Bức ảnh ám ảnh
Thông tin rừng già nguyên sinh tiểu khu 144 ở Cắm Muộn bị xâm hại ập đến với tôi giữa đêm khuya của một ngày tháng 8/2019. Người báo tin giọng thoảng thốt: Có hàng chục cây rừng bị chặt hạ. Con số này có thể tăng thêm vì chưa thể kiểm tra hết… xã Cắm Muộn và kiểm lâm địa bàn truy bắt được lâm tặc, nhưng rừng bị phá nhiều quá… Xác minh nhanh, quả có sự việc này. Các lâm tặc đều là người mạn Hữu Khuông, Yên Tĩnh, là hai xã của huyện Tương Dương, bị bắt khi đang thực hiện các hành vi đốn hạ, cưa xẻ 3 cây gỗ trong vùng rừng tự nhiên giáp ranh với huyện Tương Dương do xã Cắm Muộn chịu trách nhiệm quản lý.
Ngược Quế Phong vào vùng đất “vàng vui” Cắm Muộn, trời đổ mưa dữ dội. Bởi cung đường vào khu vực này hết sức khó khăn, phải đi bộ với địa hình có nhiều dốc núi cao, qua lắm khe suối, thời tiết thuận lợi cũng phải mất đến 5h đồng hồ, vì vậy ý định vào vùng rừng bị xâm hại của chúng tôi bất thành. Đành vào trụ sở UBND xã Cắm Muộn để nắm bắt thông tin.
Tại đây, dù bắt được trọn ổ 8 lâm tặc nhưng trên nét mặt của các cán bộ xã Cắm Muộn đầy vẻ ưu tư. Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn Lữ Thanh Bình kể chi tiết việc lập kế hoạch cùng kiểm lâm địa bàn vây bắt lâm tặc ngày 22/7/2019 gồm 3 nhóm, 8 đối tượng khai thác gỗ trái phép tại tiểu khu 144, thu giữ hai khẩu súng tự chế, 13 gói nhỏ ma túy, 4 chiếc cưa xăng, và 3 cây gỗ dổi, de, quế lợn đã xẻ thành tấm với khối lượng hơn 1,6m3. Việc, lãnh đạo UBND huyện chỉ đạo các lực lượng trên địa bàn phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh mở rộng kiểm tra, khám nghiệm toàn bộ tiểu khu 144. Qua khám nghiệm, xác định có 68 cây gỗ (42 cây bị chặt mới) bị cắt hạ lấy gỗ, hiện trường còn 191 tấm gỗ nằm rải rác tại 13 vị trí… Lực lượng chức năng cũng cho biết, qua khám nghiệm hiện trường cho thấy số cây gỗ bị cắt hạ xẻ phiến được chuyển theo các tuyến đường rừng về cả hai phía xã Cắm Muộn và xã Yên Tĩnh (Tương Dương). Trong đó, những phiến gỗ đã khoét lòng được kéo về hướng xã Cắm Muộn…
Bởi việc vào rừng là không thể, vậy nên sau khi ghi chép thông tin, chúng tôi đề nghị tập hợp giúp tư liệu, hình ảnh của các đoàn công tác bắt lâm tặc và kiểm tra hiện trường vùng rừng bị phá. Ít ngày sau, những người tham gia các đoàn công tác đã cung cấp khá nhiều hình ảnh như cảnh bắt lâm tặc, cận cảnh những gốc cây gỗ bị cắt hạ, những phiến gỗ… Trong số này, có một bức ảnh khiến chúng tôi đặc biệt lưu tâm. Đó là bức ảnh một chuỗi nhiều phiến gỗ lớn, đã khoét rỗng lòng trông giống như những “chiếc thuyền độc mộc” trong rừng già.
Đã nhiều lần đến vùng đất “vàng vui” Cắm Muộn, tôi biết mỗi “chiếc thuyền độc mộc” này là một nửa cỗ hậu sự mà đồng bào Thái sử dụng cho người thân khi họ về với tổ tiên ông bà. Thực trạng phá rừng có một phần vì nhu cầu bức thiết của người dân vùng núi…
Xem dân bản cắm tích trữ "hóm"
Biết Phó Hạt Kiểm lâm Quế Phong, anh Nguyễn Tiến Hùng là người liên tục tham gia các chuyến khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng ở Cắm Muộn, tôi đã nói ra những suy nghĩ của mình về bức ảnh. Và hỏi về giải pháp bảo vệ rừng từ những thực tế đã thấy, để vừa giữ yên rừng vừa giúp cho người dân tránh được bị xử phạt hoặc phải vào tù do có hành vi vi phạm pháp luật.
Nghe trao đổi, Phó Hạt Kiểm lâm Quế Phong cũng nhận định bức ảnh là một minh chứng “sống động” về tình trạng phá rừng có một phần nguyên nhân vì người dân cần gỗ phục vụ nhu cầu thiết yếu của họ. Nguyễn Tiến Hùng tâm tư, đồng bào miền xuôi khi người thân qua đời, dẫu hoàn cảnh có thế nào đi nữa thì cũng sẽ sắm sanh cho được cỗ hậu sự. Vậy thì người dân vùng núi, khi bố mẹ họ qua đời thì cũng có mong muốn tương tự. Nhưng cuộc sống của họ còn đầy rẫy những khó khăn, thế nên vì sống cạnh rừng, đã vào rừng khai thác gỗ trái phép…
Anh Nguyễn Tiến Hùng trao đổi: “Đây là việc mà những người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Quế Phong hết sức đau đầu. Trường hợp phát hiện hành vi phá rừng lấy gỗ với mục đích thương mại thì rất dễ xử lý. Nhưng có không ít những vụ việc người dân vi phạm vì nhu cầu thiết yếu, khiến chúng tôi rất phân vân, trăn trở. Vi phạm pháp luật thì dù gì đi nữa cũng phải xử lý theo quy định. Nhưng quá trình xử lý người dân vì lý do như vậy, trong lòng anh em không tránh khỏi có những xót xa…” . Và anh đề nghị: Ở các bản làng vùng đệm, rất dễ bắt gặp việc đồng bào tích trữ những cỗ hậu sự trong nhà. Nếu được, báo chí nên quan tâm tìm hiểu đời sống, văn hóa của đồng bào để có thể từ đó về những nhu cầu bức thiết của người dân; hoặc thông qua thực tế, gợi ý những giải pháp phù hợp giúp cho địa phương, cho các lực lượng bảo vệ rừng… Nhận lời Phó Hạt Kiểm lâm Quế Phong, đầu tháng 9/2019, tôi trở lại Cắm Muộn.
Các bản của xã Cắm Muộn hầu hết nằm bên khe Cắm, hai bên đều là lèn đá cao chót vót. Đó là các bản Pà Pạt, Đôn Phạt, Tùng Chảy, Phiếng Đống, Phiếng Món, Cắm Cáng, Cắm Nọc, Cắm Póm, Na Chò, Phiếng Cắm, Mòng, Huôi Máy… Nơi chúng tôi lựa chọn đến là vùng 3 bản Cắm, gồm các bản Cắm Nọc, Cắm Póm, và Cắm Cáng. Sở dĩ có lựa chọn này bởi đây là trung tâm của Cắm Muộn, cũng là nơi tôi đã vài lần đến và lưu lại.
Ở 3 bản Cắm, người dân đều sống trong những ngôi nhà sàn gỗ. Và hầu hết dưới những ngôi nhà sàn, đều có tích trữ gỗ phiến và những “chiếc thuyền độc mộc”. Những “chiếc thuyền độc mộc” này có chiều dài khoảng 2,2m đến 2,5m, chiều rộng khoảng trên 0,7m. Đầu của mỗi “chiếc thuyền độc mộc” đều có một cái mấu dài hơn 20cm đục lỗ, người dân gọi đấy là cái “bện”, dùng buộc dây để cho trâu, hoặc người kéo ở điểm khai thác về nhà. Người dân 3 bản Cắm rất cảnh giác khi thấy người lạ quan tâm đến gỗ, và thái độ của họ tỏ rõ sự thiếu thiện cảm. Họ từ chối trò chuyện giao tiếp, lảng đi, hoặc thậm chí có những lời lẽ không mấy dễ nghe…
Tìm gặp một người già ở bản Cắm Nọc nói về nguyên nhân của chuyến thực tế 3 bản Cắm, chúng tôi được ông Lô Văn Thi (63 tuổi, ở bản Cắm Nọc) thông cảm, tiếp chuyện. Ông Thi cho biết, ở 3 bản Cắm, hầu hết các gia đình đều tích trữ “áo bảo hiểm con người”, hay cách gọi khác là hóm (hòm, cỗ hậu sự – PV). Theo tập tục của đồng bào Thái ở Cắm Muộn trước đây, khi có người thân qua đời thì để trong nhà 6 ngày, nay thì rút xuống còn 3 hoặc 4 ngày, sau đó mới tổ chức mai táng. Chính vì vậy, không thể sử dụng những tấm ván mỏng như đồng bào Kinh ở miền xuôi, mà phải dùng cây gỗ lớn, có đường kính tối thiểu đến 70cm để làm hóm. Ông Thi nói: “Tôi có 7 năm tham gia lực lượng biên phòng ở mạn biển nên đã một vài lần đi dự đám tang. Dưới ấy, hòm được đóng bằng ván mỏng. Quàn thi hài người mất một ngày thì được, chứ nếu để đến vài ngày như ở đây thì không thể đảm bảo vệ sinh. Phải làm hóm bằng thân cây gỗ khoét rỗng lòng úp vào nhau; sau đó dùng dây buộc thắt chặt lại mới đảm bảo…”.
Nói với ông về quy định của pháp luật trong bảo vệ phát triển rừng, vụ việc rừng nguyên sinh ở Cắm Muộn mới xảy ra, và đặt ra vấn đề nên chăng có thay đổi tập tục giống miền xuôi để giản ước khối lượng gỗ làm hóm… Người già bản Cắm Nọc Lô Văn Thi trầm ngâm một lát rồi chậm rãi: “Nhà nước cấm rừng là đúng rồi. Nhà nước thì không bênh ai, cũng không ghét ai. Nhưng vì nhu cầu, vì báo hiếu nhưng còn khó khăn nên xảy ra việc vào rừng đốn hạ cây. Nhưng chuyện này là trước kia thôi. Bây giờ thì đã không còn, vì người dân đã biết nhà nước cấm vào rừng chặt cây lấy gỗ. Số gỗ bà con bản Cắm tích trữ, đều đã dăm bảy năm. Bây giờ ở đây, những gia đình không tích trữ được gỗ, khi có người thân qua đời thì cũng phải bỏ ra 4 – 5 triệu đồng để mua; hoặc phải nhờ anh em, người thân giúp đỡ… Nhưng gỗ tích trữ được rồi cũng hết, rừng thì phải bảo vệ, mà cây gỗ lớn cũng không còn, có lẽ…”.
Cần sự thay đổi
Rời Cắm Muộn, tôi nghĩ về câu chuyện được nghe từ những người làm công tác bảo vệ rừng ở Quế Phong. Rằng bao quanh Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt có tất cả 62 thôn bản vùng đệm, với hàng ngàn hộ dân đồng bào Thái, Mông, Khơ Mú. Bình quân một năm, có khoảng một vài trăm người già qua đời. Như thế, chỉ tính nhu cầu thiết yếu của họ về làm hậu sự cho người thân, tối thiểu cũng khoảng 100 cỗ. Và với tập tục như đồng bào Cắm Muộn, để làm một cỗ hậu sự, sẽ cần khoảng 3m3 gỗ nguyên khối. Như vậy, bình quân mỗi năm 62 thôn bản vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt ít nhất cũng cần khoảng 300m3 gỗ nguyên khối. Đời sống đồng bào vùng đệm còn hết sức khó khăn. Tiền không có, trong khi rừng bao quanh nhà, sẽ dẫn đến việc đồng bào bằng cách này cách khác sẽ vào rừng lấy gỗ. Và như thế đồng nghĩa với vi phạm pháp luật. Làm sao đây?
Day dứt câu hỏi này. Nghĩ, phải chăng trong những tập tục, văn hóa… lâu đời của đồng bào các dân tộc vẫn còn những vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, để có sự thay đổi? Hay trong việc thực hiện chính sách giao đất, giao rừng, ngoài quy định về khoản tiền khoán bảo vệ rừng, cần quy định thêm về một số quyền lợi cho người dân, trong đó có quy định về giải quyết hạn mức nhu cầu gỗ thiết yếu?