Niềm tin báo chí truyền thống trở lại từ cơn khủng hoảng COVID-19

Huy Hoàng

Như một thói quen, cứ mỗi sáng đầu ngày, bà Trần Minh Thu, giám đốc một công ty du lịch hàng đầu tại Việt Nam, mở điện thoại và lướt đọc tin tức trên News Feed của Facebook. Nhiều tin tức về tình hình dịch COVID-19 đã ảnh hưởng ra sao ngành du lịch Việt Nam hiện lên trước mắt bà nhưng vị giám đốc trẻ tuổi này thận trọng hơn khi chọn lọc nguồn tin được xác thực, bà quay về cập nhật thông tin trên các đầu báo chính thống thay vì tin vào những đồn thổi trên mạng xã hội.

Tương tự, hai tháng trước đây, bà Cao Thanh Trang, giáo viên cấp 1 ở TPHCM, theo dõi hằng giờ những thông tin mới nhất về số ca nhiễm bệnh ở Việt Nam cũng như khi nào học sinh và giáo viên sẽ trở lại trường khi đại dịch qua đi. Những tranh cãi xung quanh về việc có nên cho trẻ đi học hay ở nhà được bàn tán râm ran trên mạng xã hội nhưng bà Trang chỉ đọc những cập nhật mới nhất từ các trang báo chính thống.

Trên đây là hai trong số rất nhiều trường hợp người Việt Nam quay trở lại đặt niềm tin vào báo chí truyền thống thay vì tin vào những đồn thổi trên mạng xã hội trước đây. Dĩ nhiên, trong cơn khủng hoảng Corona vừa qua, việc tung tin giả, tin đồn sai sự thật tràn lan trên các cộng đồng mạng là không thể tránh khỏi nhưng để xác định đâu là tin đúng, người đọc vẫn tỉnh táo chọn lựa các trang báo truyền thống phiên bản online để cập nhật hiểu biết cho mình. Và đó là lẽ dĩ nhiên vì sao lượng truy cập vào các báo truyền thống để xem tin tức ngày càng được tăng cao, nhất là trong 3 tuần cao điểm khi toàn Việt Nam buộc phải tuân thủ việc giãn cách xã hội một cách nghiêm ngặt.

Sự trở lại mạnh mẽ của báo chí truyền thống

Tiến sĩ Clāra Ly-Le, Giám đốc Điều hành EloQ Communications, cho biết trong hội thảo trực tuyến “Bước vào thời hậu đại dịch: Những mối quan hệ mới với công chúng mới”, theo thống kê từ Similar Web có sự trở lại tương đối mạnh mẽ của báo chí truyền thống khi lượng truy cập, đọc tin từ các trang báo chính thống tăng vọt vì người đọc muốn lọc tin giả tràn lan trên mạng xã hội, do vậy, họ dành niềm tin cho các đơn vị làm báo chuyên nghiệp hơn.

Một nghiên cứu của Edelman’s Trust Barometer thực hiện với trên 1.200 người tại 12 quốc gia ở châu Mỹ, châu Âu và châu Á, đều chỉ rằng người dân nơi đây lựa chọn kênh thông tin báo chí là nguồn đáng tin cậy để cập nhật các thông tin mới nhất liên quan đến đại dịch COVID-19. Truyền thông truyền thống đã đạt một cột mốc mới 69% về mức độ tín nhiệm của khách hàng trên toàn cầu trong vòng 5 tháng qua. Lo ngại về tin giả vẫn là một vấn đề lớn hiện hữu trong công chúng. Bất kỳ khảo sát nào cũng cho thấy phần lớn người ta lo ngại trước sự lan truyền thông tin không chính xác liên quan tới sự lây lan của đại dịch, và bắt đầu tìm đọc những kênh báo truyền thống.

“Và Việt Nam không là ngoại lệ. Báo chí chính thống cũng đã khẳng định vai trò của mình với khả năng xác minh và đưa tin chính xác. Độ xác thực chính là ưu điểm để báo chí cạnh tranh với mạng xã hội. Vào đầu dịch, khi rất nhiều thông tin giả bị lan truyền trên mạng xã hội gây hoang mang, thì dư luận đã quyết định đặt niềm tin vào các trang báo uy tín. Trong thời gian cao điểm của dịch bệnh, nhiều trang báo điện tử tại Việt Nam đều chứng kiến lượng truy cập tăng đáng kể”, bà Clāra nói thêm.

Ông Nguyễn Trọng Phước, Thư ký tòa soạn báo Thanh Niên, đồng quan điểm khi cho rằng báo mạng ở Việt Nam có lượt truy cập tăng vọt trong đợt dịch Corona vừa qua là chính xác. Còn theo bà Trang Phạm, biên tập viên cấp cao báo Tuổi Trẻ tiết lộ, trong đỉnh điểm bùng phát dịch COVID-19 ở Việt Nam, lượt truy cập vào báo Tuổi Trẻ tăng đột biến, có ngày lượng truy cập tăng từ 7-10 lần so với những ngày trước khi có dịch xảy ra. Bà chia sẻ: “Thông tin mà đọc giả quan tâm hằng giờ là những bài viết ghi nhận các ca nhiễm ghi nhận trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, hiện nay, độc giả cũng còn quan tâm đến diễn biến ca nhiễm số 91 ở Việt Nam là phi công người Anh để biết được cập nhật tình hình sức khỏe của ông”.

Niềm tin vào báo chí truyền thống tăng cao

Do mối lo ngại về tin giả, người dùng đang quay lưng với truyền thông xã hội và không coi đó như một nguồn tin đáng tin cậy. Một báo cáo mới của Edelman cũng chỉ ra rằng, niềm tin đối với báo chí truyền thống đã tăng lên mức cao là 65% trong khi với truyền thông xã hội tương đối thấp, chỉ là 43%. Người dùng Việt Nam đang quay trở lại với các cơ quan báo chí để tìm kiếm một bộ lọc an toàn cho những thông tin đáng tin cậy.

Ông Duy Nguyễn, biên tập viên tờ Saigon Tiếp thị, cho hay, ngoài tin tức nóng hổi về COVID-19 thì bạn đọc còn dành sự quan tâm đến mục ẩm thực, du lịch, thể thao vận động và sức khỏe cho bản thân, gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ. Đó là những lý do vì sao lượng truy cập vào các trang báo mạng trong suốt thời gian dịch Corona tăng nhanh đột biến, dao động ở mức tăng từ 2 đến 10 lần so với thời gian trước đây, và đến hiện nay, các tờ báo cũng đang giữ chân độc giả bằng những thông tin thời sự xã hội nóng hổi có mối liên quan mật thiết đến đời sống của người dân Việt Nam và quốc tế.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong hoạt động thông tin, báo chí điện tử đang chịu sự cạnh tranh gay gắt của mạng xã hội. Những lợi thế về thông tin nhanh nhạy, kịp thời, phủ kín mọi khía cạnh của đời sống kinh tế – xã hội trong và ngoài nước trước kia thuộc về báo chí điện tử thì nay mạng xã hội có phần chiếm ưu thế hơn. Dù báo chí điện tử dù trong nhiều trường hợp “chậm chân” hơn mạng xã hội, nhưng luôn duy trì lợi thế về khả năng nêu đúng sự thật, có thể kiểm chứng, độ tin cậy cao, khả năng thông tin sâu và rộng về một vấn đề, đa chiều và cân bằng, đặc biệt là có khả năng thể hiện tốt hơn nhiều khi sử dụng những nguồn lực tổng hợp, từ công nghệ cho đến thế mạnh về dữ liệu và nguồn tin…

Bà Vi Mai, Trưởng phòng Quan hệ Công chúng EloQ Communications, nói: “Với khả năng liên kết vô cùng lớn nhờ vào hyperlink, các từ khoá, web link, hồ sơ đính kèm, cùng khả năng lưu trữ lớn… báo điện tử giúp cho công chúng dễ dàng tiếp nhận và tìm kiếm thông tin. Chính vì vậy báo điện tử có khả năng lan tỏa thông tin, thu hút độc giả đến với nguồn tin đáng tin cậy và chính xác, từ đó góp phần làm tăng tính hiệu quả trong công tác truyền thông, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin của đông đảo bạn đọc”.

Theo báo cáo của công ty dịch vụ nghiên cứu thị trường Việt Nam Q&Me, 73% người tham gia khảo sát cho biết họ đọc tin tức trên báo mạng, 40% người đọc báo mạng trên điện thoại thông minh.

Tại Việt Nam, báo chí chính thống đã giữ vững vị thế của mình với khả năng cung cấp thông tin chính xác cho độc giả. Độ xác thực chính là ưu thế để báo chí điện tử có thể cạnh tranh với các trang mạng xã hội. “Với tư cách là người làm truyền thông, đây là điều đáng lưu ý khi chọn các kênh tiếp cận công chúng trong những chiến dịch hậu đại dịch. Trước đây, một thời gian rất dài, các khách hàng đều ưu tiên mạng xã hội, nhưng qua mùa dịch này, báo chí truyền thống chắc chắn sẽ quay trở lại trong các bản kế hoạch truyền thông”, bà Clāra kết luận.

Tác giả Vi Mai là Trưởng phòng Truyền thông & Quan hệ công chúng của EloQ Communications. Vi có 10 năm kinh nghiệm ngành báo chí và tiếp thị mạng xã hội, đồng thời là người lên kế hoạch chiến lược cho nhiều dự án của EloQ.

EloQ Communications