục trong 10 năm qua. Thu nhập bình quân tháng của lao động giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm qua.
Tuy nhiên, vượt qua mọi khó khăn, đội ngũ cán bộ giáo viên, viên chức nhà trường đã mang hết tâm huyết và khả năng của mình với nhiều giải pháp hay, cách làm sáng tạo, thắp sáng những ước mơ lập nghiệp cho thế hệ trẻ, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của nhà trường trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực cho khu kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước với nhiều thành tích rất đáng ghi nhận về cả số lượng và chất lượng"
Để nâng cao chất lượng đào tạo, bên cạnh nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, giáo viên thì hợp tác quốc tế là con đường ngắn nhất để đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý của nhà trường nâng tầm chất lượng. Dấu ấn của HHT chính là chủ động hợp tác với quốc tế và hợp tác với doanh nghiệp trong linh hoạt xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; đưa sinh viên đến học, thực tập tại doanh nghiệp, khai thác cơ sở vật chất thiết bị các doanh nghiệp; đào tạo theo phương thức chuyển giao công nghệ đạt chuẩn quốc tế ở một số nghề: Công nghệ ô tô, Cơ khí, Điện- Điện tử, Chăm sóc sắc đẹp… hợp tác với các tổ chức quốc tế như Australia, Đức, Hàn Quốc… để đào tạo, công nhận, cấp văn bằng, chứng chỉ kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho sinh viên.
NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh cùng các em sinh viên đạt thành tích xuất sắc tại Kỳ thi kỹ năng nghề Quốc gia năm 2020
Với hướng đi này, HHT đã tạo nên giá trị thương hiệu, có tầm ảnh hưởng hấp dẫn thị trường lao động, chất lượng đào tạo được khẳng định qua các chương trình ký kết đào tạo theo “Đơn đặt hàng” từ phía doanh nghiệp trong và ngoài nước. Điển hình là chương trình đào tạo 800 sinh viên cho Tập đoàn Hanwha- một trong 7 Tập đoàn kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc, đào tạo 1.000 sinh viên cho các Tập đoàn AGRIMECO, PMC, HOMECARE…
Trong giải pháp phát triển của nhà trường, HHT là đơn vị duy nhất có 100% sinh viên đến lớp có giáo trình riêng của nhà trường do nhà trường biên soạn, cán bộ giáo viên có nhiều đề tài nghiên cứu vừa học kết hợp với thực hành, kết hợp với nghiên cứu, kết hợp với sản xuất làm ra sản phẩm và kết hợp thương mại hóa sản phẩm.
Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, Nhà trường đã có Bản cam kết“ Giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp”. Theo đó, Nhà trường cam kết 100% sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra (đảm bảo kiến thức, kỹ năng và thái độ theo yêu cầu của chương trình đào tạo), sẽ được nhà trường giải quyết việc làm trong và ngoài nước với mức thu nhập từ 5.000.000- 15.000.000 đồng/ 1 tháng. Cam kết này được cụ thể hóa bằng Hợp đồng đào tạo khi sinh viên nhập học, trong đó có sự ký kết giữa nhà trường, gia đình và sinh viên.
Con tàu vững tin vươn xa biển lớn
Hiện nay, HHT đã và đang thu hút được nhiều Doanh nghiệp Quốc tế phối hợp xây dựng mô hình hoạt động hiệu quả như: Công ty Proaim ( Nhật Bản) cùng khoa Điện- Điện tử xây dựng Trung tâm Nghiên cứu năng lượng tái tạo, vừa sản xuất điện năng lượng mặt trời phục vụ cho công tác đào tạo, vừa nghiên cứu phát triển năng lượng sạch; Tập đoàn Wasserkabel- CHLB Đức tài trợ cho Nhà trường hệ thống điều hòa không khí để sinh viên được học tập công nghệ điều hòa nhiệt độ mới của Đức với nhiều doanh nghiệp; Hợp tác tổ chức Skill International- New Zealand trong chương trình nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm chất lượng và công nhận văn bằng chứng chỉ. Sinh viên sau khi ra trường được Skill International- New Zealand công nhận kỹ năng và có thể đi làm việc tại New Zealand.
HHT ký kêt thỏa thuận với 6 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài về đào tạo, tuyển dụng.
HHT hợp tác với Tập đoàn AVESTOS và Trung tâm đào tạo nghề Công nghệ cao BTZ- Đức trong chương trình đào tạo nguồn nhân lực lành nghề, kỹ thuật cao theo tiêu chuẩn Châu Âu đáp ứng yêu cầu của Đề án xây dựng Nhà trường trở thành trường chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế. Ngoài ra, Tập đoàn AVESTOS sẽ đào tạo cho 20 cán bộ giáo viên của trường áp dụng mô hình đào tạo nghề của Đức.
Trường được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lựa chọn 8 nghề đầu tư trọng điểm cấp độ Quốc tế. Trong đó, tổ chức triển khai đào tạo thí điểm 3 nghề theo chương trình chuyển giao từ Úc gồm Cơ điện tử, Điện công nghiệp, Thiết kế đồ họa và nghề Công nghệ ô tô theo chương trình của Cộng hòa Liên bang Đức. Cùng đó, nhiều doanh nghiệp và các hãng của Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng đầu tư và chuyển giao công nghệ trong nghề tóc, nghề làm đẹp…
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúc các thầy cô trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành công. Kính mong các thầy, cô giáo sẽ luôn yêu nghề, giữ vững niềm tin, luôn có được niềm tin yêu từ học sinh, nỗ lực không ngừng để đào tạo ra ngày càng nhiều thế hệ học trò giỏi, tay nghề cao cho xã hội, xứng đáng với sự tin yêu, kỳ vọng của các thế hệ học trò, những chủ nhân tương lai của đất nước Việt Nam
Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, dưới sự “chèo lái” của “thuyền trưởng” Phạm Xuân Khánh, HHT đã giành được nhiều thành tích nổi bật: • 1 Huân chương Lao động hạng Hai; Có hàng trăm SV giành huy chương, chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc tại các kỳ thi Kỹ năng nghề cấp thành phố, cấp quốc gia và khu vực và thế giới cụ thể: • Qua 4 lần tham dự Hội thi tay nghề ASEAN, các sinh viên Nhà trường đã giành 5 HCV, 1 HCB, 5 HCĐ; 3 Chứng chỉ Kỹ năng nghề xuất sắc Thế giới. |